So sánh con với trẻ khác, nên hay không?

(Yeutre.vn) Vì đơn giản muốn con học giỏi, phát triển tốt hơn mà các bậc phụ huynh thường so sánh trẻ với các bé khác như “Sao con lại hư/học dở/lười biếng… không như bạnA/B/C…”. Tưởng chừng những lời nói này như vô hại nhưng vô tình trở thành áp lực đè nặng, ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển của trẻ.

banner ads

7796-yeutrevn-so-sanh-con-2.jpg

Bị so sánh với trẻ khác có thể khiến con bạn bị tổn thương. Ảnh minh họa

Cả việc so sánh tiêu cực hay tích cực đều có thể ảnh hưởng đến trẻ theo những cách khác nhau. Dưới đây là những lý do, tác động cụ thể lý giải vì sao các bậc phụ huynh không nên so sánh con với những đứa trẻ khác.

1. Mỗi đứa trẻ mang một “bản sắc” riêng

Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập với những tính cách, năng khiếu, thể chất, sở thích… khác nhau. Điều này dễ dàng lý giải vì sao một đứa trẻ có năng khiếu về âm nhạc trong khi đứa trẻ khác vẽ, múa giỏi hơn. Hay đứa trẻ không học tốt môn toán nhưng lại học rất giỏi ngoại ngữ, các môn xã hội…

Các bậc phụ huynh nên hiểu, không có đứa trẻ nào tốt hơn đứa trẻ khác một cách toàn diện mà mỗi đứa trẻ sẽ có những mặt tốt, chưa tốt khác nhau. Và sẽ là khập khiễng nếu cha mẹ so sánh trẻ với các anh chị, bạn học, đứa trẻ hàng xóm khác. Vì vậy, hãy để trẻ tự nhiên phát triển sở thích cũng như khả năng riêng của chúng. Đừng khiến chúng phải giống hay nhất quyết phải hơn những đứa trẻ được đem ra so sánh.

2. Làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ

Khi bị đem ra so sánh với người khác, lòng tự trọng của bé sẽ bị tổn thương. Trẻ sẽ cảm thấy mình là một đứa vô dụng, không có giá trị, kém cỏi, thua kém người khác. Theo thời gian, trẻ sẽ nghĩ rằng nó thật sự kém cỏi và sẽ tin vào điều đó. Trẻ sẽ nghĩ rằng tại sao phải cố gắng khi mình sẽ không thành công? Và trẻ sẽ luôn tin rằng mình kém cỏi và thất bại. Điều này sẽ thui chột ý chí, sự nỗ lực trong trẻ, kết quả là trẻ sẽ trở thành con người không muốn phấn đấu hay cố gắng.

7797-yeutrevn-so-sanh-con-3.jpg

Lòng tự trọng của trẻ sẽ tổn thương khi bị đem ra so sánh. Ảnh minh họa

3. Gieo vào lòng trẻ sự căm ghét, thù hằn

Trước hết trẻ sẽ cảm thấy bực bội, oán giận, không chỉ căm ghét cha mẹ mà còn cả anh chị, đứa trẻ khác mà phụ huynh đem ra so sánh. Biểu hiện của sự oán giận là trẻ sẽ chống đối, không nghe lời cha mẹ, trẻ nói dối; trẻ không còn yêu quý, không nói chuyện, không chơi, thậm chí có thể gây gổ với người mà cha mẹ so sánh. Thật là nguy hiểm khi tâm hồn của một đứa trẻ luôn đầy ắp sự hờn giận, căm ghét bởi điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách trước mắt và lâu dài sau này.

4. Làm nảy sinh những hành động dại dột

Vì nghĩ mình kém cỏi, không bằng anh chị, bạn bè, có thể dẫn đến những suy nghĩ như cha mẹ không yêu thương mình nên mình không cần ở nhà với cha mẹ nữa. Trẻ sẽ nghĩ mình là một đứa bỏ đi, nếu không có mình cha mẹ sẽ hạnh phúc hơn… Nếu không được khuyên nhủ, tư vấn kịp thời, suy nghĩ này sẽ kéo trẻ đến những hành động như quậy phá, bỏ nhà đi theo bạn bè xấu, rơi vào các tệ nạn xã hội hoặc thậm chí nghĩ đến việc tự vẫn.

5. Trẻ trở nên kiêu căng, tự phụ

7795-yeutrevn-so-sanh-con-4.jpg

Một số trẻ sẽ trở nên kiêu căng, tự phụ. Ảnh minh họa

Trái ngược với sự so sánh tiêu cực, một số phụ huynh lại dùng những lời khen ngợi quá mức khi “ca ngợi” con. Chẳng hạn: “Con của mẹ là giỏi nhất, giỏi hơn nhiều lần so với con của cô Nga; Trong xóm nhà mình, con là đứa trẻ đẹp, xinh xắn nhất; Mấy đứa con nhà chú Hai không thể giởi bằng con được…”. Khen ngợi là tốt nhưng khen đến mức đưa con lên tận mây xanh là điều không nên. Bởi trẻ dễ có tâm lý nghĩ mình là “số một” nên tỏ ra kiêu căng, tự phụ, không hòa đồng với bạn bè, anh chị em.

Xây dựng sự tự tin ở trẻ

Thay vì so sánh con với những đứa trẻ khác, để khuyến khích con tự tin vào bản thân, phát triển khả năng của mình, các bậc phụ huynh có thể tham khảo những lưu ý sau.

Cho trẻ quyền chủ động:Các bậc phụ huynh hãy để con tự làm một số công việc đơn giản hàng ngày như chọn quần áo đi học, chuẩn bị sách vở đi học, buộc dây giày, tự chọn cách trang trí góc học tập… Những quyết định độc lập góp phần nâng cao sự tự tin và tập cho trẻ đánh giá đúng năng lực của bản thân.

Tin tưởng vào khả năng của trẻ:Cha mẹ hãy đặt niềm tin vào trẻ và nói cho trẻ biết về niềm tin đó. Hãy giúp trẻ hiểu khả năng của bản thân bằng những câu động viên, khích lệ như: “Mẹ biết con làm được và con có thể làm tốt hơn nữa”.

Tránh chỉ trích những lỗi lầm:Thay bằng việc bạn chỉ trích hay trách phạt khi trẻ phạm sai lầm, hãy phê bình nhẹ hành vi của trẻ và định hướng lại để giúp trẻ tránh sai lầm trong những lần tiếp theo. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu cách cư xử của mình không được bố mẹ tán thành và không nên tiếp tục như thế nữa. Cha mẹ không nên trầm trọng hoá hoặc thổi phồng những khuyết điểm của trẻ. Tránh dùng những câu nói như: “Con không bao giờ chịu nghe lời bố mẹ”, “Con không làm việc gì cho ra hồn cả”, “Sao mà con tệ thế?”… Nguyên nhân bởi những câu đánh giá tiêu cực này sẽ làm tiêu tan mọi niềm tin vào bản thân của trẻ.

Đề cao sự tự tin của trẻ : Giúp trẻ hiểu tầm quan trọng của sự tự tin trong cuộc sống như thế nào. Sau đó, tập trung vào những điểm mạnh của trẻ là bước đầu tiên để xây dựng sự tự tin cho trẻ. Sau khi đứa trẻ đạt được sự tự tin hơn, cha mẹ nên đưa ra những nhắc nhở thường xuyên để giúp trẻ hiểu đúng về sự tự tin, tránh sự tự cao ở trẻ. Đồng thời cha mẹ thường xuyên kết hợp với giáo viên ở trường để liên tục động viên các điểm mạnh trong học tập tại trường lớp.

Yeutre.vn

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI