1. Tại sao trẻ lứa tuổi mẫu giáo lo lắng về những tổn thương và sự khác biệt cơ thể
1.1. Tâm lý và phát triển ở trẻ lứa tuổi mẫu giáo
Các bé lứa tuổi mẫu giáo thường muốn tìm hiểu về nguyên nhân của tất cả mọi thứ. Nếu bé nhìn thấy một người khuyết tật hay bị dị dạng, trước tiên, bé muốn biết chuyện gì đã xảy ra với người đó; rồi bé đặt mình vào vị trí của người đó và tưởng tượng xem nếu tổn thương đó xảy ra với mình thì sẽ như thế nào.
Ngoài ra, bé cũng có hứng thú mạnh mẽ với các hoạt động liên quan đến khả năng thể chất (chạy, nhảy, leo, trèo). Những hoạt động này giúp bé có ý nghĩ rằng cơ thể mình còn nguyên vẹn khỏe mạnh là rất quan trọng, nếu để “bị thương” thì thật sự đáng tiếc. Điều này giải thích vì sao các bé lại tỏ ra buồn bã khi nhìn thấy một cái bánh bị bể vụn, bé sẽ từ chối miếng bánh đó và yêu cầu cái nào còn nguyên vẹn.
1.2. Vậy làm thế nào để đáp ứng những nhu cầu về sự an toàn của các bé?
Các bé lứa tuổi mẫu giáo đã bắt đầu học được sự khác nhau giữa hành vi đúng và sai. Nhờ đó, bé có thể “tuân thủ theo các quy luật về sự an toàn” tốt hơn, nếu những quy luật này được giải thích dễ hiểu đối với bé.
Một số trẻ độ tuổi mẫu giáo vẫn còn thói quen dễ đặt vật lạ vào miệng, do đó có nguy cơ bị nghẹt thở. Còn với ở các bé nhỏ, thì bong bóng và những chiếc găng tay được thổi phồng cũng có thể dẫn đến nguy cơ bị ngạt thở. Vì vậy, phụ huynh cần chú ý chúng nên được sử dụng một cách cẩn thận với khuyến cáo đi kèm. Những cái kéo được dùng cho các bài tập thủ công nên được làm cùn phần đầu (mũi kéo) đi. Và các vật đánh dấu, bút màu, hồ dán, cùng những thiết bị công nghệ khác nên được kiểm tra. Đặc biệt là chúng không có chất độc hại và được kiểm duyệt cho các bé từ 3 đến 5 tuổi sử dụng.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần lưu ý vấn đề thắt dây an toàn/ giữ an toàn cho con khi ngồi trên xe.
2. Những khác biệt về cơ thể
2.1. Trẻ độ tuổi mẫu giáo lo lắng nhiều về những khác biệt cơ thể
2.1.1. Các bé trai lo lắng về sự khác biệt cơ thể như thế nào
Một số bé mẫu giáo trở nên lo lắng về những khác biệt giữa người nam và người nữ. Nếu một bé trai nhìn thấy một cô gái không mặc quần áo gì cả, cậu sẽ nhận ra rằng cô ấy không có dương vật giống mình, rồi cậu tự hỏi “Cái để tiểu của cô ấy đâu nhỉ?”. Nếu không nhận được câu trả lời thỏa đáng ngay lúc đó, cậu sẽ tự mình đi đến kết luận rằng, đã có tai nạn xảy ra với cô ấy. Tiếp đến là sự xuất hiện của những ý nghĩ gây lo âu “Điều tồi tệ đó cũng có thể xảy ra với mình nữa!”
2.1.2. Sự lo lắng của các bé gái độ tuổi mẫu giáo về giới tính
Sự hiểu nhầm tương tự cũng diễn ra với các bé gái ngay khi lần đầu tiên cô bé nhận ra rằng các cậu con trai được tạo ra khác biệt với mình. Trước hết cô bé sẽ hỏi “Đó là cái gì thế?”, rồi cô bé muốn biết “Tại sao con lại không có? Chuyện gì đã xảy ra với cái đó của con?”. Đó là cách mà tâm trí của một đứa bé 3 tuổi phát triển. Bé có thể sẽ trở nên buồn rầu đến mức sợ phải hỏi cha mẹ mình về chuyện này.
Nỗi lo lắng về việc tại sao các cậu con trai lại khác con gái này được biểu hiện bằng nhiều hình thức. Sau đây là một số ví dụ: Một bé trai gần 3 tuổi, với những biểu hiện lo lắng, đã nhìn trộm em gái mình tắm và nói với người mẹ rằng “Em gái thật đáng thương” – đó là sự bày tỏ của cậu đối với “tổn thương” của em gái; đồng thời lúc đó, cậu bé sẽ bắt đầu giữ chặt dương vật của mình với vẻ đầy lo lắng. Các bé gái thì trở nên lo lắng hơn sau khi tìm hiểu về các bé trai, liên tục cố gắng khám phá cơ thể của nhiều bé khác nhau để tìm hiểu xem chúng được tạo nên như thế nào. Với một đứa bé 3 tuổi rưỡi, trước tiên cậu sẽ buồn rầu về cơ thể em gái mình, sau đó bắt đầu cảm thấy lo lắng về tất cả những thứ trong nhà mà bị đứt gãy, chẳng hạn như món đồ chơi bị gãy hỏng. Tất cả những thứ bị hư hại này dường như nhắc nhở cậu bé về những nỗi lo hãi liên quan đến chính bản thân mình.
2.2. Khi trẻ lứa tuổi mẫu giáo lo lắng về khác biệt giới tính, bố mẹ nên làm gì?
2.2.1. Bạn hãy chủ động chia sẻ khi có cơ hội
Sẽ rất cần thiết nếu bạn có thể nhận biết sớm rằng, một đứa bé bình thường trong độ tuổi từ 2 rưỡi đến 3 rưỡi có khả năng sẽ thắc mắc những thứ, như là những khác biệt về cơ thể.
Làm cha mẹ, bạn đừng đợi đến lúc các bé nói rằng “Con muốn biết tại sao con trai được tạo ra không hề giống với con gái”, vì chúng sẽ không được biểu hiện cụ thể ra như thế. Các bé có thể sẽ hỏi một số loại câu hỏi điển hình, hay gợi ý lòng vòng, hoặc có thể chỉ ngồi chờ đợi và càng trở nên lo lắng. Vì vậy, bất cứ khi nào có cơ hội giới thiệu và nói với con về sự khác biệt giới tính, bạn hãy chủ động chia sẻ với trẻ. Vấn đề quan trọng là, bạn nên chọn cách thức truyền đạt phù hợp nhất với mức độ hiểu của bé.
2.2.2. Điều bạn cần tránh khi trẻ lứa tuổi mẫu giáo lo lắng về khác biệt giới tính
Bạn cũng không nên nghĩ sự thắc mắc của trẻ hay lo lắng của con là một hứng thú tình dục gây hại. Với các bé, chuyện này cũng giống như các thắc mắc quan trọng đầu đời khác. Bạn sẽ thấy hậu quả sai lầm nếu bạn biểu hiện im lặng, la mắng, hay đỏ mặt và từ chối trả lời những câu hỏi của bé. Chính điều này sẽ khiến bé nghĩ rằng mình đang nằm trong vòng nguy hiểm – kiểu suy nghĩ mà bạn không hề muốn truyền đạt cho bé.
Mặt khác, bạn cũng không cần phải tỏ ra nghiêm trang như thể đang thuyết giảng về một cái gì đó. Bạn có thể thực hiện theo cách dễ dàng hơn thế này rất nhiều. Vậy các thực hiện đó ra sao, mời bạn cùng theo dõi tiếp chia sẻ nhỏ ngay dưới đây nhé.
2.2.3. Cách bạn giải thích và chia sẻ cùng con
Khi trẻ mẫu giáo lo lắng về sự khác biệt giới tính, bạn cần giúp giải tỏa nỗi sợ hãi của con được bày tỏ ra bằng cách nói với con rằng, có thể con nghĩ rằng các bạn gái cũng từng có dương vật nhưng điều gì đó đã xảy ra với nó.
Sau đó, bạn hãy cố gắng giải thích một cách rõ ràng với giọng điệu vui vẻ theo sự thật hiển nhiên rằng, con gái và phụ nữ được tạo ra rất khác so với con trai và đàn ông; và theo lẽ tự nhiên, nó nên là như vậy. Các bé nhỏ sẽ hiểu được ý của bạn hơn thông qua những ví dụ, bạn có thể giải thích như sau: À, bạn Johnny được tạo ra với hình hài giống bố cậu, bác Harry, David,…Còn Marry thì được tạo ra giống mẹ, cô Jenkins và Helen (liệt kê ra tất cả những người mà bé biết rõ).
Với các bé gái thì chúng cần có thêm nhiều sự chắc chắn hơn nữa vì bản chất các bé muốn biết rõ về điều gì đó mà mình có thể tận mắt thấy được (một cô bé có thể phàn nàn với mẹ rằng “Nhưng con trai thì thật đặc biệt vì có cái đó, còn con thì không có gì cả”). Điều này sẽ giúp bé hiểu rằng, mẹ bé cảm thấy rất vui với hình hài mà bé được sinh ra, và cha mẹ yêu thương bé vì chính con người thật sự của bé. Đây cũng có thể là thời điểm thích hợp để giải thích rằng, các bé gái khi lớn lên có thể tạo nên em bé trong chính cơ thể mình, đồng thời phát triển ngực (có sữa) để nuôi em bé. Đó thật sự là một ý tưởng ly kì dành cho những bé trong khoảng từ 3 đến 4 tuổi.
2.2.4. Vấn đề thủ dâm
Một vấn đề khác cũng cần được lưu ý đối với các bé trong độ tuổi mẫu giáo, đó là hiện tượng thủ dâm. Bé khoảng 1 tuổi đã thích sờ chạm mọi thứ, từ đó bé phát hiện ra rằng việc sờ mó một số bộ phận cơ thể nhất định có thể đem lại những cảm giác rất thích thú.
Hiện tượng thủ dâm là thuật ngữ dùng để chỉ việc sờ mó và tự kích thích bộ phận sinh dục của mình. Các bé độ tuổi mẫu giáo có thể xem việc sờ mó bộ phận sinh dục như là cách để làm giảm những căng thẳng nảy sinh từ các cuộc xung đột với người khác. Đương nhiên, vấn đề này chắc chắn không giống như với trẻ lớn.
Không có gì là bất thường hay đáng xấu hổ về hành động này nếu bé được dạy dỗ cẩn thận rằng, mình nên thực hiện hành động trên ở không gian riêng tư chứ không bao giờ được làm ở những nơi công cộng. Bạn có thể dạy con rằng đây là hành động riêng tư. Tuy nhiên, bạn cũng không cần phải giải thích quá chi tiết mà chỉ ở mức cơ bản về sự riêng tư cho phù hợp với độ tuổi của bé.
Con trong độ tuổi mẫu giáo cũng chưa hiểu được hết về vấn đề thủ dâm. Đây chỉ là hành vi mang tính khám phá hoặc xoa dịu căng thẳng của bé.
Bạn nên lưu ý, phản ứng xấu hổ, đe dọa hoặc trừng phạt bé vì hành động thủ dâm có thể làm tổn hại đến các biểu hiện tình dục sau này của bé. Và bạn cũng nên nhớ rằng, những đứa bé sống trong hạnh phúc và bận rộn thì không có khả năng tìm đến thủ dâm thường xuyên để giải khuây. Do đó, hãy tạo các hoạt động giúp trẻ vui tươi bận rộn, con sẽ không bị căng thẳng hoặc tự tìm cách để giải tỏa căng thẳng theo cách này.
Có thể nói rằng, trẻ lứa tuổi mẫu giáo lo lắng về những tổn thương và khác biệt cơ thể là điều rất dễ hiểu. Vấn đề này tất yếu và có thể xảy ra với mọi bé. Vấn đề ấy cũng tương tự như những thay đổi khác mà con đối mặt trong diễn biến thay đổi tâm lý trẻ , thể chất, trí não phát triển theo lứa tuổi. Khi hiểu được nỗi lo lắng của trẻ, chắc chắn bạn sẽ có những cách thức phù hợp để hỗ trợ, giải thích và đồng hành với con. Nhờ vậy, trong quá trình thay đổi phát triển này, những lo lắng của trẻ sẽ được xoa dịu giảm nhẹ theo cách tốt nhất.
Nguyễn Trúc
Theo Dr. Spock’s Baby and Child Care, Textbook of Basic Nursing & Lippincott’s Textbook for Nursing Assistants