Tạo dựng nền móng của sự tự lập
Chỉ dẫn cho con
Chuyện ăn, chuyện nói, chuyện gói… tất cả đều cần phải học. Chỉ có sự khác biệt duy nhất nằm ở mức độ khó của mỗi chuyện. Vậy nên, với trẻ, chúng phải được chỉ dẫn ít nhất một đến hai lần trước khi muốn thực hành cho thành thạo. Bạn có thể bắt đầu một cách chậm rãi và tỉ mỉ để trẻ kịp quan sát và học theo. Khi trẻ có được cảm giác hoàn thành tốt một việc gì đó cũng là lúc trẻ hiểu được chúng có thể làm được hơn thế. Đây chính là chìa khóa để mở ra một ý thức nghiêm túc về sự tự lập trong cuộc sống.
Dạy con tự phục vụ chính mình
Hãy dạy con tự phục vụ chính mình bằng việc chọn trang phục và mặc gọn gàng chỉn chu
Đừng sợ khi làm việc cùng con sẽ khiến công việc của bạn thêm mất thì giờ. Chúng có thể không gọn gàng, chuẩn xác trong các thao tác và làm bừa bộn mọi thứ bạn cố thu gọn. Nhưng điều đó không thể có ý nghĩa hơn việc con đang học để tự phục vụ chính mình. Vì vậy, những lúc con chăm chú nhìn bạn làm việc hãy nhẹ nhàng gợi ý cho con “Con có muốn giúp mẹ không?”. Chắc hẳn, trẻ sẽ rất vui lòng và thích thú vì mình cảm giác như thể chúng đã lớn khôn.
Không can dự
Một khi đã giao cho con một nhiệm vụ nào, bố mẹ cần để mắt đến trẻ cho tới khi hoàn thành được công việc. Bạn có thể phải đứng sang một bên để quan sát, đánh giá bài thực hành này cho dù trẻ gặp một vài rắc rối nhỏ hoặc kéo dài lâu hơn thời gian cần thiết. Trừ trường hợp có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm ra, bạn không nên vì sự yếu mềm mà vội vàng lao ngay đến và làm hộ cho bé việc nằm trong khả năng của chúng.
Cho phép con đặt ra luật lệ
Mỗi gia đình đều có những nguyên tắc hoặc nội quy riêng. Hãy để trẻ được tham gia vào hoạt động thú vị này. Bằng cách trở thành một phần của những nội quy gia đình, trẻ sẽ tự nhận thức được trách nhiệm phải thực thi chúng một cách nghiêm túc. Đồng thời, trẻ sẽ có cơ hội được vận dụng trí não, tư duy cho một điều thiết thực mà nó có thể nhận biết được.
Gợi ý những việc trẻ có thể tự làm
Khi đã giúp trẻ có được chìa khóa cho hành trình rèn giũa sự tự lập, bạn có thể bắt đầu ngay với những việc đơn giản nằm trong khả năng của trẻ như sau:
Tự chuẩn bị quần áo, giày dép, tập vở
Tập cho trẻ tự chuẩn bị quần áo, giày dép, tập vở
Trẻ có nhiệm vụ chọn lấy cho mình một bộ đồ, chiếc nón, đôi giày và chuẩn bị chỉn chu tất cả dụng cụ học tập để đến trường vào ngày mai. Đó là điều bạn nên đặt ra cho trẻ thực hiện. Có thể những ngày đầu mọi thứ không như bạn mong muốn. Nhưng chỉ cần đôi ba lần tập tành, trẻ sẽ ghi nhớ rất nhanh mà không cần đến sự đôn thúc của bố mẹ. Dần dà, trẻ sẽ học cách làm sao để tìm được cặp sách, giày dép, mũ nón… một cách nhanh nhất. Đồng thời trẻ cũng sẽ biết chọn trang phục sao cho đồng bộ và trông đẹp mắt hơn theo tư duy của riêng mình.
Tự giải quyết với những khó khăn của bài tập về nhà
Nếu ngay từ đầu bạn không dứt khoát để con tự giải quyết những khó khăn của mình trong chuyện bài vở thì sẽ rất khó khăn để trẻ tự ý thức về nhiệm vụ học tập của mình. Nói như vậy không có nghĩa là bạn bỏ mặc con trong chuyện học hành. Con cái vẫn rất cần đến sự khích lệ đúng lúc của bố mẹ để có động lực hơn trong mọi sự nỗ lực của bản thân. Bạn có thể theo dõi việc học tập của con thông qua kênh thông tin từ thầy cô giáo hoặc kiểm tra sổ liên lạc của trẻ thường xuyên.
Tự tắm rửa và mặc quần áo
Để trẻ tự tắm một mình sẽ dễ gặp tai nạn trơn trượt. Vì thế, thời gian đầu, bố mẹ nên cho trẻ tự tắm trong sự quan sát của mình. Bằng cách này bạn có thể biết được trẻ hay táy máy vào vật gì, có thói quen tắm ra sao và các nguy cơ tai nạn thế nào. Khi đã qua được bước này, bạn tiếp tục cho trẻ tự tắm nhưng thỉnh thoảng lại vào kiểm tra. Bạn cứ tập dần cho đến khi trẻ có thể tự phục vụ được bản thân.
Tự ăn
Trẻ ngay từ khi tròn 1 tuổi đã có thể tự ăn một mình. Do đó, khi con đã vào cấp 1, bạn hãy để con tự ăn một mình, dù hơi lâu một chút chứ đừng ngồi đó và đút cho con từng muỗng như khi còn nhỏ nữa.
Tự đánh răng
Hãy dạy trẻ học cách bảo vệ hàm răng của mình luôn chắc khỏe mỗi ngày
Trẻ cũng có thể tự phục vụ mình bằng cách đánh răng sáng tối. Ban đầu, bạn nên dành thời gian giúp trẻ đánh đúng vị trí và chiều bàn chải. Sau đó, khi trẻ đã thành thạo, bạn không phải cầm tay giúp trẻ làm công việc này nữa.
Tự dọn phòng
Đồ chơi vứt ngổn ngang trong phòng và không dọn là một thói quen rất xấu của trẻ. Nó sẽ chỉ cho thấy đó đích thực là đứa trẻ thiếu kỷ luật. Vì thế, khi để trẻ tự lập bạn không thể quên nguyên tắc tự dọn phòng. Trẻ phải hiểu chúng có trách nhiệm với việc đã làm và cần khắc phục nếu việc làm đó nếu nó mang lại điều tai hại.
Tự chọn sách theo sở thích
Bạn có thể gợi ý một số đầu sách phù hợp với lứa tuổi của trẻ trước khi đưa chúng đến nhà sách. Việc tự tay mang về cuốn sách mà chúng đã cất công chọn sẽ giúp chúng nâng niu sách và chăm đọc hơn.
Tập vận động
Khi trẻ đã lên 7, bạn có thể tập cho chúng đi xe đạp.
Khi trẻ đã lên 7, bạn có thể tập cho chúng đi xe đạp mỗi lần 30 phút. Việc đi xe đạp sẽ giúp chúng tự tạo cho mình một cơ hội được ra ngoài tham gia vào các hoạt động nhiều hơn thay vì cứ phải phụ thuộc vào sự đưa đón của bố mẹ. Ngoài ra, nếu trẻ đã đến tuổi tập luyện một vài bộ môn thể thao khác, bố mẹ cũng nên khuyến khích trẻ vận động nhiều hơn để tăng cường sức khỏe và khả năng tập trung.
Những ích lợi cho trẻ khi có được sự tự lập từ nhỏ1.Trẻ hiểu nó có năng lực làm việc và thực sự hữu dụng cho mọi người.
2. Trẻ sẽ thành người lớn có trách nhiệm với bản thân và mọi người.
3.Làm việc gì trẻ cũng hoàn thành nhanh chóng và hiệu quả bởi khả năng sắp xếp thành thạo.
4.Trẻ dễ đi đến thành công trong sự nghiệp vì chuyện học hành không quá khó với trẻ.
5. Dưỡng nuôi lòng tự trọng cao.
6.Trẻ đủ tự tin để bứt phá và tạo ra điều mới mẻ trong cuộc sống.
7. Trẻ sẽ thật sự biết ơn bạn khi khôn lớn
Yeutre.vn (Tổng hợp)