Câu hỏi 1: Tôi là Việt kiều, có quốc tịch nước ngoài, vừa qua tôi về Việt Nam làm việc và sống chung với bạn gái là công dân Việt Nam đang sinh sống tại Tp. Hồ Chí Minh. Đến nay bạn gái tôi có thai và sắp sinh, chúng tôi chưa muốn kết hôn. Tôi có thể làm khai sinh cho con tôi và đứng tên là cha trong giấy khai sinh không, con tôi có được mang quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước ngoài của tôi không?
Con ngoài giá thú có thể được mang quốc tịch của cha khi có sự chấp nhận của pháp luật nước sở tại. Ảnh minh họa
Trả lời: Do ông bà chưa đăng ký kết hôn, vì vậy khi sinh con, thì cháu bé là con ngoài giá thú. Căn cứ các quy định của pháp luật về hộ tịch thì thủ tục để đăng ký khai sinh cho cháu bé sẽ được thực hiện tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi ông bà cư trú, cụ thể trong trường hợp này là Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo quy định tại Điều 16 Luật Quốc tịch Việt Nam thì con của ông bà sẽ được mang quốc tịch Việt Nam nếu ông bà có văn bản thỏa thuận cho cháu bé được mang quốc tịch Việt Nam. Còn việc con của ông bà có được mang quốc tịch nước ngoài hay không lại phụ thuộc vào quy định của pháp luật của nước mà ông đang là công dân.
Câu hỏi 2: Tôi có con ngoài giá thú, nhưng giờ tôi muốn làm giấy khai sinh cho bé theo họ cha có được không? Ba của bé là người Việt Nam nhưng giờ qua nước ngoài định cư, chưa nhập quốc tịch, đã có gia đình riêng chưa ly dị. Vậy tôi có thể làm giấy khai sinh cho bé theo họ cha được không?
Trả lời: Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định “Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh”.
Con ngoài giá thú có thể được mang họ khi có sự đồng thuận của người cha. Ảnh minh họa
Như vậy, trường hợp bạn muốn đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú và để cho cháu mang họ cha thì bạn phải thực hiện việc nhận cha, mẹ, con đồng thời với việc đăng ký khai sinh cho con tại UBND cấp xã nơi bạn đang cư trú theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 15 và Điều 34 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch. Hồ sơ đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú bao gồm:
1. Giấy chứng sinh do cơ sở y tế, nơi con bạn sinh ra cấp. Nếu con bạn sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì bạn phải làm giấy cam đoan về việc sinh con là có thực.
2. Hồ sơ về việc nhận cha, mẹ, con bao gồm tờ khai (theo mẫu quy định); kèm theo tờ khai phải xuất trình các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có).
Bạn cần lưu ý về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 34, cụ thể là:
“Điều 34. Thủ tục đăng ký việc nhận cha, mẹ, con
1. Người nhận cha, mẹ, con phải nộp tờ khai (theo mẫu quy định). Trong trường hợp cha hoặc mẹ nhận con chưa thành niên, thì phải có sự đồng ý của người hiện đang là mẹ hoặc cha, trừ trường hợp người đó đã chết, mất tích, mất năng lực hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Kèm theo tờ khai phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;
b) Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (nếu có)
2. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng sự thật và không có tranh chấp, thì UBND cấp xã đăng ký việc nhận cha, mẹ, con.
Trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.
3. Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con, các bên cha, mẹ, con phải có mặt, trừ trường hợp người được nhận là cha hoặc mẹ đã chết. Cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký việc nhận cha, mẹ, con và quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho mỗi bên một bản chính quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con. Bản sao quyết định được cấp theo yêu cầu của các bên.”
Sau khi hoàn thành thủ tục nhận cha, mẹ, con, căn cứ vào quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con và giấy chứng sinh của con bạn, cán bộ tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký khai sinh và bản chính giấy khai sinh với phần khai về cha và mẹ cũng như họ tên con bạn, trong đó con bạn có thể đăng ký theo họ cha như yêu cầu của bạn. Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho bạn một bản chính giấy khai sinh của con bạn. Nếu cần thiết bạn có thể xin cấp thêm bản sao giấy khai sinh này.
Yeutre.vn (Tổng hợp)