Mẹ khéo tay nên thường làm rất nhiều thức quà vặt: xay bột tráng bánh tẻ, nấu chè khoai, làm bánh mật… Quen với thói quen ấy đến nỗi, hôm nào thấy mưa bụi giăng là lòng lại nao nức, lại trông chờ tan học thật nhanh để về nhà, chạy ùa vào bếp, mấy chị em tíu tít giành phần.
Khi còn học cấp II trường làng, mỗi lần thấy mưa, bọn trẻ chúng tôi lại í ới rủ nhau làm nón bằng… lá chuối. Những tấm lá tươi được mang hơ qua lửa trở nên mềm và dai, dễ uốn mà không bị rách, được quây tròn như hình chiếc phễu, cứ thế đội lên đầu đến lớp. Cũng có khi ba, bốn đứa dàn hàng ngang chung nhau một tấm áo mưa mỏng, hai đứa cao lớn túm đầu hai bên, vừa đi vừa nhai ngô rang giòn rụm.
Qua tết thường là mùa cấy, hôm nào mưa bụi lại thấy mẹ chần chừ, nhưng rồi vẫn đội nón, khoác lên người tấm ni lông mỏng lấy từ những bao đựng phân bón đã được giặt sạch, lại phăm phăm quẩy gánh mạ xanh trên vai. Mẹ bảo “khi làm việc người ấm lên, không còn thấy ngại mưa nữa”. Trưa, sau khi rải đầy ruộng mạ, bố tranh thủ về nhà lo cơm nước. Một vài chiếc bao sọc rắn được trải xuống bờ ruộng, bố đóng bốn chiếc cọc rồi căng vài tấm áo mưa ngang trên. Mấy mẹ con ngồi dưới “ngôi nhà” tạm bợ ấy thưởng thức bữa cơm nóng hổi. Xa xa, trên từng bờ ruộng cũng xuất hiện những ô vuông nhà ni lông như thế. Bố có thói quen mang theo ấm nước chè nóng ra đồng, khi tiếng chào mời vẳng gọi là mọi người xúm đến, vừa nhấp từng ngụm vừa rôm rả chuyện giống má, cày bừa…
Ai cũng bảo gió mùa phương Bắc như một thứ “đặc sản”, còn tôi lại ví mưa bụi như một gia vị rất riêng của đặc sản ấy. Tháng năm trôi qua cuốn theo cả tuổi nhỏ, không còn phải chân lấm tay bùn vì đã lập nghiệp nơi thành thị, chẳng còn bắt gặp hình ảnh chiếc nón lá chuối nào nơi đất lạ. Mỗi lần nhìn mưa lòng lại thổn thức, nhớ mẹ và những thức quà, nhớ những í ới bạn bè một thời thơ dại.
(*) Bài viết đã được yeutre.vn đặt lại tít
Theo phunuonline