Muốn làm mẹ đơn thân nhất thiết phải xin tinh trùng vô danh?

Sau đổ vỡ gia đình, những tưởng tìm được lối thoát cuộc đời, được làm mẹ đơn thân nhờ một người đàn ông tốt bụng đồng ý cho tinh trùng, nhưng chị Lam lại bế tắc trước câu hỏi: Pháp luật có cho phép chị tự tìm “đối tác” để sinh con?

banner ads

Phụ nữ đơn thân muốn tự chọn “đối tác” để sinh con…

Cưới nhau 5 năm, chị Phan Vân Lam ở Bắc Giang (tên nhân vật đã được thay đổi) vẫn không có tin vui, cả họ nhà chồng bắt đầu lời ra tiếng vào gièm pha, ví von chị là “gái độc không con”. Lý do thì chỉ chị Lam và chồng biết. Theo kết quả khám tại bệnh viện phụ sản, chồng chị Lam không có tinh trùng. Chồng chị van xin vợ đừng nói với gia đình hai bên để giữ thể diện cho anh, vì theo suy nghĩ của anh, việc dễ nhất của một người đàn ông là có con mà cũng không làm được thì không đáng mặt nam nhi.

6371-2cainhau.jpg

Cưới nhau không có con, chị đành chấp nhận ly hôn chồng vì áp lực của nhà chồng. Ảnh minh họa

Chính vì thế, chị Lam một mặt “ngậm đắng, nuốt cay” chịu tiếng xì xào của người đời, một mặt sưu tầm đủ thứ bổ dương cho chồng những mong một ngày nào đó tình thế sẽ thay đổi. Nhưng sự hy sinh của chị Lam đã không được đền đáp. Hai người đành ly hôn.

banner ads

Hai năm sau ly hôn, chị Lam quyết định làm mẹ đơn thân vì chị đã quá ngán ngẩm với cuộc sống gia đình. Mặt khác, trong thâm tâm chị cũng muốn sinh một đứa con để chồng cũ và nhà chồng biết ngày xưa chị đã phải chịu tiếng oan như thế nào. Người được chị Lam chọn để xin con chính là người yêu của chị thời sinh viên. Hai người vì lý do cá nhân mà không đến được với nhau nhưng vẫn giữ mối quan hệ bạn bè tốt.

Khi chị Lam nói ý định của mình, người bạn này lúc đầu từ chối vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình hiện tại. Nhưng sau khi cân nhắc, anh đã đồng ý “giúp đỡ” chị Lam với điều kiện thay vì bằng phương pháp “trực tiếp” hai người sẽ đến nhờ bệnh viện làm thủ thuật thụ tinh nhân tạo và chị Lam sau khi đậu thai sẽ chuyển đi nơi khác sống, không đòi hỏi việc nhận cha và cấp dưỡng cho đứa trẻ, giữ kín bí mật suốt đời.

Tuy vậy, chị Lam vẫn rất băn khoăn vì không biết pháp luật có cho phép bệnh viện giúp đỡ nguyện vọng của chị không?

Chuyên gia - người nói không, người bảo được phép

Câu hỏi mà chị Phan Vân Lam đặt ra tưởng như đơn giản nhưng nếu xem xét ở nhiều góc độ, cả sự điều chỉnh của pháp luật lẫn cuộc sống thực tế thì lại nảy sinh nhiều quan điểm trái ngược chính từ góc nhìn của các chuyên gia.

Bác sĩ Trịnh Thị Lê Trâm – nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Chính sách về y tế, HIV/AIDS, người từng tham gia soạn thảo Nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học cho rằng, nguyện vọng của chị Lam là không được pháp luật cho phép vì theo Nghị định 12 và Thông tư số 07/2003/TT-BYT hướng dẫn thi hành Nghị định 12, việc cho và nhận tinh trùng nhất thiết phải được thực hiện trên nguyên tắc bí mật. Theo quy định của pháp luật, người cho tinh trùng không tìm hiểu về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người nhận và ngược lại.

6372-1401384393-1.jpg

Việc xin tinh trùng vô danh, chuyên gia người nói không người nói được. Ảnh minh họa

Cũng theo bà Trâm, luật quy định việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho hai loại đối tượng là cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ sống độc thân muốn sinh con, nên khi một đôi nam nữ đến xin làm thụ tinh nhân tạo thì nhất thiết họ phải là vợ chồng theo quy định pháp luật. Trường hợp phụ nữ sống độc thân muốn sinh con, cơ sở y tế sẽ sử dụng tinh trùng lấy từ ngân hàng tinh trùng. Bà Trâm khuyên chị Lam nên đến cơ sở y tế chuyên về hỗ trợ sinh sản để được tư vấn và trợ giúp.

Còn TS Nguyễn Văn Cừ - Trưởng Khoa Pháp luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội, một chuyên gia về pháp luật hôn nhân và gia đình khẳng định, trường hợp của chị Lam hoàn toàn có thể nhờ bệnh viện giúp đỡ, vì luật không cấm đoán việc người đàn ông tự nguyện hiến, tặng cho tinh trùng và người đàn bà tự nguyện nhận. Về vấn đề nguyên tắc bí mật của việc cho, nhận tinh trùng thì đúng là cần thiết, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là luật pháp ép người phụ nữ nhất thiết phải xin tinh trùng vô danh mà không cho phép họ được xin đích danh, có “địa chỉ”, theo TS Cừ (vì trên thực tế vẫn có rất nhiều trường hợp đàn ông và đàn bà xin - cho bằng phương pháp trực tiếp quan hệ tình dục).

Nói cách khác, nếu người phụ nữ sống độc thân muốn sinh con có thể tự tìm “nguồn tinh trùng” cho riêng mình thì pháp luật nên cho phép cơ sở y tế giúp họ thực hiện nguyện vọng, sau khi họ đã cam kết chịu trách nhiệm về những rắc rối pháp lý nếu có xảy ra…

Tranh luận của chuyên gia cho thấy vấn đề này thực sự đang là vướng mắc và phải chăng đây cũng là một trong những “lỗ hổng” của Nghị định 12. Trong tuần này Bộ Y tế bắt đầu nhóm họp các chuyên gia để tiến hành xem xét lại hiệu quả thực thi của Nghị định 12 nhằm sửa đổi, bổ sung. Hy vọng các chuyên gia sẽ lưu tâm đến trường hợp của chị Phan Vân Lam, để băn khoăn của những phụ nữ đơn thân muốn có con sớm có câu trả lời.

Theo PLO

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI