Ốm nghén kéo dài mẹ phải làm sao?

Ốm nghén kéo dài là tình trạng chắc chắn không mẹ bầu nào muốn mình gặp phải. Tuy nhiên, nó vẫn xảy đến với một số chị em, khiến cho việc mang thai đã mệt mỏi lại thêm nhiều khó khăn hơn. Vậy mẹ bầu có thể làm gì trong trường hợp này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads
Mẹ bầu ốm nghén kéo dài
Ốm nghén kéo dài có thể xảy ra với bất cứ mẹ bầu nào. Ảnh Internet 

1. Về tình trạng ốm nghén kéo dài

Mọi phụ nữ dù mang thai hay không có lẽ đều rất quen với khái niệm ốm nghén. Vì hầu hết phụ nữ khi có thai đều ít nhiều bị ốm nghén với các triệu chứng nặng, nhẹ khác nhau. Có chị em thì thèm ăn, uống một món nào đó mà trước đây mình không thích. Có mẹ thì thích hoặc sợ một loại mùi nào đó mà khi chưa có bầu mình không hề để ý đến. Người khác lại thấy mệt mỏi, buồn nôn hay buồn ngủ,…Những biểu hiện đa dạng phong phú này đều được chúng ta quy vào “ốm nghén” và được chị em hoặc người thân truyền tai nhau như một câu chuyện vui khi mang thai.

Tuy nhiên, ốm nghén kéo dài hay ốm nghén nặng lại không hề khiến chị em vui vẻ chút nào. Vì mặc dù cũng là một phần của thai kỳ đối với một số mẹ bầu, nhưng nó lại gây mệt mỏi, khó chịu hơn rất nhiều, thậm chí cần phải can thiệp y tế để điều trị. 

Bà bầu mệt mỏi
Ốm nghén kéo dài làm cho mẹ bầu rất mệt mỏi. Ảnh Internet 

Ốm nghén kéo dài là tình trạng ốm nghén bắt đầu sớm hơn (giữa tuần thứ tư và năm của thai kỳ) và kéo dài muộn hơn (đến tam cá nguyệt thứ ba thậm chí đến hết thai kỳ), và nó thường ở mức độ nặng, mà theo thuật ngữ y học gọi là chứng nôn nghén khi mang thai hay ốm nghén nặng – hyperemesis gravidarum – HG.

Khi bị ốm nghén nặng, bạn có thể trải qua những đợt nôn nghén với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Nó có thể cải thiện theo tuổi thai hoặc không. Trong một số trường hợp, mẹ bầu cần được can thiệp y tế để đảm bảo sức khỏe thai kì, đó là khi:

  • Mẹ bị nôn nghén nặng dẫn đến mất nước
  • Mẹ không giữ được thức ăn trong dạ dày, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé
  • Mẹ bị mệt mỏi quá mức ảnh hưởng tới công việc và sinh hoạt hàng ngày 
Bà bầu bị nôn nghén nặng
Bà bầu bị nôn nghén nặng dẫn đến mất nước cần phải được can thiệp y tế. Ảnh Internet 

2. Nguyên nhân gây ra ốm nghén kéo dài

Tương tự như ốm nghén thông thường, hiện chúng ta vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng ốm nghén kéo dài. Tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ, bao gồm:

banner ads
  • Mẹ mang đa thai
  • Mẹ mang thai lần đầu
  • Mẹ có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị ốm nghén nặng
  • Mẹ bị đau nửa đầu kèm theo nôn hoặc buồn nôn
  • Mẹ bị một tình trạng bệnh lý nào đó (bao gồm cả chửa trứng hay còn gọi thai trứng
Mẹ mang thai lần đầu
Mẹ mang thai lần đầu có nguy cơ bị ốm nghén kéo dài cao. Ảnh Internet 

3. Ốm nghén kéo dài ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi như thế nào

Ốm nghén nặng có thể khiến bạn buồn nôn và nôn nghiêm trọng kéo dài, đến mức ảnh hưởng có hại đến cả bạn và thai nhi.

Việc dạ dày của bạn không thể giữ lại thức ăn khiến cơ thể không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Kết quả là bạn bị giảm cân và mất nước cũng như mất cân bằng điện giải.

Nếu tình trạng ốm nghén nặng không được điều trị, nó có thể gây ra biến chứng, bao gồm cả suy nội tạng và sinh non .

4. Khi nào bạn cần đến gặp bác sỹ

Khi bạn bị ốm nghén với những triệu chứng sau, bạn cần đến gặp bác sỹ hoặc cơ sở y tế sớm nhất có thể:

  • Bạn bị buồn nôn kéo dài cả ngày khiến bạn không thể ăn hoặc uống
  • Bạn bị nôn mửa nhiều lần trong ngày hoặc không thể giữ bất kì thức ăn gì trong dạ dày 
Mẹ bầu gặp bác sỹ
Nếu bạn bị nôn mửa nhiều lần trong ngày hoặc không thể giữ thức ăn gì trong dạ dày, hãy đi bác sỹ. Ảnh Internet

Chất nôn của bạn có màu nâu, có máu hoặc vệt máu trong đó

  • Bạn bị giảm cân
  • Bạn bị ngất xỉu hoặc chóng mặt
  • Bạn giảm đi tiểu
  • Nhịp tim của bạn nhanh
  • Bạn bị đau đầu tái phát
  • Bạn thấy khó chịu, miệng có vị chua hay cơ thể có mùi
  • Bạn thấy cực kỳ mệt mỏi
  • Bạn thấy mơ hồ, không tỉnh táo 
Mẹ bầu mệt mỏi
Nếu bạn thấy cực kỳ mệt mỏi không thể chịu nổi cũng hãy đi bác sỹ ngay. Ảnh Internet 

5. Điều trị chứng ốm nghén kéo dài như thế nào

Mặc dù các phương pháp điều trị dùng cho tình trạng ốm nghén thông thường như: ăn đồ khô vào buổi sáng, ăn thức ăn nhạt,…cũng có thể được áp dụng cho chứng ốm nghén nặng. Tuy nhiên chúng có thể không hiệu quả vì mức độ nghiêm trọng của ốm nghén nặng.

Vì vậy nếu rơi vào trường hợp này, can thiệp y tế sẽ được chỉ định, có khả năng bao gồm:

  • Truyền dịch qua tĩnh mạch để bổ sung dinh dưỡng, vitamin và chất lỏng nhằm giúp vài bộ phận của hệ thống tiêu hóa được nghỉ ngơi
  • Thuốc chống nôn qua đường uống hoặc tĩnh mạch nếu cần thiết
  • Ăn thực phẩm cùng với gừng hoặc bổ sung vitamin B6 để giúp giảm buồn nôn

Ngoài ra, một số biện pháp sau cũng có thể hữu ích cho bạn, chúng bao gồm:

  • Ăn nhạt
  • Ăn nhiều bữa nhỏ
  • Uống nhiều nước khi không cảm thấy buồn nôn 
Mẹ bầu uống nước
Bạn hãy uống nhiều nước khi không cảm thấy buồn nôn. Ảnh Internet 
  • Tránh thức ăn cay và béo
  • Ăn đồ ăn nhẹ giàu protein
  • Tránh các yếu tố có thể kích thích vị giác của bạn

Nếu bạn thấy lo lắng hoặc căng thẳng về tình trạng của mình, hãy trò chuyện với một nhà trị liệu hoặc tư vấn viên để được giúp đỡ đối phó với cảm xúc của mình.

Với việc điều trị, một phụ nữ bị ốm nghén nặng, kéo dài có thể cảm thấy tốt hơn cũng như nhận được sự chăm sóc và nguồn dinh dưỡng cần thiết để giúp cô ấy và em bé phát triển một cách khỏe mạnh. Sự thay đổi một số thói quen sống và ăn uống cũng giúp giảm thiểu tình trạng buồn nôn và nôn, khiến cho thai kỳ của bạn trở nên dễ chịu hơn.

Theo thời gian, các triệu chứng thường cải thiện và tất nhiên sẽ được giải quyết rốt ráo khi bạn bắt đầu hành trình kỳ diệu tiếp theo đó là đón em bé chào đời và làm mẹ. 

Mẹ bầu hạnh phúc
Các triệu chứng ốm nghén thường cải thiện theo thời gian và chắc chắn sẽ chấm dứt khi bạn đón em bé chào đời nên hãy cố gắng nhé. Ảnh Internet 

Ốm nghén kéo dài là tình trạng có thể gây ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần mà bạn không nên chủ quan xem thường. Việc cơ thể bị kiệt sức không những khiến chặng đường thai kỳ của bạn trở nên khó khăn hơn, mà nhân vật chính là em bé cũng bị tác động. Vì vậy, bạn hãy chủ động chuẩn bị nền tảng sức khỏe ngay từ trước khi mang thai. Đồng thời, trong thời gian bầu bí, hãy tuân thủ lịch khám thai định kỳ để bác sỹ có thể phát hiện bất kì biểu hiện bất thường nào và can thiệp kịp thời bạn nhé.

Theo Kid's Health

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI