1. Bệnh viêm gan B và hiệu quả của vắc xin phòng viêm gan B
1.1. Bệnh viêm gan B ở trẻ
Viêm gan B là căn bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ra, dẫn đến viêm gan, hoại tử tế bào gan mạn tính hoặc cấp tính. Mức độ truyền nhiễm của căn bệnh này rất cao, nhất là ở trẻ nhỏ - với sức đề kháng yếu - chính là đối tượng dễ bị lây bệnh.
Trẻ có thể bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ truyền sang, bị lây qua đường máu do tiêm chích hoặc truyền máu, tiếp xúc với người thân trong gia đình, hoặc những người xung quanh đang mắc bệnh. Viêm gan B được xem là môt mối nguy hiểm đến cả sức khỏe và đe dọa tính mạng của trẻ. Rất nhiều trường hợp trẻ bị nhiễm bệnh đã chuyển sang giai đoạn xơ gan, ung thư gan, và tỷ lệ trẻ tử vong do căn bệnh này cũng ngày càng tăng.
1.2. Tác dụng của vắc xin phòng viêm gan B
Vắc xin phòng viêm gan B, với tên gọi HBV, có tác dụng kích thích cơ thể tạo kháng thể, tăng hệ miễn dịch, để chống lại sự xâm nhập của virus viêm gan B. Đây là loại vắc xin đã được kiểm định an toàn và được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới.
Căn bệnh viêm gan B cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, và việc chữa trị khá tốn kém, nên tiêm vắc xin là biện pháp được Tổ chức y tế thế giới khuyến cáo để bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh truyền nhiễm này. Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ được thực hiện đầy đủ và đúng lịch sẽ giúp giảm đến khoảng 95% nguy cơ bị lây nhiễm, đồng thời, còn hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm.
2. Trường hợp nào trẻ cần hoãn tiêm phòng viêm gan B?
Trước khi tiêm bất kỳ loại vắc xin phòng bệnh nào, trẻ cũng cần được kiểm tra tình trạng sức khỏe. Nếu xác định con mình thuộc một trong các trường hợp dưới đây, mẹ cần phải hoãn tiêm cho trẻ:
- Trẻ thuộc nhóm đối tượng sinh non, sinh khó, cân nặng nhẹ dưới 2,5 kí, mẹ bị sốt, nước ối bẩn, trẻ bị dị tật,...
- Trẻ đang bị nhiễm bệnh cấp tính, sốt cao, mắc các bệnh liên quan đến dị ứng và miễn dịch.
Mọi đối tượng, dù là trẻ em hay người lớn, đều cần được xét nghiệm máu trước khi tiêm phòng, để sàng lọc một số trường hợp không nên tiêm vắc xin . Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả HBsAg và antiHBs để xác định trẻ có bị nhiễm viêm gan B hay không, và cơ thể có khả năng tự bảo vệ không:
- HBsAg (-), antiHBs (+): Trẻ bị nhiễm và đã khỏi bệnh, kháng thể đủ mạnh để có thể tự bảo vệ, và không nhất thiết phải tiêm ngừa.
- HBsAg (+), antiHBs (-): Trẻ đang bị nhiễm bệnh và cơ thể chưa được bảo vệ, trong trường hợp này, không cần tiêm phòng vì nếu tiêm cũng không đem lại tác dụng.
3. Lịch tiêm phòng viêm gan B cho trẻ mẹ nên chú ý
Với bé dưới 12 tháng tuổi, mẹ cần cho trẻ tiêm vắc xin đúng như lịch tiêm chủng chương trình Y tế quốc gia . Theo đó, lịch tiêm phòng viêm gan B cụ thể cho trẻ được áp dụng như sau:
3.1. Trường hợp mẹ không nhiễm bệnh
Trẻ cần đảm bảo đây đủ 3 mũi tiêm theo từng khoảng thời gian dưới đây:
- Tiêm mũi đầu tiên trong vòng 24 giờ hoặc 1 tuần sau sinh
Nếu trường hợp người mẹ đang mắc bệnh viêm gan B, thì việc tiêm phòng cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh là điều bắt buộc, để giúp trẻ giảm đến 90% nguy cơ bị lây nhiễm virus gây bệnh từ mẹ sang. Hiệu lực của vắc xin sẽ giảm dần sau khoảng thời gian đó, và có thể không phát huy tác dụng nếu trẻ được tiêm sau 7 ngày.
Trong trường hợp mẹ không bị nhiễm bệnh, hoặc trẻ thuộc một trong các nhóm đối tượng phải hoãn tiêm phòng trên, thì mẹ cần hoãn thời gian tiêm cho bé nhưng không được quá lâu, tối đa chỉ trong vòng 1 tuần sau sinh.
- Mũi tiêm thứ 2 sau khi sinh 1 tháng.
- Mũi tiêm thứ 3 khi trẻ được 6 tháng tuổi.
3.2. Trường hợp mẹ nhiễm bệnh
Trong trường hợp có mẹ bị nhiễm bệnh, trẻ cần được đảm bảo đủ 4 mũi tiêm với thời gian cụ thể như sau:
- Mũi đầu tiên trong vòng 24 giờ sau sinh.
- Mũi thứ 2 sau khi sinh được 1 tháng.
- Mũi thứ 3 tiêm vào tháng thứ 2.
- Mũi thứ 4 nhắc lại khi trẻ đủ 12 tháng tuổi.
Sau tiêm phòng, trẻ có thể xuất hiện một số phản ứng không mong muốn, như sốc phản vệ , sốt cao,...Mẹ cần tìm hiểu cẩn thận những lưu ý khi đưa con đi tiêm vắc xin để kịp thời xử lý, tránh hậu quả đáng tiếc.
Lịch tiêm phòng viêm gan B cho trẻ là cơ sở giúp mẹ thực hiện đầy đủ các mũi vắc xin đúng lịch, giúp ngừa bệnh viêm gan siêu vi B cho bé yêu. Nếu mẹ nhiễm căn bệnh này, trước hết, hãy hỏi ngay ý kiến bác sĩ để có hướng xử lý phù hợp cho con mình. Những năm đầu đời là giai đoạn rất quan trọng đối với sự phát triển về sau của trẻ, do đó, hãy bảo vệ sức khỏe con yêu khỏi các căn bệnh nguy hiểm bằng biện pháp tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch mẹ nhé.
Thủy Nguyễn tổng hợp