1. Tại sao con có biểu hiện khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3?
Khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3 là giai đoạn trẻ có những thay đổi, như hệ thần kinh trẻ nhạy bén nên trẻ học hỏi nhanh, song cũng rất dễ bị tổn thương. Đặc biệt là trẻ có xu hướng tách mình ra khỏi người khác và ý thức về những khả năng của chính mình. Trẻ biết phân biệt con gái con trai. Trẻ biết ý thức về bản thân và bắt đầu nảy sinh những hành động khác với bình thường nhằm mục đích khẳng định cái tôi của mình. Cũng từ nhu cầu muốn độc lập này mà trẻ có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ, và thái độ tiêu cực, đối lập với người lớn. Các nhà tâm lý gọi đây là thời kỳ khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3.
Trẻ muốn khẳng định cái tôi
Mặc dù trẻ chưa phân biệt được đúng sai nhưng trẻ không muốn làm theo sự ra lệnh, chỉ bảo của người lớn và thường hay cố tình làm ngược lại. Đặc biệt, do thường bị người lớn cấm đoán nên việc khẳng định cái tôi của trẻ không được thỏa mãn. Khiến trẻ có phản ứng mạnh mẽ và có hành vi chống đối.
Trẻ lôi kéo sự chú ý
Một số bố mẹ vì công việc quá nhiều nên ít quan tâm đến con. Trẻ mất đi cảm giác gắn bó an toàn, trở nên cô đơn, hụt hẫng và lo âu. Trẻ sẽ có những biểu hiện khó chịu, hành vi cãi lại, chống đối để thu hút sự quan tâm của ba mẹ.
Cha mẹ quá chiều chuộng
Ba mẹ vì muốn đỡ mất thời gian, nên chiều theo ý con. Từ đó ba mẹ đã vô tình củng cố các hành vi bướng bỉnh của trẻ và khiến tình trạng ngày càng gia tăng.
Trẻ bị áp đặt, la mắng
Trẻ có mối liên hệ trực tiếp giữa cảm xúc và hành vi. Khi bị ba mẹ đánh mắng, trẻ sẽ mang cảm xúc khó chịu cư xử cộc cằn và thô bạo. Thường xuyên bị rơi vào tình trạng này, trẻ sẽ càng bị tổn thương tâm lý nặng nề và trở nên ương bướng, cư xử vô lễ với người khác.
2. Biểu hiện của thời kỳ khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3
Phản ứng tiêu cực
Trẻ thường không chịu phục tùng một số yêu cầu của người lớn. Các em có thể có những phản ứng tiêu cực trong tất cả mọi việc.
Ngoan cố
Trẻ kiên quyết đạt được sự thoả mãn đòi hỏi của bản thân, sự quyết định của mình. Nhiều khi trẻ đòi làm cho bằng được, không hẳn là trẻ thích thực sự, mà là muốn ba mẹ phải chịu thua.
Tự tiện
Trẻ tự mình làm điều gì đó mà không cần phải hỏi ý kiến của người lớn. Trẻ hướng tới sự độc lập về mặt vận động có chủ định và chủ kiến. Ví dụ: trẻ muốn tự chọn đồ cho bản thân trẻ, muốn được tự lấy giày mang, …
Chống đối
Trẻ muốn làm trái lại những lời ba mẹ dạy và phạm nội quy gia đình. Có thể trẻ biết đó là sai nhưng vẫn làm.
Vô lễ với người lớn, bạo động
Trẻ có những biểu hiện nói trống không, hoặc hỗn với người lớn như giơ tay đánh, nhéo, hét to, phá đồ đạc. Những thứ hay những người trẻ yêu thích lúc trước giờ trở nên vô nghĩa.
Sự bướng bỉnh
Trẻ khăng khăng làm theo ý mình, và đòi hỏi thứ gì đó (chưa chắc đó là điều bé thực muốn mà chỉ vì đã đưa ra yêu cầu, tức là “đâm lao theo lao”).
Sự chuyên quyền
Trẻ bắt ba mẹ phải làm những điều mình yêu cầu. Nếu ba mẹ không làm trẻ sẽ chống đối bằng nhiều cách.
Khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3 là hiện tượng phổ biến. Khủng hoảng xảy ra ở nhiều trẻ và mang tính tạm thời, chuyển tiếp. Trẻ có sự tách rời bản thân ra khỏi người lớn, tự nhận thức về mình, mong được tự chủ là một bước ngoặt trong sự phát triển tâm lý và tạo tiền đề cho sự hình thành nhân cách của trẻ ở giai đoạn tiếp theo. Những biểu hiện ấy có thể dần mất đi khi trẻ lớn lên.
3. Nguyên nhân gây ra khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3
Khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3 là một phần tự nhiên trong quá trình phát triển tâm lý của con người. Do vậy những nguyên nhân gây ra không cố định.
Mâu thuẫn giữa nhu cầu và năng lực là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3 ở trẻ. Khi trẻ lên 3 tuổi, trẻ nhận thức được mình là một cá nhân độc lập, có những quyền lực nhất định, và trẻ muốn thể hiện. Nếu nhu cầu bị ba mẹ ngăn cấm, trẻ rất dễ tỏ ra hung hăng, khó chịu và xung khắc với ba.
Khả năng ngôn ngữ của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, trẻ chưa biết cách diễn đạt trọn vẹn những mong muốn của mình với người lớn. Trẻ không thỏa mãn được nhu cầu nên nổi giận, cáu gắt.
Các phản ứng, hành vi tiêu cực trở nên trầm trọng hơn thường là do trong gia đình cư xử độc đoán. Điều đó làm hạn chế sự tự chủ và sáng kiến của trẻ.
Việc ba mẹ cấm và hình phạt thường xuyên cũng như sự bảo vệ quá mức trong giáo dục. Hay ba mẹ không nhất quán trong cách dạy con , cũng sẽ làm cho cuộc khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3 diễn ra mạnh mẽ hơn.
4. Các biện pháp giúp trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3
Khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3 là lúc tâm lý và hành vi trẻ thay đổi, đòi hỏi ba mẹ có những cách ứng xử với trẻ phù hợp. Sau đây là những biện pháp cho từng hành vi khác nhau của trẻ:
Khi trẻ có những thái độ như bướng bỉnh, tranh giành, đánh bạn thì ba mẹ giải thích những điều phải trái, đâu là của mình, đâu là của bạn, hành động nào là sai, hành động nào là đúng để trẻ hiểu.
Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, ba mẹ cần lập những nguyên tắc trong gia đình.Thống nhất với nhau điều gì bé có thể làm được, điều gì không được phép. Ba mẹ cần phải kiên quyết với quy định đã đặt ra. Bên cạnh đó, cần nhất quán trong cách dạy con, tránh tình huống bố la mắng mà mẹ hay ông bà lại bênh vực.
Trẻ ăn vạ thì ba mẹ nên lờ đi chỗ khác, hoặc đánh lạc hướng trẻ bằng cách thu hút trẻ tham gia các hoạt động khác. Khi cần xử phạt thì không nên đánh, mắng. Vì như thế sẽ làm cho cả cha mẹ và trẻ đều cảm thấy bị ức chế. Điều này có thể làm trẻ lặp lại những hành vi chống đối như vậy.
Với trẻ có ý thức về khả năng của mình và muốn tự làm mọi việc. Hay trẻ muốn chứng tỏ rằng mình có thể làm được những việc tự phục vụ, chăm sóc bản thân, giúp việc nhà. Ba mẹ cần tôn trọng và thỏa mãn tính độc lập của trẻ ở mức độ cho phép. Với sự định hướng của ba mẹ, trẻ sẽ làm tốt công việc được giao và hình thành tính tự lập.
Trẻ muốn mọi thứ xung quanh thuộc về mình, cái gì cũng cho là của con và không muốn ai gần gũi người mà bé gắn bó. Ba mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu cái nào là của trẻ, cái nào là của bạn, cái nào là của chung. Quan trọng nhất là việc ba mẹ phải xây dựng mối quan hệ gắn bó an toàn để trẻ tin tưởng.
Ba mẹ tạo một môi trường hoạt động vui chơi thoải mái cho trẻ. Ngoài việc chơi đóng vai để trẻ hiểu vai trò của từng vai trong cuộc sống còn có thể cho trẻ theo học các hoạt động năng khiếu, tham gia hoạt động cộng đồng. Qua đó ba mẹ khuyên bảo nhẹ nhàng để trẻ hiểu về thế giới xung quanh
Bên cạnh đó, ba mẹ cần là tấm gương tốt cho con. Chơi với trẻ cần sử dụng những chiến thuật trong trò chơi để gần con hơn. Hỗ trợ trẻ khi trẻ gặp khó khăn. Thay đổi thái độ đối xử với trẻ, tìm kiếm những biện pháp giáo dục phù hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể. Điều quan trọng là ba mẹ không nên coi những biểu hiện ương bướng trên là đặc tính cố định của trẻ.
Khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3 trẻ có những thay đổi, có những hành vi chống đối. Ba mẹ cần đánh giá đúng và có cách cư xử phù hợp với trẻ. Những phản ứng tiêu cực sẽ nhanh chóng qua đi. Tuy nhiên không vì vậy mà ba mẹ coi thường, nếu không cư xứ đúng mực nó sẽ là phần nhân cách sau này ở trẻ.
Bên cạnh đó, ba mẹ cần phân biệt tính bướng bỉnh và sự kiên trì của trẻ để giáo dục phù hợp. Và không phải đứa trẻ nào cũng trải qua khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3. Có những trẻ vẫn trải qua giai đoạn 3 tuổi êm đềm. Dù có là trường hợp nào, ba mẹ yêu thương nhưng luôn cần nghiêm khắc, đặt cho con những giới hạn cần thiết là cách giúp con phát triển được sự tự lập, tự tin và luôn có động lực vươn lên trong cuộc sống.
Minh Tâm tổng hợp