Mặc dù đã tiêm phòng song cậu con trai đang học lớp Hai của chị Hương Thủy (Ba Đình, Hà Nội) vẫn bị thủy đậu do lây nhiễm bạn cùng lớp. Lo lắng những vết thủy đậu mọc chi chít khắp người sẽ để lại sẹo, chị Hương Thủy tìm mua “xanh me ti len” bôi khắp các nốt và tuyệt đối để con “nói không” với nước, từ việc tắm giặt tới cả… rửa mặt, rửa tay. Theo quan niệm của chị Thủy và phần đa các bà mẹ Việt Nam từ xưa tới nay, các bệnh nhân thủy đậu phải tuyệt đối kiêng gió, kiêng nước, nếu không sẽ bị “lạm nước” và vết thương lâu khô, để lại sẹo lớn.
Phải đảm bảo bằng cách thay quần áo sạch mỗi ngày và tắm đều đặn bằng nước ấm cho trẻ khi bị thủy đậu - Ảnh minh họa
Tuy nhiên, đến ngày thứ ba, những nốt thủy đậu không lặn, hay se bề mặt mà ngày càng trở nên lở loét. Tại bệnh viện, các bác sĩ kết luận, con trai chị bị bội nhiễm vùng da không được làm sạch và nhiễm vi khuẩn. Theo bác sĩ Đinh Tiến Dũng – khoa Nhi, BV Bạch Mai, bệnh thủy đậu do virus gây ra và không quá đáng ngại nếu xử trí đúng cách. Bệnh thường không để lại sẹo trừ khi có bội nhiễm. BS Dũng khẳng định, chính quan điểm kiêng tắm, kiêng nước của cha mẹ Việt là một trong những nguyên nhân khiến hậu quả của bệnh thủy đậu để lại nặng nề. Khi kiêng tắm, làn da không được làm sách khiến bụi bẩn và vi khuẩn tấn công. “Do bẩn nên trẻ thường bị ngứa và phải gãi. Việc này vô tình khiến các nốt thủy đậu vỡ ra và có nguy cơ bội nhiễm”, BS Dũng phân tích.
BS Dũng khuyến cáo, trong quá trình điều trị người bệnh mắc thủy đậu, vấn đề vệ sinh cá nhân phải được đảm bảo bằng cách thay quần áo sạch mỗi ngày và tắm đều đặn bằng nước ấm. Khi tắm, phụ huynh và các bé lưu ý không sử dụng các loại dụng cụ xơ cứng, chà xát mà chỉ tắm nhẹ nhàng, thời gian ngắn hơn thông thường. Sau khi tắm, lau lại toàn bộ cơ thể bằng khăn bông mềm.
Theo các chuyên gia, một số sai lầm “kinh điển” mà mẹ Việt thương mắc phải khi con bị thủy đậu, đó là bôi xanh methylen khắp cơ thể, ở bất cứ khu vực nào có nốt. Đây phương pháp không cần thiết, gây mất thẩm mỹ dẫn đến người xung quanh dễ kỳ thị trẻ.
Các BS cho rằng, việc bôi thuốc chỉ áp dụng khi các nốt thủy đậu đã vỡ ra, thuốc sẽ để làm khô vết thương và tránh bội nhiễm. Có thể nhận biết sớm tình trạng bội nhiễm do thủy đậu ở trẻ bằng cách quan sát màu nước từ các nốt thủy đậu khi vỡ ra. Trường hợp bệnh nhân bội nhiễm, nước sẽ không trong mà có màu đục.
Bệnh thủy đậu, về cơ bản không phải là căn bệnh quá nguy hiểm. Bệnh nhân thường khỏi bệnh, hết nốt nếu không bị bội nhiễm. Tuy nhiên, nếu để biến chứng, bệnh có thể để lại những hậu quả hết sức nặng nề. Mới đây, tại Nghệ An, một bé gái 14 tuổi đã tử vong vì biến chứng của thủy đậu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị sốt và các nốt thủy đậu mọc khắp người. Sau đó, bệnh tiến triển, biến chứng vào phổi khiến bé ho ra máu và tử vong sau hơn hai ngày điều trị.
Theo PNO