Cẩm nang chăm sóc vợ bầu trong suốt 9 tháng 10 ngày dành cho chồng tốt

Mang thai là giai đoạn người phụ nữ phải đối diện với nhiều vấn đề bất ổn về tâm sinh lý, sức khỏe. Vì thế với vai trò là một người chồng, một cha tương lai các ông bố cần chia sẻ và giúp đỡ bà xã của mình nhiều hơn trong suốt 9 tháng 10 ngày thai nghén.

banner ads

Dưới đây là những việc mà một người chồng tốt nên làm cho vợ trong suốt 9 tháng thai kỳ.

THÁNG ĐẦU TIÊN

Khi được vợ thông báo tin vui là đã có thai, tin chắc nhiều ông bố trẻ không thể kìm nén được cảm xúc của mình mà la hét thật lớn, có người lại âm thầm cười một mình, khuôn mặt rạng rỡ… Và cũng có những ông bố mặt tái xanh vì lo lắng, hoang mang sợ mình không đủ sức để làm cha, đủ kinh tế vững vàng để làm trụ cột gia đình…

Khi vợ có tin vui nhớ thông báo cho họ hàng gia đình được biết

banner ads

Sẽ có muôn vàn cảm xúc và tâm trạng khác nhau. Nhưng dù bạn ở trạng thái cảm xúc nào đi chăng nữa cũng nên bình tâm lại và giúp bà xã tận hưởng tháng đầu tiên của thai kỳ an toàn và thoải mái. Ở tháng đầu tiên những việc mà các bố nên làm là:

1. Loan báo tin vui cho mọi người

Việc đầu tiên mà các bố cần làm khi biết tin vợ có thai là nên lên danh sách người thân họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp thân thiết sau đó gọi điện, nhắn tin hoặc thông báo trên facbook để mọi người được biết và chúc mừng. Tin chắc rằng bạn sẽ nhận được từ người thân, họ hàng, bạn bè những lời chúc tốt đẹp nhất. Hơn nữa, việc thông báo tin vui vợ có thai cũng là cách để gia đình, họ hàng biết và có thể nhờ giúp đỡ khi cần thiết.

2. Dành thời gian ở bên cô ấy nhiều hơn

Trong tháng đầu tiên của thai kỳ, mặc dù bụng cô ấy vẫn chưa to và trông cô ấy cũng chẳng giống bà bầu cho lắm. Nhưng đây là thời điểm rất nhạy cảm, lúc này tâm trạng cô ấy vừa xen lẫn niềm vui, hạnh phúc vừa lo lắng, bất an. Vì chưa có kinh nghiệm nên cô ấy sẽ luôn lo lắng những điều mình làm sẽ tổn thương em bé.

Cô ấy cũng thường cảm thấy tủi thân, mệt mỏi, căng thẳng nên rất cần bạn ở bên cạnh để làm chỗ dựa tinh thần, chia sẻ cùng cô ấy những nỗi lo, giúp cô ấy những công việc nặng nhọc, đưa đón cô ấy đi làm, chở cô ấy đi siêu thị mua đồ, chia sẻ việc nhà cùng cô ấy. Dù là những điều nhỏ nhặt nhất cũng khiến cô ấy cảm thấy hạnh phúc vì được chồng quan tâm và chia sẻ cũng như làm chỗ dựa cho cô ấy.

Dành thời gian ở bên vợ nhiều hơn

Vì thế bạn phải từ bỏ những buổi tụ tập, la cà quán xá, nhậu nhẹt cùng đồng nghiệp. Sau giờ làm nên nhanh chóng trở về nhà, ăn cơm cùng vợ, dành thời gian trò chuyện cùng cô ấy. Chỉ những điều bình thường như vậy thôi cũng sẽ làm cô ấy vui và hạnh phúc biết nhường nào.

3. Tiết kiệm và tiết kiệm

Khi vợ mang thai cũng đồng nghĩa là gia đình bạn sẽ phải có thêm khoản tiền chăm sóc sức khỏe bà bầu và thai nhi trong suốt 9 tháng thai kỳ. Lúc này vợ bạn sẽ phải thường xuyên đến bệnh viện mỗi tháng để khám thai theo định kỳ, cần uống thêm sữa dành cho bà bầu, thực phẩm bổ dưỡng, mua sắm đồ bầu cùng hàng trăm các khoản chi tiêu khác không tên.

Chưa kể đến nếu gặp rủi ro trong quá trình mang thai chi phí bệnh viện sẽ khó có thể biết được. Nên trước khi quyết định có con bạn và bà xã phải lên kế hoạch tiết kiệm cho việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ và sinh con.

Ở tháng đầu tiên này bạn nên giúp cô ấy cân đối lại chi tiêu trong gia đình sao cho hợp lý, hạn chế những buổi nhậu phung phí, chỉ mua sắm những thứ cần thiết. Và quan trọng hơn cả là bạn phải tiết kiệm và tiết kiệm.

4. Tự nguyện làm việc nhà cho vợ

Tự nguyện làm việc nhà giúp vợ

Nếu trước đây việc bếp núc, nhà cửa bạn phó mặc hoàn toàn cho vợ, thì khi vợ mang thai bạn nên thay đổi suy nghĩ, hãy xắn tay lên và tự nguyện làm việc nhà và những công việc nặng nhọc giúp vợ. Điều này không chỉ tốt cho sức khỏe mẹ và bé mà còn là cách để bạn chia sẻ những vất vả mà bà xã đang phải trải qua, giúp vợ có nhiều thời gian nghỉ ngơi.

5. Luyện kỹ năng massage

Massage lưng cho vợ

Khi mang thai do em bé trong bụng tạo sức ép lên dây thần kinh nên cô ấy sẽ thường xuyên đau nhức mỏi chân tay, đau lưng. Cách tốt nhất để giúp vợ đối phó với chứng đau lưng trong thai kỳ là bạn nên massage lưng cho ấy mỗi ngày.

Để làm được điều này các bố nên luyện kỹ năng massage cho bà bầu bằng các video hướng dẫn trên mạng hoặc nếu cần thiết có thể tham gia lớp học tiền sản, yoga dành cho bà bầu cũng rất hữu ích cho các bố. Ngoài ra massage còn giúp cô ấy thư giãn, giảm đau đớn, mệt mỏi trong thai kỳ rất hiệu quả.

6. Hẹn hò lãng mạn và những món quà bất ngờ

Nhiều bà mẹ trẻ than phiền rằng, khi mang thai các ông chồng rất vô tâm không biết chăm sóc, an ủi và chiều chuộng vợ. Điều này khiến các mẹ rất tủi thân, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây sứt mẻ tình cảm vợ chồng.

Trong suốt 365 ngày mỗi năm, cô ấy đều luôn cố gắng làm cho bạn những món ăn ngon, chuẩn bị quần áo tươm tất cho bạn trước khi đi làm, chăm sóc và thu dọn “chiến trường” mỗi khi bạn nhậu nhẹt say xỉn. Và hàng trăm những việc không tên khác cô ấy làm cho bạn mỗi ngày.

Nên có những buổi hẹn hò lãng mạn

Vì vậy khi mang thai, cô ấy xứng đáng được bạn chăm sóc, chiều chuộng và yêu thương nhiều hơn. Hãy hâm nóng tình cảm vợ chồng bằng những bữa ăn tối cuối tuần lãng mạn, những món quà bất ngờ, những tin nhắn yêu thương, mua tặng cô ấy những bộ đầm bầu xinh xắn nhất, kem chống rạn da… Chỉ bấy nhiều thôi cũng đã đủ để khiến cô ấy hạnh phúc rồi.

THÁNG THỨ 2

Những cảm xúc buồn vui lẫn lộn của tháng đầu tiên sẽ nhanh chóng qua đi bước sang tháng thứ 2 các bố sẽ luôn bất an, lo lắng liệu mình có thể làm một người cha tốt hay không? Và khi con chào đời mình sẽ phải làm gì? Những cảm xúc này hầu như ông bố trẻ nào cũng gặp phải. Nhưng đây không phải là lúc để bạn dành thời gian để suy nghĩ về những điều vẩn vơ như thế. Trong tháng thứ 2 này bạn nên làm cho vợ những việc sau:

1. Ổn định lại tinh thần

Chắc hẳn khi vừa trải qua tháng đầu tiên trong thai kỳ cùng vợ, các bố đã cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi và vô cùng áp lực. Nhưng các bố biết đấy, những điều vợ bạn đang phải trải qua còn gấp nhiều lần những gì các bố phải làm. Vì thế ở tháng này các bố phải nhanh chóng ổn định lại tinh thần, thường xuyên tập thể dục để có sức khỏe tốt, giúp đỡ vợ nhiều hơn trong công việc nhà.

Ở thứ hai các bố nên ổn định lại tinh thần

Sau mỗi bữa ăn nên giúp cô ấy chuẩn bị một chậu nước ấm để ngâm chân và massage chân cho cô ấy, kể cho cô ấy nghe những câu chuyện vui hài hước, hoặc cùng cô ấy xem những bộ phim mà cả hai cùng thích. Trước khi đi ngủ pha cho vợ một ly sữa nóng, massage lưng cho cô ấy. Hãy nhớ rằng những điều bạn đang làm không chỉ tốt cho sức khỏe của mẹ mà còn là cách để bạn bảo vệ chăm sóc em bé của mình nữa đấy.

2. Lên danh sách những người có thể giúp đỡ sau sinh

Nếu bạn không có nguồn tài chính rủng rỉnh và không thể chi trả cho người giúp việc để chăm sóc mẹ và bé sau sinh. Thì ngay bây giờ bạn và cô ấy nên lập danh sách những người trong gia đình có thể giúp đỡ khi vợ bạn đi sinh và sau sinh như: bà nội, bà ngoại, anh chị em họ hàng hai bên. Sau khi lên được danh sách bạn nên nói chuyện với những người cần giúp đỡ trước để chắc chắn họ có thể thu xếp được thời gian và công việ giúp đỡ bạn lúc vợ đi sinh và chăm sóc mẹ và bé sau sinh.

3. Đáp ứng cơn thèm ăn của cô ấy mọi lúc có thể

Nấu cho vợ những bữa ăn để chống nghén

Trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ, các bà bầu thường phải đối diện với những cơn ốm nghén khổ sở. Cô ấy có thể ăn rất nhiều, thường xuyên nôn ói khi ngửi thấy mùi thức ăn hoặc thích ăn một món ăn nào đó. Và cô ấy có thể thèm ăn bất cứ lúc nào trong ngày, ngay cả khi bạn đang say giấc nồng.

Do đó, điều mà một người chồng tâm lý nên làm lúc này là hãy cố gắng đáp ứng nhu cầu thèm ăn của cô ấy mọi lúc. Ngoài ra bạn cũng có thể mua cho cô ấy nhiều đồ ăn vặt, để sẵn đồ ăn trong tủ lạnh để cô ấy có thể ăn bất cứ lúc nào.

4. Luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu

Hãy trở thành một người chồng tâm lý bằng cách thường xuyên hỏi thăm sức khỏe của cô ấy, quan tâm đến cảm xúc của vợ bằng những câu hỏi như: Hôm nay em cảm thấy thế nào, con có làm em mệt lắm không? Em thích ăn gì để anh nấu cho? Anh giúp em massage nhé?.... Đồng thời đừng quên nhắc cô ấy lịch khám thai, ghi lại những mốc phát triển của bé.

Quan tâm và thấu hiểu vợ nhiều hơn

Ở thời điểm này bạn sẽ luôn phải đối diện với tâm trạng buồn vui, cáu giận bất chợt của cô ấy mà không rõ lý do vì sao. Cách tốt nhất là cười trừ và nói với cô ấy rằng “Anh sẽ cố gắng để giúp đỡ em nhiều hơn” hoặc có thể biến những điều tồi tệ thành những câu chuyện hài hước, dí dỏm cũng không tồi. Luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu đó là điều mà các bố nên làm.

THÁNG THỨ 3

Trong tháng thứ ba thai nhi bắt đầu phát triển, có những dấu mốc bố cần phải ghi nhớ. Trong tháng thứ 3 này bạn nên cùng vợ làm những việc sau.

1. “Chuyện ấy” an toàn

Các bác sĩ khuyên trong ba tháng đầu tiên và ba tháng cuối thai kỳ các cặp vợ chồng nên hạn chế giao hợp để tránh bị sẩy thai và sinh non. Tuy nhiên nếu sức khỏe ổn định thì "chuyện ấy" vẫn có thể diễn ra bình thường. Tuy nhiên bạn phải lưu ý, trong tháng thứ 3 này bầu ngực của cô ấy bắt đầu có dấu hiệu cương cứng và rất đau nên khi giao hợp nên tránh động chạm vào bầu ngực của cô ấy. Để chắc chắn nên hỏi ý kiến của cô ấy trước khi chạm vào.

Sex an toàn khi vợ mang thai

Ngoài ra vì lo sợ "chuyện ấy" sẽ ảnh hưởng đến em bé, cộng với kích thước bụng bầu ngày càng to và thay đổi nội tiết tố nên nhu cầu "chuyện ấy" của vợ bạn cũng giảm. Nếu bà xã của bạn không thiết tha làm "chuyện ấy" thì đừng cố ép buộc, hãy giúp cô ấy thả lỏng để "chuyện ấy" diễn ra tự nhiên. Bên cạnh đó nên áp dụng những tư thế "yêu" an toàn cho bà bầu.

2. Lắng nghe và chia sẻ

Bạn có thể chia sẻ cảm xúc lần đầu được nghe tim thai cùng cô ấy. Điều này sẽ khiến vợ bạn rất hài lòng vì biết được bạn rất quan tâm đến cô ấy và em bé. Ngoài ra, bạn cũng nên khuyến khích cô ấy chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ của mình. Đây là cách để bạn thể hiện sự quan tâm đến bà xã, giúp cô ấy cởi bỏ những vướng mắc trong lòng, giữ cho tinh thần luôn thoải mái nhất.

3. Giúp vợ đối phó với chứng ốm nghén trong thai kỳ

Giúp vợ đối phó với những cơn ốm nghén

Ở tháng thứ 3 này những cơn ốm nghén dường như vẫn còn hành hạ cô ấy. Nếu cô ấy bị nôn và khó chịu khi ngửi thấy mùi thức ăn trong phòng bạn nên đưa chúng ra khỏi phòng cô ấy ngay. Ngoài ra khi vợ bị nôn hãy mang cho cô ấy một ly nước lọc, và nấu những món ăn mà cô ấy yêu thích.

4. Hộ tống vợ đi khám thai

Có thể ở hai tháng đầu tiên bạn không có nhiều thời gian để hộ tống vợ đi khám thai. Nhưng bước sang tháng thứ ba, bạn nên đưa vợ đi siêu âm. Vì đây là dấu mốc quan trọng mà các bố không nên bỏ qua. Ở tháng này bạn sẽ được nghe nhịp tim của em bé. Đây là giây phút thiêng liêng và cảm động vô cùng.

Đưa vợ đi khám thai

Điều này sẽ giúp bạn cảm nhận được em bé đang lớn lên từng ngày. Để đánh dấu bước ngoặt quan trọng này bạn có thể làm bữa tiệc nhỏ dành cho vợ hoặc viết nhật ký kể lại cảm xúc của bạn khi lần đầu tiên được nghe nhịp tim của bé. Đây sẽ là một ký ức đẹp bạn có thể lưu giữ cho con sau này.

Bên cạnh đó, khi thai ngày càng lớn lên bụng cô ấy sẽ phình to ra, bị rạn da khiến cô ấy vô cùng khổ sở, lo sợ bị chồng chê là xấu xí. Lúc này hãy động viên và an ủi vợ bằng câu “Trông em rất tuyệt và quyến rũ trong hình dáng của một bà bầu. Anh thích được ngắm em lúc này nhất”.

THÁNG THỨ 4

Bước vào tháng thứ tư những cơn ốm nghén của vợ bạn dường như đã không còn, cô ấy sẽ thèm ăn và ăn rất nhiều và ham muốn “chuyện ấy” của vợ bạn cũng được cải thiện. Lúc này bạn nên làm giúp vợ những việc sau.

1. Thư giãn và nạp thêm năng lượng

Thư giãn và nạp thêm năng lượng cho bản thân

Bước vào tháng thứ tư, bạn và cô ấy cũng mới chỉ đi được gần nửa cuộc hành trình “9 tháng 10 ngày thai nghén” mà thôi. Nghĩa là còn một nửa cuộc hành trình phía trước bạn và cô ấy phải trải qua. Để có sức khỏe và tinh thần thoải mái, giúp đỡ được vợ nhiều hơn bạn nên dành thời gian thư giãn, nạp thêm năng lượng để chuẩn bị cho cuộc hành trình dài phía trước.

2. Gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực và lạc quan hơn

Có thể sau ba tháng vợ mang thai bạn sẽ phải đối diện với nhiều áp lực, nỗi lo về tài chính, lo về sức khỏe của vợ, khó chịu về những thay đổi thất thường của vợ, bạn không có nhiều thời gian dành cho bạn bè…Điều này dễ khiến các bố rơi vào căng thẳng, mệt mỏi và chán nản. Không còn cách nào khác bạn phải tự đối diện và vượt qua nó, hãy luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan sống mỗi ngày. Rồi mọi thứ sẽ qua nhanh như một cơn gió thoảng mà thôi

.

3. Tiết kiệm một khoản riêng dành để chi tiêu cho em bé

Tiết kiệm khoản nhỏ dành để chi tiêu cho bé

Ở tháng thứ tư này, ngoài khoản tiết kiệm chung của hai vợ chồng dành cho việc nuôi con sau này. Bạn nên dành dụm khoản tiền riêng của mình để chi tiêu cho em bé khi sinh ra. Với khoản chi tiêu này sẽ giúp bạn ứng phó được những tình huống bất ngờ xảy ra như chẳng may bé ốm, phải điều trị lâu dài…

4. Đưa vợ đi dạo, vận động nhẹ nhàng

Bước vào tháng thứ tư, thai nhi đã bắt đầu phát triển ổn định vì thế các hoạt động nhẹ nhàng, đi lại sẽ không ảnh hưởng đến em bé. Nên vào mỗi buổi tối bạn nên đưa vợ đi dạo những nơi yên tĩnh, có không khí trong lành. Vừa là cách để bạn giải tỏa căng thẳng và nâng cao sức khỏe vừa giúp vợ thư giãn, rất tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.

5. Nói chuyện với cô ấy về em bé nhiều hơn

Ngoài việc dành thời gian đưa vợ đi siêu âm bạn nên thường xuyên trò chuyện với cô ấy nhiều hơn như bàn về việc mua sắm đồ cho em bé, cần mua những gì, mua ở đâu và khi nào thì bắt đầu đi mua?... Điều này khiến các bà mẹ vô cùng thích thú đấy.

Nói về em bé nhiều hơn

Và điều cấm kỵ là đừng bao giờ bàn luận về thân hình và nhan sắc của cô ấy. Vì đây là thời điểm các bà vợ rất lo sợ bị chồng chê xấu, ảnh hưởng không tốt đến tình cảm vợ chồng và tâm lý của vợ bạn.

THÁNG THỨ 5

Trong tháng thứ 5 lúc này bào thai đã phát triển ổn định. Là giai đoạn đánh dấu nhiều mốc phát triển quan trọng của bào thai. Những việc mà bạn có thể đồng hành cùng vợ như sau:

1. Đưa vợ đi mua sắm

Đưa vợ đi mua sắm

Vào tháng thứ 5 hai vợ chồng bạn nên bắt đầu việc mua sắm đồ dùng chuẩn bị cho em bé chào đời. Khi đưa vợ đi mua sắm bạn sẽ giúp vợ mang vác đồ vật nặng, giúp cô ấy chọn được những món đồ ưng ý nhất. Ngoài ra thỉnh thoảng đi vợ đi mua đầm bầu hoặc những đồ dùng dành cho bà bầu.

2. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý cho vợ

Ở giai đoạn này nhu cầu dinh dưỡng của vợ bạn sẽ tăng lên, do em bé cần nhiều dưỡng chất để phát triển khỏe mạnh. Do vậy bạn nên dành thời gian tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng cho bà bầu, xây dựng chế độ ăn hợp lý đảm bảo cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cho mẹ và bé.

3. Những chuyến du lịch ngắn ngày

Đưa vợ đi du lịch ngắn ngày

Ở tháng này bạn có thể tặng cho cô ấy những chuyến du lịch ngắn ngày, những kỳ nghỉ ở những địa điểm du lịch thư giãn vào những ngày cuối tuần. Nên đến những khu du lịch có dịch vụ thư giãn, spa để cô ấy được chăm sóc và thư giãn tốt hơn.

Tuy nhiên nếu đi xa bạn nên chú ý đến phương tiện đi lại, độ an toàn cho mẹ bầu. Du lịch thai kỳ vừa là cách để hâm nóng tình cảm vợ chồng vừa dịp để hai người xả stress nạp thêm năng lượng chuẩn bị cho em bé chào đời trong vài tháng tới.

4. Lên kế hoạch chăm sóc em bé sau sinh

Sẽ không quá muộn nếu ngay từ ngay từ bây giờ bạn và cô ấy thảo luận, lên kế hoạch chăm sóc em bé sau sinh. Cụ thể như ai sẽ ở nhà chăm con, có nên thuê người trông trẻ hay không?... Nếu bạn băn khoăn không biết làm thế nào hãy tham khảo ý kiến của những người có kinh nghiệm để có quyết định đúng đắn nhất và có lợi nhất cho cả mẹ và bé.

THÁNG THỨ 6

Đến đây thì bạn và cô ấy đã đi được hơn nửa cuộc hành trình thai nghén đầy vất vả và gian khổ. Chỉ còn 3 tháng nữa thôi là đến ngày bạn được chào đón thiên thần ra đời. Ở tháng này bạn nên lên kế hoạch cho việc sinh con. Cụ thể những việc mà bạn nên làm cùng vợ như sau:

1. Đồng cảm và chia sẻ

Đồng cảm và chia sẻ khó khăn với vợ nhiều hơn

Trong tháng thứ 6 vợ bạn sẽ xuất hiện các triệu chứng như bị chuột rút, đau lưng, mất ngủ và thèm ăn. Lúc này nên giúp đỡ cô ấy nhiều hơn, massage cho vợ, chuẩn bị nước ấm để vợ ngâm chân vào buổi tối sẽ giảm được chuột rút. Chuẩn bị cho vợ những bữa ăn ngon, cho vợ nhiều thời gian để nghỉ ngơi thư giãn nhằm giảm căng thẳng mệt mỏi.

2. “Chuyện ấy” an toàn

Ở giai đoạn này dường hormone của cô ấy thay đổi nên ham muốn "chuyện ấy" của vợ bạn cũng cao hơn. Tuy nhiên do bụng của cô ấy quá lớn nên bạn không thể áp dụng các tư thế "yêu" thông thường khác vì không an toàn cho bé. Lúc này bạn nên tìm hiểu những tư thế “yêu” phù hợp cho mẹ bầu như tư thế nữ cao bồi tức là để cô ấy ngồi trên trong tư thế nữ cao bồi, tư thế doggy. Tránh thực hiện những động tác mạnh sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

3. Tân trang nhà cửa, phòng ốc

Tân trang lại nhà cửa trước khi em bé chào đời

Để chuẩn bị đón em bé chào đời trong tháng này bạn có thể lên kế hoạch để tân trang lại phòng ngủ của bạn, ngôi nhà của mình trước khi em bé chào đời. Vì sau khi em bé chào đời phải mất một thời gian dài bạn mới có thể làm được việc này.

4. Đừng tiết kiệm những lời khen

Khi em bé càng lớn lên thì thân hình vợ bạn lại càng mập ú, xấu xí, khệ nệ. Tuy nhiên cấm các bố chê vợ xấu khi vợ mang bầu. Khi cô ấy mặc một bộ đầm bầu mới hãy dành cho vợ những lời khen thỏa đáng.

5. Tháp tùng vợ đến những bữa tiệc

Tháp tùng vợ đến những bữa tiệc

Có thể bạn sẽ thấy bất tiện khi phải đưa vợ đến những bữa tiệc hay đi gặp gỡ bạn bè cùng cô ấy. Tuy nhiên lời khuyên cho bạn là đừng bao giờ tỏ ra khó chịu nếu cô ấy muốn bạn tháp tùng đến những bữa tiệc, đưa đi mua sắm, đi ăn uống những ngày cuối tuần. Hãy đáp ứng mọi yêu cầu của vợ để cô ấy được vui vẻ và thoải mái hơn, giúp cô ấy quên đi những khó khăn mà mình đang phải trải qua khi em bé ngày càng lớn dần trong bụng mẹ.

6. Trang bị kiến thức chăm sóc bé

Để có thể hỗ trợ và giúp đỡ vợ trong việc chăm sóc và nuôi dạy con. Ngay từ bây giờ các bố nên tìm hiểu về kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh qua các tài liệu sách báo và đăng ký tham gia các lớp học tiền sản dành cho cả 2 vợ chồng.

7. Hoàn thiện kế hoạch mua sắm

Ở giai đoạn này bạn và cô ấy nên nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch mua sắm đồ cho bé, đồ dùng cần thiết cho mẹ sau sinh, nội thất phòng ngủ sau khi em bé chào đời.

THÁNG THỨ 7

Ở giai đoạn này bụng bầu của vợ bạn đã to vượt mặt, em bé trong bụng có thể cảm nhận được rõ âm thanh và ánh sáng bên ngoài. Cô ấy sẽ phải thường xuyên đi tiểu, đi lại khó khăn, chân tay phù nề, khó ngủ, đau lưng... Lúc này cô ấy cần được nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh làm việc nặng nhọc. Và dưới đây là những việc mà các bố nên làm cho vợ của mình.

1. Trò chuyện và giao tiếp cùng em bé trong bụng mẹ

Giao tiếp với em bé trong bụng mẹ nhiều hơn

Ở tháng thứ bảy em bé trong bụng mẹ có thể cảm nhận đầy đủ âm thanh từ bên ngoài và bé sẽ đạp vào bụng mẹ mỗi khi được mẹ xoa bụng và trò chuyện với bé. Lúc này bạn cần dành nhiều thời gian ghé sát bụng bầu để trò chuyện với bé, kể cho bé nghe những câu chuyện nào đó hoặc hát cho bé nghe. Mặc dù không thể giao tiếp lại với bố nhưng bé sẽ ghi nhớ những điều này và ghi nhớ giọng nói của bố. Đây là cách xây dựng tình cha con ngay từ khi em bé còn trong bụng mẹ.

2. Giữ cho nhà cửa sạch sẽ và an toàn

Đến tháng này nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa vẫn là của các bố. Đặc biệt nên thường xuyên kiểm tra nhà tắm, đảm bảo an toàn để tránh vợ bạn bị trơn trượt. Vì ở tháng này cô ấy sẽ phải thường xuyên đi vệ sinh nhiều lần.

3. Giúp vợ ghi nhớ mọi thứ

Do thay đổi hóc-môn nên các bà bầu thường gặp phải chứng đãng trí trong thai kỳ. Cô ấy sẽ không thể nhớ được những việc quan trọng hay những hóa đơn cần chi trả, thời gian đi khám thai…. Do vậy bạn nên ghi lại danh sách những việc cần làm và đưa cho cô ấy hoặc nhắc nhở vợ thường xuyên để giúp cô ấy không quên những việc cần làm.

4. Mua tặng vợ gối ngủ cho bà bầu

Mua tặng vợ gối ngủ cho bà bầu

Giai đoạn này do em bé ngày càng lớn khiến cho cô ấy gặp khó khăn trong việc chọn tư thế ngủ thoải mái. Vì thế bạn có thể mua tặng vợ gối ôm dành cho bà bầu sẽ giúp cô ấy ngủ ngon giấc hơn.

THÁNG THỨ 8

Đây là giai đoạn cận kề đến ngày sinh nên có nhiều việc bạn phải làm cùng cô ấy. Cụ thể như sau:

1. Quan tâm chăm sóc vợ nhiều hơn

Quan tâm chăm sóc vợ nhiều hơn

Càng những ngày gần cuối thai kỳ việc đi lại, ăn ngủ của cô ấy cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Vì thế bạn nên dành nhiều gian chăm sóc và ở bên cô ấy nhiều hơn. Nhiều bà bầu vì khó ngủ nên cảm thấy cô đơn khi chồng không quan tâm. Ngoài ra hãy chuẩn bị cho cô ấy một ly sữa nóng trước khi đi ngủ để giúp vợ ngủ ngon hơn.

2. Chuẩn bị sẵn sàng mọi vật dụng để đưa vợ đi sinh

Thông thường thời gian sinh sẽ nhanh hoặc chậm hơn thời gian dự sinh vài ngày thậm chí từ 7-10 ngày. Vì thế để không phải lúng túng, ngay từ bây giờ bạn nên giúp cô ấy chuẩn bị sẵn sàng mọi đồ dùng cần thiết cho vợ đi đẻ như quần áo em bé, bao tay, mũ, bình sữa, tã lót, khăn, chăn, đồ dùng cho mẹ, đồ dùng cá nhân của bạn… Ngoài ra đừng quên chuẩn bị máy quay phim, chụp ảnh để ghi lại khoảnh khắc đầu tiên khi con chào đời.

3. Giúp vợ những công việc nặng nhọc

Ở giao đoạn này cô ấy không nên làm việc quá sức, mang vác đồ nặng, cúi gập người nhiều lần. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Tốt nhất bố nên làm giúp vợ việc nhà và những công việc nặng nhọc.

THÁNG THỨ 9

Đây là giai đoạn mà cả hai vợ chồng bạn đều hồi hộp, lo lắng, mong ngóng đến ngày em bé chào đời . Ở tháng cuối này các bố nên làm những việc sau.

1. Đảm bảo sự an toàn cho vợ

Đảm bảo sự an toàn cho vợ

Càng những ngày cuối của thai kỳ, em bé sẽ chuyển dần xuống bụng dưới vì thế sẽ tạo sức ép lên các cơ ở bàng quang và đáy chậu. Nên vợ bạn sẽ phải đi tiểu nhiều lần, khó khăn trong việc tìm vị trí ngồi thoải mái, đi lại khó khăn. Vì vậy bạn phải đảm bảo an toàn cho cô ấy bằng cách giữ cho hành lang, nhà tắm an toàn. Nên giúp đỡ cô ấy mỗi lần lên xuống cầu thang để tránh trượt chân, té ngã. Và luôn thắp sáng đèn ở hành lang, nhà vệ sinh để giúp vợ đi lại an toàn hơn.

2. Kiểm tra lại đồ dùng của mẹ và bé

Ở những ngày cuối của thai kỳ cô ấy có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào. Vì thế bạn cần phải kiểm tra lại tất cả đồ dùng cho mẹ và bé xem còn thiếu thứ gì hay không? Nếu thiếu nên nhanh chóng bổ sung. Ngoài ra bạn cũng nên tích trữ sẵn đồ ăn trong tủ lạnh. Vì khi vợ đi sinh bạn sẽ không có nhiều thời gian để chuẩn bị đồ ăn.

3. Chuẩn bị máy quay phim, máy ảnh

Để có thể ghi lại những khoảnh khắc đầu tiên chào đón thiên thần nhỏ ra đời bạn nhớ mang theo máy chụp ảnh, máy quay phim. Nhớ kiểm tra lại pin, thẻ nhớ trước khi đưa vợ đi sinh.

4. Gọi điện nhắc lại những người thân sẽ giúp đỡ vợ chồng bạn

Lên danh sách những người cần giúp đỡ

Hãy gọi điện thông báo ngày dự sinh của vợ để người thân của bạn sắp xếp thời gian chăm sóc mẹ và bé trong bệnh viện khi sinh. Đồng thời đừng quên lên danh sách những người cần thông báo tin vui khi mẹ bé chào đời và lưu vào máy của bạn.

5. Sẵn sàng đưa vợ đi sinh

Càng những ngày cuối thai kỳ bạn cần đảm bảo mọi phương tiện liên lạc luôn được mở 24/24h. Vì vợ bạn có thể sinh bất cứ lúc nào. Đồng thời đừng quên lưu lại số điện thoại xe taxi để gọi trong lúc gấp gáp. Và chuẩn bị mọi thứ trong tư thế sẵn sàng chờ ngày vợ lâm bồn.

Chuẩn bị sẵn sàng đưa vợ đi sinh

Cuộc hành trình 9 tháng 10 ngày thai nghén cùng vợ quả không hề đơn giản. Nhưng khi trải qua những việc làm ý nghĩa này bạn sẽ thấu hiểu hơn những vất vả mà người vợ mình đang phải trải qua. Từ đó thông cảm, yêu thương và trân trọng bà xã của mình nhiều hơn. Mong các bố sẽ làm được nhiều điều ý nghĩa cho vợ của mình khi cô ấy thai nghén.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI