1. Cháo lòng là món ăn đặc trưng của người dân Việt Nam
Cháo lòng là món ăn rất quen thuộc đối với người dân Việt Nam, đây là món ăn có từ lâu đời, chúng ta vẫn luôn bắt gặp các hàng quán, các gánh rong mỗi sáng từ nơi làng quê cho đến những con đường thành phố tấp nập. Người ta vẫn thích xì xụp bát cháo lòng nóng hổi còn nghi ngút khói.
Điểm đặc biệt của cháo lòng là sử dụng nội tạng động vật. Nội tạng động vật có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều protein, chất béo, sắt và các vitamin A, D,... có thể giúp chòng chống các bệnh loãng xương, mù màu hay thiếu máu,... Các công đoạn để làm nên món ăn này cũng tương đối đơn giản.
2. Cách nấu cháo lòng
Chuẩn bị nguyên liệu
- Lòng, tim, gan, lưỡi, tiết lợn: Nên mua vừa đủ dùng, tùy theo số lượng người ăn. Lòng lợn là một loại thực phẩm giàu chất đạm, nhưng không phải ai cũng biết cách để chọn loại lòng ngon nhất và không bị đắng. Tốt nhất bạn nên chọn mua loại lòng non, chất dịch bên trong màu trắng sữa. Lòng lợn căng tròn và có màu trắng hồng khi ăn sẽ giòn và không đắng như loại lòng mỏng, dẹp và màu sậm. Các loại nội tạng khác của lợn cũng nên chú trọng vào màu sắc để chọn được loại tươi nhất.
- Xương lợn: 1kg. Nên chọn loại xương ống lớn, đường kính khoảng 2 đốt ngón tay, còn tươi và phần tủy có rỉ máu.
- Gạo: 1 bát (nên trộn gạo tẻ với 1 nắm gạo nếp để cháo mềm và thơm hơn)
- Gừng, hành lá,...
- Gia vị: Tiêu xay, muối, hạt nêm, nước mắm, ớt,...
Cách nấu cháo lòng
Bước 1:Xương lợn sau khi rửa sạch thì chặt thành từng khúc nhỏ khoảng 2-3 đốt ngón tay, cho vào nồi luộc sơ qua rồi để ráo nước. Sau đó đem kho cùng 1 muỗng nước mắm và 1/2 muỗng hạt nêm. Khi thấy thịt săn lại, xương ngả sang màu vàng thì tắt bếp, cho xương vào nồi hầm trong 1-2 tiếng, hầm càng lâu nước dùng càng ngọt. Việc kho xương sẽ giúp cho nước dùng đậm vị và trong hơn.
Nội tạng lợn rửa sạch, lòng nên dùng giấm, chanh hoặc muối để khử mùi hôi và vị đắng. Có thể lộn mặt trái của lòng hoặc dùng đũa để làm sạch chất dịch bên trong. Lưỡi thì bạn nên cạo đi lớp bì trên bề mặt. Cho nội tạng vào nồi luộc cùng với 1/2 củ gừng đã được gọt vỏ, đập dập và 2 muỗng muối để khử mùi hôi.
Cho gạo đã được vo sạch vào nồi nước dùng, vặn nhỏ lửa và đun cho đến khi nhuyễn, nhớ chú ý khuấy đều tay để cháo không bị cháy lớp dưới. Nội tạng lợn sau khi đã luộc chín thì thái nhỏ và cho vào cháo khi cháo đã nhuyễn, sau đó nêm nếm gia vị là đã hoàn thành xong món ăn.
Tuy nhiên một số người không thích ăn lòng lợn, gan lợn quá mềm. Vậy thì sau khi luộc xong, bạn có thể thái nội tạng lợn thành miếng vừa ăn, khi ăn xếp chúng lên bếp rồi cho cháo lên trên, cho thêm ít hành phi, hành lá cắt nhỏ, tiêu xay và ớt là đã có ngay một bát cháo lòng thơm ngon rồi.
Cháo lòng có thể ăn kèm với bánh hỏi, quẩy hoặc bánh tráng nướng đều được. Nguyên liệu rẻ, cách chế biến không quá cầu kì nhưng lại có hàm lượng dinh dưỡng cao, cháo lòng chính là món ăn mà các bà nội trợ nên biết cách chế biến để đãi gia đình và bạn bè.
3. Lưu ý khi ăn cháo lòng
Bạn nên lưu ý khi ăn cháo lòng vì nội tạng động vật thường mang nhiều vi khuẩn hơn là các bộ phận khác. Phụ nữ mang thai cần cân nhắc và hạn chế món ăn này. Ngoài ra đây cũng là một món ăn có hàm lượng chất béo cao nên những người béo phì hoặc mắc bênh tim mạch cũng cần phải hạn chế nhé.
Trên đây là cách nấu cháo lòng ngon và đơn giản nhất. Tự tay nấu món ăn này sẽ đảm bảo vệ sinh hơn là mua ở hàng quán. Chúc bạn sẽ thành công với món ăn này!
Hồng Nữ tổng hợp