Chia tay sau khi "dính" hậu quả là cách mà nhiều bạn trẻ lựa chọn. Ảnh minh họa
Những đứa trẻ này vốn không chỉ thiệt thòi vì không có một gia đình đúng nghĩa, mà ngay cả việc được khai sinh có tên cha cũng không hề đơn giản, khi những người cha này chối bỏ trách nhiệm.
Điều 63 Luật HN&GĐ quy định về giấy khai sinh của con trong trường hợp cha mẹ không đăng ký kết hôn thì không có tên cha, mà chỉ có tên mẹ. Để khai sinh cho con có tên cha, người mẹ phải “vận động” người cha tự nguyện nhận con, hay yêu cầu Tòa án xác định cha cho con.
Không ít trường hợp người cha đã chuyển đi nơi khác mà người mẹ không biết địa chỉ hoặc tìm ra được người cha hoặc người cha hiện có mặt ở địa phương nhưng từ chối, không đồng ý tiến hành xét nghiệm gen thì việc chứng minh không hề đơn giản, vì luật không quy định người bị yêu cầu nhận con phải có “nghĩa vụ” hợp tác.
Việc thiếu cơ chế pháp lý bảo đảm cho người phụ nữ yêu cầu xác định cha cho con dẫn đến khi gặp những trường hợp này, Tòa án không thể ép buộc người cha đi giám định gen, còn người mẹ cũng đành “bất lực”.
Pháp luật hiện hành cũng thiếu quy định cụ thể về các trường hợp xác định cha, mẹ, con trong những trường hợp đặc thù như, con sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt (ly hôn hoặc người chồng chết) hay con được sinh ra theo phương pháp khoa học nhưng tinh trùng được dùng để cấy phôi không phải tinh trùng của người chồng... thì xác định thế nào?
Dẫn đến, trên thực tế, việc chứng minh cha cho con trong những trường hợp này gặp khá nhiều khó khăn. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân được mặc nhiên xem là con chung của vợ chồng. Thế nhưng, không ít đứa trẻ lại là con của “người thứ ba”.
Khi người này xin nhận là cha của đứa trẻ, dù được người chồng của mẹ đứa trẻ đồng ý thì vẫn phải chờ “người cha theo luật” từ chối nhận con (thông qua Tòa án công nhận), rồi mới có thể khai sinh cho trẻ.
Tuy nhiên, trong thực tiễn, một số Tòa án từ chối giải quyết vì cho rằng trường hợp này không có tranh chấp cha con. Do vậy, Luật HN&GĐ cần bổ sung quy định cụ thể về trường hợp nhận con mà con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của người khác.
Bên cạnh việc cần hoàn thiện các quy định về nhận cha cho con trong những trường hợp nói trên để bảo đảm quyền nhân thân cho trẻ em, việc xử lý thế nào cho “thỏa đáng” với hành vi ngoại tình dẫn đến sinh con ngoài giá thú, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng quyền lợi của người vợ, người chồng và những đứa con trong giá thú cũng cần được xem xét.
Nhiều chị em không may có chồng “ăn chả” và để lại hậu quả là những đứa trẻ ngoài giá thú ra đời cho rằng, việc quy định người chồng “thoải mái” trong khai sinh cho con riêng mà không cần “báo cáo, xin phép” vợ khiến họ thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Điều này cũng “đồng nghĩa” với qui định về chế độ hôn nhân một vợ một chồng theo Luật HN&GĐ “không hề” được đảm bảo khi các ông chồng có “quyền tự do” nhận con riêng.
Tại Hà Nội, trước đây đã từng có trường hợp cán bộ yêu cầu phải có văn bản đồng ý của người vợ hợp pháp thì mới cho người chồng được khai sinh cho con riêng. Tuy nhiên, đây là yêu cầu trái pháp luật nên Sở Tư pháp Hà Nội đã nghiêm cấm.
“Pháp luật quy định trẻ em được sinh ra, dù bố mẹ có quan hệ hôn nhân hay không đều có quyền được khai sinh.
Song, không ít người vợ khi phát hiện ra chồng mình có con riêng và “bí mật” khai sinh hợp pháp cho con riêng đã bị sốc nặng. Nhiều gia đình tan vỡ cũng từ nguyên do này.
Vì thế, tuy vẫn phải giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho trẻ em nhưng tôi cũng không khỏi áy náy trước việc người vợ không “đương nhiên” được biết điều này” - một cán bộ tư pháp băn khoăn.
Đúng là những đứa trẻ “ngoài giá thú” vô tội nên việc xử lý vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng không liên quan đến việc nhận cha con và đứng tên cha trong giấy khai sinh của trẻ.
Trong những trường hợp này, nếu những người vợ biết chuyện chồng mình có con riêng, chỉ có thể làm đơn đề nghị chính quyền cơ sở hoặc cơ quan, đoàn thể... can thiệp, vì hành vi của người chồng và người tình của chồng đã vi phạm Luật HN&GĐ. Tuy nhiên, nếu người vợ không biết, thì xem như người chồng đã vi phạm pháp luật “trót lọt”!
Yeutre.vn (Tổng hợp)