Rốn trẻ sơ sinh và những vấn đề liên quan mẹ cần biết

Rốn trẻ sơ sinh là một phần lưu ý rất quan trọng trong việc chăm sóc bé sau sinh. Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ rụng rốn khi được 5-7 ngày tuổi. Quá trình rụng rốn ở trẻ sơ sinh sẽ diễn ra tự nhiên, không cần bất cứ sự can thiệp nào. Tuy nhiên, không phải lúc nào quá trình rụng rốn của trẻ cũng diễn ra thuận lợi. Trên thực tế, ở nhiều trẻ xuất hiện những vấn đề bất thường liên quan đến rốn trước và sau khi rụng. Để không phải lo lắng cũng như luôn chăm sóc rốn con đúng cách, bài viết dưới đây của Yeutre.vn sẽ chia sẻ cùng các mẹ các vấn đề thường gặp liên quan. Các mẹ hãy cùng tham khảo nhé.

banner ads

rốn của trẻ sơ sinh
Quá trình rụng rốn ở trẻ sơ sinh sẽ diễn ra tự nhiên, không cần bất cứ sự can thiệp nào. Ảnh Internet

1. Những vấn đề phát sinh ở rốn trẻ sơ sinh

1.1 Rốn trẻ bị chảy máu

Khi mới sinh, cơ thể trẻ còn khá nhạy cảm với các tác động môi trường bên ngoài, trong đó đặc biệt là bộ phận rốn rất dễ bị chảy máu và nhiễm trùng. Do vậy, mẹ vần phải giữ vệ sinh và để cuốn rốn luôn khô thoáng. Nếu mẹ thấy rốn có hiện tượng chảy máu kèm theo mủ và nước thì đây là trường hợp rốn trẻ bị viêm nhiễm nặng và có thể gây nguy hiểm cho bé.

1.1.1 Nguyên nhân gây chảy máu ở rốn trẻ sơ sinh
  • Băng rốn của trẻ bị ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây ra tính trạng chảy máu.
  • Quá trình vệ sinh dây rốn quá mạnh gây xước dẫn đến tổn thương.
  • Côn trùng bên ngoài xâm nhập vào dây rốn của trẻ.
  • Do quá trình bong tróc vảy nên chảy máu.
  • Mắc một số bệnh lý ở rốn.
1.1.2 Những việc mẹ cần làm khi rốn trẻ chảy máu
  • Mẹ nên dùng tăm bông chấm máu và thực hiện nhẹ nhàng để tránh làm trẻ đau.
  • Giữ rốn và vùng da xung quanh luôn sạch sẽ và khô thoáng
  • Không cạy các mảng bám trên rốn trẻ, nó sẽ khiến rốn bị tổn thương dẫn đến chảy máu.
  • Không bịt rốn quá kín, luôn để rốn khô ráo và tránh nhiễm trùng.
  • Vệ sinh rốn bằng nước sôi để nguội từ 1 đến 2 lần/ngày
  • Không dùng sữa tắm, dầu thơm lên rốn trẻ.
rốn trể bị chảy máu
Nếu vùng rốn của con có mùi hôi và tiếp tục chảy máu thì mẹ nên nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân đồng thời có cách xử lý thích hợp. Ảnh Internet

Nếu vùng rốn của con có mùi hôi và tiếp tục chảy máu, thì mẹ nên nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, đồng thời có cách xử lý thích hợp. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hay bất kì biện pháp nào khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

1.2 Rốn trẻ sơ sinh bị chảy nước vàng

Thông thường, khi rốn trẻ sơ sinh chưa rụng nó có thể chảy một ít dịch vàng nơi chân rốn, có thể có chút màu nâu do dính ít máu đông ở mặt cắt của cuống rốn. Trường hợp trẻ sau khi rụng rốn vẫn còn chảy nước vàng, có khi hơn một tuần mà vẫn chưa khỏi, có thể bé đã bị chồi hạch rốn (granuloma), bản chất của các chồi này chính là mô hạt, các sợi bào, các mạch máu nhỏ. Đây là bệnh rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và không quá nguy hiểm nhưng nếu điều trị không kịp thời và vệ sinh không tốt, rất dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng rốn.

Vậy nếu phát hiện nước vàng chảy từ rốn bé ra nhiều, lâu hết thì mẹ nên đưa bé đến bác sĩ nhi khoa để xác định bé có bị chồi hạch hay không. Nếu đúng là chồi hạch rốn thì tùy theo kích thước của chồi hạch mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị khác nhau.

banner ads

1.3 Rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi

Bé sơ sinh lúc nào cũng cần được chăm sóc và quan tâm một cách kĩ càng đặc biệt là vùng rốn. Rốn khỏe mạnh có nghĩa là phần lỗ rốn và cuống rốn khô, sạch và không bị chảy dịch. Tuy nhiên, nếu rốn trẻ sơ sinh chưa rụng mà có mùi hôi hoặc cuống rốn có mùi hôi kéo dài, dịch ra nhiều và lâu khô thì mẹ nên đặc biệt lưu tâm, vì có thể bé đang bị nhiễm trùng ở rốn đấy!

rốn trẻ
Bé sơ sinh lúc nào cũng cần được chăm sóc và quan tâm một cách kĩ càng đặc biệt là vùng rốn. Ảnh Internet
Nguyên nhân gây ra mùi hôi ở rốn trẻ
  • Viêm rốn: Dấu hiệu để mẹ nhận biết đó rốn bé có mùi hôi cộng thêm các dấu hiệu sưng, chảy mủ và lâu rụng. Bé có thể bị sốt nhẹ, hay khóc. Lúc này mẹ cần vệ sinh sạch sẽ cho vùng rốn của bé, thay băng hằng ngày và đưa bé đi bác sĩ nếu các dấu hiệu vẫn không giảm.
  • Nhiễm khuẩn rốn: Nếu rốn của bé lâu rụng, ướt và có mùi hôi kéo dài. Sau một thời gian thì sưng phù và có mủ, đây có thể là rốn bé đang bị nhiễm khuẩn. Trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ khiến toàn thân bé sung phù, chướng bụng và rối loạn tiêu hóa. Mẹ nên đưa bé đi bác sĩ ngay để có cách xử lý kịp thời.
  • Hoại tử rốn: Triệu chứng của hiện tượng này là do bé rụng rốn sớm, rốn bé sưng đổ rồi chuyển qua tím bầm. Rốn bé sẽ bị chảy mủ đôi khi kèm theo máu. Trong trường hợp này mẹ cần đưa bé đi bệnh viện ngay, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng máu cực kì nguy hiểm.
  • Viêm mạch máu rốn: Nếu rốn trẻ có mùi hôi rất có thể là do viêm mạch máu rốn. Mạch máu rốn gồm có động mạch và tĩnh mạch, hai mạch máu này giúp chuyển chất dinh dưỡng từ mẹ vào bé khi bé còn ở trong bụng mẹ. Thông thường hai mạch máu này sẽ xơ hóa và biến mất, nếu mẹ không vệ sinh sạch sẽ rốn cho bé thì có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm.

1.4 Rốn trẻ bị có mủ

Đa số các nguyên nhân khiến rốn trẻ có mủ là do mẹ băng rốn cho bé quá chặt, chưa rửa tay sạch sẽ trước khi băng rốn, tự ý ngắt cuống rốn, bôi chất lạ lên rốn khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ,... khiến cho rốn bé bị vi khuẩn xâm nhập dẫn tới tình trạng mưng mủ và nhiễm trùng.

Những biểu hiện của trường hợp này đó là: Chân rốn phù nề, tấy đỏ, chảy dung dịch xanh và mủ vàng kèm theo mùi hôi, chảy máu trong rốn,...Ngoài ra, bé còn có những triệu chứng sốt cao , bỏ bú, luôn trong trạng thái mệt mỏi, quấy khóc,..

Lúc này mẹ cần lưu ý thay băng thường xuyên cho bé tránh để tình trạng mủ trở nên nghiêm trọng và đưa bé đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.

1.5 Rốn trẻ sơ sinh bị lồi

rốn lồi
Trong hầu hết các trường hợp, rốn lồi ở trẻ không gây nguy hiểm đến sức khỏe của bé. Ảnh Internet

Rốn lồi là một dị tật khá phổ biến mà trẻ sơ sinh gặp phải, nhất là ở những  trẻ sinh non . Mẹ có thể nhận biết được tại vị trí rốn của trẻ có một cục nhỏ lồi hẳn lên trên, đặc biệt phình to hơn khi bé vặn mình hoặc quấy khóc. Tình trạng rốn lồi ở rẻ sơ sinh là do thoát vị rốn gây ra, khi đó một số nội tạng sẽ rời khỏi vị trí bình thường của nó và tạo một lỗ lồi lên rõ rệt ở phần bụng bé.

Trong hầu hết các trường hợp, rốn lồi ở trẻ không gây nguy hiểm đến sức khỏe của bé. Tình trạng này sẽ tự khỏi khi bé được 1 tuổi trở lên, cũng có nhiều trường hợp bé khi được 4, 5 tuổi rốn mới bớt lồi đi. Nếu bé trên 5 tuổi tình trạng này vẫn không đỡ mẹ cần đưa bé đi bệnh viện để được phẫu thuật.

2. Các bệnh lý về rốn mẹ cần phải biết

2.1 Bệnh nhiễm trùng rốn

Nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh là mộ trong những tình trạng thường gặp trong giai đoạn sau sinh mang đến những hậu quả xấu.

2.1.1 Nguyên nhân
  • Bố mẹ và gia đình đã không vệ sinh hoặc không biết cách vệ sinh cuống rốn và thay băng rốn cho bé.
  • Băng rốn quá kín sẽ tạo điều kiện cho vi trùng phát triển, rốn bị tấy đỏ và chảy mủ,...
  • Ngoài ra, khi chăm sóc rốn cho bé , nhiều mẹ còn thấy rốn của con sắp rụng, chỉ còn dính lại một phần rất nhỏ, đã tự ý giật hoặc cạy bỏ. Điều này sẽ gây tổn thương và ảnh hưởng nghiêm trọng đến bé.
  • Một số gia đình dùng các phương thức dân gian như đắp lá, rắc tiêu hoặc dùng chất lạ bôi lên cuống rốn của bé để giữ vệ sinh và làm cho rốn mau rụng.
2.1.2 3 dấu hiệu được xem là đặc trưng nhất của bệnh này
  • Ngay tại chân rốn của trẻ sơ sinh bị đỏ và sưng to.
  • Tại vùng rốn có tiết ra chất dịch mủ và có mùi hôi.
  • Trẻ bị sốt cao trên 38 độ, bé thở nhanh (trên 60 lần/phút), bị vàng da,...
băng rốn đúng cách
Băng rốn quá kín sẽ tạo điều kiện cho vi trùng phát triển, rốn bị tấy đỏ và chảy mủ,...Ảnh Internet

Khi rốn của trẻ bị nhiễm trùng sẽ đi vào gan gan rất nhanh, thậm chí đi vào máu và nguy cơ tử vong ở trẻ bị nhiễm trùng rốn là rất cao. Khi cha mẹ quan sát rốn trẻ sơ sinh và thấy rốn trẻ bị sưng đỏ, có tiết ra dịch hôi thì điều đầu tiên cha mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế khám ngay. Các bác sĩ sẽ lấy dịch mủ và xét ngiệm để đanh giá mức độ nhiễm trùng của rốn để có hưỡng điều trị thích hợp.

2.2 Bệnh uốn ván rốn

Uốn ván rốn là bệnh nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh do thần kinh trung ương bị nhiễm độc tố trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani. Loại trực khuẩn này sẽ xâm nhập vào cơ thể trẻ và tiết ra các độc tố phá vỡ hồng cầu tạo nên các cơn co giật, co thắt các cơ quan thanh quản làm cho trẻ bị ngạt không thở được dẫn tới tử vong.

Nguyên nhân là do các dụng cụ dao, kéo, bông băng, chỉ không được diệt khuẩn. Việc chăm sóc trẻ sau sinh như thay băng, nước tắm không sạch cũng gây nhiễm khuẩn rốn trong đó có vi khuẩn uốn ván. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài 3-7 ngày, thời gian ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng.

Dấu hiệu đầu tiên là trẻ bỏ bú hoặc bú rất khó khăn không há miệng được. Sau 24h thì bệnh càng nặng, bé bị cứng hàm liên tục, lên cơn co giật, mặt, cổ, lưng, bụng, chân tay đều co cứng, 2 tay nắm chặt. Các kích thích do tiếng động, chạm vào da trẻ làm oằn thân, ưỡn cong ra sau, mặt nhăn nhúm, môi chúm lại, miệng không há to được làm trẻ khóc không thành tiếng. Nhiệt độ cơ thể tăng lên trên 37-41 độ, hay bị táo bón , rốn thường rụng sớm,.. Khi nghi ngờ trẻ bị uốn ván rốn phải đưa ngay đến bệnh viện, cố gắng di chuyển bé nhẹ nhàng, tránh tiếng động và ánh sáng làm nhằm giảm các cơn co giật.

tiêm phòng
Mẹ cần phải tiêm phỏng đủ 2 mũi uốn ván. Ảnh Internet

Hiện nay, tuy y học đã nghiên cứu được huyết thanh chống uốn ván và các phương pháp hồi sức hiện đại nhưng việc điều trị uốn ván chưa có kết quả tốt, tỷ lệ tử vong vẫn là 80%. Do vậy tốt nhất vẫn là phòng bệnh. Mẹ cần phải tiêm phỏng đủ 2 mũi uốn ván, khi chuyển dạ cần phải được sinh ở các cơ sở y tế uy tín. Trong những tuần đầu khi chưa rụng rốn , phải dùng nước sạch (nước đun sôi để nguội để tắm cho bé). Khi thấy băng rốn ướt, có mùi hôi hoặc dịch mủ chảy ra thì chứng tỏ rốn đã bị nhiễm khuẩn, phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được xử lý.

2.3 Bệnh thoát vị rốn

Thoát vị rốn là tình trạng một phần ruột chui vào khe hở giữa các cơ thành bụng tại rốn và nằm sát bên dưới da. Tình trạng này gặp nhiều ở trẻ sơ sinh, khi mà cơ thành bụng chưa phát triển đủ để bịt kín ống dây rốn.

thoát vị rốn
Ở một số trường hợp sẽ khiến cho một đoạn quai ruột bị kẹt và không thể nào quay lại vị trí cũ nữa. Ảnh Internet

Thực tế ở trẻ em, biến chứng của thoát vị rốn là không thường gặp. Dù thế, ở một số trường hợp trẻ sẽ gặp phải tình trạng một đoạn quai ruột bị kẹt và không thể nào quay lại vị trí cũ nữa. Ở đoạn ruột này máu nuôi dưỡng sẽ ít đi, khiến cho mô ruột bị tổn thương hoặc dẫn đến đau vùng rốn. Trầm trọng hơn, đoạn ruột có thể bị nghẹt hoàn toàn không nhận được máu, hoại tử có thể xảy ra. Nhiễm trùng có thể lan rộng ra khắp ổ bụng, gây ra tình huống đe dọa tới tính mạng. Bố mẹ hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay nếu đột nhiên xuất hiện các triệu chứng sau: Bé khóc nhiều vì đau, bụng bé to, tròn và đầy hơn bình thường, vùng da ở khối thoát vị sưng nề và đỏ, sốt, nôn, khó đi ngoài hoặc không thể đi ngoài, có máu trong phân,...

Lưu ý: Bố mẹ không nên dùng tay xoa hoặc ấn mạnh vào rốn với mục đích cho khối thoát vị mền ra vì điều này có thể gây đau đớn cho trẻ và cũng không giúp cải thiện tình trạng.

2.4 U hạt rốn

Thông thường rốn của bé sẽ tự rụng sau khi sinh và khô dần, tuy nhiên ở một số trẻ, rốn không khô hẳn mà tiết ra dịch kéo dài dù đã được chăm sóc kỹ lưỡng. Đó là do ở rốn có một u hạt hay mô hạt rốn nhỏ, có kích thước từ 2-3mm đến 1cm, gây rỉ dịch kéo dài, màu đỏ nhạt hay hơi ngả vàng. U hạt này tiết dịch gây ẩm ướt rốn thường xuyên, nếu không được điều trị mô xung quanh rốn có thể bị viêm tấy đỏ dẫn đến nhiễm trùng rốn. Bệnh u hạt rốn ở trẻ sơ sinh được xác định là do quá trình rụng rốn của trẻ diễn ra trễ tạo điều kiện cho u hạt phát triển. Cũng có thể xảy ra do quá trình chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh chưa được tốt hoặc chưa đúng cách.

Nhận thấy rốn bé khi rụng vẫn chưa khô hẳn mà có tình trạng trên cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để được khám và điều trị đúng phương pháp.

2.5 Tồn tại ống niệu - rốn

ống niệu rốn
Trong một số trường hợp cá biệt, ống này không đóng lại và trẻ sơ sinh bị chứng bệnh tồn tại ống niệu - rốn. Ảnh Internet

Trong thời kỳ bào thai, ống niệu - rốn  ( dài 3–10 cm , đường kính: 8–10 mm ) là ống nối liền giữa bàng quang và rốn. Sau sinh, ống này tự động đóng lại và trở thành dây chằng rốn. Trong một số trường hợp cá biệt, ống này không đóng lại và trẻ sơ sinh bị chứng bệnh tồn tại ống niệu - rốn.  Khi ống niệu-rốn tồn tại một phần hoặc toàn bộ sẽ gây nên một số bệnh lý: Dò rốn-bàng quang, nang rốn-bàng quang và túi thừa bàng quang. Đây là một loại dị tật tuy tương đối ít gặp của đường tiết niệu ở trẻ em nhưng nếu bỏ sót thì có khả năng phát triển thành ác tính khi trẻ đến một độ tuổi trưởng thành, trong lúc nếu được phát hiện và điều trị ngay từ khi còn nhỏ tuổi thì đơn giản, hiệu quả.

Biểu hiện của bệnh: Nhìn thấy rốn ướt, các mô quanh rốn vị viêm, ấn vào vùng trên xương mu thấy có nước tiểu rỉ qua rốn, sờ thấy khối u vùng dưới rốn. Với bệnh lý này, bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được phẫu thuật, giải phóng tồn tại ống niệu - rốn.

3. Mẹ cần làm thế nào để chăm sóc rốn bé ở nhà

3.1 Những điều mẹ cần làm trước khi rốn rụng

3.1.1 Giữ cho rốn trẻ sơ sinh luôn khô thoáng
rốn
Nên để rốn ra bên ngoài không khí trong lành càng nhiều càng tốt để giúp làm khô rốn đặc biệt là phần cuống rốn.

Mẹ nên để khu vực rốn của con thường xuyên ở trong tình trạng khô thoáng không băng kỹ, để giúp làm khô rốn đặc biệt là phần cuống rốn. Trong thời tiết ấm áp, mặc cho bé tã và 1 chiếc áo cotton, sẽ cải thiện không khí lưu thông, giúp sấy khô cuống rốn. Ngoài ra, thay tã ướt hoặc bẩn ngay lập tức để giúp giữ cho em bé khô ráo và cũng có thể ngăn ngừa nhiễm trùng của rốn đấy.

3.1.2 Tránh phần rốn khi tắm

Trước khi tắm cho bé , mẹ hãy rửa sạch tay bằng xà bông để vi khuẩn không xâm nhập vào cơ thể bé. Nếu không đảm bảo vệ sinh, phần cắt của dây rốn rất dễ nhiễm trùng có thể gây nên bệnh uốn ván - một trong những tai biến nặng dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh. Trong thời kỳ rốn của bé chưa rụng, nên cẩn thận không để nước thấm vào cuống rốn dễ gây nhiễm trùng. Các mẹ cũng nên tắm lần lượt từng bộ phận, từ đầu đến chân, không nên đặt bé vào thau. Ngoài ra, bạn có thể dùng khăn ẩm vệ sinh cơ thể bé, tránh phần rốn.

3.1.3 Băng rốn đúng cách
băng rốn
Việc vệ sinh rốn của bé cần được thực hiện hàng ngày cho đến khi cuống rốn khô và rụng. Ảnh Internet

Sau khi tắm, các mẹ cần thay băng rốn cho bé ngay. Lưu ý là phải vô trùng tay mẹ bằng cồn 70 độ, trước khi mẹ gỡ bỏ gạc bao rốn cũ của bé. Dùng bông tăm thấm dung dịch Povidine lau sạch từ đầu rốn đến chân rốn, sau đó đắp băng gạc mới lên và dùng gạc băng cố định lại. Các mẹ nên nhớ là việc tắm rửa hay thay gạc rốn cho bé đều cần thực hiện hết sức nhẹ nhàng. Không được băng rốn quá chặt vì ngoài việc làm cho bé khó chịu nó còn có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng. Việc vệ sinh rốn của bé cần được thực hiện hàng ngày cho đến khi cuống rốn khô và rụng.

3.1.4 Quan tâm đến các dấu hiệu của bé và quanh rốn bé

Các mẹ cần phải quan tâm và để ý tới rốn trẻ một cách thường xuyên và đừng nên bỏ qua bất cứ dấu hiệu bất thường nào của bé. Nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường xung quanh khu vực rốn của bé như sưng tấy, rỉ dịch mủ vàng, chảy máu, sốt hoặc ít bú thì hãy đưa bé đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

3.1.5 Kiên nhẫn
dây rốn
Thời gian rụng rốn ở mỗi bé là rất khác nhau, vì vậy các mẹ không nên dùng tay kiểm tra hoặc giật dây rốn lên. Ảnh Internet

Với mỗi bé, khoảng thời gian rốn khô và rụng hoàn toàn không giống nhau. Do vậy, mẹ không nên suốt ruột mà hãy kiên nhẫn chăm sóc thật kỹ lưỡng, để quá trình diễn ra tự nhiên trong tình trạng khỏe mạnh nhất của trẻ. Mẹ tránh bất cẩn trong lúc kiểm tra, hay kiểm tra quá thường xuyên hoặc giật cuống rốn,...điều này không tốt cho trẻ, có thể gây ra tổn thương hoặc nhiễm trùng khi rốn chưa thực sự khô hẳn và đến lúc rụng. 

3.2 Sau khi rốn trẻ sơ sinh rụng

Trẻ sơ sinh sẽ rụng rốn sau 7-10 ngày, tuy nhiên, sẽ có nhiều bé có thời gian rụng rốn lâu hơn. Chẳng hạn, nếu bạn sinh con lần đầu thì bé sẽ rụng rốn muộn hơn so với những bé có mẹ sinh lần 2, lần 3. Những trẻ sinh non cũng thường rụng rốn muộn hơn trẻ đủ tháng. Miễn rốn của bé không có những dấu hiệu bất thường mà Yeutre.vn vừa kể trên thì mẹ cũng không cần quá lo lắng nhé.

Giống như giai đoạn chưa rụng, quá trình chăm sóc rốn sau khi rụng cũng hết sức kỹ lưỡng và khoa học, mẹ cần lưu ý:

3.2.1 Đảm bảo gốc rốn luôn sạch sẽ

Đầu tiên mẹ cần rửa tay thật sạch bằng nước với xà phòng diệt khuẩn trước khi tiếp xúc với rốn của con. Sau đó, mẹ hãy vệ sinh cho phần gốc rốn bằng bông gạc vô trùng một cách nhẹ nhàng để loại bỏ các chất bẩn ở phần lỗ rốn và vùng da quanh gốc rốn. Mẹ nên lưu ý sử dụng bông gòn khác nhau cho mỗi bộ phận cần sát trùng.

3.2.2 Giữ gốc rốn luôn khô thoáng

Không khí sẽ giúp giữ rốn bé luôn khô thoáng sau khi rụng, vì thế mẹ không nên băng gạc băng lại mà để rốn hở. Điều này sẽ giúp lỗ rốn mau lành hơn và tránh các tình trạng viêm nhiễm. Ngoài ra, khi mặc quần áo hoặc đóng bỉm cho bé thì mẹ nên chú ý mặc dưới rốn tránh không để đè lên rốn và chất thải của bé sẽ có khả năng dính vào rốn gây nhiễm trùng.

rốn rụng
Không khí sẽ giúp giữ rốn bé luôn khô thoáng sau khi rụng. Ảnh Internet
3.2.3 Tắm cho bé khi rốn rụng

Sau khi rốn trẻ sơ sinh đã rụng hoàn toàn mẹ có thể tắm cho bé thoải mái hơn, mẹ không cần phải sợ nước vào rốn như ngày trước nữa. Nhưng mẹ cần lưu ý không nên để rốn bé tiếp xúc quá lâu với nước và cần lau thật khô phần rốn khi đã tắm xong nhé.

3.2.4 Mẹ cần lưu ý khi chăm sóc bé sau khi rụng rốn
  • Chảy máu: Khi cuống rốn của bé rụng, mẹ có thể thấy một chút máu dính trên tã. Điều này là hoàn toàn bình thường nhưng trường hợp máu chảy nhiều, khó cầm máu thì mẹ cần đưa bé đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
  • Rốn sau khi rụng có mủ và mùi hôi: Trường hợp phát hiện chỗ rốn bị sưng đỏ, rốn chảy dịch, có mủ hoặc vẫn còn ướt sau khi rụng, rốn có mùi hôi, trẻ sốt, bỏ bú thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

4. Cách mẹ xử lý cuống rốn của con sau khi rụng

Rất nhiều mẹ thắc mắc rằng sau khi rốn con rụng thì mẹ nên xử lý thế nào. Có mẹ thì giữ cuống rốn làm kỉ niệm, có mẹ thì treo lên bóng đèn, chôn cùng nhau thai,...Cùng tham khảo một số cách để bảo quản cuống rốn của bé nhé.

  • Làm kỉ niệm: Khi cuống rốn của con rụng, có nhiều mẹ đã phơi khô rồi bỏ vào hộp cùng với những sợ tóc máu của con để giữ làm kỉ niệm và mong con sẽ may mắn sau này.
cuống rốn
Nhiều mẹ đã phơi khô cuống rốn của con đẻ làm kỉ niệm. Ảnh InternetNhiều mẹ đã phơi khô cuống rốn của con để làm kỉ niệm. Ảnh Internet
  • Treo cuốn rốn của bé lên bóng đèn: Theo quan niệm dân gian nếu mẹ treo cuống rốn của bé lên bóng đèn, để cạnh gương hoặc treo theo hướng mặt trời mọc thì bé sẽ rất khỏe mạnh và thông minh. Không chỉ ở Việt Nam mà các mẹ ở Nhật Bản cũng dùng cách này đấy.
  • Bỏ vào lọ: Cũng có nhiều bà mẹ lấy cuống rốn của các con cột chung và bỏ vô một cái lọ, với hi vọng các con sau này sẽ thương yêu và nhường nhịn nhau hơn.
  • Treo lên góc màn: Nhiều mẹ tin rằng khi làm điều này với cuống rốn của con thì bé sẽ không quấy khóc và dễ nuôi hơn.

Mách nhỏ cho các mẹ là nên dùng rượu trắng để rửa cuống rốn rồi phơi thật khô, việc này sẽ khử được mùi hôi và bảo quản được lâu hơn đấy. Mẹ cũng cần lưu ý rằng, việc giữ lại cuống rốn như chia sẻ ở trên cũng chỉ là những quan niệm dân gian được ông bà ta truyền lại. Do đó, một số trường hợp khi mẹ không giữ lại cuống rốn của bé, cũng không có vấn đề gì mẹ nhé. 

Có thể nói rằng, rốn trẻ sơ sinh không phải là vấn đề đơn giản như chúng ta thường nghĩ. Không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc sao cho đúng cách, để quá trình rụng rốn diễn ra tự nhiên an toàn, mà mẹ cũng cần phải hiểu những vấn đề khác tồn tại và có thể xuất hiện trong quá trình khô đến rụng rốn khá ngắn ngủi này. Sự cẩn thận luôn là cần thiết, để tránh cho bé gặp phải những tình trạng không đáng có như các bệnh liên quan đến rốn hay nhiễm trùng. Yeutre.vn cũng hy vọng với chia sẻ tương đối chi tiết và đầy đủ như trên, giúp mẹ luôn chăm sóc rốn bé tốt nhất và quá trình khô đến rụng rốn của con, sẽ diễn ra thật suôn sẻ.

Hiền Anh tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI