Sau sinh bao lâu có kinh lại - câu hỏi thường gặp nhất của chị em sau thai kỳ

Sau sinh bao lâu có kinh lại có lẽ là câu hỏi khá thường gặp của các chị em sau thai kỳ. Vì chu kỳ kinh nguyệt là dấu hiệu phổ biến nhất báo hiệu cơ thể bạn đã trở lại bình thường, và bạn có thể mang thai trở lại, nếu không sử dụng biện pháp phòng tránh nào. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu về kinh nguyệt sau sinh, cùng những vấn đề liên quan, xem nó có gì khác biệt so với trước khi bạn sinh con không nhé.

banner ads

Sau sinh bao lâu có kinh lại
Hầu như chị em nào cũng thắc mắc sau sinh bao lâu có kinh lại. Ảnh Internet

1. Về chu kỳ kinh nguyệt sau sinh

Thông thường, khi bạn bắt đầu có kinh trở lại sau khi sinh em bé, nó có thể sẽ có sự khác biệt so với trước khi bạn mang thai. Một số phụ nữ có cảm giác nặng nề và đau hơn trong khi số khác lại thấy nhẹ nhàng và dễ chịu hơn.

Có nhiều lý do dẫn đến sự thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt sau sinh, bao gồm:

  • Tử cung cần thời gian để hồi phục và quay trở lại kích thước bình thường
  • Sự thay đổi của nồng độ hormone
  • Việc cho con bú mẹ ảnh hưởng đến hormone của cơ thể

Mặc dù vậy, hầu hết phụ nữ thấy rằng chu kỳ kinh nguyệt của mình sẽ dần trở lại bình thường sau một khoảng thời gian.

Đau bụng
Chu kỳ của bạn sau sinh có thể khác so với trước khi mang thai. Ảnh Internet

1.1 Khi nào thì bạn có kinh lại

Tùy thuộc vào việc bạn có cho em bé bú mẹ hay không mà chu kỳ của bạn có thể trở lại sớm hay muộn. Tuy không thể biết chính xác thời điểm nhưng chúng ta có thể ước lượng tương đối như sau:

  • Nếu bạn cho con bú mẹ (cả ngày và đêm) một cách đều đặn, thì “bạn nguyệt san” có thể đi vắng đến 1 năm hoặc hơn.
  • Nếu bạn cho con bú mẹ và em bé của bạn có thể ngủ xuyên đêm sớm (bạn là người khá may mắn) thì việc cho bú bị gián đoạn và hormone trong cơ thể sẽ được kích thích để kinh nguyệt bắt đầu lại. Trong trường hợp này thì kinh nguyệt của bạn có thể bắt đầu lại bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ tháng thứ ba đến tháng thứ tám.
  • Nếu bạn cho bé ăn sữa công thức thì kinh nguyệt có thể trở lại bất kì lúc nào trong khoảng thời gian từ tuần thứ năm đến tháng thứ ba sau khi sinh.

Việc trẻ bú mẹ trực tiếp sẽ ức chế hormone kích thích giải phóng trứng, do vậy thời gian trẻ “làm bạn” với ngực mẹ càng lâu và thường xuyên, thì mẹ cũng sẽ càng lâu có kinh trở lại. 

Sau sinh chu kỳ có thể trở lại sớm hoặc muộn
Tùy thuộc bào việc bạn có cho em bé bú hay không mà chu kỳ của bạn có thể trở lại sớm hay muộn. Ảnh Intermet 

1.2 Chu kỳ kinh nguyệt không đều sau sinh

Đối với phụ nữ sau sinh, chu kỳ kinh nguyệt diễn ra không đều là việc khá phổ biến, đặc biệt những tháng đầu khi bạn mới sinh em bé.

Nếu bạn cho con bú mẹ thì chu kỳ kinh sau sinh thất thường hơn, vì hormone hỗ trợ việc tiết sữa gây ức chế rụng trứng hoặc làm cho trứng rụng không thường xuyên.

Tuy nhiên ngay cả nếu bạn cho con bú sữa công thức, thì chu kỳ kinh của mẹ sau sinh vẫn có thể không đều, vì cơ thể bạn cần thời gian để hồi phục hoàn toàn sau khi trải qua kỳ sinh nở.

Sau một thời gian nhất định, chu kỳ của bạn sẽ trở lại bình thường như trước khi mang thai. Ngoại trừ trường hợp trước đó kinh nguyệt của bạn không đều do một số tình trạng bệnh lý như hội chứng buồng trứng đa nang hay lạc nội mạc tử cung.

Nếu bạn lo lắng về việc chu kỳ sau sinh của mình không được bình thường, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ nhé. 

Chu kỳ không đều
Chu kỳ sau sinh của bạn sẽ không đều. Ảnh Internet

2. Chảy máu sau sinh

Sau khi bạn sinh con, dù sinh thường hay sinh mổ thì bạn cũng đều trải qua tình trạng chảy máu – còn gọi là sản dịch một thời gian từ 24 đến 36 ngày hoặc có thể lâu hơn tùy cơ địa mỗi người. Trong những ngày đầu sau sinh, sản dịch tiết ra khá nhiều, có màu đỏ đậm đồng thời có khá nhiều cục máu đông. Càng về sau, dịch tiết càng nhạt màu trở nên hồng hơn, sau đó là nâu nhạt và hết hẳn.

Thông thường bạn có thể cảm thấy bị chuột rút trong thời gian còn tiết sản dịch, vì lúc này tử cung đang co bóp để trở lại kích thước bình thường của nó.

Bạn cần lưu ý rằng, việc tiết sản dịch không phải là chu kỳ kinh nguyệt. Đây chỉ là chất dịch được đưa ra ngoài do tử cung bị bong lớp đệm hỗ trợ thai nhi trong thai kỳ, và là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang dần hồi phục. 

Phụ nữ nằm ôm bụng
Tử cung co bóp đẩy sản dịch ra ngoài không phải là chu kỳ kinh. Ảnh Internet 

3. Có kinh nguyệt khi đang cho con bú mẹ trực tiếp

Nếu bạn cho bé bú mẹ trực tiếp thì bạn có thể không thấy kinh nguyệt trong nhiều tháng sau sinh vì cho con bú ngăn ngừa rụng trứng.

Một số phụ nữ coi việc cho con bú như một phương pháp ngừa thai. Tuy nhiên, một số nghiên cứu trước đây cho thấy có khoảng 11.1 đến 39.4% phụ nữ cho con bú có xuất hiện kinh nguyệt ít nhất một lần trong vòng sáu tháng sau sinh. 

Mẹ cho con bú
Cho con bú sẽ làm cho kỳ kinh nguyệt chậm trở lại. Ảnh Internet 

4. Sử dụng biện pháp tránh thai sau sinh

Nếu bạn chưa có ý định mang thai tiếp thì bạn nên sử dụng biện pháp tránh thai ngay khi bắt đầu quan hệ lại sau sinh, vì bạn không thể biết chính xác khi nào trứng rụng trở lại.

Bao cao su, màng tránh thai hay vòng tránh thai không chứa hormone được xem là phương pháp an toàn dành cho mẹ mới sinh.

Đối với thuốc uống và các biện pháp liên quan đến hormone, bạn được khuyên nên đợi ít nhất nhiều tuần sau sinh mới nên sử dụng. 

Mẹ và bé
Nên dùng biện pháp tránh thai khi có quan hệ tình dục sau sinh, vì bạn sẽ không biết chính xác lúc nào trứng rụng trở lại. Ảnh Internet 

5. Khi nào bạn cần đến gặp bác sỹ

Sau khi sinh, tùy thuộc vào phương pháp sinh, tiền sử y tế và một số yếu tố khác, mà bác sỹ sản khoa sẽ lưu ý cho bạn những dấu hiệu, nếu bạn thấy xuất hiện những dấu hiệu này thì cần đến cơ sở y tế ngay. Các dấu hiệu có thể bao gồm:

  • Bạn bị chảy máu rất nhiều, lượng máu thấm ướt băng vệ sinh chỉ sau 1 giờ và tình trạng kéo dài trên 2 giờ đồng hồ.
  • Bạn ra máu kèm theo sốt.
  • Bạn bị chuột rút nghiêm trọng.
  • Bạn ra máu kèm cục máu đông to hơn kích thước quả banh tennis.

Ngoài ra bạn cũng nên đến gặp bác sỹ nếu bị chảy máu bất thường, bị đau dữ dội khi đến kỳ kinh nguyệt, hoặc khi có bất kỳ thắc mắc nào về chu kỳ của mình sau khi sinh. 

Đau bụng dữ dội
Nếu bạn bị đau bụng dữ dội hãy đến gặp bác sỹ. Ảnh Internet 

Hy vọng những thông tin ngắn gọn ở trên đã giải đáp được thắc mắc sau sinh bao lâu có kinh lại, cũng như những vấn đề cơ bản liên quan của các chị em. Bạn có thể thấy chu kỳ kinh nguyệt của mình thay đổi hoặc không. Nhưng nếu nó không trở lại bình thường sau một thời gian, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để đảm bảo không có gì bất thường đối với cơ thể nhé.

Nguồn tham khảo: Medical News Today & Baby Centre

Lily Nguyễn lược dịch  

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI