Trong nhà có một vị khách
Hết 8 giờ làm căng thẳng ở cơ quan chị Thanh Nga (Q.Tân Bình, TP.HCM) chạy vội chạy vàng về đón con cho đúng giờ, rồi về nhà tay cơm nước, tay chăm con, tay làm việc nhà bở hết hơi tai. Nhìn chị ai cũng nghĩ chị làm mẹ đơn thân, vì từ việc chăm con, chợ búa đến việc lớn trong nhà như xây cái này sửa cái kia chị cũng ra tay đứng ra hô hào sửa chữa. Mang tiếng có người đàn ông trong nhà, nhưng chẳng thấy chồng động tay động chân vào bất cứ việc gì vì lúc nào anh cũng có lý do chính đáng: “Đàn ông con trai phải lo việc đại sự, không thể tủn mủn như đàn bà, con gái được”.
Sự vô tâm của chồng đôi khi giết chết hạnh phúc
Mặc cho vợ ngon ngọt để "nịnh" chồng hay cũng có lúc hờn dỗi trách móc thì anh vẫn để ngoài tai tất cả, ngày thường về nhà là gác chân lên ghế, nằm dài trên ghế sofa coi ti vi đợi vợ nấu cơm xong là chễm chệ ngồi vào bàn, mặc cho vợ đầu bù tóc rối, quần ống thấp ống cao. Ngày nghỉ cũng thế anh vẫn quần là ống lượt, đầu tóc bóng láng, tay xách lồng chim đi uống cà phê và chơi thú vui tao nhã của những người đàn ông nhàn hạ “Cà phê chim" mặc vợ với một núi công việc nhà, một nách hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi... phá.
Ngày thường tất bật là vậy, tưởng ngày nghỉ chị sẽ được thảnh thơi hơn, nhưng không chăm hai con nhỏ, lo dọn dẹp, sắp xếp mọi thứ và còn làm trọng tài phân xử cho hai đứa nhóc cứ chơi một chút là mè nheo, kiện cáo thế nọ thế kia, nhưng cấm hề anh chia sẻ với chị. Trong đầu anh đã đóng dấu tư tưởng, việc nhà là việc của đàn bà, mình không dính líu. Hỡi ôi, tội nghiệp cái thân gái làm vợ. Cũng ra đường kiếm tiền như ai, cũng phải cố gắng nỗ lực nhiều để không phải thua kém một nam nhi chi chí nào, thậm chí thu nhập của chị còn nhiều hơn thu nhập của anh, nhưng việc nhà, việc chăm con là việc “độc quyền” của phụ nữ trong nhà.
Nói ra thế, chắc mọi người nghĩ rằng, vậy thì việc lớn trong nhà, sắm cái này, sửa cái kia thì chắc anh sẽ đảm đương thôi. Nhưng ôi thôi, mái nhà bị dột, cái quạt hư, chị nhắc anh năm lần bảy lượt cũng chẳng thấy anh sửa. Nhìn “ngứa” mắt nên chị lại lò dò đi hỏi thợ về sửa. Chưa hết, anh là con trai trưởng trong nhà, nhưng đồ hề anh nhớ đến bố mẹ ở xa mà chủ động gọi điện về thăm. Nhà có đám giỗ ai anh cũng chẳng nhớ. Từ khi về làm vợ anh, chị phải hỏi bô mẹ và ghi lại để nhắc anh hỏi thăm, gửi tiền về quê giỗ chạp kẻo mang tiếng con cái bất hiếu. Khổ nhất là những hôm chị đi công tác xa mấy ngày là nhà lại rối như canh hẹ. Trước khi đi chị phải chuẩn bị cái này, sắm cái kia cho cha con, nhưng sau một chuyến công tác trở về, chị nhìn bãi chiến trường mà muốn quay gót đi tiếp. Đồ đạc, quần áo bày bừa ngổn ngang, đến cái việc nhỏ bỏ quần áo cho vào máy giặt ấn nút, anh cũng chẳng làm được vì đơn giản anh có sử dụng bao giờ đâu.
Hạnh phúc trên bờ vực lung lay
Gia đình cần sự vun đắp từ hai phía, cần sự chia sẻ và cảm thông, thế nhưng sống trong một ngôi nhà chung nhưng hai người hai lối, hai suy nghĩ hoàn toàn khác nhau. Chồng cứ chạy theo những suy nghĩ độc đoán của mình, còn người vợ ôm trong tim một trái tim vỡ vì sự hờ hững của chồng và khi con người ta vượt quá cái ngưỡng chịu đựng thì chẳng thể ngăn nổi chuyện gì sẽ đến.
Gia đình cần có sự vun đắp, chia sẻ giữa đôi bên
Đã rất nhiều lần chị chia sẻ về những bức xúc của mình về chồng mình, nhưng người thân, bạn bè chẳng ai dám nói ra lời nào, họ chỉ suýt xoa chia sẻ, rằng đàn ông người nào chẳng thế, cái tính vô tư đâm ra vô tâm của đàn ông muôn đời vẫn thế. Nghe thế chị cắn răng, chép miệng, làm cái phận đàn bà chi cho khổ vậy trời? Thế nhưng, sức người có hạn, với cái chứng vô trách nhiệm, suốt ngày đùn đẩy công việc cho cái thân còm cõi của vợ, chị càng ngày càng chán, tình yêu của hai người như chết mòn theo năm tháng. Nhiều lần chị bảo, chị sống với chồng chỉ vì thương con chứ chị chán ngán cái kiếp làm vợ anh lắm rồi.
Một ngày đẹp trời, chị vô tình qua nhà cô bạn thân chơi, chị mới giật mình về hoàn cảnh của mình. Hai vợ chồng cô bạn thân cũng có đứa con nhỏ hai tuổi, nhưng cô bạn hoàn toàn khác với chị. Đi làm về, chồng chẳng cho cô đụng đến tẹo nào công việc nhà, chỉ đơn giản chồng muốn cho hai mẹ con có thời gian chơi với nhau nhiều hơn. Còn tất tần tật, từ việc lau nhà, nấu cơm và cả giặt quần áo, chồng chị đều làm tất. Chị nhìn cảnh của người ta mà chép miệng ngao ngán cái ông chồng hờ hững của mình.
Vì cái thói quen ích kỷ, gia trưởng và có chút vô tâm hờ hững của chồng đã giết chết hạnh phúc của gia đình. Chị chán ngán cuộc sống không chút sẻ chia, chỉ u ám bởi những câu nói cọc lóc, trách mắng. Và trong đầu chị, cái đơn ly dị cứ mãi ám ảnh. Chị cứ ngẫm nghĩ, tại sao mình phải gắn bó cuộc đời mình với một người như thế, trong khi mình có tri thức, có sức trẻ, ra đường biết bao nhiêu người phải ngoái nhìn.
Giải pháp nào cho hai ta?
Rất nhiều lần chị mạnh mẽ muốn dứt áo ra đi vì thấy tủi cái thân của mình, có lẽ còn sống với chồng là một đời chị làm nô lệ, cung cúc phúc vụ chồng con mà không một ngày ngẩng mắt lên được dù ra đường chị không thua kém ai. Trong suy nghĩ là như thế nhưng khi đối diện với ánh mắt của hai đứa con ngây thơ chưa biết gì, chị lại dằn lòng suy nghĩ. Mình nên sống thế nào đây? Vì con mình phải nhắm mắt chịu đựng, hay mạnh mẽ đứng lên giải thoát cho cuộc đời đầy bế tắc, buồn chán của mình?
Hãy "thu phục" chồng bằng cách kéo anh cùng tham gia vào công việc nhà
Sau rất nhiều đêm thao thức suy nghĩ, chị nhận thấy hai vợ chồng chị mâu thuẫn nhau cũng chính bởi cái thói quen hờ hững, gia trưởng tồn tại của đàn ông. Mà chung quy điều này cũng chỉ là do thói quen mà thôi. Với suy nghĩ đó, chị bắt tay "cải tạo" chồng. Chị đã nói chuyện thẳng thắn với chồng, chị tâm sự những trăn trở suy nghĩ của mình. Sau đó, chị khôn khéo "kéo" anh vào việc nhà, chị dùng mọi chiêu trò để thu phục anh. Công bằng mà nói, bên cạnh cái tính thờ ờ của chồng thì anh là một người sống đơn giản, không cầu kỳ, không quá đòi hỏi khắt khe với chị. Chị bảo đây như một phép thử cuối cùng để níu kéo cuộc sống gia đình. Chị thấy bất công và quá sức chịu đựng khi mà suốt đời chị luôn là "kẻ oshin" trong gia đình. Sự quyết tâm của chị cũng chính là hồi chuông cảnh báo cho các ông chồng hờ hững quay đầu lại nếu không muốn hạnh phúc vuột khỏi tầm tay.
Yeutre.vn
Bạn biết chưa?Một nghiên cứu trên 160 cặp vợ chồng trong độ tuổi 25-30 tuổi, có ít nhất 1 con dưới 5 tuổi đã phát hiện hạnh phúc gia đình có là do người đàn ông trong gia đình tham gia vào công việc nhà. (Theo Journal of Family Issues)