Bạn có biết việc thụ tinh nhân tạo cũng có những quy định chặt chẽ bởi nhà nước. Theo quy định, không phải bệnh viện nào cũng được phép thực hiện việc thụ tinh trong ống nghiệm, và không phải cá nhân nào cũng có đủ điều kiện để tiến hành quá trình này. Hãy cùng Yeutre.vn tìm hiểu kỹ hơn về những quy định này nhé.
1. Đối tượng áp dụng của quy định về thụ tinh nhân tạo
Thụ tinh nhân tạo là việc sử dụng các biện pháp và dụng cụ y khoa chuyên dụng để hỗ trợ việc thụ thai dễ dàng hơn. Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được áp dụng đối với các cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân.
Theo Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP, vô sinh là tình trạng vợ chồng sau một năm chung sống có quan hệ tình dục trung bình 2 – 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai mà người vợ vẫn không mang bầu. Phụ nữ độc thân là phụ nữ không có quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật. Cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân, gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện các kỹ thuật này.
Quy định về thụ tinh nhân tạo áp dụng cho các cặp vợ chồng vô sinh vì một trong những nguyên nhân sau:
- Vô sinh do người chồng tinh trùng yếu, bất thường nhưng vẫn đủ điều kiện để điều trị bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung;
- Vô sinh do rối loạn phóng noãn;
- Vô sinh không rõ nguyên nhân;
- Vô sinh do lạc nội mạc tử cung;
- Vô sinh do yếu tố cổ tử cung;
- Vô sinh do chồng không có tinh trùng, cần xin mẫu tinh trùng để thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung của người vợ;
- Các trường hợp lưu giữ tinh trùng.
2. Thủ tục hồ sơ
Trước khi tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân đã đủ điều kiện cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Nộp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện các kỹ thuật này.
Hồ sơ gồm :
- Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 10.
- Hồ sơ khám xác định vô sinh của phụ nữ độc thân hoặc cặp vợ chồng đứng tên trong đơn đề nghị.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, phải có kế hoạch điều trị cho cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân.
Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này và không thể có kế hoạch điều trị phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.
3. Những quy định về thụ tinh nhân tạo
Đối với việc thụ tinh nhân tạo, nhà nước đã đưa ra các quy định áp dụng cho cả những nơi thực hiện và những người thực hiện.
3.1 Đối với các cơ sở thực hiện thụ tinh nhân tạo
Không phải bệnh viện nào cũng có thể thực hiện việc thụ tinh nhân tạo. Theo Điều 7 của Nghị định 10, chỉ những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như: cơ sở phụ sản, sản - nhi của nhà nước từ tuyến tỉnh trở lên, bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa sản, khoa sản - nhi, bệnh viện phụ sản , chuyên khoa sản - nhi tư nhân, bệnh viện chuyên khoa nam học và hiếm muộn.
Ngoài ra, các bệnh viện phải bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự theo quy định tại Thông tư 57/2015/NĐ-CP của Bộ Y tế, bao gồm những thiết bị, dụng cụ y tế cần thiết và quy trình từng bước thực hiện.
Hiện tại, danh sách các bệnh viện, cơ sở y tế được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo chưa được công bố trên phương tiện thông tin chính thống.
Các quy trình thụ tinh nhân tạo cũng cần được thực hiện đầy đủ theo các bước được nêu trong mục IV: Quy trình kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
3.2 Đối với người muốn thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo
Để tránh tình trạng lạm dụng sự hỗ trợ của khoa học trong việc sinh sản và thắt chặt việc quản lý về gen, không phải ai cũng được cho phép sinh con bằng kỹ thuật thụ thai nhân tạo.
Pháp luật Việt Nam đã giới hạn chỉ có 2 đối tượng được quyền sinh con bằng kỹ thuật nhân tạo, đó là cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân. Pháp luật còn thu hẹp đối tượng nhận noãn phải là người Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam.
Cả người nhận và cho tinh trùng, noãn đều phải được khám và làm các xét nghiệm và đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định về sức khỏe như: không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau, không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, không bị nhiễm HIV.
Ngoài ra, đối với người nhận tinh trùng, nhận noãn, nhận phôi phải có đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con. Không bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B. Điều khoản này nhằm bảo đảm sức khỏe của người nhận và đứa bé sẽ được hình thành bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, hạ thấp nhất tỷ lệ xảy ra tai biến, tai nạn trong quá trình thực hiện kỹ thuật.
Tinh trùng, noãn của người cho chỉ được sử dụng cho một người, nếu không sinh con thành công mới sử dụng cho người khác. Trường hợp sinh con thành công thì tinh trùng, noãn chưa sử dụng hết phải được hủy hoặc hiến tặng cho cơ sở làm nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, thực tế rất khó để kiểm soát việc hiến tinh trùng, noãn. Một người có thể hiến tinh trùng, trứng tại nhiều nơi khác nhau mà vẫn chưa có cách nào kiểm soát hay nhận biết được, vì chúng ta chưa có một hệ thống dữ liệu chung cho các bệnh viện, cơ sở y tế.
Quy định về thụ tinh nhân tạo được nêu trên, chỉ là những tóm tắt sơ lược mang tính chất hỗ trợ và tham khảo, mà Yeutre.vn tổng hợp. Những quy trình chuẩn sẽ được bác sĩ tư vấn, cũng như đề cập rõ ràng chi tiết hơn, khi các bạn đến các bệnh viện, cơ sở y tế thăm khám. Và, trong quá trình thực hiện, vợ chồng bạn nếu có khó khăn, vướng mắc, hãy gửi văn bản phản ánh về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em) để được xem xét, giải quyết.
Nguyễn Hợp tổng hợp