Im lặng có là vàng trong hôn nhân?

Những tưởng cuộc sống không một lần to tiếng, tranh luận là thiên đường của hạnh phúc nhưng không, đấy lại là điều nguy hiểm ẩn chứa nhiều nguy cơ trong đó.

banner ads

Người ta thường nghĩ gia đình hạnh phúc, êm ấm khi không thấy có sự ồn ào, to tiếng, song điều đó lại hoàn toàn sai trong nhiều trường hợp.

Tạo vỏ hạnh phúc

Lấy nhau được 7 năm, hai anh chị Thanh Hằng - Ngọc Long (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã có với nhau 1 cậu con trai kháu khỉnh. Hai người đến với nhau, yêu nhau và cưới nhau mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Bạn bè ai cũng thấy mừng cho hạnh phúc anh chị. Thế nhưng, đã bao năm, cứ tưởng anh chị sống trong hạnh phúc ấm êm nhưng không ngờ sự im lặng của gia đình chị đang nuôi dưỡng một cơn sóng ngầm đáng sợ.

Sống trong một gia đình nhưng anh chị giống như những người xa lạ, hai người thuộc hai thế giới riêng, chẳng ai buồn nói với ai câu nào. Sỡ dĩ gia đình chị còn sống với nhau như thế là vì đứa con nhỏ, chị không muốn con thiếu hút tình thương của ba mẹ và càng sợ bản thân không vượt qua nổi dư luận của xã hội.

6485-im-lang-co-la-vang-trong-hon-nhan.jpg

Sự im lặng chính là điều đáng sợ trong hôn nhân

Chị Thanh Hằng tâm sự chị hoàn toàn mất hết cảm xúc với chồng, nên muốn mình có cuộc sống riêng, không ai "chạm" vào cuộc sống của ai, ngoài những vấn đề có liên quan. Nguyên nhân cũng tại bởi anh chồng từ khi cưới nhau cho đến mãi những năm sống chung với nhau, làm chị mất dần niềm tin, sự tôn trọng dành cho anh.

Anh là người đàn ông nhưng không thể hiện được vai trò trụ cột trong nhà, chuyện lớn chuyện bé trong nhà đều một tay chị gánh vác. Lâu dần anh ỷ lại chị, cứ ra ngoài làm ăn đổ bể anh lại đem cái cục nợ về cho chị gánh. Đã rất nhiều lần chị nghiến răng chịu đựng vì nghĩ rằng làm ăn có số, có lẽ thời vận của chồng mình chưa đến nên phải cố gắng góp sức cho anh để anh có thể đạt được cái chí tang bồng. Nhưng càng nhúng tay vào thì chị càng mệt mỏi khi thấy mình oằn lưng trả nợ còn anh vẫn ham chơi, vẫn nhậu nhẹt, vẫn bù khú với bạn bè.

Sau bao ngày mệt mỏi, chị thỏa thuận với chồng về vấn đề ly thân, tuy sống trong một ngôi nhà nhưng chị không còn tin tưởng anh, vì vậy, mọi thứ đều phân minh, tiền ai kiếm nấy xài trừ những khoản đóng chung chi cho gia đình. Chị tâm sự, chị sống với chồng chỉ vì thương con, chứ hết tình cảm với chồng rồi. Tình yêu và cả niềm tin của chị dành cho anh đã không còn, vì vậy chị chẳng buồn nói chuyện.

Còn trường hợp của chị Kim Huệ (Q.7, TP.HCM) lại hoàn toàn khác, chồng chị Huệ là một người cực kỳ độc đoán và gia trưởng, chị lại không có nghề nghiệp ổn định, phải phụ thuộc chồng nên chị chấp nhận tất cả dù chồng nói đúng hay nói sai. Chị tâm sự, nhiều khi rất tủi hổ vì thấy mình không được chồng tôn trọng, nhưng chị không muốn to tiếng với chồng, lâu dần chị sinh ra cảm giác chán chồng, không thích nói chuyện với chồng, nhưng vì con cái chị phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Vì vậy, từ khi vợ chồng chị chuyển về căn nhà mới, hàng xóm chưa bao giờ thấy gia đình chị to tiếng lần nào. Nhiều khi cả ngày trong nhà chỉ có những câu hỏi đáp cụt lủn, không hỉ hả cười nói như các gia đình khác.

Ngòi nổ nguy hiểm

Rất nhiều nhà tâm lý đã đưa ra bí quyết giữ gìn hạnh phúc đình là các cặp vợ chồng phải thường xuyên trao đổi, giao tiếp và chia sẻ với nhau. Còn trong trường hợp, gia đình lạnh lẽo im lặng thì coi chừng gia đình đó đang tạo nên sóng ngầm mà với sức đề kháng yếu ớt của sợi dây tình cảm này thì cơn sóng này có thể cuốn trôi đi mọi thứ. Vì vậy, không phải lúc nào im lặng cũng là vàng, mà đó mới là điều đáng sợ. Như trường hợp của chị Thanh Hằng thì thật là đáng sợ. Tình yêu của họ cứ chết mòn và hiện tại họ không còn cảm xúc về nhau. Chị Hằng bảo, khi vợ chồng còn yêu thương nhau, phải bàn bạc tính toán dù đôi lúc cũng không đồng quan điểm nên cãi nhau cũng là chuyện thường tình, nhưng giờ thì hết rồi, anh làm gì cũng mặc, chị không buồn can thiệp.

Nếu sống với cuộc sống luôn trong trạng thái chịu đựng, tức tối thì đấy là điều đáng ngại. Sự chịu đựng luôn có những giới hạn của nó. Nếu người trong cuộc không nhận ra lỗi lầm và khiếm khuyết của bản thân để sửa chữa thì có lẽ đến lúc hạnh phúc xa rời tầm tay thì họ mới ân hận nhận ra. Trường hợp của chị Kim Huệ chị đã nhận ra, cái dở nhất của chị là đã chịu đựng một cách mù quáng, thà rằng tôi bày tỏ suy nghĩ của mình thì có khi mối quan hệ vợ chồng tôi đã không tồi tệ như thế. Giờ thì không thể cứu vãn được nữa.

Gia tăng “gia vị” của cuộc sống

6498-im-lang-co-la-vang-trong-hon-nhan.jpg

Hãy luôn chia sẻ, cảm thông và thấu hiểu nhau từng ngày

“Một sự nhịn, chín sự lành” nhưng trong hôn nhân nếu “nhịn” quá thì càng có chuyện lớn. Trò chuyện, chia sẻ hay thậm chí là tranh luận chính là những "gia vị” của cuộc sống. Bên cạnh sự nhã nhặn, tôn trọng khoảng trời riêng của chồng thì vợ chồng càng rất cần dành cho nhau những khoảng trời chung để nuôi dưỡng tình yêu.

Hơn nữa, cuộc sống gia đình có biết bao nhiêu chuyện cần trao đổi, chia sẻ, cảm thông để thấu hiểu nhau hơn. Hôn nhân ngoài tình yêu, sự cảm thông và tha thứ cũng là yếu tố để giữ lửa ấm cho gia đình. Vợ chồng to tiếng với nhau chưa hẳn đã xấu, khi người ta còn yêu nhau thì người ta còn tranh đấu, còn “chạnh chọe” với nhau. Một khi không buồn nói về nhau thì đó là điều đáng sợ. Nếu gia đình bạn chớm có nguy cơ yên lặng thì bạn nên tìm cách lấy lại tiếng nói cười nếu không muốn gia đình phải tan vỡ.

Yeutre.vn

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI