1. Cream cheese hay phô mai?
Chắc chắn không ít chị em nội chợ biết về cream cheese nhưng hẳn cũng còn nhiều người mơ hồ về cái tên này. Dưới đây là đôi nét chính bạn có thể xem qua để biết thêm về một trong những nguyên liệu rất tuyệt vời, khá phổ biến trong làm bánh hay chế biến một số loại sauce cho món mặn này nhé:
1.1. Về tên gọi
Đôi khi chúng ta nghe gọi cream cheese là phô mai hay pho mát cho dễ "nhận diện" nhưng cũng có thể dễ bị nhầm lẫn nếu không có điểm tựa để phân biệt. Vì, thực ra gọi cream cheese là phô mai hay phô mát - điều này cũng không hẳn là không đúng. Nhưng phô mai cũng có nhiều loại và điểm phân biệt cream cheese với các loại khác là ở hàm lượng chất béo và độ ẩm của nó.
Theo khái niệm, cream cheese được gọi chính xác bằng tiếng Việt là phô mát kem hay pho mát mềm. Cũng có cách gọi khác là phô mai tươi.
1.2. Tính chất và kết cấu
Cream cheese có hàm lượng chất béo rất cao là 33% và độ ẩm của nó từ 55% trở xuống. Tùy vào thương hiệu, đơn vị sản xuất hay địa phương, mà hàm lượng chất béo của cream cheese có thể là khác nhau.
Về vị, cream cheese có vị chua và mặn nhẹ, mềm mịn. Còn về màu sắc, cream cheese có màu trắng nhưng có thể sẽ ngà hơn một chút xíu so với màu kem tươi.
1.3. Cream cheese có nguồn gốc ở đâu và xuất hiện khi nào?
Cream cheese được biết đến vào những năm 1800 tại Mỹ. Chúng được sản xuất ở Philadelphia. Sau đó, pho mát tươi này được biết đến rộng rãi hơn trên toàn nước Mỹ và như bạn thấy đấy, bây giờ thì nó trở thành một sản phẩm mang tính toàn cầu rồi. Rất nhiều quốc gia đều có sản phẩm cream cheese, thương hiệu phong phú, phiên bản của cream cheese cũng vậy.
1.4. Cream cheese được làm ra sao?
Công thức làm cream cheese được cho là đơn giản khi chỉ cơ bản là axid lactic được thêm vào sữa tươi nguyên kem hoặc hỗn hợp sữa và kem, làm độ pH của chúng giảm và đông lại. Hay diễn giải theo một cách dễ hình dung hơn nữa là khi cho acid lactic vào trong sữa nguyên kem hoặc hỗn hợp sữa và kem, sữa sẽ tách thành 2 phần, sữa đông và váng sữa . Váng sữa sẽ được rút hết còn sữa đông được làm nóng, thêm chất ổn định và thế là cream cheese được hình thành.
Dựa vào công thức, người ta cũng có thể làm cream cheese tại nhà bằng cách cho chanh hoặc giấm và muối vào sữa nguyên kem hoặc hỗn hợp sữa và kem. Giấm hay chanh sẽ làm cho sữa tách thành phần sữa đông và váng sữa. Váng sữa sẽ được lọc đi, còn phần sữa đông sẽ được giữ lại thêm các loại thảo mộc, trái cây,...để làm thành cream cheese.
Sau khi cho thảo mộc, một chút muối,...mang hỗn hợp này bỏ vào máy xay thực phẩm hoặc máy đánh trứng, đánh cho tơi nhuyễn và đến mịn là có thành phẩm cream cheese tuyệt vời để dùng. Trong quá trình xay hoặc đánh bằng máy đánh trứng, một ít kem tươi và váng sữa sẽ được cho vào, cream cheese sẽ mịn hơn. Cream cheese tự làm tại nhà, bảo quản tốt trong tủ lạnh có thể dùng được trong 2 tuần.
2. Cream cheese có bao nhiêu loại?
2.1. Các phiên bản cream cheese
Cream cheese hiện nay có nhiều phiên bản như:
- Đầy đủ chất béo
- Ít béo
- Không béo
- Có hương vị thảo mộc, trái cây hoặc hun khói, hay mặn, ngọt, quế...
2.2. Cream cheese và mascarpone
Đề cập đến các loại cream cheese, chắc chắn không thể không nhắc tới mascarpone. Vì, trong rất nhiều công thức món ăn hoặc bánh, mascarpone thường được dùng để thay thế cho cream cheese. Sự thay thế này khiến nhiều người nhầm tưởng mascarpone cũng tương tự như cream cheese.
Thực chất, mascarpone là một loại kem phô mai của Ý có hàm lượng chất béo ít nhất 40% và kết cấu hương vị của nó được cho là mạnh hơn cream cheese.
2.3. Các thương hiệu cream cheese nổi tiếng và phổ biến là thương hiệu nào?
Bạn có thể sẽ thấy cream cheese đã nhiều phiên bản còn có rất nhiều thương hiệu. Điều này có thể khiến chúng ta bối rối hoặc khó khăn khi chọn lựa để sử dụng.
Tuy nhiên, điều cơ bản nhất khi chọn cream cheese là bạn xem hàm lượng chất béo hoặc một số đặc điểm về vị, còn lại thương hiệu sẽ tùy theo ý thích và cảm thấy phù hợp.
Hiện nay cream cheese có các thương hiệu dưới đây là khá phổ biến như:
- Philadelphia (nhiều phiên bản)
- Anchor
- Con bò cười
- Happy Farm
- Great Value
- Kroger
- Marzetti
- Trader Joe's
- Green Mountain Farm
- Zelachi
- Emborg
Trong đó, thương hiệu Philadelphia, Anchor và Con bò cười là phổ biến nhất.
3. Cream cheese có thể sử dụng trong nấu ăn phong phú như thế nào?
Về cơ bản và thông dụng nhất, cream cheese thường được dùng để:
- Làm vỏ bánh ngọt, trang trí hoặc làm nhân bánh ngọt
- Làm nhân bánh mì, quết bánh mì
- Làm các loại bánh phô mai
- Dùng trong nhiều món tráng miệng ngọt và món mặn khác nhau từ súp cho đến các món nướng.
- Dùng làm các loại sốt chấm (dành cho hải sản, rau củ và cả thịt)
4. Cream cheese mua ở đâu và giá bao nhiêu tiền?
4.1. Tại TP Hồ Chí Minh
Tại TP Hồ Chí Minh, bạn có thể mua cream cheese ở chợ, siêu thị, các cửa hàng chuyên cung cấp các nguyên liệu làm bánh như:
- Beemart: 102 Võ Thị 6, Quận 1; 212 Âu Cơ, Quận Tân Bình; 156 Thống Nhất, Quận Gò Vấp.
- Nam An Market: 21 Thảo Điền, P. Thảo Điền, Quận 2; 303 Nguyễn Văn Trỗi, P1, Quận Tân Bình; 06 Nguyễn Thị Minh Khai, P. Đa Kao, Quận 1.
- Baker Land: 27B Nguyễn Thông, P.7, Quận 3.
- Cửa hàng Phương Hà: 58 Hàm Nghi, Quận 1.
- Cửa hàng Cường Dung: 114 Cống Quỳnh, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1
- Cửa hàng Tân Nhất Hương: 61A Trần Quang Diệu, P.13. Quận 3; 155 Tân Kỳ Tân Quý, P. Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phu; 21 Nguyễn Thị Thập, P. Tân Phú, Quận 7.
- Cửa hàng Lan Chinh: 52 Hàm Nghi, Quận 1; 57-59, CMT8 Quận 1.
4.2. Tại Hà Nội
Bạn có thể mua cream cheese tại các địa chỉ tại Hà Nội như dưới đây:
- Beemart: Số 5, ngõ 26, Nguyễn Khánh Toàn; Số 246 Lò Đúc.
- Baker's Mart: Khu Liên Hiệp Thể Tho Quốc Gia Mỹ Đình, Từ Liêm; Số 43, ngõ Thịnh Hào 1, Tôn Đức Thắng, P. Hàng Bột, Quận Đống Đa.
- Cửa hàng Baking Zoo: 87 ngõ 258, Vĩnh Hưng
- Cửa hàng Abby: Số 111, ngõ 231, Chùa Bộc; Số 6, ngõ Đình Làng Hậu, Trần Thái Tông, Cầu Giấy; số 6, ngõ 9, Đào Tấn, Ba Đình; và một số địa chỉ khác.
- Cửa hàng Jolis Chefs: số 22, ngõ 1, Hoàng Quốc Việt; số 3-5, ngõ 82, Chùa Láng; số 23 đường Chiến Thắng, Hà Đông.
- Baker Land: 36A, Nguyên Hồng, Đống Đa; số 8. Lê Văn Linh, Hoàn Kiếm.
4.3. Các cửa hàng trực tuyến
Nếu bạn là người ngại đi lại hoặc thích dùng dịch vụ mua sắm trực tuyến, có thể đặt mua cream cheese qua các trang thương mại điện tử uy tín như Lazada, Aeon Shop, Shopee, Sendo hay các cửa hàng có giao dịch trực tuyến.
4.3. Giá của cream cheese
Tùy thương hiệu, trọng lượng, vị,...cream cheese có nhiều mức giá khác nhau nên bạn cũng rất dễ lựa chọn. Các mức giá tham khảo như sau:
- Cream cheese Anchor 1kg: giá 198.000đ
- Cream cheese Zelachi 200g: giá 49.000đ
- Cream cheese Zelachi 1kg: giá 198.000đ
- Cream cheese Philadelphia 250g: giá 119.000đ
- Cream cheese Emborg 200g: giá 70.600đ
Có thể nói rằng, cream cheese là một trong những nguyên liệu rất thú vị. Có lịch sử lâu đời và được dùng rất nhiều trong làm bánh nói riêng, nấu ăn nói chung, cream cheese luôn góp phần mang lại hương vị tuyệt vời cho thành phẩm của chúng ta, nhờ hương vị, kết cấu và độ béo đặc trưng của nó. Qua chia sẻ trên của Chuyên mục Món ngon ở trên, Yeutre.vn hy vọng rằng, bạn không chỉ sử dụng cream cheese để làm cho nhiều món ăn của mình thêm ngon, mà còn tự tin hơn khi biết thêm nhiều chi tiết, của một loại chế phẩm sữa rất được lòng người làm bếp này.
Nguồn tham khảo: Taste of Home, The Daily Meal & The Spruce Eats
Cát Lâm tổng hợp