1. Xác định nguyên nhân gây sốt ở trẻ em
Trước tiên, bố mẹ cần xác định chính xác nguyên nhân gây sốt ở trẻ chẳng hạn như sốt do chích ngừa, bị cảm nắng, bị viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… để có hướng xử lý phù hợp. Nếu trẻ vẫn bị sốt cao hoặc là nhiệt độ tăng thêm hoặc có một trong các dấu hiệu bất thường như ho nhiều, khó thở, có dấu xuất huyết, dọa co giật, tiêu chảy, ói mửa, nhức đầu, đau bụng thì phải đưa trẻ vào bệnh viện ngay.
2. Cách lau người hạ sốt cho trẻ theo khuyến cáo của bác sĩ
Khi phát hiện trẻ bị sốt, các phụ huynh cần cho trẻ đến nơi thoáng mát; nới rộng quần áo của trẻ, không ủ cho trẻ bằng các loại chăn hay gối; sau khi cho trẻ nghỉ ngơi. Có thể tiến hành các biện pháp hạ sốt cho trẻ như uống thuốc, chườm, lau khô mồ hôi cho trẻ. Tuy nhiên, hãy ưu tiên các phương pháp hạ sốt tự nhiên cho trẻ trước khi dùng đến thuốc, trong đó có cách lau người hạ sốt cho trẻ.
Để thực hiện đúng cách lau người hạ sốt cho trẻ, các mẹ cần chuẩn bị khăn nhỏ thấm nước tốt khoảng 30x30cm, một thau nước ấm như nước tắm của trẻ và nhiệt kế. Đặt trẻ nằm nơi thoáng mát, nhúng khăn vào nước ấm, vắt hơi ráo rồi lần lượt lau ở những nơi có nhiều mạch máu, như hai bên hõm nách, bẹn và toàn thân… có thể lau nhiều lần nếu trẻ còn sốt cao.
Lau mát bé trong vòng 15 - 30 phút, khi nhiệt độ trẻ ≤ 38,5 độ C thì ngưng lau cho bé, lau khô người trẻ và mặt đồ vải mỏng nhẹ cho trẻ. Trong quá trình lau người tuyệt đối không bật quạt, bật điều hòa vì sẽ khiến da trẻ khô, gây mất nước. Cần liên tục theo dõi nhiệt độ và tình trạng của trẻ để có biện pháp xử lí kịp thời.
3. Những lưu ý khi áp dụng cách lau người hạ sốt cho trẻ
Tuyệt đối không sử dụng nước đá để áp dụng cách lau người hạ sốt này cho trẻ vì sẽ gây co mạch, tăng nhiệt độ từ bên trong. Tương tự như vậy, xoa dầu gió, nước lạnh chỉ khiến nhiệt độ tăng cao và làm trẻ ớn lạnh, nên tắm cho trẻ bằng nước ấm, do hơi nước bốc hơi khỏi bề mặt da nên sẽ khiến nhiệt độ trẻ được hạ nhanh chóng.
Ngoài ra, cũng không nên xoa bóp cho trẻ với rượu hay cồn bởi vì rượu có thể gây ngộ độc hệ hô hấp và hấp thụ qua bề mặt da. Nếu trẻ còn bú, nên cho trẻ bú nhiều hơn bình thường và cho trẻ uống nhiều nước liên tục. Trường hợp trẻ không uống được, dùng thìa đút cho trẻ để trẻ được hấp thu nước đầy đủ, không bị thiếu nước.
Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ thì cần tuân thủ chỉ định và liều lượng, tránh dùng quá liều, không dùng cho trẻ dưới 3 tháng tuổi, tuyệt đối không dùng thuốc aspirin để hạ sốt cho trẻ khi không có chỉ định của bác sĩ. Không nặn, vắt chanh hoặc cho bất kỳ thứ gì vào miệng trẻ (kể cả thuốc hạ nhiệt) khi trẻ đang trong cơn giật vì có thể gây tắc nghẽn đường thở nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Việc ép trẻ hạ sốt nhanh là không nên, vì khi thân nhiệt xuống quá nhanh, đột ngột sẽ gây nguy hiểm do cơ thể không chịu được sự thay đổi quá nhanh. Việc giảm sốt chỉ nên thực hiện từ từ, thông thường thuốc hạ sốt hiện nay sau 30 phút uống bắt đầu có tác dụng, nhiệt độ giảm dần sau 1-2 giờ.
Cách lau người hạ sốt tuy khá đơn giản nhưng lại đạt hiệu quả rất cao trong việc giảm nhiệt nhanh cho trẻ em khi trẻ bị sốt. Đây cũng là phương pháp ít tốn kém và dễ thực hiện nhất, tuy nhiên, không phải mọi bố mẹ đều thực hiện đúng cách. Do vậy, bố mẹ cần nắm vững cách thực hiện, để có kết quả tốt nhất, cũng như an toàn cho con em mình nhé.
Nguyên Lê tổng hợp