Theo quy định tại Điều 28 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch: "Trong trường hợp giữa cha, mẹ đẻ và cha, mẹ nuôi có sự thỏa thuận về việc thay đổi phần khai về cha, mẹ từ cha, mẹ đẻ sang cha, mẹ nuôi trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh của con nuôi thì UBND cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh cho con nuôi đăng ký khai sinh lại theo những nội dung thay đổi đó...”.
Do đó, để có thể thay đổi phần ghi cha, mẹ đẻ đứa trẻ trong giấy khai sinh bằng tên của người khác thì người được thay đổi phải là cha, mẹ nuôi của đứa trẻ.
Nếu người cha đã đứng tên cha trong giấy khai sinh của đứa trẻ thì không thể thực hiện việc thay thế tên mẹ đẻ của trẻ thành tên của người vợ hiện tại. Ảnh minh họa
Trong câu hỏi, bạn không nêu rõ phần ghi về người cha trong giấy khai sinh của đứa trẻ bỏ trống hay khai tên bạn, nên chúng tôi chia làm hai trường hợp sau:
1. Trường hợp phần ghi về người cha trong giấy khai sinh của đứa trẻ bỏ trống
Trong trường hợp này, vợ chồng bạn và mẹ bé cần hoàn tất thủ tục nhận nuôi con nuôi, sau đó vợ chồng bạn tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh lại cho trẻ để vợ chồng bạn cùng đứng tên trong giấy khai sinh.
Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi theo quy định tại Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch như sau:
- Hồ sơ bao gồm: giấy thỏa thuận về việc cho và nhận con nuôi (theo mẫu) do mẹ bé và vợ chồng bạn lập; và bản sao giấy khai sinh của bé.
- Vợ chồng bạn và mẹ bé phải trực tiếp nộp hồ sơ tại UBND xã nơi gia đình bạn cư trú để đăng ký việc nuôi con nuôi.
- Không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (trường hợp cần xác minh thêm thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 5 ngày), UBND cấp xã đăng ký và cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho vợ chồng bạn.
Thủ tục đăng ký khai sinh lại cho đứa trẻ như sau: Vợ chồng bạn nộp bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi, văn bản đồng ý của mẹ đẻ đứa trẻ, và bản chính giấy khai sinh của đứa trẻ đến UBND cấp xã nơi bạn cư trú để UBND cấp lại giấy khai sinh cho trẻ với phần khai về cha, mẹ là vợ chồng bạn.
2. Trường hợp phần khai về người cha trong giấy khai sinh của đứa trẻ mang tên bạn
Trong trường hợp này theo quy định tại Thông tư 1/2008/TT-BTP ngày 2/6/2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP, vợ bạn có thể nhận đứa trẻ là con nuôi nếu có đủ điều kiện.
Tuy nhiên, việc “thay đổi phần khai về một bên cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang khai về cha nuôi hoặc mẹ nuôi mà giữ nguyên phần khai về mẹ đẻ hoặc cha đẻ còn lại” thì không được giải quyết.
Do đó, nếu bạn đã đứng tên cha đẻ trong giấy khai sinh của đứa trẻ thì không thể thực hiện việc thay thế tên mẹ đẻ của trẻ thành tên của vợ bạn.
Theo Vnexpress