Sau sinh, mẹ càng ôm bé vào lòng, cảm giác an toàn nơi bé sẽ càng cao
Sau sinh, mẹ càng ôm bé vào lòng, cảm giác an toàn nơi bé sẽ càng cao. Nếu thấy mệt, mẹ có thể nhờ bố ủ con giúp. Sẽ còn rất nhiều điều để bạn thích nghi với vai trò mới. Dưới đây là những thay đổi mà bạn sẽ phải đối mặt trong vài tiếng đầu sau sinh
Cảm giác sau sinh
Trong vài ngày đầu, bạn sẽ thấy rất mệt mỏi. Vì thế, sẽ cần phải nghỉ ngơi thật nhiều. Thậm chí chỉ cần đi lại và di chuyển cũng sẽ khiến bạn rất đau.
Đối với nhiều bà mẹ, sự có mặt của con trên đời là động lực lớn lao để có thể đối diện với bất kỳ vấn đề gì. Nhưng cũng có những người xuống tinh thần trầm trọng, thậm chí trầm cảm, nhất là sau khi phải chăm sóc con quá vất vả hoặc tự trách bản thân không thể nuôi con tốt như những gì đã mong đợi.
Ngoài ra, sự thay đổi hoóc-môn đáng kể trong vài ngày đầu tiên có thể khiến một số bà mẹ mắc hội chứng "baby blues", luôn muốn khóc và khóc rũ sau khoảng 3-5 ngày sau khi sinh. Hội chứng này có thể phát triển các triệu chứng trầm trọng hơn nếu bạn phải trải qua những cơn đau chuyển dạ dữ dội và sinh khó.
Do đó, nên nói với chồng như một lời cảnh báo về các dấu hiệu của bệnh trầm cảm sau khi sinh để anh ấy có thể giúp khi chẳng may bạn rơi vào trường hợp tương tự.
Một số phụ nữ lo lắng và sợ hãi vì họ cảm thấy không muốn gần gũi hoặc yêu con ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đáng lo sợ. Không phải ai cũng yêu con mình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chính vì vậy, bạn càng phải để bé tiếp xúc với mình nhiều hơn bằng cách da tiếp da để cảm nhận tình mẫu tử thiêng liêng trong lúc truyền hơi ấm cho bé.
Thời gian nằm viện
Nếu ca sinh của bạn đơn giản, thời gian nằm viện tối đa chỉ 3 ngày. Đây là khoảng thời gian thích hợp để bạn có thể nhận được sự tư vấn về cách chăm sóc con sau sinh thông qua các nữ hộ sinh và lời dặn dò của bác sĩ.
Nếu sinh lần đầu tiên, những lời khuyên từ người lớn và những người có chuyên môn sẽ rất quan trọng để bạn theo dõi sự thích nghi của trẻ. Ngoài ra, đừng bao giờ ngại ngần nhờ người khác khi cần sự giúp đỡ, thậm chí đó là nhân viên y tế.
Những thay đổi của cơ thể trong những giờ đầu tiên sau sinh
Cơ thể mẹ sau sinh sẽ trải qua những thay đổi lớn lao trong vài ngày đầu, bao gồm:
Ngực căng tức
Cho bé bú sau sinh
Ban đầu, ngực sẽ tiết ra một chất lỏng màu vàng, hơi dẻo được gọi là sữa non. Đây là sữa siêu dinh dưỡng dành cho trẻ và nó đặc biệt tốt trong 6 tiếng đầu sau sinh. Nếu bú được sữa non trong khoảng thời gian vàng này, trẻ sẽ có đủ sức để chống lại mọi bệnh tật trong ít nhất 6 tháng đầu đời.
Vào ngày thứ 3 hoặc thứ 4, sữa bắt đầu về và khi bé bú, mẹ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu thấy sốt vì căng ngực hoặc khó chịu trong người, nên gọi nữ hộ sinh hoặc bác sĩ.
Bụng vẫn lớn như bụng bầu 6 tháng
Trái với suy nghĩ của nhiều người, sau sinh, bụng bầu không xẹp đi như chiếc bong bóng mà vẫn lớn như khi bạn đang mang thai 6 tháng. Điều này có thể một phần là do cơ bụng đã bị kéo căng trong thai kỳ. Vì thế, một số bài tập và chế độ ăn uống sau sinh sẽ đưa chiếc bụng lớn về lại kích thước ban đầu.
Nếu cho con bú nhiều, tử cung sẽ co bóp nhanh và rút ngắn thời gian hồi phục.
Rò nước tiểu
Rò nước tiểu sau sinh do cười lớn hoặc ho mạnh khá phổ biến trong các trường hợp sau sinh. Bài tập Kegel được áp dụng lúc này sẽ rất có lợi. Bạn chỉ việc nén như khi nhịn tiểu sẽ hiểu được bài tập này. Có thể luyện tập Kegel ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào bạn muốn.
Nếu triệu chứng này vẫn tiếp tục kéo dài trên 3 tháng, bạn có thể phải tập vật lý trị liệu hoặc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Vết rạch tầng sinh môn
Có thể bạn sẽ bị rạch tầng sinh môn khi sinh. Vết khâu này là vết thương hở, rất đau và rất dễ nhiễm trùng do nằm gần hậu môn. Để tránh nhiễm trùng và đẩy nhanh quá trình phục hồi, bạn nên:
- Rửa sạch vết khâu hàng ngày bằng nước lạnh và chậm khô nhẹ nhàng sau mỗi lần vệ sinh.
- Trong vài ngày đầu, đứng ngồi đều hết sức nhẹ nhàng và nằm nghiêng thay vì nằm ngửa.
- Nếu các mũi khâu gây đau đớn và khó chịu, hãy nói với bác sĩ để được dùng thuốc giảm đau hỗ trợ.
- Nếu đang cho con bú, trước khi muốn mua thuốc giảm đau không theo toa như ibuprofen hay paracetamol phải có chỉ định của bác sĩ.
Táo bón
Lúc đầu, việc đi tiểu có thể là một cực hình vì cơn đau khiến bạn không còn cảm giác. Để đi tiểu không rát, bạn nên uống nhiều nước. Bằng cách này, nước tiểu sẽ được làm loãng và giúp bạn đi tiểu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu luôn cảm thấy mót tiểu liên tục và tiểu rát, bạn nên gọi bác sĩ.
Một trong những điều quan trọng nhất sau sinh là giữ cho mình không bị táo bón. Để làm được như vậy, bạn phải ăn thật nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên cám và uống nhiều nước. Nếu bón, bạn sẽ phải rặn nhiều và dễ khiến vết khâu bung chỉ khi vết thương chưa kịp lành.
Trĩ
Trĩ sau sinh rất phổ biến và nó có thể biến mất sau vài ngày. Cũng như cách tránh táo bón, bạn nên ăn nhiều trái cây tươi, rau, salad, ngũ cốc nguyên cám và uống nhiều nước. Các loại thực phẩm này sẽ làm tăng nhu động ruột và giúp mỗi lần đi ngoài ít đau đớn hơn. Nếu quá đau đớn, bạn có thể nhờ bác sĩ kê thuốc mỡ để làm dịu các cơn đau do trĩ.
Sản dịch
Sau khi sinh, bạn sẽ bị chảy máu âm đạo. Vài ngày đầu, máu ra rất nhiều và bạn sẽ phải mang băng vệ sinh. Để tránh nhiễm trùng, nên thay băng sau 2 tiếng và rửa sạch sẽ sau mỗi lần thay.
Trong lúc cho con bú, bạn có thể thấy máu chảy nhiều và đỏ hơn. Đồng thời kèm theo cơn đau quặn bụng như khi chuyển dạ. Đây là triệu chứng do tử cung co thắt để co lại sau sinh nở.
Máu có thể ra trong ít nhất 2 tuần đầu từ màu đỏ đến màu nâu, màu vàng và nhạt dần. Nếu thấy cục máu đông lớn, nên cho vào khăn vệ sinh và đến bệnh viện để kiểm tra.
Tránh huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) sau khi mang thai
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là một biến chứng sau sinh rất nghiêm trọng khi có một cục máu đông phát triển trong các tĩnh mạch nằm sâu bên trong chân. Nó có thể gây tử vong nếu cục máu đông di chuyển từ chân đến phổi.
Phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh 6 tuần là những người có nguy cơ bị DVT rất cao. Nếu bạn phải di chuyển trên chuyến bay kéo dài hơn 5 tiếng hoặc ngồi yên trong một thời gian dài nguy cơ mắc DVT sẽ càng cao. Do đó, nếu có kế hoạch đi du lịch bằng đường hàng không, phải có lời căn dặn của bác sĩ hoặc nắm được một số bài tập tuần hoàn cơ bản để có thể thực hành trong chuyến bay.
Nếu thấy chân sưng, đau hoặc có khó thở sau một chuyến đi dài, nên đến bệnh viện ngay lập tức.
Phục hồi sau sinh mổ
Nếu bé được sinh mổ, mẹ sẽ phục hồi chậm hơn
Sinh mổ sẽ mất nhiều thời gian phục hồi hơn so với sinh thường.
Sau khi sinh mổ, bạn sẽ cảm thấy đau đớn và cần thuốc giảm đau để dễ chịu hơn. Thông thường, bạn sẽ được trang bị thêm một ống thông (ống nhỏ đi vào bàng quang) trong khoảng 24 giờ. Ngoài ra, đề phòng ngừa huyết khối, tức máu đông, các bác sĩ có thể tiêm thuốc cho bạn hàng ngày.
Tùy thuộc vào tình hình phục hồi của cơ thể và với sự trợ giúp của người thân, bạn có thể sẽ xuất viện sau 5 ngày.
Các bác sĩ sẽ khuyên bạn nên đi lại nhẹ nhàng và tập các bài vật lý trị liệu để rút ngắn thời gian hồi phục.
Kiểm tra và chủng ngừa sau khi sinh
Sau khi chào đời, các bé sẽ được kiểm tra sức khỏe và chích ngừa. Nếu bé nhà bạn chưa được tiêm chủng, nên báo cho bác sĩ biết để tránh sai sót. Bản thân người mẹ nếu chưa tiêm chủng Rubella, sởi và quai bị cũng sẽ cần được xem xét để tiêm sau sinh.
Yeutre.vn
Nguồn: NHS