Khi có con, các mẹ bận rộn chăm sóc con, việc nhà, rồi lo lắng cho chồng khiến các mẹ mệt mỏi, thực trạng này dễ gặp và dễ hiểu. Đặc biệt, với các mẹ có con khó tính, con hay quấy khóc nhiều, chỉ cần nghĩ đến việc phải giữ trẻ lâu dài sẽ khiến mẹ sợ hãi vô cùng, thấy thời gian chăm con sao bỗng trở thành "đằng đẵng". Tuy nhiên, tất cả mọi vấn đề sẽ đều có cách giải quyết, việc chăm con mệt mỏi cũng có nhiều cách khác nhau để cải thiện khắc phục.
1. Hãy học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc trẻ
Có thể trước khi sinh, các mẹ đã tìm hiểu về cách chăm sóc trẻ, qua kinh nghiệm của những người đi trước, hay qua các lớp học chăm sóc trẻ sơ sinh,...tuy nhiên việc áp dụng thực tế đã không hiệu quả. Gặp tình trạng khó khăn này, các mẹ hãy giữ bình tĩnh cho mình, đừng căng thẳng mà hãy tiếp tục học hỏi thêm nhiều hơn nữa về cách chăm sóc trẻ con.
Khi con ra đời, mẹ sẽ thấy con thực sự là một cá thể độc lập có cá tính riêng. Tất cả những gì mẹ đã tìm hiểu trước đó về việc chăm sóc trẻ sơ sinh có thể lúc này đều trở thành "vô dụng". Thực đúng vậy, vì như đã đề cập mỗi cá thể độc lập có cá tính riêng, thì không thể áp dụng chung một cách thức chăm sóc rập khuôn hay áp đặt. Do đó, mẹ cần quan sát con kỹ hơn để hiểu bé. Từ đó, học hỏi lại kinh nghiệm chăm sóc trẻ từ người thân, bạn bè, sách vở,...thêm một lần nữa, cụ thể hơn với các tình huống thực tế hơn, rõ ràng hơn.
Các mẹ nên tìm hiểu về kinh nghiệm rèn trẻ ngủ xuyên đêm, cách xử lý khi trẻ quấy khóc, chế biến món ăn theo từng độ tuổi, các phương pháp ăn dặm của trẻ,...Và cách tìm hiểu này, nên ở mức tham khảo, từ đó có sự chọn lọc, sao cho phù hợp với bé nhà mình nhất. Sự chọn lọc này chính là một trong các yếu tố quan trọng, giúp giảm tải những căng thẳng cho mẹ và cả gia đình, khi chăm sóc bé.
Khi ba mẹ có thể vận dụng linh hoạt các kinh nghiệm chăm sóc trẻ để cho trẻ có thể tự ngủ, ăn theo nhu cầu, sở thích, tự chơi,...thì lúc này, đương nhiên các mẹ sẽ không phải bế vác trẻ khi ngủ, hay nài ép trẻ ăn thêm vài thìa cháo. Như thế sự mệt mỏi cứ thế mà giảm đi rồi biến mất lúc nào chẳng biết. Việc chăm sóc, giữ trẻ lâu dài với mẹ đi chăng nữa, cũng trở thành một công việc nhẹ nhàng, nhàn tênh.
2. Biết cách thư giãn, không quan trọng hoá vấn đề
Các mẹ sau sinh thường hay tự tạo áp lực cho bản thân. Các mẹ thường xuyên lo lắng trẻ sẽ xảy ra chuyện, nếu giữ trẻ không đúng cách trẻ sẽ gặp nguy hiểm,... và thậm chí nhìn đâu cũng thấy có thể gây hại cho trẻ. Việc các mẹ hay quan trọng hoá vấn đề sẽ khiến các mẹ luôn cảm thấy căng thẳng mệt mỏi. Các mẹ hãy học cách thư giãn và nhìn nhận vấn đề đừng nghiêm trọng quá.
Trẻ khóc đôi khi chỉ vì đói, lạnh, nóng, tã ướt hoặc chỉ muốn được mẹ ôm vào lòng thôi chứ chưa hẳn bé bị mắc bệnh gì cả đâu. Và, chuyện ăn uống của trẻ các mẹ cũng đừng quá căng thẳng. Cũng có lúc trẻ sẽ thấy chưa đói nên không muốn ăn. Các mẹ cứ hãy để qua một bên, khi đói con sẽ đòi ăn thôi. Do đó, để có cách giữ trẻ lâu mà mẹ không mệt mỏi, căng thẳng thì các mẹ hãy học cách thư giãn khi cần thiết. Có như vậy, các mẹ mới không thấy bị áp lực khi trông giữ chăm sóc con.
3. Nên chia sẻ công việc với chồng
- Cách giữ trẻ lâu dài mà mẹ vẫn không mệt mỏi đó là hãy chia sẻ công việc với chồng.
- Các mẹ đừng ngần ngại mà hãy trao đổi và đề nghị sự giúp đỡ san sẻ công việc nhà, chăm sóc con từ phía chồng. Nhờ vậy các mẹ sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi thư giãn.
- Các mẹ có thể nhờ chồng giữ trẻ giúp mình trong một khoảng thời gian nào đó, để các mẹ có thể đi mua sắm, chăm sóc da, mát xa thư giãn,... nạp lại năng lượng để có thể chăm sóc con tốt hơn.
Trên đây là vài cách giữ trẻ lâu dài nhưng không khiến mẹ phải mệt mỏi, căng thẳng. Bất cứ bà mẹ nào cũng muốn những điều tốt nhất cho con mình, song, sự tốt nhất đó cần phải lưu ý đến yếu tố linh hoạt và thật sự phù hợp. Có như thế, việc giữ con, chăm sóc con mới là công việc hạnh phúc và mẹ lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, để cùng con trải qua mọi ngày một cách vui vẻ, nhẹ nhàng.
Thanh Ngân tổng hợp