Trẻ từ 6 - 12 tuổi thường có nhiều biến đổi về tâm sinh lý
Thay đổi thể chất
So với tuổi mẫu giáo, trẻ ở tuổi tiểu học có tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Tuy nhiên, lúc này trẻ vẫn rất cần đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng để có thể phát triển thể chất toàn diện cũng như đảm bảo nhu cầu học tập, vận động.
Ở lứa tuổi này, trẻ thường chịu sự tác động của nhiều yếu tố lên thói quen ăn uống hàng ngày như ảnh hưởng từ bạn bè, quảng cáo, thích ăn quà vặt… Do đó, có thể trẻ sẽ chủ động đưa ra ý kiến cho những món ăn của mình. Những thực phẩm nhiều năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng có thể dẫn đến trẻ bị béo phì.
Ba mẹ cần lưu ý gì?
Điều ba mẹ cần làm là hướng dẫn con ăn uống đúng, lành mạnh trong suốt giai đoạn này để trẻ có được thể chất tốt trong tương lai. Bữa ăn cho trẻ ở lứa tuổi này vẫn cần phải đảm bảo đủ 5 nhóm thực phẩm chính (cả bữa chính và bữa phụ) là chất bột đường, đạm, chất béo, chất xơ và các vitamin và khoáng chất.
Tuy nhiên, ba mẹ nên hạn chế trẻ ăn nhiều chất bột đường và các chất béo, thay vì vậy tập trung nhiều vào đạm từ thịt heo nạc, thịt gà, thịt bò, trứng, cá, đậu nành, hải sản, sữa, rau xanh và hoa quả tươi các loại. Lưu ý, ngay cả nhưng trẻ béo phì đang theo chế độ ăn kiêng vẫn cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết.
Nên lưu ý chế độ ăn uống nhiều rau xanh, trái cây và chất đạm cho trẻ
Ngoài ra, ba mẹ cũng cần khuyến khích trẻ vận động thường xuyên để luyện tập cơ thể năng động, nhanh nhẹn. Những môn thể dục trẻ có thể tham gia là bơi lội, tập võ, chạy bộ, đá cầu…
Thay đổi về tâm sinh lý
Khi bắt đầu vào lớp 1, nhiều trẻ sẽ rơi vào trạng thái không thích đến trường hoặc hạn chế tiếp xúc với người khác do có nhiều thay đổi về mặt nề nếp so với khi còn học mẫu giáo. Lớn thêm chút nữa, tâm lý trẻ có thể rất khó ổn định, lúc thì phấn khích, khi thì chán chường. Trẻ thường cảm thấy bấp bênh, thiếu thốn tình khi không được quan tâm đúng mức.
Đến tuổi 10 - 11, trẻ bắt đầu có những bộc lộ về cá tính và sở thích riêng, biết quan tâm tới các vấn đề xã hội xung quanh mình. Trẻ dần có những biểu hiện của người lớn và cảm thấy giữa mình và ba mẹ có những khác biệt. Trẻ có thể nói dối ba mẹ một số điều nhưng không phải vì trẻ hư hỏng mà vì trẻ không muốn quá dựa dẫm vào bố mẹ nữa.
Ở tuổi 12, trẻ bắt đầu dậy thì, có những thay đổi rõ rệt về mặt thể chất và tâm sinh lý. Trẻ cũng tự nhận thức rõ về bản thân mình hơn do đó không muốn bị coi là trẻ con, muốn khẳng định sự độc lập của mình với gia đình và bạn bè. Trẻ cũng muốn khẳng định mình, xóa bỏ đi hình ảnh “trẻ con” của mình để mang vào cái vỏ của người lớn. Chính lúc này trẻ trở nên yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất.
Ba mẹ nên lưu ý gì?
Thực tế cho thấy trẻ em sống trong gia đình càng có điều kiện tốt càng dễ mắc các bệnh về tâm lý. Một số gia đình có ba mẹ là trí thức nhưng trẻ lại thiếu thốn tình cảm, ba mẹ không có sự quan tâm đúng mức và đúng cách với con cái.
Bên cạnh đó, một số gia đình lại quan tâm, chăm sóc và nuông chiều con quá mức cũng gây ảnh hưởng tới sự phát triển tự nhiên của trẻ. Do không cảm nhận được sự quan tâm thích hợp của gia đình, đặc biệt là cha mẹ, các em phản ứng lại bằng thái độ thụ động, dần dần dẫn đến mắc các bệnh về tâm lý.
Ba mẹ nên tạo điều kiện để trẻ vui chơi và hòa nhập với cộng đồng
Ba mẹ cần tạo môi trường sinh hoạt, học tập và vui chơi thoải mái để trẻ có điều kiện hòa nhập với thế giới xung quanh. Thương yêu và tôn trọng sở thích cũng như những nguyện vọng chính đáng của trẻ để trẻ luôn tin tưởng và muốn chia sẻ mọi điều với gia đình. Không ép trẻ theo ý người lớn nhưng cũng không buông lỏng trẻ, quan sát và tư vấn cho trẻ theo hướng tích cực mà vẫn tạo cảm giác thoải mái, tự do cho trẻ.
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu của bệnh tâm lý cần điều trị sớm vì càng để lâu, bệnh đế giai đoạn mãn tính rất khó điều trị cũng như tốn nhiều thời gian. Tìm hiểu nguyên nhân của bệnh từ đó có cách điều chỉnh môi rường sống thuận lợi cho việc điều trị. Đối với trẻ mắc bệnh tâm lý mức nhẹ thì việc trò chuyện, an ủi, động viên thường xuyên là liệu pháp tốt nhất. Nên hạn chế sử dụng các loại thuốc nếu còn cách điều trị khác vì sử dụng nhiều thuốc có thể gây hại tới sức khỏe của trẻ.
Yeutre.vn (Tổng hợp)