Trong thai kỳ mẹ vẫn có thể làm đẹp
Và dưới đây là giải đáp thắc mắc một số câu hỏi làm đẹp dành cho mẹ bầu, tham khảo cũng như chia sẻ ý kiến nhé các mẹ!
1. Tôi có nên trang điểm?
Vẫn nên. Nhưng mẹ bầu không nên quá lạm dụng, và chỉ nên trang điểm nhẹ nhàng. Tuy nhiên để hạn chế đến mức tối thiểu những ảnh hưởng của việc trang điểm đến thai nhi và làn da khá mẩn cảm của mẹ trong thời gian bầu bí, mẹ chỉ nên sử dụng những mỹ phẩm an toàn, có hạn sử dụng, nguồn gốc rõ ràng.
2. Tôi nhuộm, uốn tóc có ảnh hưởng gì đến em bé trong bụng không?
Hiện chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào chứng minh việc nhuộm tóc có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đối với thai nhi, bởi tất cả các hóa chất có trong thuốc uốn hay nhuộm hấp thu vào cơ thể bằng cách thẩm thấu qua da chứ không phải tóc. Do đó, nếu muốn mẹ hoàn toàn vẫn có thể nhuộm hoặc uốn tóc. Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý những điều sau:
Nếu mẹ muốn uốn tóc hãy đợi đến tam cá nguyệt thứ 2
+ Chọn loại thuốc nhuộm an toàn, được chiết xuất từ các loại thảo dược tự nhiên.
+ Thời điểm nhuộm tóc được xem là an toàn là từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6.
+ Nên thực hiện việc uốn, nhuộm tóc trong không gian tiệm rộng rãi thoáng để tránh hít mùi thuốc, hóa chất vào cơ thể. Nếu có thể mẹ nên trang bị cho mình 1 chiếc khẩu trang.
+ Yêu cầu thợ uốn, nhuộm tóc thao tác kỹ càng không để thuốc tiếp xúc trực tiếp vào da đầu.
3. Mẹ bầu có nên đi spa?
Hoàn toàn có thể. Và thời điểm tốt nhất để sử dụng dịch vụ spa bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ 2 (tháng 4 – 6 của thai kỳ), bởi giai đoạn này mẹ đã bước qua được những mối nguy hiểm của thai kỳ như mệt mỏi, di tật thai nhi hay dọa sẩy thai…
Đi spa thư giãn, massage tại sao không?
Và dưới đây là một số điều mẹ cần lưu ý khi đi spa:
+ Hoàn toàn tránh xa bể sục, bồn xông hơi, tắm suối nước nóng… vì có thể khiến mạch máu giãn nở làm tăng nguy cơ tim mạch và huyết áp. Không tắm bùn, tắm khoáng.
+ Massage da mặt hoặc cơ thể nên yêu cầu thực hiện bởi nhân viên giàu kinh nghiệm chuyên phục vụ cho bà bầu.
+ Nếu không thể kiểm tra được thành phần của các loại tinh dầu mẹ có thể từ chối sử dụng vì chúng có thể gây hại cho thai nhi.
4. Da mặt bị mụn có nên dùng kem trị mụn?
Những thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể mẹ bầu chính là nguyên nhân khiến làn da vốn mẩn cảm của mẹ bầu dễ bị mụn. Để trị mụn mẹ có thể dùng sản phẩm có chứa peroxyde benzoyl thoa lên vùng da bị mụn. Ngoài ra thuốc có chứa acid azelaic cũng là một lựa chọn khác cho mẹ. Nhưng để chắc chắn nhất mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Tuyệt đối không được dùng các loại kem trộn hay dùng chung toa thuốc trị mụn với người không có thai.
Tuy nhiên để an toàn cho thai nhi, việc điều trị mụn luôn được khuyến khích sử dụng các liệu pháp từ thiên nhiên như: đắp mặt nạ cà chua, dưa leo, mặt nạ bột yến mạch trứng gà…
Nên cân nhắc khi dùng kem chống rạn da
5. Còn kem chống rạn da?
Mẹ nên hiểu rằng tình trạng rạn da xuất hiện là dấu hiệu cho thấy cấu trúc da có những biển đổi nghiêm trọng, và việc dùng kem chống rạn da không phải là giải pháp tận gốc.
Ngoài việc không thể phục hồi được làn da vốn có như ban đầu, việc sử dụng kem chống rạn da có thể đưa mẹ bầu đến các nguy cơ sau:
+ Việc dùng kem có thể xảy ra dị ứng nếu không phù hợp.
+ Việc thoa kem thường xuyên lên vùng da bụng bắt buộc mẹ phải dùng tay xoa và mát xa vùng bụng cho kem thấm đều sẽ kích thích tử cung co bóp dẫn đến sẩy thai hoặc sinh non.
Do đó, để ngăn ngừa rạn da an toàn và hiệu quả mẹ có thể hướng đến việc sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên như dầu dừa chẳng hạn. Theo đó, mẹ có thể bắt đầu sử dụng dầu dừa để chống rạn da trong thai kỳ từ tháng thứ 4 trở đi, nhưng nên nhớ khi thoa dầu dừa lên vùng bụng mẹ thoa thật nhẹ nhàng bằng ngón trỏ để không phạm đến nguyên tắc “không xoa bụng trong thai kỳ” của bác sĩ nhé!
Hoặc mẹ cũng có thể uống vitamin E để ngăn ngừa rạn da, tất nhiên trước khi uống phải tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa trước nhé!
6. Sơn móng tay móng chân thì sao nhỉ?
Tốt nhất nên nói không với hình thức làm đẹp này
Mặc dù không có sự cấm cản tuyệt đối nào cho hình thức làm đẹp này, tuy nhiên mẹ nên lưu ý đến các loại hóa chất phthalates, axiton… có trong nước sơn móng tay có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, dị tật bẩm sinh ở thai nhi nếu mẹ tiếp xúc quá nhiều trong thai kỳ của mình. Chưa kể màu sắc của sơn móng tay sẽ che khuất màu sắc thực của móng tay khiến bác sĩ khó chẩn đoán được một số bệnh có thể xảy ra đối với mẹ bầu thông qua màu sắc móng.
Trường hợp bắt buộc phải sơn móng, mẹ nên chọn các loại nước sơn tốt nhất với ít thành phần hóa học nhất và phải đảm bảo nơi sơn móng là một không gian thoáng đãng để không phải hít mùi của hóa chất.
7. Mang giày cao gót
Mang giày cao gót chắc chắn là không được khuyến khích trong thai kỳ bởi nó có thể gây ra những hậu quả sau: khiến mẹ thiếu mất bằng dễ vấp ngã, máu không lưu thông được khiến chân sưng phù, bị chuột rút, đau lưng…
Tuy nhiên khi đi tiệc hay tham dự các sự kiện mẹ vẫn có thể điệu đà một chút trên đôi giày cao gót, chỉ cần mẹ tuân thủ một số nguyên tắc sau:
+ Có thể mang giày cao nhưng phải đảm bảo nó luôn chắc chắn
+ Không đi giày quá chật, quá bó chân.
+ Cố gắng dành thời gian nghỉ ngơi cho đôi chân sau chừng 15 – 20 phút di chuyển hoặc đứng.
Cần hạn chế giày cao gót tối đa trong thai kỳ
8. Tẩy lông liệu có an toàn?
Việc tẩy lông ở mẹ bầu sẽ được khuyến khích nếu như tại các vùng nhạy cảm của cơ thể bỗng dưng xuất hiện nhiều vi-ô-lông do những thay đổi về hóc-môn trong thai kỳ gây ra. Thường nhiều mẹ sẽ nghĩ đến việc sử dụng kem tẩy lông cho nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên khi áp dụng hình thức làm đẹp này mẹ bầu nên lưu ý mấy vấn đề sau:
+ Trước khi chọn kem tẩy lông nên đọc kỹ các thành phần có trong đó cũng như hướng dẫn sử dụng trươc khi dùng
+ Thử xem da có bị kích ứng không bằng cách thoa một ít kem lên vùng da nhỏ trên cơ thể
+ Không thoa kem lên vùng da bị tổn thương.
+ Nên bôi kem trong một không gian thoáng đãng, tránh bôi trong phòng kín hoặc phòng lạnh
+ Ngừng bôi kem ngay nếu mẹ có cảm giác khó chịu, buồn nôn…
Yeutre.vn