Thai nhi 33 tuần tuổi và những điều đặc biệt mẹ nhất định nên biết

banner ads
Thai nhi 33 tuần tuổi
Thai nhi 33 tuần tuổi gần giống em bé. Ảnh Internet 

1. Thai nhi 33 tuần tuổi đã phát triển như thế nào

  • Thai nhi 33 tuần tuổi có kích cỡ bằng 1 quả dứa. Con nặng trung bình khoảng 1,9kg và dài khoảng 43,7cm. Cũng có bé ở mức 2kg đến 2,1 kg và dài trên 43,7cm. Con có thể tăng thêm cả về cân nặng lẫn chiều dài đáng kể trong tuần thai này vì đây là khoảng thời gian con phát triển rất nhanh.
  • Lớp da nhăn nheo của con dần căng do lớp mỡ dày dần lên. Lớp mỡ này sẽ giúp con có thể ổn định thân nhiệt khi ra đời.
  • Thai nhi 33 tuần tuổi phát triển mạnh về trí não, con mở mắt khi thức và nhắm mắt khi ngủ.
  • Bé bắt đầu phối hợp tốt hơn nhịp thở của mình với hoạt động mút và nuốt - con đang luyện tập để nhuần nhuyễn kỹ năng quan trọng này để chuẩn bị cho cuộc sống của mình sau khi ra khỏi bụng mẹ.
  • Ở tuần 33, thai nhi đã có hệ thống miễn dịch của riêng mình. Những kháng thể từ bạn truyền qua cho bé sẽ góp phần giúp con phát triển hệ thống miễn dịch tốt hơn và đây chính là nền tảng giúp con chống trọi lại vi khuẩn vi trùng khi con ra đời. 
Thai nhi 33 tuần mở mắt
Ở tuần 33, khi ngủ thai nhi nhắm mắt và con mở mắt khi thức. Ảnh Internet 

2. Những điểm đặc biệt khác của thai nhi ở tuần thứ 33

2.1. Bạn sẽ cảm nhận rất rõ ràng chuyển động của bé

Thai nhi 33 tuần tuổi đã có kích cỡ đủ to, cũng như mức nước ối ở tuần này đã đạt đến mức tối đa. Vì thế, khi con chuyển động trong bụng, bạn sẽ cảm nhận rõ ràng hơn trước đó rất nhiều.

So với các tuần thai trước đó, ở tuần 33, bạn cảm nhận vô cùng rõ ràng mỗi khi con cựa mình chuyển động. Nếu bạn ngồi thư giãn và quan sát bụng mình, nếu là khi con đang thức và chuyển động, bạn không chỉ cảm nhận mà còn quan sát thấy bụng mình nhấp nhô như thế con đang ra sức đạp vào thành bụng của bạn vậy. 

Thai 33 tuần đạp
Vì con đã lớn, nên khi con chuyển động, bạn có thể cảm thấy như con đang đạp mạnh vào thành bụng mình. Ảnh Internet 

2.2. Con đã phân biệt được ngày và đêm, nhìn thấy một số điều xảy ra bên ngoài tử cung

Như đề cập từ đầu bài viết ở tuần 33 thai nhi của bạn sẽ nhắm mắt khi ngủ và mở mắt khi thức ngày càng giống một em bé. Thị lực của bé đang rất phát triển thời gian này.

Ở tuần thai 33, bức tường tử cung đã mỏng hơn trước, khi bạn ở chỗ sáng, ánh sáng có thể xuyên qua bức tưởng mỏng này. Còn, thị giác của con thì đã rất phát triển nên con đã có thể cảm nhận được luồng sáng ấy. Nhờ vậy, con phân biệt được ngày, đêm và nhớ sự khác biệt đó. Sự phát triển của thị giác, và do bức tường tử cung mỏng đi giúp con có thể nhìn thấy một số điều xảy ra bên ngoài tử cung.

2.3. Con có thể nghe giọng nói của bạn rõ ràng

Điều này có lẽ là một trong những điều đặc biệt nhất trong sự phát triển của thai nhi 33 tuần tuổi . Bạn sẽ phải ngạc nhiên và không thể kìm nén được hạnh phúc khi biết rằng, con đã đủ lớn để nhận biết giọng nói của bạn rõ ràng hơn trước đó rất nhiều.

Khi nghe giọng của bạn, nhịp tim của bé sẽ chậm lại một chút, đồng nghĩa với việc con bình tĩnh hơn - thật đặc biệt phải không bạn! 

Con có thể nghe giọng nói của bạn
Con có thể nghe giọng nói của bạn. Ảnh Internet 

2.4. Xương của con cứng cáp hơn

Ở thời điểm thai 33 tuần, xương của thai nhi đã cứng cáp hơn rất nhiều. Tuy nhiên hộp sọ của con vẫn mềm và đủ linh hoạt để con có thể đi qua đường sinh dễ dàng hơn khi ra đời. Bạn cũng đừng lo lắng nếu khi sinh ra đầu của con hơi méo một chút, do các điểm mềm của hộp sọ linh động cho đến thời điểm sinh để con có thể chui qua ống sinh thuận lợi. Các điểm mềm sẽ khớp và cứng lại trong 2 năm đầu đời của bé.

3. Tình trạng của mẹ bầu ở tuần thai thứ 33

3.1. Nhức đầu và khó thở

Đây là 2 triệu chứng rất nhiều mẹ bầu gặp phải khi ở tuần thai 33 này. Tình trạng nhức đầu xuất hiện do những thay đổi của nội tiết tố. Còn tình trạng khó thở khi mang thai , diễn ra thường xuyên trong thai kỳ chứ không chỉ riêng tuần thai 33, nguyên nhân là do thai nhi tăng nhiều về kích thước, cân nặng chèn ép khiến mẹ khó thở, cảm thấy nặng nề. 

Mẹ bầu thấy khó thở
Bạn có thể cảm thấy nhức đầu và thường xuyên khó thở. Ảnh Internet 

3.2. Bạn sẽ hay quên

Mặc dù chưa có những chứng minh rõ ràng lý do tại sao mẹ bầu rất hay quên ở giai đoạn thai 33 tuần hay tam cá nguyệt thứ 3, song tình trạng mẹ hay quên được cho có thể là do sinh lý của mẹ thay đổi mạnh mẽ. Bên cạnh đó căng thẳng, lo lắng và sự mong ngón con ra đời bởi đã ở những tháng gần cuối thai kỳ được xem là những tác nhân khiến mẹ hay quên trước quên sau.

3.3. Bạn trở nên nóng bỏng và có thể sẽ có ham muốn tình dục mạnh mẽ

Ở tuần thai 33, bạn có thể cũng tăng cân mạnh, ngực tiếp tục tăng kích cỡ và bạn trở nên gợi cảm hơn bởi những đường cong quyến rũ. Nhiều mẹ bầu có ham muốn mạnh ở thời gian này. Theo các chuyên gia và bác sỹ sản khoa, nếu sức khỏe của bạn tốt, thai kỳ ổn định và không có bất cứ khuyến cáo nào liên quan, thì bạn hãy cứ tận hưởng đời sống tình dục của mình. Với nhiều cặp vợ chồng, sinh hoạt tình dục thời gian này được cho là diễn ra tuyệt vời hơn cả, sự gần gũi này không chỉ khiến cho sự nặng nề mệt mỏi của thời gian mang thai giảm đi, còn có tác dụng tăng thêm sự gắn kết thân mật giữa hai vợ chồng. 

Bà bầu đẹp
Ở tuần 33 của thai kỳ, có thể bạn sẽ chợt thấy mình rất gợi cảm và quyến rũ. Ảnh Internet 

3.4. Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy bụng mình căng cứng

Có thể bạn sẽ rất lo khi thỉnh thoảng thấy bụng căng cứng trong tuần thai này. Đây có thể là những cơn co thắt Braxton Hicks. Braxton Hicks thường xuất hiện sau khi quan hệ tình dục hoặc sau khi bạn tập thể dục.

Nếu các cơn chuyển dạ thật có thể diễn ra càng dày và không thuyên giảm cho dù bạn có làm gì, thì các cơn co thắt Braxton Hicks sẽ dừng lại khi bạn thay đổi vị trí. Như vậy, Braxton Hicks khác với các cơn đau chuyển dạ thật nên bạn hãy lưu ý điều này để không lo lắng quá nhé.

3.5. Bạn sẽ thường xuyên mất ngủ

Vì cơ thể đã nặng nề hơn, bụng to hơn làm cho bạn khi nằm không còn cảm thấy thoải mái. Bên cạnh đó, chân bạn hay bị chuột rút, gặp chứng ợ nóng ,...cộng thêm những lo lắng càng gần ngày sinh sẽ khiến bạn thường xuyên mất ngủ. 

Bà bầu khó ngủ
Bụng lớn và nặng nề khiến bạn khó ngủ. Ảnh Internet 

4. Lưu ý quan trọng dành cho mẹ

  • Khi thai nhi 33 tuần tuổi, tình trạng sinh non hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, nếu bạn thấy bị chuột rút nghiêm trọng, chảy máu âm đạo, tiết dịch âm đạo bất thường, rỉ nước ối, xương chậu bị áp lực nhiều thì hãy cảnh giác và đừng chủ quan. Các dấu hiệu này rất có thể là dấu hiệu sinh non.
  • Tình trạng mất ngủ thường xuyên xảy ra với mẹ bầu ở tuần thai này. Mất ngủ tác động xấu đến sức khỏe, làm bạn mệt mỏi và mất sức. Vì thế, bạn cần cố gắng nhất có thể để tạo sự thoải mái cho bản thân. Bạn có thể tắm hoặc ngâm chân với nước ấm, massage trước khi đi ngủ, tránh suy nghĩ nhiều, không tập thể dục quá sức hay ăn quá no vào buổi tối để mình dễ ngủ hơn.
  • Tuần 33 là thời điểm thai nhi phát triển mạnh về trí não, trong khi đó axit béo omega-3 hay DHA rất có lợi cho sự phát triển này của bé. Vì thế, bạn nên dùng thực phẩm giàu axit béo này trong thực đơn của mình. Không chỉ có lợi cho sự phát triển trí não, DHA cũng rất cần cho việc phát triển thị lực của bé, tốt cho chính bạn cụ thể là góp phần ngăn ngừa chuyển dạ sớm, giảm trầm cảm sau sinh. 
Thực phẩm giàu omega  3
Bạn nên bổ sung thực phẩm giàu omega-3 có lợi cho phát triển thần kinh của thai nhi ở thời gian này. Ảnh Internet

Thai nhi 33 tuần tuổi là khi mẹ cảm nhận sự lớn lên của con càng rõ ràng. Điều này hẳn sẽ khiến cho mọi mẹ bầu đều cảm thấy rất hạnh phúc, kèm theo đó chắc chắn còn có cả sự hồi hộp, lo lắng vì chẳng còn bao lâu nữa thì đến ngày mình sinh. Để cho những ngày của tuần thai thứ 33 và những tuần còn lại trôi đi một cách êm ái, mẹ hãy giữ tinh thần của mình thật tốt, chăm lo dinh dưỡng, tránh lo âu và tận hưởng những ngày tháng bầu bí cuối thai kỳ trong tâm trạng thật thoải mái. Như thế, mẹ có sức khỏe tốt để con cũng khỏe mạnh và đủ bình tĩnh để chuẩn bị chu đáo những gì cần thiết cho ngày sinh con cận kề.

Nguồn tham khảo: The Bump, What to Expect & Pampers

Cát Lâm tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI