1. Phân của các bé uống sữa công thức sẽ khác so với bé bú sữa mẹ
Bạn cho bé ăn gì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những gì được thải ra trong tã của bé. Phân của bé không những khác mà còn có thể gây sốc cho ba mẹ đặc biệt đối với bé được chuyển từ bú sữa mẹ sang sữa công thức.
“Bé nhà chúng tôi chuyển qua sữa công thức từ 5 tháng tuổi và phân của bé có sự thay đổi lớn”, một bà mẹ cho biết. “Từ mùi, kết cấu, độ đặc, số lượng, màu sắc và tần suất đều thay đổi.”
Tại sao lại có sự khác biệt này? Bác sỹ nhi khoa Margaret Morris giải thích, đó đơn giản là sự thích ứng của cơ thể bé đối với những gì bé ăn. “Hệ vi sinh vật trong đường ruột của bé thay đổi tùy thuộc vào loại thức ăn nào được đưa qua đó – và sữa công thức là một loại thức ăn khác so với sữa mẹ.” Bà nói.
Nhiều bậc phụ huynh mô tả lại phân của bé khi bú sữa công thức có mùi nặng hơn, màu thẫm hơn và đặc hơn phân của bé khi bú sữa mẹ.
2. Mức độ tiêu hóa sữa mẹ và sữa công thức ở bé là khác nhau
Có phải bé bú sữa công thức sẽ no lâu hơn bé bú sữa mẹ? Nhìn chung là đúng như vậy.
Và đây là lý do: Sữa mẹ và hầu hết sữa công thức đều chứa đạm whey (loại đạm dễ hòa tan và dễ tiêu hóa) và casein (loại đạm mất thời gian tiêu hóa lâu hơn). Sữa mẹ chứa nhiều đạm whey hơn casein (tỷ lệ 60/40) và sữa công thức chứa nhiều casein hơn đạm whey (tỷ lệ thường thấy là 77-82%) do đó sữa mẹ thường được bé tiêu hóa nhanh hơn.
Trước khi đặt quá nhiều hy vọng vào việc bé sẽ ngủ ngon và lâu vào ban đêm, mẹ cần nhớ rằng mỗi bé đều khác nhau. Jatinder Bhatia, Giám đốc khoa sơ sinh tại Đại học y khoa Georgia và là phát ngôn viên của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ giải thích rằng mỗi em bé đều đặc biệt khác nhau về cá tính, nhu cầu về năng lượng và lịch ngủ. Do vậy một số bé bú sữa công thức vẫn có thể ngủ và thức một cách thường xuyên như các bé bú sữa mẹ.
“Con trai lớn của tôi bú sữa công thức hoàn toàn và bé thức dậy cùng lịch trình với bé bú sữa mẹ hoàn toàn của tôi.” Một bà mẹ từ BabyCenter cho biết.
Mặc dù vậy, không nghi ngờ rằng sữa công thức sẽ mất nhiều thời gian để tiêu hóa hơn sữa mẹ . Vì vậy nếu mẹ cho bé ăn có vẻ không thường xuyên bằng những mẹ cho bé bú mẹ thì cũng không nên lo lắng.
3. Em bé của bạn có thể bị dị ứng với sữa công thức
Hầu hết các bé đều vui vẻ với việc bú và tiêu thụ sữa bột . Tuy nhiên một số bé lại dị ứng với protein trong sữa bò.
(Lưu ý: Sự dị ứng với thành phần của sữa bò khác với việc không dung nạp lactose, một phản ứng không phát triển tới khi trẻ đến tuổi thanh thiếu niên.)
Hoạt động đường ruột của bé có thể phản ánh việc bé bị dị ứng với sữa hay không. Nếu mẹ băn khoăn về vấn đề này, mẹ hãy kiểm tra phân của bé. “Nếu trong phân của bé có máu hoặc chất nhầy thường có nghĩa là ruột bị viêm và đây có thể là dấu hiệu của một chứng dị ứng.” Bà Morris nói.
Các dấu hiệu báo động về việc dị ứng của bé gồm tiêu chảy nôn mửa, tắc nghẽn thực quản hoặc phát ban da.
Sự khó chịu cũng có thể là biểu hiện của chứng dị ứng. Dĩ nhiên như bất cứ bậc phụ huynh nào của một bé bị đau bụng cũng sẽ nói rằng khóc liên tục không phải lúc nào cũng là do dị ứng với sữa công thức. Tuy nhiên, như bà Morris đã nói, “Nếu một đứa bé bị khó chịu liên tục thì dị ứng có thể là một lý do. Vì vậy vấn đề quan trọng là cần đưa bé đi kiểm tra.”
Nếu bé nhà bạn bị dị ứng với sữa, bác sĩ có thể đề nghị chuyển sang dùng sữa đậu nành. Nếu bé dị ứng với cả protein đậu nành thì bác sỹ có thể đề nghị một công thức bổ sung thủy phân, trong đó protein đã được chia thành một dạng dễ tiêu hóa hơn.
“Con tôi bắt đầu bị phát ban ở mặt và cổ”, một bà mẹ nói. “Tôi đưa bé đi gặp bác sỹ và được hướng dẫn chuyển sang sữa công thức làm từ đậu nành. Trong vòng 24 tiếng, các vết phát ban đã biến mất.”
4. Các bé khác nhau có nhu cầu về lượng sữa khác nhau
Trong khi tán gẫu với nhóm các bà mẹ, bạn nhận thấy em bé của người bạn đang nhấm nháp 90ml sữa bột. Trước khi bé đi được nửa chặng đường thì con bạn đã “giải quyết” xong 210ml sữa. Và bạn tự hỏi có phải bạn sinh ra một đứa trẻ quá háu ăn hay không.
Tất nhiên là không rồi. Không có gì đặc biệt mà chỉ là sự khác biệt cá nhân mà thôi, bà Morris nói. “Khẩu phần sữa công thức không phải liều lượng thích hợp giống nhau cho tất cả các bé”, bà giải thích. “ Một số bé cần nhiều năng lượng hơn nhứng bé khác, và trong khi liều lượng này đủ cho sự phát triển của một bé thì lại không phù hợp đối với bé khác.”
Ngoài ra, lượng sữa tiêu thụ của bé cũng có thể khác nhau giữa các bữa ăn – cũng giống như bạn muốn món salad nhẹ nhàng cho bữa trưa nhưng lại muốn một bữa tối nhiều chất bổ hơn. “Bạn đừng bối rối nếu bé của bạn bú 120ml sữa trong cữ ăn của bé và bú 180ml vào cữ bú tiếp theo.” Bà Morris tiếp tục cho biết. Hãy để tín hiệu của bé dẫn dắt mẹ nhé.
Mặc dù có sự thay đổi giữa các bé như vậy, nhưng mẹ vẫn nên tuân thủ một số hướng dẫn cơ bản vì điều này rắt quan trọng. Nói chung, đối với các bé chưa tiêu thụ chất rắn nên được cung cấp khoảng 75ml sữa công thức cho 1 kg trọng lượng cơ thể tính trong khoảng thời gian 24 tiếng. Ví dụ bé nặng 2.7 kg thì lượng sữa bé cần là 450ml (trong 24 tiếng), bé nặng 4.5 kg thì lượng sữa sẽ là 750ml (trong 24 tiếng).
Và mẹ cũng đừng quên lên lịch hẹn thường xuyên với bác sỹ của bé để kiểm tra mức độ cũng như tốc độ phát triển của bé để đảm bảo mọi thứ đều ổn.
5. Hầu hết các loại sữa công thức về cơ bản đều giống nhau
Chúng ta thật dễ dàng cảm thấy bị áp đảo vì sự đa dạng của các loại sữa công thức được bày bán trên thị trường. Làm thế nào để chọn được loại sữa tốt nhất ? Chắc hẳn nhiều bậc cha mẹ sẽ thấy nhẹ nhõm khi biết được rằng các thành phần dinh dưỡng quan trọng nhất trong các loại sữa công thức đều bằng nhau.
Điều này là do công thức sữa được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) quy định, đòi hỏi các nhà sản xuất phải đưa vào 29 loại chất dinh dưỡng cụ thể trong mỗi khẩu phần sữa. Mặc dù các nhãn hiệu khác nhau có tên, bao bì và giá cả khác nhau nhưng không có đơn vị nào có thể lừa bịp bạn về các thành phần đã được quy định rõ.
Có một loại thành phần không phải có trong tất cả các loại sữa công thức đó là acid béo DHA, một loại chất mà một số nghiên cứu cho thấy rằng có thể cải thiện được nhận thức và sự phát triển thị giác của trẻ. Thành phần này hiện nay đã được đưa vào nhiều loại sữa công thức nhưng không phải tất cả, vì vậy bạn có thể muốn tìm kiếm loại sữa có chứa loại acid này.
Tuy nhiên, cũng có nhiều loại sữa chuyên biệt dành cho các trường hợp cụ thể của bé. Ví dụ các loại sữa dành riêng cho bé sinh non, nhẹ cân chứa nhiều calories hơn loại sữa tiêu chuẩn. Sữa dành cho bé bị chứng trào ngược chưa gạo hoặc chất làm đặc khác. Ngoài ra còn có sữa đậu nành hoặc sữa thủy phân dành cho trẻ có nguy cơ bị dị ứng hoặc trẻ không dung nạp sữa.
Nếu các bậc phụ huynh muốn cho bé dừng các sản phẩm hữu cơ thì có thể dùng các sản phẩm có thành phần hữu cơ cho bé. Sữa công thức hữu cơ cũng phải tuân theo các quy định của FDA như các loại sữa khác. Ngoài ra chúng còn phải được Cơ quan Nông nghiệp Hoa Kỳ xác nhận là sản phẩm hữu cơ.
Nếu bạn vẫn thấy không thể quyết định được sẽ chọn loại sữa công thức nào cho con, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sỹ của bé để có thể chọn cho bé loại sữa phù hợp nhất với nhu cầu của bé.
Theo Baby Center
Lily Nguyễn lược dịch