Tuy nhiên, trong quá trình mang thai, sinh nở của các mẹ Việt gặp không ít những rắc rối vì những “kiêng kỵ” cổ hủ từ thời ông bà khiến bản thân mệt mỏi và lo lắng. Những quan niệm chăm con, ở cữ được lưu truyền từ đời này qua đời khác, nó như một thói quen bất biến mà ít mẹ Việt nào có thể đủ tự tin để “lội ngược dòng”.
Thực tế, những lời khuyên đó xuất phát từ ý tốt của mọi người nhưng không phải lời khuyên nào cũng đúng và thậm chí còn có những điều phản khoa học, gây hại cho chính sản phụ và trẻ sơ sinh.
Ngày nay cuộc sống hiện đại, khoa học tiên tiến nên các mẹ cũng cần có những kiến thức chuẩn khoa học và không nên giữ những quan niệm kiêng cữ quá cổ hủ. Chị em cần sáng suốt chọn lọc những lời khuyên bổ ích và nên bỏ ngoài tai những quan niệm kiêng cữ quá cổ hủ có thể gây ảnh hưởng tới cả mẹ và con.
1. Sau sinh phải nằm than
Quan niệm ngày xưa của ông bà cho rằng phụ nữ sau sinh phải nằm than để phòng lạnh. Đây là kiêng cữ sau sinh đã quá lỗi thời. Các bác sĩ khuyến cáo không nên áp dụng cách giữ ấm không hợp lý này, bởi trong khói than chứa rất nhiều khí CO2 ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp của cả mẹ và trẻ sơ sinh.
Hơn nữa, làn da em bé mới sinh quá mỏng manh và yếu ớt. Chỉ cần tác động nhiệt quá nóng cũng đủ làm bé bị bỏng nhẹ, hoặc rôm sảy. Với các bé sinh mổ, nhiệt độ phòng quá nóng có thể làm chậm quá trình tống đàm nhớt ra ngoài, tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.
Đã có rất nhiều trường hợp tử vong vì ngạt khí CO2 do nằm than sau sinh nở nên chị em cần bỏ ngay quan niệm này.
2. Kiêng tắm gội quá lâu
Tình trạng vệ sinh không sạch sẽ kéo dài tạo điều kiện cho mụn nhọt xuất hiện, vi khuẩn có cơ hội phát triển, tấn công vào cơ thể đang còn yếu của phụ nữ sau sinh.
Mẹ chỉ nên kiêng tắm gội tối đa là 3-5 ngày sau sinh. Trong thời gian đó, chị em cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ với nước ấm. Về đầu tóc, mẹ nên sử dụng dầu gội khô để tránh tình trạng dính bết khó chịu, rất dễ làm bạn nhức đầu. Sau khi cơ thể đã khỏe dần, mẹ có thể tắm bình thường, với nước ấm, dưới vòi hoa sen, ở nơi tránh gió. Tuyệt đối không tắm bồn, bởi nguy cơ nhiễm trùng và cảm lạnh rất cao.
3. Kiêng đánh răng
Nếu sợ đánh răng sau sinh sẽ gây ra chứng ê buốt răng về sau, mẹ có thể dùng nước ấm để súc miệng. Tuyệt đối không kiêng cữ vệ sinh răng miệng sau sinh, bởi chế độ ăn uống bổ dưỡng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn răng miệng sinh sôi nảy nở.
Mẹ cũng có thể chọn loại bàn chải mềm để đánh nhẹ nhàng, sẽ không ảnh hưởng gì đến chân răng.
4. Phải nằm phòng kín
Phụ nữ sau sinh cần được giữ ấm trong thời gian ở cữ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa phòng mẹ và bé sinh hoạt cần bít gió ở mọi ngóc ngách. Thử hỏi trong mùa hè nóng bức, sự bí bách, ngột ngạt của môi trường sẽ tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và bé ra sao?
Sốt hậu sản do dính gió độc không phải là kết luận đúng đắn. Thông thường, viêm nhiễm sau sinh từ vết thương rạch tầng sinh môn hoặc vết mổ mới là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
5. Mẹ nên nằm nhiều
Một số gia đình kiêng kĩ, bắt mẹ nằm không cho ngồi, không cho đứng sợ... rớt dạ con, sợ già đau lưng. Thực ra mẹ nên sớm ngồi và vận động nhẹ nhàng sẽ nhanh phục hồi.
Với trẻ sơ sinh, cho trẻ nằm sấp mọi lúc khi con thức sẽ giúp con phát triển cơ, xương, khả năng vận động và nhận thức hơn nhiều đó.
6. Ăn nhiều móng giò để nhiều sữa
Không có mẹ nào lại không biết nguyên tắc ăn uống lợi sữa hết sức hiệu quả này. Tuy nhiên, thay vì chăm chăm vào món móng giò, sáng, trưa, chiều tối đều móng giò, mẹ có thể tìm nguồn lợi sữa ở rất nhiều thực phẩm khác.
Mẹ có biết kẽ móng giò tiếp xúc lâu ngày với môi trường chuồng trại không sạch sẽ chứa hàng tá vi khuẩn gây bệnh? Nếu chế biến không sạch, nấu không kỹ, nguy cơ hệ tiêu hóa của cả mẹ và bé bị ảnh hưởng là rất cao. Ngoài ra, ăn móng giò nhiều còn khiến mẹ gặp khó khăn trong việc giảm cân sau sinh nữa.
7. Kiêng kỹ món ăn và "nhồi" ăn nhiều thịt, ít rau
Rất nhiều mẹ thường bị bắt kiêng ăn món này, kiêng ăn món kia nhưng lại bị "nhồi" ăn thịt mà hạn chế rau củ quả. Để có sức khỏe tốt, hạn chế "hậu quả" sau sinh (như bệnh táo bón) mẹ cần được ăn nhiều thực phẩm đa dạng.
Còn bé thì sao? Đương nhiên sữa mẹ là đủ, không cần sữa non, sữa bột ABC từ nước này, nước kia. Không nước, không nước đường, không nước cơm chắt, không cần men tiêu hóa hay thuốc bổ, thực phẩm chức năng gì hết.
8. Khi trẻ bắt đầu biết đi thì mới mặc tã quần, trẻ dưới 1 tuổi chỉ nên nằm yên
Từ 3 tháng tuổi trẻ đã bắt đầu thích vận động và khám phá xung quanh. Đây là sự phát triển tự nhiên của trẻ và mẹ nên tạo điều kiện giúp bé thoải mái nhất, như cho bé mặc tã quần vừa giúp giảm sự “nhọc nhằn” khi thay tã vừa giúp bé dễ dàng vận động.
Những kiêng kỵ cổ hủ có thể không mang lại những lợi ích bảo vệ sức khỏe như ông bà từng truyền lại. Bởi vậy, các mẹ trong quá trình mang thai và sinh nở cần phải tìm hiểu các thông tin kiêng cữ - chăm con thật khoa học, đảm bảo mẹ khỏe, con khỏe trong suốt hành trình.
Yeutre.vn (Tổng hợp)