1. Cách làm rượu nếp cẩm truyền thống
Cách làm rượu nếp cẩm rất đơn giản, từ khâu nấu cơm, lên men và ủ rượu đều không cầu kỳ và không đòi hỏi quá cao. Vì thế với những người mới bắt đầu, chưa có kinh nghiệm thì vẫn thực hiện được nhé. Rượu nếp cẩm (hay còn gọi là rượu nếp than) khi thành phẩm sẽ có vị ngọt của nếp, vị cay của men, chỉ cần đáp ứng được hai điều này thì món rượu của bạn đã thành công rồi đấy.
1.1. Nguyên liệu
- 1 kg gạo nếp cẩm
- 50 gram men gạo
- 2 lít rượu trắng
- Vài lá chuối tươi
- Dụng cụ: Nồi cơm điện, bình thủy tinh
1.2. Hướng dẫn cách làm rượu nếp cẩm truyền thống
- Gạo nếp mua về đem vo sạch, sau đó cho nước vào và ngâm qua đêm. Cách này giúp hạt gạo được mềm, khi nấu sẽ nhanh chín hơn.
- Đổ phần nước ngâm ra ngoài, vo lại thêm vài lần rồi đổ nước sâm sấp mặt gạo. Lượng nước tương tự như cách nấu cơm hằng ngày. Sau đó cho vào nồi cơm điện và nấu chín.
- Chuẩn bị một khay sạch, cho toàn bộ cơm đã nấu chín ra ngoài, dàn đều thành lớp mỏng cho cơm nhanh nguội.
- Trong thời gian chờ cơm nguội, bạn lấy men rượu cho vào cối và giã nhuyễn. Dùng rây lọc lược qua vài lần để thu được phần men mịn nhất.
- Khi cơm đã nguội hoàn toàn, rắc men rượu lên trên và dùng tay trộn đều.
- Lá chuối rửa sạch, lau khô. Sau đó múc hỗn hợp cơm rượu vào giữa và tiến hành gói kín lá chuối lại. Trong trường hợp không có lá chuối, bạn có thể thay thế bằng hũ thủy tinh có nắp đậy.
- Tiếp theo, bạn chuẩn bị nồi có nắp đậy, hoặc sử dụng nồi cơm điện, đặt một chén vào giữa nồi rồi để túi cơm rượu lên trên. Đậy kín nắp và đặt nơi thoáng mát khoảng từ 5 đến 7 ngày. Trong thời gian ủ này, cơm nếp sẽ từ từ tiết ra rượu.
- Sau 5 đến 7 ngày, lấy cơm rượu ra ngoài, cho vào hũ thủy tinh cùng 2 lít rượu trắng đã chuẩn bị trước đó, đậy kín nắp và bảo quản nơi thoáng mát trong 30 ngày.
- Tiếp đó, dùng rây lọc để loại bỏ phần cơm nếp, chỉ lấy phần rượu trong. Rượu nếp cẩm khi thành phẩm có màu đỏ bầm nhưng rất đẹp mắt, nhấp miếng đầu tiên có vị cay cay xen chút ngọt thanh rất dễ chịu.
1.3. Một số lưu ý để cách làm rượu nếp cẩm dễ dàng hơn
- Khi chọn mua men rượu nên chọn những men mới làm, ngửi vào có mùi thơm và không có hiện tượng ẩm mốc bên ngoài.
- Thời tiết càng nóng thì quá trình lên men rượu sẽ càng nhanh, tuy nhiên hương vị thành phẩm lại không đảm bảo. Do đó khi ủ men và ủ rượu, bạn nên đặt ở nơi có nhiệt độ tầm 20 đến 25 độ C là thích hợp nhất.
- Gạo nếp cẩm nên chọn loại gạo chỉ xay vỏ trấu, không chọn loại đã giã.
2. Cách làm cơm rượu nếp cẩm sữa chua
Nếu bạn không ủ rượu mà lại muốn dùng cơm rượu nếp cẩm khỏi phải mua ngoài hàng thì đều có thể tự làm. Đương nhiên, làm cơm rượu nếp cẩm để dùng ngay thì đơn giản hơn nhiều so với ủ rượu. Cơm rượu nếp cẩm có thể dùng không cũng khá tốt cho sức khỏe. Nếu thích đổi vị bạn hãy làm cơm rượu nếp cẩm sữa chua khá ngon, từng một thời rất nổi trong thế giới ăn vặt. Đến nay món này vẫn rất được yêu chuộng.
Có thể nói cơm rượu nếp cẩm sữa chua là một biến tấu của cách làm rượu nếp cẩm. Món này không chỉ dùng làm ăn vặt ngon mà còn cực kỳ tốt cho sức khỏe. Vị bùi của nếp cẩm lên men quyện với chút chua thanh từ sữa chua giúp bữa ăn ngày hè trở nên ngon miệng hơn bao giờ.
2.1. Nguyên liệu
- 2 hũ sữa chua
- 200 gram nếp cẩm
- 4 viên men nở
- 3 lá dứa
2.2. Hướng dẫn cách làm cơm rượu nếp cẩm sữa chua
- Nếp cẩm đem vo sạch rồi ngâm qua đêm cho mềm. Hoặc nếu muốn nhanh chóng, bạn có thể ngâm trong nước ấm từ 3 đến 4 tiếng. Ngâm đủ thời gian, tiếp tục vo gạo nếp cẩm lại một lần nữa rồi cho nước vào nấu chín. Khi nấu, bạn có thể thêm vào ít lá dứa để nếp cẩm được thơm hơn khi thành phẩm.
- Trong thời gian nấu, nếu thấy có bọt trắng nổi lên thì dùng vá vớt ra, sau đó nhanh tay đậy kín nắp lại để nếp cẩm được mềm. Khi nước gần cạn, hạ lửa thật nhỏ và dùng đũa xới đều tay để nếp được khô.
- Nếp chín, múc ra khay và dàn mỏng cho lớp xôi nhanh nguội. Sau đó giã mịn men nở rồi rắc lên trên lớp xôi. Vừa trộn vừa rắc đều để đảm bảo men hòa tan và thấm đều vào nếp.
- Chuẩn bị hũ thủy tinh có nắp đậy, chần sơ qua nước sôi rồi lau khô. Sau đó cho hỗn hợp nếp men vào hũ, đậy kín nắp và đặt nơi góc tối khoảng 2 ngày. Tránh đặt nơi có ánh sáng mặt trời chiếu vào vì rất dễ bị hư. Đủ thời gian 2 ngày, bạn mở nắp hũ ra kiểm tra, nếu nếm thấy nếp cẩm đã lên men và có vị chua thì cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản dùng dần.
- Múc một ít cơm rượu nếp cẩm ra ly, thêm vào 1 hũ sữa chua, trộn đều là có thể thưởng thức. Vị chua thanh của sữa chua quyện với cơm rượu nếp cẩm tạo nên một tổng thể hương vị thật hòa hòa, độc đáo.
3. Lợi ích của rượu nếp cẩm
Theo quan niệm dân gian, rượu nếp cẩm có đầy đủ vị cay, chua, ngọt, đắng nên có khả năng loại bỏ được "sâu bọ" trú ngụ trong cơ thể. Và y học hiện đại cũng chứng minh, rượu nếp cẩm và cơm rượu nếp cẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
- Phòng ngừa bệnh tim mạch, đột quỵ, tăng huyết áp: Theo nghiên cứu, cơm rượu nếp cẩm có khả năng làm hạ nồng độ cholesterol có hại trong máu, nhờ đó mà ngăn ngừa được các bệnh về tim mạch, đột quỵ.
- Phòng chống ung thư: Trong nếp cẩm có chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa anthocyanin, chất này giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa sự phá hủy ADN, nhờ đó mà chống lại bệnh ung thư.
- Kích thích hệ tiêu hóa: Rượu nếp cẩm hoặc cơm rượu nếp cẩm kết hợp với sữa chua đều có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa, tạo cảm giác ngon miệng hơn khi ăn.
Trên đây, bài viết mà Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn đã bật mí cho bạn cách làm rượu nếp cẩm ngon và đơn giản nhất. Cùng với đó là công thức cơm rượu nếp cẩm với sữa chua. Cả hai loại này đều mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Thế nên cuối tuần rảnh rỗi có thể thực hiện món này cho gia đình nhé.
Mỹ Lệ