Việc đổi tên hoặc khai tên cho con vừa chào đời tại nơi định cư mới ở nước ngoài là chuyện cần thiết để mọi việc về sau được thuận lợi hơn.
Vậy nhưng, không ít người gay gắt cho rằng chuyện gia đình đổi tên cho con theo cách gọi nơi xứ người là hành động vọng ngoại hoặc mất gốc. Vậy nên, trong phạm vi bài viết này xin được nêu ra vấn đề để cùng hiểu rõ chuyện nên và không nên liên quan đến việc đổi tên theo Tây hay theo ta khi định cư ở nước ngoài.
Tên gọi và cấu trúc tên gọi ở các nước phương Tây
Ở các nước phương Tây, cấu trúc tên gọi của một người được sắp xếp theo một trật tự ngược hẳn với người Việt. Họ luôn đề cao vai trò cá nhân của mỗi người và đặt tên gọi của người đó luôn ở trước thay vì gọi sau như chúng ta vẫn gọi. Theo đó, cấu trúc này được cụ thể như sau:
Tên gọi (first name) + Tên lót (middle name) + Họ (last name, surname, family name)
Trong khi đó, ở nước ta tên gọi được đặt theo cấu trúc:
Họ (last name, surname, family name) + Tên lót (middle name) + Tên gọi (first name)
Ví dụ: Một người có tên Sophia Anna Smith thì Sophia là tên riêng, Smith là tên họ và Anna là tên lót.
Một người bạn thân, anh em hay bố… sẽ gọi người này là Sophia. Nhưng với những trường hợp giao tế mang tính trang trọng người ta sẽ gọi là Miss hay Mrs Smith.
Khi người này phải làm một thủ tục nào đó liên quan đến đơn từ, người này sẽ ghi:
- Surname or family name: Smith
- Given names: Sophia Anna
hoặc
- Surname or family name: Smith
- First given name: Sophia
- other given names: Anna
Nên hay không nên đổi tên khi định cư ở nước ngoài?
Trong một số trường hợp liên quan đến thủ tục, những thứ tự tên của một người được căn cứ theo tên của người đó ghi trong hộ chiếu. Và vì vậy sẽ phát sinh những rắc rối. Bởi khi thứ tự đảo cũng đồng nghĩa tên gọi bị xáo trộn.
Chẳng hạn một người Việt tên đầy đủ được ghi trong hộ chiếu là Nguyễn Thị Anh có thể đổi tên trong bản khai theo đúng yêu cầu nước sở tại như sau:
- Surname or family name: Nguyễn
- First given name: Thị
- Other given names: Anh
Thay vì lẽ ra phải là:
- Surname or family name: Nguyễn
- First given name: Anh
- Other given names: Thị
Chỉ riêng một trường hợp như vậy cũng đủ thấy những bất tiện của tên gọi cho người định cư tại nước ngoài khi dùng đúng tên gọi của mình.
Mặc dầu có một số người vẫn chấp nhận để người khác gọi sao nhận vậy nhưng không phải ai cũng cảm thấy thoải mái khi bỗng chốc bị thay tên đổi họ nhất là khi những tên gọi mới có thể được đọc trại thành những đồng âm với từ “tục” trong ngôn ngữ của nước sở tại.
Chính vì vậy, việc chuyển đổi tên gọi là điều phù hợp với điều kiện sống mới và đó là chuyện cần làm. Viêc này cũng sẽ được tiếp tục áp dụng cho những đứa trẻ được sinh ra tại đất nước mà bố mẹ bé đã chọn làm nơi định cư mới.
Thiết nghĩ “nhập gia tùy tục” vẫn là lối sống thức thời phù hợp trong chuyện này. Bởi lẽ việc thay đổi tên gọi không đồng nghĩa người đó đã chối từ cội nguồn vốn là điều thiêng liêng mà dù đi xa vạn dặm họ vẫn luôn được thôi thúc trở về.
Yeutre.vn (Tổng hợp)