Cách trị biếng ăn ở trẻ 1 tuổi và 8 bí quyết hay dành cho mẹ

Cách trị biếng ăn ở trẻ 1 tuổi có thể được xem là "mục tiêu" của rất nhiều mẹ bỉm sữa nhắm tới, nhằm cải thiện tình trạng ăn uống "kém" của con mình. Câu hỏi thường được các mẹ đặt ra là, chúng ta có cách nào hay nhất để điều chỉnh chuyện này hay không, làm sao để con ăn ngon hơn, ăn nhiều hơn. Hoặc, bí quyết trị trẻ 1 tuổi biếng ăn như thế nào....

banner ads

Cách trị bé 1 tuổi biếng ăn
Trẻ 1 tuổi biếng ăn là tình trạng thường gặp và mẹ nào cũng muốn có cách trị hiệu quả nhất. Ảnh Internet 

1. Trẻ 1 tuổi của bạn có thực sự ăn uống kém?

Thay vì đặt ra câu hỏi nhằm giải quyết mục tiêu trẻ ăn uống kém, theo các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em và nhiều nghiên cứu liên quan đến phạm vi này, lời khuyên cho các bà mẹ trước hết hãy tự tìm hiểu xem, con mình có thực sự ăn uống kém hay không.

Việc tìm hiểu trẻ có thực sự ăn uống kém hay không - cũng có thể được xem là tương đương với vấn đề đi tìm nguyên nhân trẻ biếng ăn vậy.

Theo dữ liệu nghiên cứu từ các đơn vị nổi tiếng như Bệnh viện John Hopskin hay Children's National Health tại Washington DC, họ có đề cập để giải quyết được chuyện biếng ăn ở trẻ, trước tiên các bà mẹ cần xác định các điểm trọng yếu như, bản thân có áp đặt chuyện ăn uống do chủ quan cá nhân mình lên trẻ hay không, trẻ biếng ăn sinh lý hay bệnh lý. 

Trẻ khóc không muốn ăn
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ 1 tuổi ăn uống kém hoặc biếng ăn. Ảnh Internet 

1.1 Về quan điểm chủ quan của mẹ

Thông thường, tâm lý chung của các bà mẹ là muốn con ăn nhiều, ăn tốt bất kể ở độ tuổi nào. Vì, việc trẻ ăn tốt chính là phản ảnh của việc trẻ phát triển bình thường, cũng như sẽ khỏe mạnh, cao lớn, thông minh,...Nên, đông đảo các mẹ không chỉ áp đặt chuyện ăn uống lên trẻ, mà còn ép buộc nhằm đạt được mức tiêu thụ thực phẩm ở trẻ mà mẹ mong muốn.

Tuy nhiên, trong hành trình chăm sóc một đứa trẻ từ khi con ra đời, nhất là từ độ tuổi ăn dặm trở đi, thực chất vấn đề ăn uống tốt hay ăn nhiều của trẻ không phải là yếu tố duy nhất, quyết định sức khỏe, sự phát triển thể chất tích cực hay sự phát triển toàn diện của trẻ.

Từ nhận định trên, thái độ hay quan điểm chủ quan của người mẹ trong việc ăn uống của trẻ là một phần quan trọng có thể tác động, thúc đẩy chuyện ăn uống của con, bao gồm cả ăn tốt hay biếng ăn, ăn uống có tác dụng tích cực hay phát triển theo chiều hướng tiêu cực ở trẻ. 

Trẻ bị ép ăn
Nhiều mẹ áp đặt chỉ muốn trẻ ăn hết món ăn hay thức ăn mình đã chuẩn bị cho trẻ. Ảnh Internet 

1.2 Về tình trạng trẻ 1 tuổi biếng ăn sinh lý

Bất cứ ở độ tuổi nào kể cả 1 tuổi, trẻ đều có thể trải qua một giai đoạn nhất định không muốn ăn, có thể do cảm xúc hoặc nhu cầu hoặc đặc trưng trong giai đoạn phát triển của con như con chuyển giai đoạn đi, đứng, mọc răng,.... Hay, trẻ đến tuổi bắt đầu thích khám phá thế giới nhiều hơn, thì có những khi trẻ thích chơi hơn là ăn.

Tất cả những tình trạng trên, đều có thể coi là trẻ biếng ăn sinh lý. Một khi mẹ hiểu rõ được vấn đề, xác định càng chính xác nguyên nhân bao nhiêu, thì khắc phục càng dễ tình trạng biếng ăn của trẻ 1 tuổi bấy nhiêu.

1.3 Về tình trạng trẻ 1 tuổi biếng ăn do bệnh lý

Một số trẻ 1 tuổi gặp phải các bệnh lý khiến cho con biếng ăn , chán ăn. Các bệnh lý thường gặp có thể là viêm họng, sốt do mọc răng, nhiệt miệng, rối loạn tiêu hóa, các bệnh nhiễm trùng, hoặc nhiễm giun,...

Trẻ bị ốm
Có thể trẻ biếng ăn do con mắc bệnh nào đó mà mẹ chưa biết. Ảnh Internet 

1.4 Đặc điểm từ chối thức ăn ở trẻ

Từ chối thức ăn của trẻ là một trong những đặc điểm cần đề cập trong vấn đề trẻ biếng ăn. Từ chối thức ăn thường được xếp vào nguyên nhân sinh lý.

Mẹ cần ghi nhớ rằng, trẻ từ 6 tháng tuổi trở đi, nhất là giai đoạn 6 tháng đến 3 tuổi hay thường xảy ra tình trạng từ chối thức ăn.

Từ chối thức ăn của con có thể do nhiều nguyên nhân như con không hứng thú với thực phẩm, con không thèm ăn, đang trong tình trạng phấn khích nên không thấy đói hay thiết tha với chuyện ăn uống. Và, trong những trường hợp như mẹ thay đổi thực phẩm quen thuộc, thay đổi cách chế biến, đổi người cho ăn,...đều có thể dẫn đến việc bé từ chối tiếp nhận thực phẩm.

1.5 Lưu ý đặc biệt về rối loạn ăn uống ở trẻ

Rối loạn ăn uống ở trẻ được xem là một bệnh lý trong đó có vấn đề biếng ăn của trẻ.

Rối loạn ăn uống có thể xảy ra với bất cứ trẻ nào trong đó có độ tuổi 1 tuổi. Và tình trạng rối loạn ăn uống do nhiều nguyên nhân gây ra, cũng như có nhiều mức độ khác nhau.

Hầu hết mức độ rối loạn ăn uống ở trẻ đều có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Và, mẹ chỉ có thể cải thiện hay khắc phục khi biết rõ nguyên nhân, trị đúng cách, trong đó bao gồm cả những can thiệp y tế nếu mức độ bệnh nặng. 

Rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống ở trẻ là căn bệnh đáng chú ý có thể là nguyên nhân chính làm trẻ biếng ăn. Ảnh Internet 

2. Chúng ta có cách nào hay nhất trong cách trị biếng ăn ở trẻ 1 tuổi hay không?

Câu trả lời theo các chuyên gia là không có cách nào hay nhất hay chung nhất, trong cách trị biếng ăn ở trẻ 1 tuổi nói riêng, trẻ em biếng ăn nói chung.

Tình trạng trẻ 1 tuổi biếng ăn  có nhiều nguyên nhân. Bên cạnh đó, mỗi trẻ mỗi cá tính, khả năng ăn uống, sự phát triển và nhu cầu,... nên cách trị biếng ăn cho trẻ chỉ hiệu quả khi có cách khắc phụ phù hợp riêng với trẻ và tình trạng cụ thể của trẻ.

3. 8 bí quyết hay giúp trị biếng ăn ở trẻ 1 tuổi mẹ có thể tham khảo

3.1 Thái độ của mẹ

Chân lý không thuộc về trẻ biếng ăn vì trẻ là "kẻ yếu thế". Mẹ luôn là "người cầm trịch" quyết định mọi thứ liên quan đến chuyện ăn uống của trẻ đến mức có thể là "chèn ép", "áp đặt" thậm chí là "áp bức" buộc trẻ phải ăn. Đây là thực tế đang diễn ra và chúng ta phải thừa nhận thực trạng là như thế.

Nhưng, như chúng ta được biết ở trên, quan điểm hay thái độ của mẹ có tác động rất mạnh mẽ đến việc ăn uống của trẻ. Vì thế, trước khi bắt đầu áp dụng bất cứ bí quyết nào để trị biếng ăn ở trẻ 1 tuổi, mẹ nên "nghiên cứu" lại thái độ của mình sao cho phù hợp. 

Thái độ của mẹ
Thái độ của mẹ là yếu tố đầu tiên cần phải được xem xét trước khi áp dụng bất cứ cách nào trị biếng ăn ở trẻ 1 tuổi. Ảnh Internet 

Mẹ có thể xem xét lại xem, mình có từng áp đặt trẻ không, mình có từng đặt chỉ tiêu để trẻ phải ăn hết thức ăn mình muốn trẻ ăn hay không, mình có từng quát nạt bé trong lúc con ăn, mình có dùng các phương tiện giải trí hay trò chơi nào đó để đánh lạc hướng hoặc dụ bé ăn hay không,....

Và, bảo đảm rằng khi xem xét lại thái độ của mình, chắc chắn mẹ sẽ phải ngạc nhiên - vì, hầu hết bữa ăn của trẻ từ trước đến nay, đều có sự chi phối bởi quan điểm cá nhân của mẹ quá mạnh mẽ.

3.2 Bữa ăn vui vẻ

Những đứa trẻ 1 tuổi đều đã phát triển khá mạnh mẽ về cảm xúc. Con có thể cảm nhận mẹ vui hay buồn. Con có thể cảm thấy không khí chung quanh mình có đủ "thoải mái", "nhẹ nhàng", "vui tươi" hay là không. Và, bầu không khí luôn có tác động ở một mức độ nhất định đến tâm trạng ăn uống của bé.

Để lôi cuốn bé vào bữa ăn - mẹ hãy tạo cho con một bầu khí vui vẻ không căng thẳng, mẹ sẽ thấy bất ngờ từ hiệu quả của nó mang lại. 

Không khí bữa ăn
Không khí bữa ăn rất quan trọng với trẻ. Ảnh Internet

3.3 Sự tập trung

Khi một đứa trẻ bị xao nhãng, chắc chắn giá trị của bữa ăn và thức ăn mà trẻ tiếp nhận đều bị giảm đi. Rất nhiều bà mẹ ngay từ đầu đã tự tập, tự tạo cho con sự xao nhãng này. Ví dụ điển hình là mẹ vừa cho con chơi, xem điện thoại, ipad,...vừa dụ con ăn. Hay, chúng ta không hiếm gặp cảnh các bé "bị" bế đi rông (đi loanh quanh) chỉ để ăn hết một chén cơm hay tô cháo theo mong muốn của mẹ.

Sự tập trung vào bữa ăn chính là thái độ với bữa ăn đó. Thế nên, ngay từ 1 tuổi, mẹ cũng cần tập cho con thói quen này. Khi con tập trung, con sẽ dần hiểu giá trị của bữa ăn và ăn uống một cách nghiêm túc.

3.3 Dạy trẻ cách nhận biết khi con đói và khi con đã no

Khi trẻ ăn ngon miệng, con sẽ ăn hoài không muốn dừng lại. Bạn có thể bắt gặp khi con ăn một món nào đó ngon và vừa miệng, con sẽ xin thêm, đòi ăn thêm ngay cả khi bụng con đã căng phình. 

Trẻ đang ăn ngon
Trẻ có thể xin thêm ngay cả khi con đã rất no. Ảnh Internet

Tương tự, khi một đứa trẻ không muốn ăn, cho dù thế nào con cũng sẽ từ chối bữa ăn mà bạn đã chuẩn bị cho, ngay cả khi con rất đói đi chăng nữa.

Mặc dù trẻ 1 tuổi chưa thể nhận biết rõ ràng rằng con đang no hay đang đói hoặc con có thể học được ngay cách phân biệt tình trạng no đói của mình cụ thể, nhưng mẹ có thể dần dần hướng dẫn cho trẻ nhận ra điều này.

Mẹ có thể giải thích cho trẻ, khi bụng con sôi lên và con cảm thấy không vui vẻ - thì đấy là lúc con cần ăn, để bụng con hết sôi và cảm thấy vui tươi hơn.

Và, nhân bữa ăn nào con đã ăn căng no bụng rồi, mẹ có thể chỉ cho con biết như thế này là đã no và mình có thể dừng lại. Thức ăn ngon miệng và con thích, mẹ hãy thỏa thuận với bé sẽ cất đi để bữa sau mình ăn.

3.4 Dạy trẻ cách tự ăn bằng thìa

Chúng ta không khó bắt gặp những trẻ em Việt đến 3 tuổi vẫn còn được đút cho ăn. Đây là một trong những vấn đề cần phải sửa đổi vì tác động của nó lên bữa ăn của trẻ tiêu cực hơn mẹ nghĩ. 

Con tự xúc ăn
Mẹ hãy tập cho con tự xúc ăn. Ảnh Internet 

Dạy trẻ tự ăn bằng thìa hay dạy con tự xúc ăn ngay từ khi con có thể cầm nắm thìa là một trong những cách kích thích con ăn, hứng thú với bữa ăn, cảm thấy được tự do trong cách ăn của mình. Con cũng cảm thấy bản thân được tự kiểm soát bữa ăn, chứ không bị kiểm soát, nên chắc chắn sẽ cảm thấy hào hứng với bữa ăn của chính mình hơn.

Cho trẻ cầm thìa hay tự xúc thức ăn, cũng đồng nghĩa với việc mẹ đã trao quyền cho trẻ. Và chính điều này cũng đang dần tập cho con sự độc lập tự chủ trong ăn uống, một trong những yếu tố khá cần thiết, để cải thiện tình trạng biếng ăn của các con.

3.5 Giới thiệu thực phẩm một cách sinh động và kiên nhẫn

Trẻ 1 tuổi nói riêng và trẻ em nói chung, đều bị hấp dẫn bởi màu sắc, những điều mới lạ và sẽ bị thuyết phục vào một lúc nào đó.

Nắm bắt đặc điểm này của trẻ, mẹ có thể sáng tạo trong cách trình bày thực phẩm trong đĩa ăn của trẻ thật sinh động và nhiều màu sắc. Hãy chú ý con thích gì, từ trò chơi cho đến những điều nhỏ nhỏ trẻ quan tâm, rồi mẹ tận dụng nó, sáng tạo cho bữa ăn của trẻ có tính hấp dẫn tương tự. Điều này sẽ khuyến khích trẻ tiếp nhận thực phẩm một cách hăng hái hơn.

Và, kiên nhẫn là một điều kiện rất cần, để mẹ thuyết phục trẻ ăn thêm một chút thức ăn trong đĩa thức ăn, hay món ăn nào đó mới lạ hơn so với trẻ từng dùng. 

Kiên nhẫn với trẻ
Mẹ hãy kiên nhẫn trong việc cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ nhé. Ảnh Internet 

3.6 Đa dạng trong lựa chọn thực phẩm và cách chế biến

Chính người lớn chúng ta không thích dùng đi dùng lại một món ăn hay vài món ăn nào đó, hoặc chỉ vài cách chế biến hay chỉ vài vị nào đó. Thực sự điều này là vô cùng nhàm chán. Trẻ con cũng vậy.

1 tuổi - con đã có thể tiếp nhận nhiều dạng thực phẩm nên mẹ đừng ngại cho con thử các loại thực phẩm đa dạng, cũng như cho con trải nghiệm nhiều vị khác nhau từ cách chế biến phong phú và linh động của mẹ. Điều này sẽ giúp con bớt cảm thấy nhàm chán với bữa ăn của mình.

3.7 Cho bé ăn chung cùng gia đình

Nhiều mẹ sợ cảnh con bày bừa trong bữa ăn/ bàn ăn hoặc ăn không được nhiều khi mẹ không giám sát triệt để,  so với ăn một mình một mâm/ một bữa, nên không để con ăn chung cùng gia đình.

Cho bé ăn cùng bữa với gia đình cực kỳ có lợi chẳng hạn như: cho con hòa mình vào không khí vui tươi, kích thích con ăn khi thấy mọi người đều ăn uống, con sẽ nhìn, học và bắt chước. Chính điều này cũng giúp tập dần được cho trẻ sự tập trung, nề nếp giờ giấc của bữa ăn. 

Trẻ ăn cùng bữa cùng bàn với gia đình
Cho con ăn cùng gia đình là một trong những cách hay giúp trẻ biết tập trung vào bữa ăn. Ảnh Internet 

3.8 Áp dụng phương pháp "hết giờ"

Đây là một trong những bí quyết cực hay nhiều mẹ đã thử áp dụng và nhận được kết quả rất bất ngờ mà nó đem lại. Phương pháp hết giờ có 2 cách để mẹ thực hiện như dưới đây. 

3.8.1 Áp dụng phương pháp hết giờ cho trẻ không tập trung vào bữa ăn

Trẻ 1 tuổi nếu ham chơi sẽ không chịu ăn, hoặc con muốn rời khỏi bàn ăn ngay cả khi chưa ăn được bao nhiêu vì không hứng thú. Vì vậy, mẹ có thể thiết lập một khoảng thời gian và cho trẻ biết, sau khoảng thời gian đó, con được phép chơi, hay rời bàn ăn sau khi ăn xong bao nhiêu đó thức ăn trong đĩa ăn (mà con lựa chọn, thỏa thuận với mẹ).

Thỏa thuận và thực hành theo cách này, mẹ sẽ thấy con trẻ có thể chấp nhận một cách vui vẻ, vì chúng cảm thấy bản thân không bị ép buộc để mà phản kháng và từ chối. 

Cho phép con chơi sau khi thỏa thuận về việc ăn uống
Nếu con muốn chơi thay vì ăn, mẹ hãy cho phép con làm như vậy sau khi tuân thủ luật "hết giờ". Ảnh Internet 
3.8.2 Áp dụng phương pháp hết giờ để giúp trẻ bình tĩnh

Trẻ 1 tuổi nếu không chịu ăn, không thích ăn hoặc đang ở giai đoạn khủng hoảng thường dễ phản ứng bằng cách quăng ném thìa, đĩa ăn, thậm chí là thức ăn. Mẹ có thể dàng gặp thái độ/ hành vi phản kháng của trẻ bằng cách cố tình làm đổ thức ăn,....

Cho trẻ một khoảng thời gian nhất định được thiết lập gắn với bữa ăn sẽ giúp trẻ dễ lấy lại bình tĩnh, mau ổn định lại tâm trạng hơn, ngay cả khi con rơi vào tình trạng giận dữ hoặc quá phấn khích. Nhờ giới hạn thời gian trong bữa ăn này, con sẽ dần học được cách bình tĩnh để ăn uống một cách đàng hoàng hơn. Trẻ sẻ hiểu là, khi con đáp ứng về khoảng thời gian đã được thiết lập và thỏa thuận, con sẽ được làm điều gì đó theo ý mình. Động lực đó sẽ làm trẻ cố gắng ăn uống. Và, mẹ có thể tận dụng khoảng thời gian này, để nói với trẻ những điều thú vị về thực phẩm, thức ăn, câu chuyện thú vị nào đó về "các bạn rau, củ",...nhằm lôi kéo trẻ tập trung vào đĩa ăn hơn. 

Giúp con bình tĩnh ăn
Phương pháp hết giờ giúp con luyện tập được cách giữ bình tĩnh rất tốt. Ảnh Internet 

Chúng ta có thể thấy rằng, cách trị biếng ăn cho trẻ 1 tuổi không dựa trên một nguyên tắc nhất định hay mẫu số chung nào. Trị trẻ biếng ăn cũng không phải là một cuộc chiến. Cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ 1 tuổi như một cuộc picnic, một chuyến dạo chơi nhiều cung bậc với nhiều trải nghiệm mà ở đó, mẹ phải nhìn nhận lại thái độ của bản thân, chính cách thức cho trẻ ăn, sự tương quan, gắn kết của mình với trẻ, cảm xúc và mong muốn của con,... Từ đó, mẹ mới có thể tìm ra cách thích hợp nhất, cải thiện hiệu quả tình trạng con biếng ăn, đồng thời, giúp trẻ tham gia vào bữa ăn một cách thật tích cực.

Nguồn tham khảo: Johns Hopskin Medicine, Children's National & NHS

Cát Lâm lược dịch và tổng hợp 

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI