Từ 2 cá thể khác biệt là tinh trùng và trứng cho đến khi nhập thành một ở trong cơ thể của người mẹ chỉ kéo dài trong 14 ngày. Nhưng, quá trình hình thành một thai nhi hoàn chỉnh về cả vóc dáng và cấu tạo bên trong thì kéo dài gấp rất nhiều lần 14 ngày đó. Qua bài viết dưới đây, bạn sẽ thấy được sự hình thành thai nhi diễn ra kì diệu nhường nào và nhất là trong quá trình đó, vai trò của người mẹ vô cùng tuyệt vời không thể diễn tả hết bắng lời.
1. Quá trình thụ tinh
Trong khi bạn và người ấy đang say sưa cuồng nhiệt “yêu” thì trong cơ thể bạn có hàng trăm hoạt động đang diễn ra cùng lúc. Hàng triệu “tinh binh”(tinh trùng) của anh ấy bắt đầu tìm kiếm cô nàng trứng xinh đẹp (trứng) của bạn. Đây là cuộc hành trình khá vất vả và cũng không dễ dàng cho cả hai.
Do ảnh hưởng của độ axit trong âm đạo và chất nhầy ở cổ tử cung (mạng lưới bảo vệ tưởng như không gì xuyên thủng) của phái nữ nên có thể giết chết hoặc ngăn chặn sự xâm nhập của tinh trùng vào tử cung. Vì vậy, khi mạng lưới chất nhầy này mỏng nhất hoặc những tinh binh khỏe mạnh nhất mới có thể bơi qua được thành trì vững chắc âm đạo vào đến cổ tử cung.
Hơn thế, những tinh trùng khỏe mạnh và may mắn nhất còn sống sót này lại phải vượt qua một chặng đường dài 20cm từ cổ tử cung qua tử cung đến ống dẫn trứng với tốc độ nhanh nhất có thể là 2-3mm/phút.Chặng đường đầy thử thách và gian nan này vượt qua không phải là chuyện dễ dàng gì!
Số lượng tinh trùng vào được ống dẫn trứng không ít, nhưng với tốc độ nhanh nhất có thể gặp trứng là 45 phút,còn chậm nhất đến tận 12 giờ. Nhưng thảm nhất là nếu không tìm được trứng chúng chỉ được tối đa tới 72 giờ, và nếu vẫn không tìm thấy một quả trứng nào để kết hợp nữa thì tinh trùng đó sẽ chết. Trong khi một số khác lại bị thất lạc, mắc kẹt hoặc chết trên đường đi tìm trứng, cho nên số lượng tinh trùng vào tìm gặp được trứng là rất ít chỉ đếm được vài chục thôi nhưng đều là những tinh binh mạnh nhất.
Khi đã vào tìm được trứng thì một cuộc chiến tranh lại nổ ra khi tất cả tinh trùng cùng vây nhau giành trứng. Chúng đã phải làm việc một cách cật lực hết mình và chiến đấu điên cuồng, để có thể xâm nhập vào lớp vỏ bên ngoài của trứng. Sau đó tiến thẳng vào bên trong trứng trước những tinh trùng khác đang vây quanh chực chờ tìm cơ hội xâm nhập vào.
Nhưng tiếc thay ngay khi có một tinh trùng vào thành công, bên ngoài trứng ngay lập tức sẽ xuất hiện lớp vỏ bọc bảo vệ như là màn chắn, ngăn chặn không cho bất kì tinh trùng nào xâm nhập vào nữa, khi tinh trùng đầu tiên đã cán đích, kết thúc quá trình thụ tinh và an toàn bước vào giai đoạn bắt đầu thụ thai. Có thể nói, trứng thụ tinh là kết quả một cuộc chiến ghê gớm và dữ dội, từ hàng triệu tinh binh ở cổng thành giờ chỉ còn có một anh vào được tới thâm cung đại nội thôi. Nhưng đấy cũng là kết quả mang những gì tinh túy nhất, để hình thành nên một mầm sống tuyệt vời.
2. Quá trình thụ thai
Bây giờ thì tinh trùng và trứng chính thức bắt đầu bước vào giai đoạn thụ thai. Các thông tin di truyền trong tinh trùng, kết hợp với các thông tin di truyền trong trứng để tạo ra một tế bào mới và bắt đầu phân chia nhanh chóng. Tế bào mới này được di chuyển đến ống dẫn trứng rồi khoang tử cung, nó bám chắc vào thành từ cung để làm tổ. Lúc ấy, tế bào này được gọi là phôi thai quá trình này xảy ra trong 24 giờ và đây chính là điều kì diệu mà tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta.
Trong quá trình thụ thai có một điểm quan trọng cần lưu ý : hoàn toàn có những khả năng phụ nữ mang thai ngoài tử cung nếu phôi thai không làm tổ ở khoang tử cung, mà làm tổ ở nơi khác như ống dẫn trứng. Điều này nguy hiểm vì có thể gây bệnh đường sinh sản hoặc tử vong cho người mẹ, nên sau khi trứng thụ tinh được phát hiện không làm tổ trong tử cung, thì thường phụ nữ sẽ được yêu cầu phẫu thuật để an toàn sức khỏe, thậm chí là mạng sống .
3. Giai đoạn 3 tháng đầu thai kì (tuần 1 đến tuần 12)
Sau khi thụ thai khoảng 3 ngày thì trứng đã thụ tinh sẽ phân chia thành nhiều tế bào, chui qua ống dẫn trứng vào dạ con và làm tổ ở tử cung.
Từ 4 tuần tuổi , thai nhi (chỉ bằng hạt mầm) dần phát triển về cấu trúc "tạo khuôn" cho mặt, cổ, tim và mạch máu cũng đang phát triển.
Khi thai được 8 tuần đã có kích thước bằng quả nho Mỹ, cơ thể cũng phát triển đầy đủ hơn, có mí mắt, đôi tai và đầu mũi. Tay chân và các ngón bắt đầu dài ra, nhìn rõ hơn hẳn.
Đến tuần 12 , vóc dáng thai nhi ( bằng 1 quả mận) đã hoàn chỉnh và nhìn cứng cáp hơn. Các cơ quan giới tính của thai cũng biểu hiện rõ ràng hơn.
4. Ba tháng giữa thai kì (tuần 16 đến tuần 24)
Tuần thai 16 : Ở tuần thai này, bé cưng đã lớn bằng 1 quả bơ (khoảng 99g). Bé lúc này đã nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và hay bị nấc cụt (đây chỉ là dấu hiệu cho thấy khả năng hít thở của bé đã hoàn thiện hơn, mẹ không có gì lo lắng nhé!)
Tuần thai thứ 20 : Thai nhi nặng khoảng 300gram vào lúc này và đã biết mút ngón tay, ngáp duỗi, có nhiều biểu cảm khuông mặt khác nhau. Bé cưng đã lớn thật rồi nhỉ!
Tuần thai thứ 24 : Ở những vài tuần trước đó thai nhi đã chuyển động và biết đạp nhưng ít và nhẹ. Còn lúc này, bé (bằng khoảng quả dưa lưới 500gram với khuôn mặt có đủ lông mi, lông mày và tóc) có thể phản hồi với các âm thanh bằng cử động hoặc tăng nhịp tim. Vì vậy, giai đoạn này mẹ cũng nên giao tiếp nhiều hơn để bé quen giọng nói nhé!
5. Ba tháng cuối thai kỳ (tuần thứ 28 đến 40)
Tuần thứ 28 : ở giai đoạn cuối tam cá nguyệt thứ 2 này, bé đã nặng hơn 1kg rồi kèm với nguy cơ sinh non nên mẹ nên đặc biệt cẩn thận trong chế độ dinh dưỡng và ăn uống hàng ngày.
Tuần thai thứ 32 : Bé vẫn phát triển đều về bộ phận trong cơ thể, hệ thần kinh cũng như vóc dáng. Sữa non bắt đầu có trong bầu ngực người mẹ để "sẵn sàng" cho công tác nuôi bé.
Tuần thai 36 : Bé nặng khoảng 2,7kg và đã quay đầu hướng xuống xương chậu. Đây là dấu hiệu bé sẽ chuẩng bị ra gặp mẹ trong vài tuần nữa.
Tuần thai thứ 40 : Ngày cuối cùng của tuần thai thứ 40 cũng là ngày dự sinh trẻ. Nó được tính từ ngày đầu tiên của kì kinh cuối cùng của người mẹ nên thai kì thường diễn ra từ 38 đến 40 tuần. Nếu qua tuần 42 mà mẹ bầu vẫn chưa sinh thì có thể là đã tính nhầm tuổi thai trước đó. Vì sự an toàn nên nhiều bác sĩ chọn biện pháp "kích sinh" cho mẹ.
Sự hình thành thai nhi có thể nói là giai đoạn mệt mỏi nhất trong cuộc đời của một người phụ nữ, một người mẹ. Để sinh ra đứa trẻ khỏe khoắn, vui vẻ và thông minh, mẹ đã chăm chút cho bé cưng từ khi còn trong bụng. Vậy khi đã được sinh ra trong đời, chúng ta nên hiểu rằng mình là những đứa trẻ may mắn vì đã có người không quản đau đớn, nhức mỏi mang mình trong người cả 9 tháng 10 ngày và luôn dành cho mình những điều tuyệt vời nhất trong mọi hoàn cảnh, tình huống..
Hoàng Hoài tổng hợp