Con bạn có thể bị cúm khi tiêm ngừa cúm không - nhiều phụ huynh nghĩ là có thể - còn các chuyên gia nói gì?

Tiêm ngừa cúm là điều được nhắc đến rất nhiều mỗi khi mùa cúm hàng năm bắt đầu. Vì cúm là bệnh dễ lây lan và ai cũng dễ mắc phải, nên việc tiêm ngừa vắc xin để phòng bệnh rất được khuyến khích. Xoay quanh chủ đề này cũng có rất nhiều điều cần nói đến ví dụ như việc, con bạn hay chính bạn tiêm ngừa cúm thì có khả năng mắc bệnh hay không.

banner ads

1. Cúm và vắc xin ngừa bệnh cúm

Mọi người thường nghĩ rằng cúm là một loại bệnh thông thường và không có gì nguy hiểm. Do vậy việc tiêm ngừa vắc xin cúm chưa được xem trọng lắm. Tuy nhiên trên thực tế, bệnh cúm có thể trở thành dịch nguy hiểm và nặng nhất có thể dẫn đến tử vong. Theo ghi nhận, các Trung tâm phòng chống dịch bệnh khuyến cáo kể từ trên 6 tháng tuổi, trẻ đã nên được tiêm ngừa để phòng bệnh cúm.

Bệnh viện Sức khỏe Trẻ em Orlando Arnold Palmer đã tiến hành khảo sát trên 704 phụ huynh của trẻ em và thanh thiếu niên, và kết quả cho thấy sự hoài nghi rộng rãi về hiệu quả của vắc xin cúm. Đáng ngạc nhiên là hơn một nửa số phụ huynh trong đó nghĩ rằng, con họ có thể bị cúm từ chính vắc xin.

Vắc xin cúm
Vắc xin cúm mang lại hiệu quả phòng bệnh cúm rất cao. Ảnh Internet

2. Vậy con bạn và chính bạn có thể bị cúm khi tiêm ngừa cúm không - Câu trả lời là không thể

Theo bác sỹ nhi khoa Jean Moorjani tại bệnh viện trên thì không ai có thể bị nhiễm bệnh cúm từ chính vắc xin cả. Vì thành phần của vắc xin là virus bất hoạt hoặc đã giảm độc lực nên không thể gây nhiễm bệnh cho người tiêm được.

Vậy tại sao thông tin sai lệch này lại được lan truyền? Bác sỹ Moorjani giải thích: sau khi tiêm vắc xin, sẽ mất khoảng 2 tuần để cơ thể hình thành kháng thể chống lại bệnh cúm và trong thời gian đó, bạn có thể mắc bệnh. Vì vậy, nếu bạn bị cúm ngay sau khi tiêm vắc xin, đó không phải do vắc xin gây ra, mà đơn giản là do cơ thể bạn chưa kịp sản sinh ra kháng thể để chống lại bệnh mà thôi.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng các bậc cha mẹ không tin rằng việc tiêm vắc xin cúm có thể bảo vệ con em họ khỏi bị bệnh. Đúng là hiệu quả của vắc xin năm này có thể cao hơn năm khác, do các nhà khoa học bào chế vắc xin dựa trên khuynh hướng của chủng virus mà họ tin rằng, có thể lây lan vào đầu một mùa cúm, tuy nhiên chúng ta không thể chắc chắn được chủng virus nào sẽ xuất hiện.

Tiêm ngừa cúm
Vắc xin cúm còn phụ thuộc vào chủng virus nào sẽ xuất hiện trong mùa cúm nhưng luôn cho hiệu quả phòng bệnh nhất định. Ảnh Internet

Cũng theo bác sỹ Moorjani, tuy việc bào chế vắc xin chỉ dựa trên sự dự đoán về loại chủng virus, và nó có thể không có hiệu quả 100% trong việc kháng lại chủng virus của mùa cúm đó, nhưng kháng thể mà cơ thể bạn sản xuất sau khi tiêm vắc xin, vẫn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cho bạn hoặc nếu bạn bị bệnh thì mức độ cũng giảm nhẹ hơn.

Nếu bạn hay các con bạn chưa được tiêm ngừa cúm , hãy tranh thủ tiêm trước cuối tháng 10, trước khi đến mùa cao điểm của cúm vào tháng 11 và 12 vì sau khi tiêm, cơ thể bạn còn cần thêm thời gian để sản sinh ra kháng thể chống bệnh. Việc tiêm ngừa rất đơn giản và không tốn hoặc tốn rất ít phí, nên không có lý do gì mà bạn bỏ qua nó – bỏ qua cơ hội bảo vệ sức khỏe cho bản thân bạn và cả gia đình.

Theo Health.com

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI