Ngày con chào đời!
29 tháng 7 tại BV huyện Quốc Oai – Hà Nội
4h sáng đang ngủ lơ mơ, mẹ thấy có nước chảy ở đâu đó. Mẹ giật mình và cũng đoán ra được điều gì sắp xảy ra. Vừa mừng vừa lo, mẹ dậy bật đèn soi thử và đúng như mẹ đã nghĩ rằng ngày hôm nay, mẹ sẽ được gặp, được nhìn, được ôm con gái yêu của mẹ.
Cơn đau bụng bắt đầu hoành hành mẹ của con. Con đang đòi ra ngoài gặp mẹ đấy mà. Nhưng chỉ một lúc cơn đau lại hết. Mẹ lại cảm thấy bình thường, và cứ như thế từng cơn một cứ đau rồi lại hết, chắc là con gái yêu của mẹ đang gồng mình để được ra ngoài với mẹ. Mẹ đau nhưng cố nằm nhìn đồng hồ 4h30 sáng, 5h, rồi 6h. Trời sáng, mẹ còn làm việc được. Mẹ vẫn nhể ốc cho bà ngoại đem bán.
8h sáng, bà ngoại bắt đầu dắt xe máy đưa mẹ đi khám ở trạm xá. Bác sĩ nói đã mở được 3 phân. Con khá to 3,5 cân nên ở trạm xá không dám để mẹ sinh ở đây. Cô bác sĩ hướng dẫn mẹ lên viện huyện để làm thủ tục sinh ngay. Trên đường lên bệnh viện, mẹ ngồi xe máy thấy trong người khỏe bình thường, nghĩ bụng ai nhìn vào mẹ đâu có giống người đang đi đẻ nhỉ.
9h lên tới viện, làm thủ tục và khám xong, mẹ lại thấy đau. Cơn đau nhanh hơn, đau dữ dội hơn những lần đau trước đó. Thế nên, mẹ vào nhập viện chỉ trong buổi sáng là mẹ sinh con ngay. Đúng 11h45′ là con ra đời, thời khắc đó mẹ không thể quên. Nghĩ lại cảnh trên bàn sinh, mẹ hãi hùng quá. Không thể nào tả hết được cái đau đó, hết cái đau này rồi cái đau khác chồng chất.
Mẹ kể con nghe. Từ lúc đau sắp sinh, mẹ vật vã, vịn vào hết bà ngoại hết thành giường, hết đi đi lại lại. Cơn đau làm mẹ không thể nằm im, ngồi im 1 chỗ cứ nằm lại ngồi bật dậy. Cứ ngồi mẹ lại nhổm dậy để đi, đi đến lúc đau quá lại đứng, lại đi, lại đứng mà cứ rúm hết cả 2 chân vào nhau, cứ như thế tới lúc mẹ nghĩ không chịu nổi nữa. Mẹ đòi vào phòng sinh, thấy có nhiều mẹ đang nằm trên bàn gào hét, mẹ phải đứng 1 mình không có chỗ vịn. Mẹ lại đòi ra ngoài vì ở đấy, có bố Hạnh của con, có các bà, có ngoại, cậu mợ chị em ở đó sẽ khiến mẹ được an ủi hơn.
Bác sĩ có dặn mẹ lúc nào đau, buồn đi tiêu thì vào phòng ngay. Lúc đó, mẹ nghĩ sao lại đi tiêu thì phải vào phòng đẻ ngay? Rồi sau này, mẹ mới hiểu được, à ra thế. Nhưng mẹ lại không giống như các bà mẹ khác. Mẹ không buồn đi tiêu, chỉ biết đau và đau thôi. Mẹ đau vật vã. Bố con thấy mặt mẹ nhăn nhó, méo xệch, bố thương mẹ. Mặt bố lúc đó cũng nhăn nhó méo xệch theo. Bố nói, hay là mổ đi cho đỡ đau (lần đầu đi sinh nên bố mẹ chưa ý thức được là mổ đẻ đau hơn đẻ thường).
Mẹ lại đi vào phòng đẻ. Đến lúc có 1 bàn đẻ trống, bác sĩ yêu cầu mẹ nằm lên, khám và nói ca này sinh trước. Và rồi mẹ bắt đầu làm nhiệm vụ là lấy sức rặn từng cơn để cho con của mẹ ra ngoài với mẹ, nhưng rặn mãi, đến gần như cảm thấy mẹ hết sức mất rồi. Ôi mắt mẹ không mở được, mà nói đúng hơn mẹ không còn sức để mở cả mắt nữa. Dường như lúc đó, trong mẹ chỉ còn suy nghĩ, chẳng lẽ mẹ lại bất lực không rặn được. Con không ra ngoài được thì sẽ ra sao?
Trong suy nghĩ, mẹ thắc mắc một điều, các bà mẹ làm được? Sao mẹ lại không làm được? Rồi tiếp tục, mẹ càng cố gắng hơn. Mẹ mệt, cảm thấy hết sức rồi. Các bác sĩ phải liên tục gọi mẹ mở mắt ra nhìn và hỏi chuyện để mẹ tỉnh táo, và tiếp cho mẹ đến 3 hộp sữa để lấy sức rặn. Sáng ra, mẹ cũng đã cố gắng ăn cơm. Ngoại đã dặn cố ăn no còn có sức. Nhưng mẹ vừa mừng chen lẫn lo âu trong cái ngày trọng đại ấy nên dù cố ăn nhưng không sao nuốt nổi cơm. Đã vậy, con gái mẹ cứng đầu, lại thai ngửa nên mãi không chịu ra, phải nhờ đến một bác sĩ còn chuyên ngồi cạnh mẹ (bàn đẻ cao), bác ấy làm nhiệm vụ lấy 2 tay, hết sức đẩy bụng mẹ để mẹ rặn dễ hơn.
Hôm ấy, các bác sĩ phải thay hết lần lượt hết 4 người đỡ mà con vẫn chưa chịu ra. Cuối cùng phải nhờ đến bác sĩ trưởng khoa sản hôm đó đỡ và con cũng chịu ra rồi. Ôi thời khắc đó, mẹ như kiệt sức nhưng vẫn còn kịp nhìn đồng hồ là 11h45p. Lúc đó, con tụt ra lúc nào không biết, mắt mẹ vẫn nhắm lấy sức vẫn rặn để con ra. Đến lúc một bác sĩ lên tiếng: “Con ra rồi còn rặn gì nữa, thai ngửa thoát mổ nhé”. Mắt mẹ phừng mở toang ngước nhìn con yêu đang được các bác sĩ vệ sinh, cắt rốn và đưa lên bàn cân.
Mẹ thở phào nhẹ nhõm khi mẹ đã thành công. Mẹ đã làm được khi ngỡ gần như sẽ bỏ cuộc. Mẹ đã vượt qua thời khắc thiêng liêng ấy, nhìn thấy con cái, đau bao nhiêu trong mẹ tan biết hết. Mẹ mãn nguyện khi thấy con, con gái yêu của Mẹ. Những tưởng cái đau đã qua đi, nhưng chưa hết lại cái đau hơn, khi bác sĩ vét rau và khâu lại vết bị rách của mẹ. Từng mũi kim đâm vào da thịt, có còn từ nào để tả được? Mông mẹ co rúm.
Còn chưa hết, sau khi về nhà, 2 bầu sữa mẹ căng tức vì sữa về. 2 đầu ti đau rát khi lần đầu được cho con ti. 2 cánh tay mẹ đau, mẹ không hiểu vì sao thì ngoại nói vì 2 cánh tay dùng hết sức vịn vào giường để lấy sức rặn nên mới vậy. Vì mẹ được bác sĩ khâu bằng chỉ rút nên vết khâu của mẹ đau đúng 7 ngày đến khi được tháo chỉ. Trong 7 ngày, mẹ nằm liệt. Mỗi khi cựa mình, nhúc nhích đều khó khăn, để ngồi dậy đi tiểu cũng khó, ăn cơm mẹ không dám ăn canh, ăn hoa quả cũng sợ nhiều nước vào người thì sẽ đi tiểu nhiều.
Mẹ sợ mỗi lần đi tiểu không thể nào kiểm soát được, có khi chưa kịp ngồi dậy đã ướt hết cả quần áo. Rồi khi ăn cơm, mẹ chỉ ngóc đầu lên chứ không ngồi được. Mẹ nghĩ câu ông cha ta nói “Không có gì đau bằng đau đẻ”. Mẹ nghĩ thật là đúng, chỉ có khi được làm mẹ mới biết, được trải qua mới biết rằng làm mẹ mang nặng đẻ đau. Có chăm con mới biết tấm lòng cha Mẹ, Nhím ạ. Thế mới thấy thấm thía, mới thấy thương mẹ của mình.
Mẹ cũng vậy, mẹ mong sau này con gái yêu hiểu được nỗi lòng mẹ “Mang nặng đẻ đau” để trở thành người con có ích, ngoan ngoãn, hiếu thảo là mẹ vui mừng hạnh phúc lắm.
Bố mẹ yêu con nhiều, nhiều … CON GÁI YÊU
Theo ebe