Có một điều không thể phủ nhận được đó là một trong những cảm giác khó chịu và phổ biến nhất trong các triệu chứng mang thai sớm chính là đau lưng. Thật không may, đau lưng thường xuất hiện rất sớm ở một số phụ nữ sau khi thụ thai và có thể kéo dài cả thai kỳ.
1. Đau lưng có phải là dấu hiệu mang thai?
Để nói đến việc mang thai, thì triệu chứng trước khi bạn bị trễ kinh, hay trước khi có kết quả thử thai dương tính (hoặc 2 vạch) dù là đau lưng hay bất kì dấu hiệu nào khác đều được xem là khá mơ hồ.
Riêng với biểu hiện đau lưng thì theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ, đây là triệu chứng thường xảy ra rất sớm trong thai kỳ.
Tuy nhiên, đau lưng cũng có thể là dấu hiệu của kỳ kinh nguyệt sắp đến.
Ngoài ra, sự căng thẳng (khi bạn đang mong mỏi có thai, hay bạn đang lo lắng về việc mang thai ngoài ý muốn) cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng của bạn.
Vì vậy, dù khá phổ biến, nhưng đôi khi việc đau lưng sẽ khiến chúng ta nhầm lẫn giữa mang thai hay sắp có kinh. Và không thể khẳng định chắc chắn 100% rằng khi thấy đau lưng nghĩa là bạn đã có thai (tất nhiên xét trong bối cảnh bạn đáp ứng các điều kiện giúp bạn có cơ sở trong việc nghi ngờ mình mang thai).
2. Bạn nên làm gì khi thấy đau lưng trong khoảng thời gian đang nghi ngờ có thai
Khi bạn bị đau lưng trong khoảng thời gian đang nghi ngờ mình có thai, dù kết quả thử thai bằng que thử chưa là dương tính hoặc chưa rõ ràng, bạn vẫn nên thực hiện một số biện pháp sau:
- Ăn uống lành mạnh với chế độ ăn cân bằng, giàu dinh dưỡng.
- Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết từ các loại viên uống tiền mang thai, đặc biệt là sắt, axit folic và canxi (bạn nên tham khảo ý kiến dược sĩ hoặc bác sĩ để lựa chọn loại vitamin phù hợp).
- Từ bỏ các thói quen có hại như hút thuốc, uống rượu,…
- Duy trì việc tập thể dục nếu bạn đang áp dụng các môn tập có lợi cho thai kỳ như đi bộ, bơi lội, yoga,…Và bắt đầu việc tập thể dục nếu trước đó bạn chưa thực hiện. Tuy nhiên bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ cũng như yêu cầu huấn luyện viên điều chỉnh/ lựa chọn các bài tập, tư thế phù hợp với phụ nữ mang thai.
Bạn có thể thử thai lại nếu lần đầu tiên kết quả vẫn âm tính (hoặc 1 vạch), hoặc đến cơ sở y tế để được xét nghiệm nồng độ hCG trong máu.
Bạn sẽ có được kết quả thử thai chính xác hơn sau khi trễ kinh. Và nếu lúc này kết quả vẫn cho thấy bạn chưa có thai, thì đừng thất vọng. Bạn hãy tiếp tục thực hiện lối sống lành mạnh như trên và thử lại sau đó nhé.
3. Dấu hiệu đau lưng khi mới mang thai có phổ biến không
Nhiều phụ nữ cho biết tình trạng đau lưng (đặc biệt là vùng thắt lưng) của họ xuất hiện rất sớm, chỉ ít ngày sau khi thụ thai.
Trong khi đó, những phụ nữ khác thì lại không trải qua cảm giác này cho đến khi đã bước vào tam cá nguyệt thứ nhất được một khoảng thời gian.
Theo tổ chức March of Dime (một tổ chức phi lợi nhuận của Hoa Kỳ hoạt động để cải thiện sức khỏe của bà mẹ và em bé), thì hầu hết phụ nữ mang thai đều bị đau lưng với một mức độ nhất định ở một thời điểm nào đó trong thai kỳ. Nếu họ không bị đau lưng ở giai đoạn mới mang thai thì khả năng lớn là họ sẽ bị ở tam cá nguyệt thứ ba, khi mà trọng lượng lớn dần của em bé và tử cung gây áp lực lớn lên cơ thể mẹ.
Mặc dù vậy, như một dấu hiệu mang thai sớm , khá nhiều phụ nữ đã phát hiện ra rằng mình bị đau lưng ngay cả trước khi có được kết quả thử thai dương tính (hoặc 2 vạch) – tất nhiên khi họ đã đi qua một số tuần thai và nhớ lại giai đoạn này.
4. Nguyên nhân gây ra tình trạng đau lưng ở giai đoạn sớm của thai kỳ
Khi bạn mới mang thai, kích thước của thai nhi và tử cung còn khá nhỏ nên chưa gây áp lực về thể chất lên cơ thể mẹ. Tình trạng đau lưng ở giai đoạn này được cho là do các dây chằng bị nới lỏng.
Các hormone chịu trách nhiệm giúp cơ thể mẹ thư giãn và sẵn sàng cho việc sinh nở, hoạt động rất sớm. Chúng được tiết ra thậm chí trước khi bạn biết mình mang thai.
Mặc dù các hormone này sẽ rất hữu ích về sau, khi chúng giúp em bé đi qua xương chậu của bạn dễ dàng hơn, nhưng khi mới có thai thì chúng lại có vẻ hơi gây phiền toái, vì việc giãn dây chằng là nguyên nhân khiến bạn dễ bị đau lưng.
5. Bạn có thể làm gì để phòng tránh hoặc giảm đau lưng khi mới mang thai
Để phòng tránh hoặc giảm đau lưng trong giai đoạn sớm của thai kỳ, Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ cung cấp một số gợi ý như sau:
- Bạn hãy giữ tư thế đúng trong các hoạt động thường ngày của mình
- Bạn hãy duy trì việc tập thể dục điều độ. Các hoạt động như đi bộ, bơi lội, tập yoga,…rất có lợi cho thai kỳ của bạn
- Bạn có thể sử dụng các phương pháp mát xa nhẹ nhàng hoặc chườm ấm/ lạnh tại vùng bị đau có thể giúp bạn thấy dễ chịu hơn
6. Là dấu hiệu mang thai sớm,đau lưng có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thai kỳ không
Dù bạn bị đau lưng như một dấu hiệu mang thai sớm, hoặc bạn không bị cơn đau lưng nào hành hạ lúc mới mang thai, thì khi thai kỳ tiến triển, khả năng bạn bị đau lưng đều rất cao.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này khi bạn ngày càng bước sâu vào thai kỳ, đó phần lớn là do kích thước của thai nhi, tử cung cũng như bộ ngực lớn dần gây áp lực lên cơ thể bạn, đặc biệt là cột sống. Vì vậy, khi có thai, chừng nào bạn chưa bị đau lưng, hãy cố gắng tận hưởng khoảng thời gian đó, vì “kẻ thù” có thể đến gặp bạn bất cứ lúc nào.
Đau lưng có phải là dấu hiệu mang thai không có lẽ là câu hỏi không có lời đáp chính xác 100%. Vì dù phổ biến, nhưng mỗi phụ nữ khác nhau lại trải mỗi giai đoạn thai kỳ khác nhau, nên các tình trạng về thể chất, đặc biệt là đau lưng cũng không giống nhau.
Cuối cùng, liên quan đến vấn đề đau lưng có phải là dấu hiệu mang thai không, dù câu trả lời là thế nào, điều quan trọng là bạn cần duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn cân bằng, giàu dinh dưỡng. Bên cạnh đó bạn cũng cần tập thể dục điều độ. Như vậy thì dù cơn đau lưng có tìm đến bạn ở bất kì giai đoạn nào, mức độ của nó cũng có thể được giảm bớt, và bạn sẽ tận hưởng được khoảng thời gian mang thai một cách nhẹ nhàng nhất có thể.
Theo Hello Motherhood
Lily Nguyễn lược dịch