Tập thiền có tốt cho phụ nữ mang thai hay không?

Bất kỳ người mẹ nào trong giai đoạn thai kỳ đều trải qua những biến đổi cảm xúc nhất định. Những cảm xúc của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi. Thiền là một phương pháp giúp mẹ bầu nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực và làm hạn chế những cảm xúc tiêu cực. Cùng xem qua nhé!

banner ads

Thiền là gì?

Thiền có thể hiểu là trạng thái tâm linh vút cao của một hành giả đã chứng ngộ. Với nghĩa này, Thiền cũng là Đạo, là Phật, là Tâm… Thiền cũng có thể được nhìn dưới một góc độ gần gũi hơn, là trạng thái của tâm khi thấy nghe hay biết tất cả sự vật hiện tượng xảy ra xung quanh, mà không có một ý niệm phân biệt so sánh.

thien
Mẹ bầu nên thực hành thiền định

Tại sao mẹ bầu nên ngồi thiền?

Khi mang thai, phụ nữ trải qua một loạt biến đổi tâm lý như sau:

  • Mẹ bầu thường có những cảm xúc lẫn lộn, đó là do những thay đổi trên cơ thể cũng như những thay đổi sắp xảy ra trong cuộc sống. Một phút trước còn cảm thấy vui vẻ, phút sau lại buồn chán tột độ.
  • Mẹ bầu lo lắng đủ kiểu. Phải làm sao nếu nước ối vỡ khi đang làm việc? Làm sao nếu mình không thể đến bệnh viện kịp? Làm sao nếu có điều gì đó không ổn xảy ra cho con?  Mình có phải là người mẹ tốt không? Mẹ bầu có trăm ngàn mối lo về chuyện tương lai với con cái.
  • Mẹ bầu hay quên, thỉnh thoảng rời khỏi nhà với cánh cửa mở toang, không khóa. Thậm chí có khi phải suy nghĩ nát óc để nhớ địa chỉ nhà và số điện thoại của mình, mẹ bầu cũng có thể thường xuyên xuống nhà dưới rồi tự hỏi mình định làm gì dưới đây, cuối cùng đi siêu thị rồi phát hiện ra để quên ví ở nhà.
  • Mẹ bầu trở nên ủy mị và đầy cảm xúc. Có thể mọi người nghĩ bạn quá ủy mị nhưng đó là những giọt nước mắt giúp giải tỏa cảm xúc. Nước mắt bạn có thể tuôn ra vài lần một ngày vì những việc nhỏ nhặt như: khi xem một clip quảng cáo trên TV, khi xem một bộ phim tình cảm, khi thấy trẻ em chơi đùa ở công viên, khi nghe một lời khen của đồng nghiệp, bắt gặp một cặp vợ chồng già đang nắm tay, lúc mặt trời mọc, lúc hoàng hôn…

Tuy nhiên, mẹ bầu nên biết rằng, nếu khi mang thai mẹ bầu duy trì tâm lý vui vẻ, thoải mái thì bé cưng sinh ra cũng sẽ khỏe mạnh và vui tươi hơn rất nhiều. Ngược lại, nếu tâm trạng mẹ không ổn định, thường hay “nước mắt ngắn, nước mắt dài” sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là sự phát triển tâm lý và hệ thần kinh của trẻ, chẳng hạn như ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ, trẻ có nguy cơ tăng động cao, trẻ dễ bị rối loạn tâm lý, trẻ có khả năng ngôn ngữ kém….

thiendi
Thiền mang lại lợi ích rất lớn cho mẹ và thai nhi

Những lợi ích nếu mẹ bầu thực hành thiền

    Cân bằng nội tiết tố

Trong giai đoạn mang thai, việc ngồi thiền được xem như một liệu pháp giúp kiểm soát những thay đổi về cả thể chất lẫn tinh thần, nhất là cân bằng hormone. Khi thai phụ cảm thấy “bình ổn”, nội tâm thư thái thì các hiệu ứng bất lợi sẽ giảm theo, giúp bản thân vui khỏe và em bé phát triển tốt.

    Giảm căng thẳng và lo âu

Ngồi thiền cũng có thể giúp các mẹ bầu giảm thiểu những thay đổi bất lợi và những biến động của thai kỳ. Do vậy, ngoài việc vận động, ăn uống cân bằng khoa học, bạn cần biết bố trí thời gian để luyện tập, ngồi thiền, giúp thư giãn và giảm lo âu. 

banner ads

    Tăng cường miễn dịch

Cuối thai kỳ, cơ thể thường mệt mỏi, kiệt sức và luôn cảm thấy bồn chồn, khó chịu. Nếu thực hành thiền, bạn có thể cải thiện tâm tính và mang lại sức sống cho cơ thể chỉ sau một thời gian ngắn. Khi tâm trí được cải thiện, năng lượng được tăng cường thì cơ thể sẽ hồi sinh và tràn đầy sinh lực.

    Giúp máu tuần hoàn tốt

Mẹ bầu có biết, khi thai nhi phát triển, thiền giúp mẹ cảm nhận các cơn gò, hiểu những cơn co thắt nên sẽ biết vận dụng liệu pháp thở đúng cách để vượt qua khó chịu. Thiền giúp tác động lên nhau thai, tăng cường chuyển tải oxy, các chất dinh dưỡng, giúp lưu thông tuần hoàn máu và giảm thiểu nguy cơ biến chứng do thiếu dưỡng khí. Qua đó, tâm trí mẹ bầu ổn định, em bé nhận đủ oxy và các dưỡng chất giúp hạn chế các biến chứng nan y phát sinh trong thai kỳ.

    Tốt cho giai đoạn vượt cạn

Khi vượt cạn, bạn sẽ phải đối mặt với đau đớn thể chất, thậm chí là đau cùng cực và hoảng loạn. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu duy trì cuộc sống vận động, năng thiền, hít thở sâu thì không chỉ giúp cung cấp đủ oxy cho em bé mà còn giúp mẹ khỏe mạnh, có thêm sức mạnh để vượt qua những cơn đau khi lâm bồn và không cần tới sự can thiệp khi vượt cạn.

    Tăng cường DHEA

Ngồi thiền giúp tăng cường miễn dịch, tăng các hormone hữu ích cho cơ thể đặc biệt là DHEA (Dehydronepiandrosterone), một loại hormone vô cùng quan trọng và cần thiết cho các chức năng của cơ thể. DHEA bảo vệ cơ thể chống lại nhiều loại bệnh nan y, củng cố thị lực và nhiều tác dụng khác. 

    Tăng cường tình mẫu tử

Thiền không chỉ được xem là công cụ cải thiện tâm tính, tinh thần cho con người mà còn có tác dụng tăng cường mối liên kết giữa mẹ bầu với con - một hình thức thai giáo (dạy thai từ trong bụng mẹ) để mẹ tự tin với vai trò làm mẹ, nuôi con... Điều này quan trọng cho cả hai, tạo ra sự an toàn và tăng cường yêu thương, loại bỏ những ý nghĩ tiêu cực. Lâu dài, nó còn giúp hạn chế nhiều biến chứng trong giai đoạn thai kỳ gây ra về sau.

2 bài tập thiền cho mẹ bầu

    Ngồi thiền

Bước 1: Chuẩn bị

Chuẩn bị ngồi thiền bạn cần loại bỏ những vướng bận của công việc, cuộc sống. Sau đó, tắm rửa sạch sẽ, lựa chọn trang phục rộng rãi, chọn 1 nơi yên tĩnh.

Bước 2: Tư thế

Tư thế ngồi thiền có thể chọn 1 trong 3: tư thế ngồi xếp bằng thông thường, ngồi bán già hoặc kiết già.

Ngồi xếp bằng

Tư thế ngồi xếp bằng hay còn gọi là ngồi khoanh chân thì quen thuộc với các bạn quá rồi nhỉ? Bạn chỉ cần ngồi khoanh chân, thẳng lưng, hai tay thả lỏng trên đầu gối

Tư thế này dành cho người mới tập thiền hoặc người có vấn đề liên quan tới chân mà không thể ngồi bán già hay kiết già được.

bang
Tư thế ngồi xếp bằng

Ngồi bán già

Ngồi bán già là cách ngồi gác một chân lên bắp vế chân kia. Chỉ ngồi tư thế này thôi thì bạn đã giữ cho cột sống của bạn thẳng thắn, không dễ bị nghiêng ngả những lúc bạn thiền sâu.

Tư thế này thì cũng khá là dễ thực hành nếu chân bạn chưa quá cứng. Trước khi ngồi, bạn tập một vài động tác khởi động nhẹ cho cơ đùi, háng và cổ chân là có thể vắt lên được.

ngoi ban gia
Tư thế ngồi bán già

Tư thế kiết già

Tư thế kiết già (hay còn gọi là tư thế hoa sen) là tư thế thích hợp nhất cho việc ngồi thiền. Để ngồi được kiết già, ban đầu bạn ngồi xếp bằng tự nhiên, dùng hai bàn tay nắm bàn chân phải từ từ gấp chân lại và đặt bàn chân lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Kế tiếp, các bạn dùng hai bàn tay nắm bàn chân trái gấp lại, đặt bàn chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên trời.

ngoi kiet gia
Tư thế ngồi kiết già

Bước 3: Tập trung tinh thần và tâm ý.

Nguyên tắc ngồi thiền đó là cần tập trung. Lúc này những yếu tố bên ngoài không thể ảnh hưởng tới tinh thần của bạn. Tư thế ngồi được hướng dẫn trong bước 2 cũng giúp đáng kể để tăng tính tập trung của bạn.

Ngoài ra, khi ngồi thiền việc loại bỏ thị giác cũng là cách tăng độ tập trung. . Do đó, nên nhắm mắt lúc ngồi thiền (mắt chỉ cần khép hờ để bảo đảm không có sự căng cơ ở vùng mặt).

Ngồi thiền đạt đỉnh khi tinh thần trở nên trống rỗng, không còn vướng mắc vào bất cứ một ý niệm nào. Dần dần bạn sẽ bước vào trạng thái vô thức, thoải mái, không vướng bận các lo lắng, muộn phiền của cuộc sống.

Bước 4: Xả thiền

Để khí huyết lưu thông bình thường, hết tê mỏi. Bạn cần thực hiện 1 vài động tác trước khi đứng dậy. Dùng tay cọ xát làm ấm thoa lên vùng mắt. Sau đó vuốt nhẹ hai sống mũi, từ đầu mũi xuống chót cằm, vuốt ấm vành tai. Cuối cùng dùng tay bóp chân bớt tê, xoay cổ lưng, hông để các cơ giãn.

    Hành thiền (Thiền đi bộ)

Lợi ích:  Loại thiền này giúp nhận biết các cử động cơ bản nhất của quá trình đi bộ: đưa chân lên và đặt chân xuống để có nhận thức đầy đủ hơn đối với cuộc sống thường nhật. Kiểu đi bộ này không nhằm mục đích di chuyển mà để phát triển khả năng nhận thức trong thời điểm hiện tại, giúp mẹ bầu tìm thấy năng lượng bên trong cơ thể

Thời gian tập:  Bắt đầu tập, cố gắng bước khoảng 15 bước theo hai hướng, trong khoảng 5 phút hoặc tập xen kẽ với 5 phút tọa thiền.

Cách tập:

1. Tìm một chốn riêng trong hay ngoài nhà có không gian tối thiểu 6m. Đứng ở tư thế nghỉ với hai bàn chân đặt song song, thả lỏng vai, tay xuôi. Nhìn xuống nền cách 2−2,5m phía trước (nhìn thẳng xuống chân dễ gây xao lãng).

2. Hít vào khi bạn nâng gót chân phải lên. Ngừng lại và thở ra, vẫn để mũi chân tựa vào nền. Lại hít vào khi bạn chầm chậm đưa chân phải lên phía trước. Đặt gót chân phải xuống nền khi bạn thở ra và đặt toàn bộ chân xuống. Chuyển trọng lượng của bạn cân đối giữa hai chân. Ngừng lại cho đủ nhịp thở.

3. Thực hiện tương tự với chân trái. Luân phiên như vậy cho đến 15 bước. Sau đó bạn từ từ đổi hướng, chuyển động tương tự cho đến khi trở về vị trí xuất phát.

Thiền là một phương pháp kỹ thuật đáng kinh ngạc làm cầu nối mang lại niềm hạnh phúc cho mẹ và thai nhi. Mục đích chính của ngồi thiền đó là hoàn toàn thư giãn, người mẹ càng được thư giãn, thai nhi sẽ càng có lợi và năng lượng được truyền đến thai nhi nằm bên trong bụng mẹ càng nhiều. Hãy giành thật nhiều thời gian cho thai nhi bằng cách thực hành thiền để bé yêu sau khi ra đời mang đến cho mẹ thật nhiều niềm vui nhé.

Giáng Ngọc

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI