1. Liên quan đến bệnh cúm và mùa dịch cúm
Bệnh cúm là loại bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Có 3 chủng vi rít cúm là chủng A, B, C. Bệnh cúm lây nhiễm rất cao và có thể xảy ra ở tất cả lứa tuổi. Bệnh cúm xảy ra theo mùa và ở Việt Nam mùa cúm bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Triệu chứng của những người mặc bệnh cúm thường bao gồm:
- Sốt cao hơn 38 độ
- Rét run, ớn lạnh
- Đau đầu, đau mỏi toàn thân
- Ho khan, đau họng
- Chảy nước mũi, nghẹt mũi
- Mệt mỏi, uể oải
- Đắng miệng, chán ăn.
Bệnh cúm thông thường là bệnh lành tính và có thể tự khỏi từ 2-5 ngày, nhưng cũng có thể biến chứng nặng về tim mạch và hô hấp, gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Và các biến chứng thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người già trên 65 tuổi. Vì vậy nên chích ngừa cúm cho bé trước mùa cúm hoặc ít nhất ở đầu mùa cúm, để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm cho con.
2. Điều trị bệnh cúm
Bệnh cúm không có thuốc đặc trị. Khi mắc bệnh chủ yếu theo dõi và điều trị các triệu chứng mà thôi. Các chuyên gia khuyên người bệnh cần được nghỉ ngơi nhiều, tránh tiếp xúc với mọi người để tránh lây lan, nên mang khẩu trang để giữ vệ sinh và ngăn ngừa truyền nhiễm. Cần uống nhiều nước để bù nước cho cơ thể. Người bệnh sốt cao trên 39 độ sẽ dùng thuốc hạ sốt. Nên ăn thức ăn loãng, dễ tiêu hóa. Khi đau họng có thể ngậm nước ấm để giảm đau.
Ngoài ra, các bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc để giúp giảm các triệu chứng của bệnh để người bệnh dễ chịu hơn.
3. Chích ngừa cúm là cần thiết
Cách phòng ngừa bệnh cúm tốt nhất là tiêm ngừa vắc xin cúm. Cha mẹ nên chích ngừa cúm cho bé và cả gia đình để có thể giảm nguy có mắc bệnh cúm cho cả nhà tốt hơn. Tất cả mọi người từ em bé độ tuổi 6 tháng tuổi trở lên đều nên được chích ngừa cúm mỗi năm, nhằm góp phần tạo ra một cộng đồng sống lành mạnh, ít có nguy cơ mắc bệnh và truyền bệnh cho những người xung quanh.
Các chủng vi rút đều thay đổi hàng năm cho nên mỗi năm cha mẹ nên chích ngừa cúm cho bé và gia đình trước khi vào mùa dịch để có sự phòng ngừa tốt hơn. Như đã đề cập, ở nước ta mùa cúm bắt đầu từ tháng 10 năm nay và kéo dài đến tháng 3 năm sau. Các bé lần đầu chích cúm sẽ phải chích 2 mũi cách nhau 4 tuần. Còn người lớn và trẻ đã từng chích ngừa cúm rồi thì chích mỗi năm một lần.
Hiệu quả của vắc xin cúm là 50-80% và cần 2 tuần sau chích vắc xin mới tạo được kháng thể. Những người từng chích vắc xin và hết một năm kể từ khi chích ngừa cúm vẫn có thể bị mắc bệnh cúm ở mùa mới. Hoặc trường hợp mới chích ngừa cúm và mắc bệnh trong thời gian vắc xin chưa kịp phát huy tác dụng, khả năng mắc bệnh cúm có thể xảy ra - tất nhiên là do lây nhiễm bệnh trước đó, không phải do vắc xin. Tuy nhiên, ở 2 trường hợp này, nếu mắc bệnh, bệnh sẽ ở thể nhẹ, nhanh chóng lành bệnh và không có những biến chứng nặng nề.
4. Những lưu ý khi chích ngừa cúm
Cha mẹ nên lưu ý những vấn đề sau khi chích ngừa cúm cho bé và cả gia đình. Những đối tượng không nên chích ngừa cúm:
- Người dị ứng với trứng.
- Người mắc bệnh cấp tính nặng.
- Người bị phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin lần trước.
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Người từng mắc hội chứng Guillian-Barre trong 6 tuần sau khi tiêm cúm.
Những phản ứng sau khi tiêm cúm:
- Sốt nhẹ
- Đau tại chỗ tiêm
- Mệt mỏi, đau nhức
- Một vài phản ứng nghiêm trọng hiếm gặp như sốt cao, khó thở, nổi mề đay, sưng mặt,...cần được đưa đến bệnh viện ngay.
Bệnh cúm thông thường tự khỏi sau 2 đến 5 ngày tuy nhiên với trẻ nhỏ bị mắc bệnh cúm dễ có những biến chứng sang viêm phổi rất nguy hiểm. Vì vậy cha mẹ nên chích ngừa cúm cho bé khi bé được 6 tháng tuổi và chích hàng năm, trước mùa cúm hoặc ít nhất là đầu mùa cúm, để con được bảo vệ tốt nhất.
Thanh Ngân tổng hợp