1. Căn bệnh viêm gan B có nguy hiểm cho trẻ không?
Viêm gan B, hay còn gọi là viêm gan siêu vi B, là căn bệnh truyền nhiễm do virus siêu vi B (HBV) gây ra, lây truyền qua các đường từ mẹ sang con, quan hệ tình dục, truyền máu, hoặc do tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Trong đó, 2 con đường dễ lây truyền nhất là từ mẹ sang con và tiếp xúc với người thân trong gia đình, hoặc những người bị nhiễm bệnh.Đặc biệt, trẻ là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh này nhất, vì sức đề kháng của trẻ yếu hơn so với người lớn. Thế nên, việc tiêm phòng viêm gan B là biện pháp giúp tăng sức đề kháng để chống lại sức mạnh của các virus gây bệnh.
Trẻ bị nhiễm viêm gan siêu vi B có thể không xuất hiện những biểu hiện rõ rệt, với những trường hợp này, trẻ có thể tự hồi phục. Nếu bệnh chuyển biến cấp tính hoặc mãn tính, khi đến độ tuổi trưởng thành, có thể gây ra các biến chứng nặng hơn, như xơ gan hay ung thư gan, đây là 2 trong số những nguyên nhân có tỷ lệ cao khiến trẻ tử vong.
Vì vậy, tiêm vắc xin phòng viêm gan B ở những năm đầu đời là giải pháp tối ưu để bảo vệ sức khỏe của bé yêu. Tuy nhiên, việc làm này chỉ mang lại hiệu quả tối đa khi trẻ được tiêm sớm và đủ số mũi theo lịch tiêm chủng quốc gia.
2. Trẻ cần được tiêm phòng viêm gan B mấy mũi?
Viêm gan B hiện chưa có thuốc điều trị dứt điểm, nhưng hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa căn bệnh này. Nếu trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch, thì mẹ không cần quá lo ngại việc trẻ có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Vậy tiêm phòng viêm gan B cho trẻ mấy mũi để đạt hiệu quả cao nhất?
- Trong chương trình tiêm chủng quốc gia , các trẻ dưới 12 tháng tuổi cần đảm bảo đủ 3 hoặc 4 mũi tiêm. Một số trẻ chỉ cần tiêm đủ 3 mũi trước 12 tháng tuổi cũng đủ tạo miễn dịch để phòng bệnh.
- Ở những trẻ có mẹ bị nhiễm viêm gan siêu vi B, trẻ cần được tiêm đủ 4 mũi. Bác sĩ khuyến cáo trẻ cần được tiêm mũi đầu tiên ngay sau sinh trong vòng 24h. Mũi tiêm này có tác dụng giảm 90-95% khả năng bị nhiễm bệnh. Các mũi tiêm sau đó lần lượt thực hiện khi trẻ đủ 1, 2 và 12 tháng tuổi.
- Nếu mẹ không bị nhiễm bệnh, trẻ chỉ cần tiêm đủ 3 mũi vào các khung thời gian: mũi tiêm thứ nhất trong vòng 24h sau sinh, mũi tiêm thứ 2 lúc 1 tháng tuổi và mũi tiêm thứ 3 khi trẻ đủ 6 tháng tuổi. Sau 12 tháng tuổi, trẻ có thể tiêm bổ sung 1 mũi thứ 4 để nhắc lại vào lúc trẻ từ đủ 16 đến 18 tháng tuổi.
- Nếu trẻ thuộc nhóm đối tượng mắc bệnh mãn tính, sinh non không đủ 2.5 kí, hoặc đang sốt, bị dị ứng, trẻ có thể bỏ qua mũi tiêm này, vì nếu được tiêm chậm hơn khoảng thời gian đó sẽ không đảm bảo hiệu lực của vắc xin.
Một số mẹ lo ngại cho sức khỏe trẻ khi phải tiêm vắc xin viêm gan B cùng các loại vắc xin phòng bệnh khác. Tuy nhiên, theo ý kiến từ các chuyên gia, điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của trẻ.
3. Nếu đã bị nhiễm viêm gan B, trẻ cần tiêm mấy mũi?
Việc tiêm vắc xin viêm gan B chỉ có tác dụng đối với cơ thể chưa bị nhiễm bệnh, do đó trước khi tiêm chủng, trẻ cần được xét nghiệm xem có bị nhiễm bệnh chưa. Nếu phát hiện trẻ từng nhiễm viêm gan siêu vi B, mẹ không cần cho trẻ tiêm phòng. Khi đó, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tiến hành điều trị tùy theo tình trạng bệnh nặng hay nhẹ.
Các bác sĩ khuyến cáo, tiêm ngừa cho trẻ ngay từ khi chào đời là biện pháp hiệu quả nhất trong việc phòng bệnh viêm gan B. Mặc dù tiêm phòng không đảm bảo là trẻ sẽ không bị nhiễm bệnh, nhưng đây là giải pháp tối ưu trong việc ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm sau này.
4. Một số phản ứng trẻ có thể gặp sau tiêm phòng viêm gan B
Vắc xin phòng viêm gan B được kiểm duyệt là an toàn và lành mạnh cho trẻ, tuy nhiên, tùy cơ địa trẻ, có một số trường hợp xảy ra phản ứng sau tiêm . Hầu hết phản ứng sau tiêm phòng viêm gan B đều nhẹ, trẻ có thể tự hồi phục sau 1 đến 2 ngày, mẹ không cần quá lo lắng.
Dưới đây là một số trường hợp có thể xảy ra, mẹ cần chú ý theo dõi để có phương án xử lý tốt nhất:
- Trẻ thường quấy khóc hoặc bỏ bú.
- Trẻ bị sốt nhẹ.
- Vùng da gần vết tiêm bị sưng tấy.
- Trẻ bị nổi mẫn, có cảm giác ngứa toàn thân.
Trong trường hợp trẻ bị sốt cao và kèm theo quấy khóc hàng giờ, mặt tím tái, mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để nhanh chóng tìm ra biện pháp xử lý kịp thời cho trẻ.
Như vậy, mẹ cần theo dõi lịch tiêm chủng quốc gia và lịch tiêm viêm gan B, bên cạnh đó, nắm rõ thể trạng con, để xác định đúng cần tiêm phòng viêm gan B cho trẻ mấy mũi. Bởi, tiêm phòng là biện pháp an toàn và thiết thực nhất để giúp giảm tối đa nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm ở trẻ .
Thủy Nguyễn tổng hợp