Tục dâng hoa xưa
Xưa, hoa dâng ban thờ được gói trong những chiếc lá để giữ hương thơm
Xưa, các loại hoa được chọn để dâng cúng thường là loại có hương thơm ngào ngạt như huệ, ngọc lan, hoàng lan, thược dược, cúc, hoa trang... Để tỏ lòng tôn kính, các cụ sẽ bọc chúng trong một chiếc lá sạch có thể là lá dong, lá bàng non hay lá riềng và đặt vào một chiếc đĩa nhỏ, vốn dành riêng cho việc thờ phượng trước khi dâng lên bàn thờ.
Không chỉ riêng những ngày đặc biệt trong năm mà trong các ngày giỗ của mỗi gia đình, hoa cúng là một phần không thiếu của phong tục thờ cúng thiêng liêng.
Cách dâng hoa ngày nay
Ngày nay, theo những thay đổi của xã hội và các nghi thức thờ cúng, những đĩa hoa dâng bàn thờ đã không còn. Thay vào đó là các bình hoa đủ loại, đủ sắc. Và mỗi một loại đều có những ý nghĩa nhất định.
Dâng hoa theo ý nguyện
Nếu như trước đây hoa dâng kính trên ban thờ nói chung và ban thờ tổ tiên nói riêng đều phải đảm bảo các tiêu chí về hương và sự biểu trưng cho hình tượng thanh thoát thì ngày nay nhiều gia đình nương theo ý nguyện và sở thích của người đi trước để chọn loại hoa dâng kính phù hợp. Nếu sinh thời, ông cha thích loại hoa nào thì đó sẽ loại hoa được chọn để làm hoa dâng ban thờ trong những ngày đặc biệt như giỗ chạp, lễ Tết.
Dâng hoa theo ý nghĩa
Sen hoặc địa lan thích hợp để dâng bàn thờ Phật
Riêng với ban thờ Phật, hoa chọn dâng phải có ý nghĩa nhất định về sự thoát tục, thanh khiết và cao đẹp như mẫu đơn, hoa sen, hồng thắm, cúc đại đóa... Ngoài ra, về màu sắc, mọi người cũng thường chọn đúng màu vàng hoặc đỏ.
Dâng hoa theo mùa
Hoa nở theo mùa. Vì thế, khi chọn hoa dâng kính, mọi người cũng phải tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên này. Nếu là tháng 7, hoa dâng kính thường là hoa huệ, hoa hồng, hoa địa lan... Nhưng nếu đó là ngày đầu năm mới, mọi người sẽ thường chọn hoa cúc, hoa cát tường hoặc hoa lay ơn... Ngoài ra, tùy theo điều kiện thời tiết của mỗi một vùng miền mà hoa được chọn dâng ban thờ sẽ có những khác biệt đáng kể.
Những loại hoa không nên dâng cúng trên ban thờ ngày Tết
- Hoa nhài tuy có hương thơm dịu thoảng nhưng không phải là loài hoa thích hợp để đặt ban thờ vì người xưa quan niệm đây là loài hoa thị phi.
- Chậu cảnh không bao giờ được đặt ở ban thờ
- Ban thờ có thể không có hoa trong những ngày thường nhưng không nên đặt hoa giả thay thế, nhất là vào ngày Tết vì người xưa quan niệm không dùng lễ giả để bày tỏ tấm lòng thành.
- Hoa phong lan, lan móng rồng (lan cua), hoa sứ, hoa cúc áo (cứt lợn), hoa phù dung, hoa râm bụt,... đều là những loại hoa không thích hợp để đặt ban thờ vì tên gọi và tính chất của hoa không trang trọng.
Ý nghĩa của các loại hoa dâng ban thờ ngày Tết
Hoa cúc thường được chọn để dâng ban thờ ngày Tết
- Hoa vạn thọ màu vàng: cầu mong một năm thịnh vượng và an lành
- Hoa huệ ta: tượng trưng cho sự thanh khiết và đổi mới
- Hoa cúc vàng đại đóa: tượng trưng cho sự thanh cao, sang trọng và phú quý
- Hoa địa lan màu xanh hoặc vàng: tượng trưng cho sự cao sang, giàu có
- Hoa đào: xua trừ sự dữ và cầu an lành
Những lưu ý khi dâng hoa trên ban thờ
Hoa đặt ban thờ cũng cần đạt được sự cân đối
- Linh hoạt: Không nên quá cứng nhắc trong việc chọn hoa bởi nó còn tùy thuộc vào điều kiện khí hậu của từng vùng miền. Điều quan trọng hơn hết vẫn là lòng thành của mỗi người. Ngoài ra, nếu không chọn được hoa có màu vàng rực hay đỏ thắm, có thể dùng chọn những loại hoa khác có sắc độ nhạt hơn.
- Tiết chế: Trong một bình hoa, không nên cắm quá nhiều loại hoa với nhiều màu sắc khác nhau vì nó làm mất đi sự trang trọng và ý nghĩa của hoa.
- Cân đối: Theo tín ngưỡng dân gian, sự cân đối là điều vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, ban thờ trang trọng luôn phải đạt được điều này ngay cả với cách trưng hoa.
Yeutre.vn (Tổng hợp)
Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm: