1. Nguyên liệu để làm nộm sứa thập cẩm
- 200-300 gram (sứa biển tươi hoặc sứa đóng gói bán trong siêu thị)
- 1 củ cà rốt
- 1 củ hành tây
- 1 quả dưa chuột
- 1 quả chanh
- 100 gram giá đỗ
- Lạc, vừng mỗi thứ một nắm
- Sả, rau hứng, lá chanh, húng quê
- Các gia vị thông dụng
Lưu ý: Bạn có thể kết hợp các nguyên liệu trên cùng với hoa chuối, xoài xanh để món nộm sứa có đủ vị và trông hấp dẫn hơn.
2. Sơ chế nguyên liệu
2.1. Đối với sứa
- Sứa mua về, đem rửa sạch một lượt, sau đó mổ sứa để lấy hết các chất độc có trong sứa. Cắt sứa thành từng miếng nhỏ, đem ngâm trong nước muối hoặc phèn chua pha lãng.
- Sau đó đem rửa thật sạch để sứa hết nhớt và khi nấu sứa thêm giòn, không bị teo lại. Nếu kỹ hơn, bạn có thể thực hiện thêm vài lần nữa. Bạn nhớ lưu ý phải loại bỏ hết chất độc ở trâm ban sứa để khi ăn không bị dị ứng.
Đối với sứa được đóng gói bán ở siêu thị, loại sứa này đã được làm sạch sẵn nên bạn chỉ cần rửa với nước muối loãng vài lần. Sau đó, rửa sạch sứa lại với nước, cho vào trụng với nước sôi pha vài lát gừng để sứa bớt mùi tanh và thơm hơn. Dùng dao thái sứa thành từng miếng nhỏ vừa ăn, vắt sứa cho đến khi khô nước.
2.2. Đối với các nguyên liệu khác
- Đem dưa chuột gọt vỏ, nhớ cắt 2 đầu rồi chà kỹ ở đó để loại bỏ hết phần nhựa bên trong dưa chuột. Sau đó, đem ngâm trong nước muối trong khoảng 5-10 phút. Sau đó, bổ đôi, loại bỏ hết hạt bên trong, thái mỏng. Giá đỗ cũng ngâm muối, rửa sạch rồi vớt ra để ráo.
- Cà rốt cũng gọt vỏ, bào thành sợi nhỏ. Hành tây lột bỏ vỏ, thái lát mỏng, sau đó đem ngâm vào nước pha giấm khoảng 15 phút để loại bỏ mùi hôi. Bạn cũng có thể cho vào đó vài viên đá để giữ được độ giòn của hành tây, nếu chỉ ngâm bình thường thì hành tây sẽ dễ bị xìu đi.
- Đối với lạc thì rang giòn, bỏ vỏ và giã nhỏ. Vừng cũng rang cho thơm, giã nhỏ hoặc không. Các loại rau thơm lặt bỏ phần hư, đem rửa sạch rồi thái nhỏ, để riêng.
3. Cách làm nộm sứa thập cẩm vô cùng đơn giản
3.1. Pha nước trộn gỏi
Trong cách làm nộm sứa nói chung, nộm sứa thập cẩm nói riêng, ngoài nguyên liệu tươi ngon thì phần nước chấm cũng được xem như là linh hồn của món ăn. Bạn biết không, nước trộn gỏi sẽ quyết định đến khoảng 50% độ ngon của tất cả các món ăn. Do đó, phần nước chấm này chúng ta cũng nên chú ý chuẩn bị kỹ một chút nhé. Vị chua chua, ngọt ngọt thêm chút cay cay nữa sẽ làm cho món gỏi trở nên tròn vị hơn.
- Đối với cách làm nộm sứa thập cẩm, chúng ta sẽ thực hiện nước trộn gỏi chua ngọt, nghĩa là nước trộn phải có đủ 4 vị chua, cay, mặn, ngọt. Nước trộn gỏi sẽ rất đậm đà và thơm ngon nếu pha theo tỉ lệ: 1 thìa canh giấm, 1 thìa canh đường, 1 thìa canh nước cốt chanh, 1 thìa canh nước lọc, 1 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê ớt băm, 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê dầu mè.
- Dùng thia để khuấy đều cho các gia vị tan ra. Bạn có thể điều chỉnh về tỉ lệ pha nước trộn gỏi, nếu muốn cay và chua hơn có thể cho thêm ớt và chanh.
3.2. Cách trộn nộm sứa thập cẩm
- Chuẩn bị một cái thau cỡ lớn, cho vào đó sứa, các loại rau củ gồm cà rốt, hành tây, dưa chuột, giá đỗ, xoài xanh và hoa chuối (nếu có).
- Từ từ rưới phần nước mắm chua ngọt vào, trộn đều tay để tầm 20-30 phút cho nộm sứa ngấm đều các gia vị. Nhớ trộn nhẹ tay kẻo các loại rau củ nhanh bị tiết nước, mất độ giòn.
- Ở công đoạn này, nếu sợ các loại rau củ bị mềm, không còn độ giòn thì các bạn có thể trộn sứa cùng với một ít nước trộn trước.
- Đợi tầm 10 phút, sau đó mới cho cà rốt, hành tây, dưa chuột, giá đỗ vào. Nếu như vậy thì món nộm sứa thập cẩm vừa thấm tới mà còn lại giữ được độ giòn cho tất cả các nguyên liệu.
- Cho nộm sứa ra đĩa, rắc thêm các loại rau thơm, lạc và vừng đã rang vàng lên trên. Món nộm sứa chỉ trong tích tắc đã hoàn thành rồi, giờ thì cũng thưởng thức thôi nào.
3.3. Thưởng thức
Món nộm sứa thập cẩm có đủ vị giòn của sứa cùng các nguyên liệu, vị chua của chanh và giấm, vị mặn của muối, vị cay của ớt và tỏi cùng các loại rau thơm. Tất cả đã hòa quyện tạo nên một hương vị rất mới lạ, một món ăn giải nhiệt tuyệt vời khi cả nhà đã ngán ngẩm những món ăn chiên rán nhiều dầu mỡ.
Để tăng thêm phần hấp dẫn, các bạn có thể dọn kèm với bánh đa nướng, bánh phồng tôm hoặc ăn kèm với cơm trắng cũng rất dễ hợp ý.
4. Những điều cần biết khi ăn gỏi sứa
Nộm sứa hay còn gọi là gỏi sứa là một món ăn bổ dưỡng, không chỉ giúp giải nhiệt mà còn được nghiên cứu là tốt cho sức khỏe, hỗ trợ chữa bệnh rất hiệu quả. Tuy nhiên, sứa cũng là một loại hải sản gây ngộ độc nếu không biết cách chế biến. Độc tố bên trong sứa có thể gây ra nguy hiểm đến tính mạng, song nếu biết sơ chế kỹ thì đây hoàn toàn là một thực phẩm tốt.
- Sứa là một động vật sống dưới biển, nếu chạm phải chúng có thể khiến con người bị dị ứng. Các độc tố thường nằm ở xúc tu, có thể gây ra nguy hiểm, nhẹ thì nổi rát, mẩn đỏ và ngứa ngáy, nặng thì có thể gây ngộ độc khi ăn phải.
- Để tránh ngộ độc thực phẩm khi ăn nộm sứa, các bạn tốt nhất không nên ăn sứa biển chưa qua chế biến hoặc ăn gỏi sống. Khi thực hiện cách làm nộm sứa, nhớ phải ngâm sứa biển qua 3 lần trong nước muối và phèn chua. Đến khi nào sứa chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt thì mới đem chế biến.
- Đối với sứa đã được ép khô, có bán trong các siêu thị, bạn cũng nên rửa lại thật kỹ trước khi xào nấu. Điều này cũng giúp loại bỏ được những hóa chất mà người ta dùng để sơ chế sứa, tốt hơn cho sức khỏe của bạn và gia đình.
Cách làm nộm sứa thập cẩm tuy thật đơn giản nhưng cần phải thực hiện đúng theo những hướng dẫn, đặc biệt là ở khâu sơ chế sứa thì món ăn mới đảm bảo, về cả hương vị lẫn tính an toàn. Sứa biển giòn ngon, kết hợp với các loại rau củ tươi ngon trong vị nước trộn chua cay, mặn ngọt đảm bảo cả gia đình ăn hoài không ngán. Hãy thường xuyên theo dõi Chuyên mục Món Ngon của Yeutre.vn để bạn có thêm thật nhiều các công thức nấu nướng đơn giản khác, giúp bữa cơm gia đình lúc nào cũng vừa miệng, sung túc, đa dạng bạn nhé.
Nguyễn Diên