Đau bụng khi mang thai khá phổ biến và được coi là bình thường. Vậy nhưng trong một số trường hợp không thể xem nhẹ.
1. Các nguyên nhân gây đau bụng lành tính trong thai kỳ
Táo bón hay đau dây chằng là các nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng trong thai kỳ
Táo bón hay đau dây chằng là các nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng trong thai kỳ. Đây là trường hợp lành tính và không đáng ngại. Nếu cơn đau vẫn tiếp tục hoặc có kèm theo các triệu chứng như chảy máu, chuột rút mạnh, bạn nên đến bác sĩ để được kiểm tra.
1.1 Tử cung phát triển
Theo Giáo sư, Bác sĩ Sản – Phụ khoa Patrick Duff thuộc Đại học Florida (quận Gainesville), “khi tử cung phát triển, nó chiếm chỗ của đường ruột và có thể dẫn đến buồn nôn hoặc trướng bụng”. Để khắc phục, bạn nên ăn chia nhỏ bữa ăn và ăn nhiều bữa hơn; thường xuyên tập thể dục; nghỉ ngơi hợp lý và đặc biệt phải đi tiểu ngay sau khi mắc tiểu.
1.2 Đau dây chằng tròn
"Đôi khi do tử cung giãn ra, trải dài dây chằng tròn - phần kết nối giữa phía trước tử cung và hai bên háng – khiến bạn khó chịu ở vùng bụng dưới và lan đến vùng háng", Tiến sĩ Duff nói. Cơn đau sẽ càng mạnh mẽ hơn khi bạn thay đổi vị trí. Đau dây chằng tròn thường xuất hiện trong tam cá nguyệt thứ hai và sẽ tự khỏi. Nhưng trong trường hợp bạn thấy khó chịu vô cùng hãy hỏi bác sĩ Sản – Phụ khoa để được kê acetaminophen giúp giảm cơn đau.
1.3 Táo bón và khí dư
Táo bón và khí dư là hai trong số những rắc rối sẽ theo bạn trong suốt thai kỳ. Điều này là do hoóc môn progesterone tăng cao trong thai kỳ, làm hệ tiêu hóa hoạt động kém và thức ăn chậm chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng hơn thường lệ. Để ngừa táo bón, bạn nên uống nhiều nước và ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ. Nếu không giảm bớt, bạn nên nhờ bác sĩ kê đơn thuốc giúp làm mềm phân hoặc bổ sung chất xơ.
1.4 Cơn co giả Braxton Hicks
"Cơn co giả Braxton Hicks không liên quan đến sự giãn nở của cổ tử cung", bác sĩ Duff nói. Chúng có thể khiến bạn khó chịu nhưng là cơn đau lành tính. Vì vậy bạn cần phân biệt được cơn co giả và thật. Nếu đúng là cơn co tử cung chuyển dạ, cơn đau xuất hiện liền kề và có xu hướng tăng mạnh. Nhưng nếu sau khi trò chuyện với ai đó, xem tivi hoặc đọc sách, cơn đau mất đi thì đó chỉ là cơn co giả.
Mất nước là nguyên nhân làm kích hoạt các cơn co thắt Braxton Hicks. Vì vậy, bạn nên uống nhiều nước trong thai kỳ. Nếu các cơn co thắt kéo dài hoặc bản thân không phân biệt được Braxton Hicks hay co thắt chuyển dạ, hãy gọi cho bác sĩ.
2. Trường hợp đau bụng nghiêm trọng khi mang thai gồm những gì?
Nhiều phụ nữ có thai kỳ khỏe mạnh nhưng vẫn có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng. Chính vì vậy, bạn phải chú ý theo dõi đặc biệt với các cơn đau bụng khi mang thai. Một số dấu hiệu cho biết cơn đau bụng nguy hiểm bao gồm: chảy máu, đau, sốt, rối loạn thị giác.
2.1 Mang thai ngoài tử cung
Theo tổ chức March of Dimes, mang thai ngoài tử cung hay thai làm tổ tại ống dẫn trứng hoặc bất cứ mô nào khác ngoài tử cung chỉ xảy ra với 1 trong số 50 ca mang thai. Trong trường hợp không biết chắc thai đang mang nằm ngoài tử cung, bạn có thể căn cứ các dấu hiệu: đau dữ dội và chảy máu từ ngày thứ 6 và tuần thứ 10 của thai kỳ.
Nhóm phụ nữ có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao gồm:
- Những người đã từng mang thai ngoài tử cung
- Người đã từng phẫu thuật vùng chậu, bụng hoặc ống dẫn trứng
- Những người bị lạc nội mạc tử cung, thắt ống dẫn trứng hoặc dùng dụng cụ que ngừa thai IUD
- Những người bị nhiễm trùng vùng chậu.
- Tử cung có hình dạng bất thường hoặc hậu quả của việc sử dụng các kỹ thuật sinh sản nhân tạo.
Thai ngoài tử cung không thể tiếp tục giữ và cần phải can thiệp ngay lập tức. Nếu bạn đã thử thai dương tính nhưng được xác nhận chính xác bằng phương pháp siêu âm hay thử máu nhưng có dấu hiệu đau bụng, nên đến ngay các cơ sở y tế để được siêu âm và chẩn đoán cụ thể.
2.2 Sẩy thai
Khi bà bầu bị đau bụng trong thai kỳ, nhất là trong tam cá nguyệt đầu tiên, "hãy luôn nghĩ đến trường hợp sẩy thai", tiến sĩ Hilary nói. Bởi lẽ trên thực tế có khoảng 15-20% các ca mang thai phải đình chỉ thai do sẩy. Dấu hiệu của hiện tượng sẩy thai bao gồm: chảy máu và đau bụng. Cơn đau bụng dưới có thể đều đặn theo hoặc giống với đau do chuột rút trong kinh nguyệt.
2.3 Sinh non
Nếu cơn co thắt liên tục xuất hiện trước 37 tuần thai và kèm theo cơn đau lưng liên tục, có thể bạn sẽ sinh non. Đây là trường hợp khẩn và cần được cấp cứu ngay lập tức. Các cơn co thắt có thể kèm hoặc không kèm dịch âm đạo, có máu hoặc giảm thai máy. Chính bởi ngay cả những người có kinh nghiệm cũng rất khó phân biệt Braxton Hicks hay dấu hiệu sinh non nên bất cứ khi nào xuất hiện cơn co thắt nên báo ngay cho bác sĩ. Dù đó là sự nhầm lẫn vẫn hơn bạn phải hối tiếc về sau.
2.4 Bong nhau non
Nhau thai có nhiệm vụ tối quan trọng trong việc vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi. Nó thường được cấy ở vị trí cao trên thành tử cung và không bong rời cho đến khi em bé được sinh ra. Tuy nhiên, trong những trường hợp hiếm gặp (1 trong 200 ca sinh), nhau thai có thể tách ra khỏi thành tử cung. Đây là một biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ và xuất hiện phổ biến nhất trong giai đoạn cuối thai kỳ. Cơn đau sẽ xuất hiện liên tục, mức độ tăng dần và lan xuống bụng dưới với cơn đau dữ dội. Lúc này, tử cung của bạn có thể trở nên cứng như đá cứng (nếu bấm vào bụng, bụng không lõm xuống) và có thể chuyển màu sẫm lại, có máu đỏ tươi không có máu đông. Trong một số trường hợp, thai phụ có thể chuyển dạ khi nhau thai bong. Trong trường hợp này, bác sĩ phải mổ bắt thai khẩn cấp. Nếu bong nhẹ, bác sĩ có thể cho phép duy trì thai kỳ hoặc kích thích chuyển dạ để sinh ngã âm đạo. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này bao gồm: người có tiền sử bị nhau bong non, người bị cao huyết áp, tiền sản giật và chấn thương vùng bụng.
2.5 Tiền sản giật
Theo Foundation of America, tiền sản giật và các chứng rối loạn huyết áp khác chiếm từ 5 - 8% các ca mang thai. Tiền sản giật có thể xuất hiện bất cứ lúc nào sau 20 tuần thai kỳ. Đó là lý do tại sao bác sĩ thường xuyên kiểm tra huyết áp của bạn trong các lần khám thai và thử protein trong nước tiểu. Bởi vì huyết áp cao làm ngăn cản việc nhận oxy và chất dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai nhi. Tiền sản giật cũng làm tăng nguy cơ bong nhau non trước khi chuyển dạ. Khi tiền sản giật nặng, nó thường đi kèm với chứng đau ở phần trên bên phải bụng và các triệu chứng khác như buồn nôn, đau đầu, sưng phù và rối loạn thị giác. Nếu nghi ngờ mình bị tiền sản giật, hãy gọi ngay cho bác sĩ.
2.6. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (UTI)
Nguy cơ lớn nhất của nhiễm trùng đường tiểu trong thai kỳ là nó có thể dẫn đến nhiễm trùng ở thận và làm tăng nguy cơ sinh non
Theo tổ chức March of Dimes, có đến 10% các bà mẹ sẽ bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) vào một số thời điểm khác nhau của thai kỳ. Triệu chứng điển hình bao gồm: cơn mắc tiểu đột ngột, đau rát khi đi tiểu và đi tiểu ra máu. Một số thai phụ bị nhiễm trùng tiểu cũng có cả triệu chứng đau bụng, bác sĩ Chambliss nói. Nguy cơ lớn nhất của UTI trong thai kỳ là nó có thể dẫn đến nhiễm trùng ở thận và làm tăng nguy cơ sinh non. Chính vì lẽ đó, bạn luôn được kiểm tra nước tiểu trong mỗi lần khám thai. Tuy nhiên đáng mừng là bệnh này có thể chữa dứt hẳn bằng thuốc kháng sinh.
2.7. Viêm ruột thừa
Theo bác sĩ Duff, viêm ruột thừa rất khó chẩn đoán trong thai kỳ, bởi vì "khi tử cung to ra, các phần lân cận cũng bị kéo lên và có khả năng gần đến rốn hoặc gan. Chính vì được chẩn đoán chậm nên nguy cơ thai phụ tử vong do viêm ruột thừa khá cao. Mặc dù các dấu hiệu thông thường của viêm ruột thừa là đau ở phần dưới bên phải bụng, nhưng khi mang thai, nó có thể cho bạn cảm giác đau đớn ở vùng cao hơn. Các triệu chứng khác bao gồm chán ăn, buồn nôn và nôn.
2.8. Sỏi mật
Sỏi mật thường gặp ở phụ nữ, nhất là phụ nữ thừa cân, tuổi cao trên 35 tuổi hoặc có tiền sử sỏi mật. Đau sỏi mật (còn gọi là viêm túi mật) rất dữ dội và tập trung ở các góc phần tư phía trên bên phải bụng. Trong một số trường hợp, cơn đau sỏi mật cũng có thể tỏa ra xung quanh và dưới vùng xương bả vai phải.
3. Khi nào bạn nên gọi bác sĩ?
Đừng chần chừ gọi cho bác sĩ nếu bạn cảm thấy bất kỳ điều gì bất thường theo các triệu chứng sau:
- Trước 12 tuần thai, đau bụng có kèm hoặc không kèm theo chảy máu
- Chảy máu hoặc chuột rút mạnh
- Có hơn 4 cơn co trong 1-2 tiếng
- Đau bụng dữ dội
- Rối loạn thị giác
- Đau đầu dữ dội
- Sưng phù bàn tay, chân hoặc khuôn mặt
- Đau khi đi tiểu, khó đi tiểu hoặc có máu trong nước tiểu
4. Làm gì để giảm đau bụng thông thường khi mang thai?
- Chia nhỏ bữa ăn và ăn điều độ
- Thường xuyên tập thể dục
- Chọn thực phẩm giàu chất xơ (bao gồm trái cây, rau và ngũ cốc nguyên cám)
- Uống nhiều nước
- Đi tiểu thường xuyên
- Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt
Vậy là bạn đã biết bà bầu đau bụng dưới khi mang thai lúc nào nguy hiểm và lúc nào là bình thường rồi phải không nào? Mong rằng những thông tin này sẽ thực sự hữu ích với bạn.
Yeutre.vn Nguồn: Ps