1. Lẩu cua là món ăn cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể
Cua là thực phẩm rất giàu chất đạm, đặc biệt khi nấu với rau ngót. Nếu bạn muốn cuối tuần có một bữa ăn ngon tròn vị bên gia đình thì không nên bỏ qua món lẩu cua béo ngậy, vừa giàu chất đạm, lại vừa nhiều vitamin từ rau ăn kèm.
Cua, nhất là cua đồng là loại thực phẩm có tính hàn giúp giải nhiệt, trị ghẻ lở, sưng tấy, bên cạnh đó cua đồng còn giúp ích cho việc phòng ngừa còi xương, suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ và trị bệnh viêm thận ở người lớn. Với những công dụng này, lẩu cua đồng chính là món ăn mà bạn nên lưu ý để bổ sung vào thực đơn của gia đình mình.
2. Cách chọn cua ngon
- Để chọn được cua đồng ngon nấu lẩu, tùy theo sở thích mà bạn chọn cua nhiều thịt hoặc cua nhiều gạch. Cua đực với phần yếm dưới bụng nhỏ và nhọn sẽ nhiều thịt hơn cua cái với phần yếm lớn và tròn hơn.
- Bạn cũng nên chọn những con cua còn sống, nhanh nhẹn, để trong nước thì miệng chúng liên tục tạo ra bọt bong bóng. Còn với cua biển nếu chỉ còn cua chết thì nên chọn những con còn đủ càng, phần gai ở chân còn đủ.
- Nên ấn vào phần yếm cua để kiểm tra, nếu thấy cứng và chắc thì đó là cua ngon, còn nếu thấy hơi mềm và cảm giác xốp thì loại cua đó khá tanh.
3. Cách nấu lẩu cua
Nguyên liệu
- Cua đồng: 500 gram
- Xương ống: 500 gram
- Đậu phụ: 4 miếng
- Cà chua: 4 quả
- Nấm rơm: 200 gram
- Rau lẩu: Hoa chuối, rau muống, xà lách,...tùy sở thích
- Gia vị: Muối, hạt nêm,...
Sơ chế nguyên liệu
Cua đồng:
- Để đảm bảo vệ sinh, bạn nên mua cua đồng nguyên con rồi về xay hoặc giã nát. Không nên mua cua đồng đã được xay sẵn. Giã nát cua không tốn quá nhiều thời gian nhưng lại đảm bảo an toàn hơn.
- Cua đồng mua về bạn ngâm nước muối loãng khoảng 15 phút, sau đó rửa sạch và tách phần mai cua ra. Phần mai bạn dùng que nhỏ tách lấy gạch để riêng ra bát, còn thịt cua bạn rửa sạch lại rồi giã nhuyễn hoặc say nát nhé. Tốt nhất bạn nên ngâm thêm phần thịt cua trong nước muối trước khi giã để các loại kí sinh trùng như vắt bò ra ngoài, sau đó mới rửa lại thật sạch và giã nát.
- Cua sau khi giã nát thì bạn dùng rây lọc lấy phần nước.
Xương ống:
-Chọn mua loại xương ống tươi, nhiều tủy, phần tủy còn rớm máu. Sau khi mua về bạn rửa sạch với nước và chặt thành khúc khoảng hơn 2 đốt ngón tay.
Đậu phụ:
- Rửa sạch và cắt thành miếng nhỏ vừa ăn, sau đó chiên giòn và để ráo dầu.
Cà chua, nấm rơm, rau lẩu:
- Rửa sạch và ngâm với nước muối để sạch khuẩn, cà chua thái hạt lựu.
Nấu lẩu cua
Bước 1: Cho phần nước thịt cua đã lọc vào nồi đun để lấy riêu cua. Khi thịt cua chín sẽ nổi lên trên và dính lại với nhau, bạn vớt phần thịt cua đó ra bát riêng. Sau đó cho xương ống vào ninh để có nước lẩu nhé! Ninh trong khoảng 30 phút để nước ngọt.
Bước 2: Bạn xào cà chua với 1 ít dầu đến khi mềm, sau đó cho phần gạch cua đã được tách ra vào xào chung khoảng 5 phút thì tắt bếp.
Bước 3: Khi nước dùng đã được, bạn cho nấm, đậu phụ chiên và gạch cua sốt cà vào, đợi nước sôi rồi nêm nếm gia vị là có thể cho rau vào lẩu để ăn.
Chuẩn bị thêm bún khô, bún tươi hoặc mì gói tùy sở thích để ăn kèm lẩu cua nhé!
4. Những lưu ý khi ăn lẩu cua
Tuy thơm ngon và bổ dưỡng là vậy, nhưng không phải ai cũng có thể ăn được lẩu cua, với đặc tính hàn nên một số người cần hạn chế và kiêng món ăn này cũng như các món khác làm từ cua.
Cua có tính độc và tính hàn nên phụ nữ có thai cần tránh ăn món này để đảm bảo an toàn cho sự phát triển của thai nhi. Vì tính hàn của nó, người có hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch yếu cũng nên hạn chế, nhất là người bệnh. Người bị bệnh gout cũng cần lưu ý nếu không muốn các khớp xương đau nhức thêm. Đặc biệt hàm lượng chất béo trong món ăn này khá ca nên người mắc bệnh tim mạch cũng không nên ăn món này.
Đặc biệt, không nên sử dụng cua đồng đã chết, cũng tuyệt đối không nên ăn cua chưa chín kỹ. Nhất là phải đảm bảo hợp vệ sinh trong khâu chế biến cua đồng.
Với những lưu ý cùng cách nấu lẩu cua đơn giản trên đây, hy vọng bạn và gia đình sẽ có một bữa ăn ngon miệng, bổ dưỡng và an toàn nhé!
Hồng Nữ - Tổng hợp