Vậy cách muối củ kiệu nước mắm như thế nào để món kiệu luôn ngon và không làm hỏng cảm xúc vui tươi của chị em khi dọn kiệu lên bàn ăn? Trong bài viết này, Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn sẽ chia sẻ cùng mọi người cách ngâm kiệu với nước mắm sao cho ngon và ít thất bại nhất. Chúng ta cùng tham khảo để khi mùa kiệu tới thì có thể áp dụng ngay nhé.
1. Cách muối củ kiệu nước mắm mặn
Cách muối kiệu hay ngâm nước mắm mặn là cách làm khá phổ biến mà các bà nội trợ hay dùng. Vì, ngâm cách này kiệu để được lâu.
1.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Củ kiệu: 1 kg
- Cà rốt: 2 củ
- Đu đủ xanh: 1/2 quả
- Ớt: 4 quả
- Gia vị: nước mắm ngon, đường trắng, muối hạt
- Lọ thủy tinh để ngâm
1.2. Cách muối củ kiệu nước mắm kiểu mặn
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Đu đủ gọt vỏ và ruột, rửa sạch. Củ kiệu nhặt sạch rễ, rửa sạch. Cà rốt gọt vỏ rửa sạch. Ớt rửa sạch. Ngâm các nguyên liệu đã sơ chế này vào nước lạnh giúp chúng đảm bảo được độ giòn cần thiết sau khi sơ chế.
- Đu đủ, cà rốt, ớt tiến hành cắt nhỏ thành các miếng vừa ăn. Cho 1 thìa muối vào chậu 2 lít nước rồi cho đu đủ, củ kiệu, cà rốt và ngâm chúng qua đêm.
Bước 2: Phơi nguyên liệu
- Sáng hôm sau, bạn đổ các nguyên liệu củ quả đã ngâm hôm trước ra rổ và để ráo nước.
- Dàn đều rau củ ra mâm, đem phơi nguyên liệu qua nắng 1 ngày để nguyên liệu héo. Lưu ý để nguyên liệu héo vừa phải, nếu nguyên liệu quá héo sẽ khiến kiệu bị dai, mất độ giòn nhé.
- Trong thời gian này, bạn cũng chuẩn bị sẵn hũ thủy tinh sạch có nắp. Luộc hũ qua nước sôi hoặc rửa sạch rồi tráng qua nước sôi. Phơi khô hũ thủy tinh.
Bước 3: Ngâm kiệu với mắm
- Hòa 1 bát nước mắm ngon cùng 1 bát đường cho đến tan. Đun hỗn hợp nước mắm đường này với lửa nhỏ trong thời gian 15 – 20 phút để hỗn hợp sôi và hơi sánh lại thì tắt bếp, để nguội. Hớt sạch bọt nước mắm để nước mắm đường được trong.
- Cho củ quả đã phơi vào lọ thủy tinh, thêm nước mắm cho tới khi ngập nguyên liệu. Dùng thanh tre đè lên hũ không để nguyên liệu bị nổi nên. Đậy nắp hũ kín để không khí không lọt vào trong lọ. Để hũ kiệu ngâm ở nơi thoáng mát.
- Ngâm khoảng 3 ngày, nước trong củ kiệu sẽ làm nước mắm loãng hơn. Khi đó, bạn đổ nước mắm ra đun lại cho tới khi hỗn hợp này sánh lại. Để hỗn hợp nguội rồi đổ ngược trở lại vào hũ kiệu.
- Đến đây, việc ngâm kiệu nước mắm mặn đã hoàn thành. Bạn để khoảng 2-3 ngày sau là đã có thể đem ra thưởng thức.
2. Cách muối củ kiệu nước mắm chua ngọt
Muối chua ngọt là cách làm đổi vị và dễ làm thỏa vị người thưởng thức hơn muối mặn. Muối củ kiệu chua ngọt cụng vậy. Cách làm củ kiệu chua ngọt cũng khá phong phú. Ngoài cách chỉ dùng đường và giấm, bạn cũng có thể thử phiên bản dùng nước mắm giấm đường.
2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Củ kiệu tươi: 1 kg
- Đường: 2 chén
- Giấm: 1/2 chén (giấm gạo hay giấm táo đều được)
- Phèn chua, muối thường
- Muối hạt: 2 thìa canh
- Nước mắm ngon: 2 chén
2.2. Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế kiệu tươi
- Cho kiệu ngâm qua đêm với nước muối hạt pha loãng. Củ kiệu sau khi ngâm vớt ra cắt rễ và đầu. Bạn cắt rễ khéo để không phạm vào thân củ. Ngâm củ kiệu với nước đá trong khoảng 5 phút giúp củ kiệu được giòn và ngon hơn.
- Củ kiệu sau ngâm rửa lại với nước cho sạch muối. Sau đó, bạn đem củ kiệu này đi ngâm một lượt nữa với nước đã pha phèn chua.
- Rửa sạch củ kiệu, rải đều trên khay hoặc mâm rồi mang phơi nắng 1 ngày cho kiệu héo bớt. Kiệu sau khi phơi, bóc vỏ, cắt rễ còn sót lại, rửa thêm cho sạch hoàn toàn, vớt ra, để thật ráo.
Bước 2: Ngâm kiệu nước mắm chua ngọt
- Hòa hỗn hợp gồm 2 chén đường, 1/2 chén giấm, 1/2 thìa canh muối thường, 2 chén nước mắm ngon với 2 chén nước. Đun sôi hỗn hợp cho tan đường hoàn toàn. Bạn có thể kiểm tra độ mặn chua ngọt để điều chỉnh lại. Bạn có thể giảm muối và nước mắm, hoặc chỉ dùng nước mắm mà không dùng muối để điều chỉnh độ mặn cho vừa ý. Tắt bếp và để hỗn hợp thật nguội.
- Cho củ kiệu vào hũ thủy tinh sạch, cho nan tre gài lên trên để ép kiệu sao cho khi đổ nước ngâm thì kiệu sẽ chìm dưới nước ngâm không bị nổi kên. Tiếp đến, đổ hỗn hợp nước mắm giấm đường đã nấu vào ngập kiệu cỡ 3 cm rồi đậy kín hũ, để ở nơi thoáng mát.
- Sau khoảng 7 – 10 ngày, bạn hoàn toàn có thể thưởng thức món củ kiệu muối chua ngọt chua, giòn giòn. Món ăn này phù hợp thưởng thức trong các bữa cỗ hoặc trong những ngày lễ Tết giúp chống ngán cực kỳ hiệu quả.
Cách muối củ kiệu nước mắm khá đơn giản, nếu thích để lâu bạn có thể muối mặn nếu không hoặc thích chua ngọt thì bạn có thể muối chua ngọt. Món kiệu dù muối mặn, muối đường hay chua ngọt đều có thể sử dụng chiêu đãi khách. Củ kiệu muối giúp thực đơn món ăn trên mâm cơm thêm phần phong phú hơn, đậm vị lại giải ngán rất tốt nữa, đó là lý do món này luôn được ưu ái nhiều.
Phạm Dịu