1. Công dụng của khoai lang
Khoai lang là một loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe. Nó được các nhà nghiên cứu dinh dưỡng khuyên dùng thường xuyên. Bởi trong khoai lang có chứa lượng đường tự nhiên. Nó sẽ thấm từ từ vào máu và chuyển hóa thành năng lượng. Vì vậy, loại thực phẩm này rất tốt cho người bị huyết áp cao, người muốn giảm cân. Đồng thời, trong khoai lang còn có chứa protein, các vitamin: B6, C, D,... các vi chất sắt, magie và kali.
Ngoài ra, nó còn chứa một lượng chất carotene giúp tăng cường thị lực, chống oxy hóa, thúc đẩy hệ miễn dịch và ngăn ngừa lão hóa. Chứa batatoside có khả năng chống lại các đặc tính của nấm và vi khuẩn. Trong khoai lang còn có cyanidins và peonidins giúp giảm thiểu ảnh hưởng xấu của các kim loại nặng đối với cơ thể. Chứa chất xơ hỗ trợ tiêu hóa và rất tốt cho đường ruột.
2. Cách lựa khoai lang ngon
Khi đi chợ mua khoai lang, bạn không nên chỉ dựa vào cảm tính của bản thân. Chúng ta phải quan sát kĩ. Chọn những củ tươi, cứng, khoai không bị đập dập, không sứt hay bị nứt ra. Tức là củ khoai phải còn nguyên vẹn. Chúng ta không nên ham chọn củ quá to. Những củ này khi luộc sẽ khó chín đều mà còn dễ bị già, bị xơ nữa. Nhưng cũng đừng chọn củ nhỏ quá, chúng thường còn hơi non nên không được ngọt. Tuyệt đối tránh những củ có bề mặt rỗ nhiều, bị đen vì đây có thể là những củ bị hà, bị sùng. Khi mua về bạn có thể để khoai ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Lưu ý: không để khoai trong tủ lạnh hoặc những nơi ẩm ướt. Nếu bảo quản đúng bạn có thể giữ chúng trong vòng 7 - 10 ngày. Nhưng tốt nhất khi mua về nên chế biến luôn. Như vậy, khoai luộc sẽ tươi ngon hơn.
3. Cách luộc khoai lang
3.1. Cách luộc khoai lang thường, khoai đỗ
Nguyên liệu
- Khoai lang: 1 - 1,5 kg
- Muối hạt: 1 kg
- Lá chuối: 1 tấm lớn
Cách thực hiện
Bước 1: Rửa sạch khoai lang, gọt bỏ những chỗ lõm không rửa tới, những chỗ sâu, hỏng. Nếu lỡ mua củ quá lớn, bạn nên cắt đôi củ khoai ra.
Bước 2: Dùng 1 chiếc nồi vừa phải, rải muối hạt kín đáy nồi. Sau đó, lấy lá chuối để lên bề mặt muối. Chú ý dùng lá không bị rách nhé. Lớp cuối cùng chính là khoai. Tiếp đến, ta đậy nắp lại. Tiến hành đun lửa nhỏ khoảng 30 - 40 phút.
Bước 3: Dùng 1 chiếc đũa chọc vào khoai để kiểm tra. Nếu đũa chọc vào khoai một cách dễ dàng thì tức là khoai đã chín. Ta có thể gắp ra và chuẩn bị dùng được rồi đấy.
3.2. Cách luộc khoai lang mật
Nguyên liệu
- Khoai mật: 1 - 1,5 kg
- Nước sạch: 1 - 2l
Cách thực hiện
Bước 1: Tiến hành rửa sạch khoai giống như trên. Cắt bỏ những chỗ bị sâu đi. Nhưng đối với khoai mật khi luộc ta nên để cả củ, không cắt đôi ra nhé.
Bước 2: Cho khoai vào nồi. Đổ nước sâm sấp mặt khoai. Và sau đó luộc với mức lửa vừa phải. Khoảng 20 phút, ta dùng đũa kiểm tra độ chín của khoai. Nếu không chọc được dễ dàng ta có thể luộc tiếp 5 - 10 phút nữa. Còn nếu khoai đã chín thì ta đổ hết nước trong khoai đi.
Bước 3: Sau khi đổ hết nước. Ta tiếp tục đặt nồi khoai lên bếp đun với lửa nhỏ. Quá trình này sẽ giúp cho những củ khoai chảy mật ra, nó giúp khoai sẽ thơm và ngọt hơn. Để khoảng 5 - 10 phút, khoai bắt đầu dậy mùi thơm thì tắt bếp, gắp khoai ra. Như vậy là món khoai lang luộc đã có thể thưởng thức được rồi.
Với những cách luộc khoai lang này, bạn sẽ luôn giữ được vị ngọt và các chất trong khoai. Cách luộc khoai này mới mẻ và không còn đơn điệu nữa đúng không nào? Hãy thay đổi một chút để rũ bỏ sự nhàm chán trong các ngày ăn kiêng. Hay đơn giản chỉ là kiếm chút lạ, để biến món khoai luộc bình dân thành món ăn chơi thú vị và tốt cho sức khỏe trong những lúc rảnh rỗi. Chúc các bạn thành công với các cách luộc khoai trên nhé!
Lưu Phương - tổng hợp