Cách dạy con của người Nhật theo các giai đoạn độ tuổi

banner ads
Cách dạy con của người Nhật thay đổi theo từng giai đoạn
Cách dạy con của người Nhật thường thay đổi theo từng giai đoạn. Ảnh Internet 

1. Các giai đoạn người Nhật phân chia khi giáo dục trẻ

Có 3 giai đoạn chính được chia ra khá rõ ràng khi dạy con mà người Nhật thực hiện gồm:

  • Giai đoạn 0-6 tuổi : Ở giai đoạn này, họ còn chia thành các giai đoạn nhỏ hơn theo từng độ tuổi cụ thể để việc giáo dục trẻ có hiệu quả cao nhất. Trẻ ở giai đoạn 0-6 tuổi là giai đoạn cực kỳ quan trọng hình thành tính cách. Vì thế, giai đoạn này rất được chú trọng.
  • Giai đoạn 6-10 tuổi ( hoặc 12 tuổi) : Ở độ tuổi này, trẻ đã có một nền tảng nhất định có được từ giai đoạn trước, nên tứ 6-10 tuổi, việc dạy trẻ đã vào nề nếp nên việc dạy con sẽ tập trung nhiều hơn vào tương tác xã hội, quy tắc ứng xử và rèn luyện tính kỷ luật. Đồng thời, cũng là giai đoạn chuẩn bị nhiều nền tảng quan trọng làm hành trang cho con chuẩn bị bước vào giai đoạn dậy thì.
  • Giai đoạn 10 (hoặc 12 tuổi) -18 tuổi : Giai đoạn được chú trọng nhiều về phát triển cá nhân, tính độc lập và cảm xúc của trẻ. 
Mẹ vui cùng con gái
Mỗi giai đoạn người Nhật sẽ chú trọng giúp trẻ phát huy tốt nhất đặc điểm phát triển theo độ tuổi của mình. Ảnh Internet 

2. Cách dạy con của người Nhật cụ thể ở từng giai đoạn và độ tuổi

2.1. Cách dạy con của người Nhật giai đoạn 0 - 6 tuổi

Theo người Nhật, đây là giai đoạn quan trọng tạo ra sự gắn kết và tin tưởng giữa cha mẹ và con cái. Các bậc phụ huynh Nhật thường ưu tiên dành nhiều thời gian cho con trong giai đoạn đầu đời này.

2.1.1. Từ 0 - 12 tháng tuổi

Các bà mẹ Nhật thường nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu. Sau thời gian này có thể cho con bắt đầu đầu ăn dặm giống như những bà mẹ Việt. Tuy nhiên, điều này không mang tính bắt buộc và để trẻ tự quyết định có ăn hay không. Với người Nhật, việc nhồi nhét và ép buộc sẽ khiến con không còn cảm giác hứng thú khi ăn. 

Mẹ bồng bé sơ sinh
Các bà mẹ Nhật thường nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu. Ảnh: Internet 

2.1.2. Từ 12 tháng - 18 tháng tuổi

Người Nhật quan niệm đây là giai đoạn trẻ sẽ học theo những hành động của cha mẹ. Bé sẽ học từ những việc đơn giản như ăn uống, đi lại, cười, nói cho đến cả những thói quen xấu. Vì thế, trong giai đoạn này, bố mẹ cần phải làm gương để con học những điều tốt và tránh những thói quen xấu.

2.1.3. Từ 18 tháng - 2 tuổi

Đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng, các bà mẹ Nhật sẽ bắt đầu rèn những thói quen cho bé. Họ sẽ tạo ra những thời gian biểu trong sinh hoạt để hình thành lối sống khoa học từ thuở bé. Khi nào thì nên ăn uống, lúc nào đi vệ sinh, khi nào thì nên đi ngủ và ngủ trong bao lâu. 

Bên cạnh đó, bé cũng sẽ học cách tự làm những việc như mặc quần áo, tự đi vệ sinh, tự đi giày...Điều này sẽ tốn rất nhiều thời gian nhưng rất cần thiết để giúp trẻ tự lập và có lối sống khoa học sau này. 

Mẹ và bé cùng ăn trái cây
Mẹ Nhật thiết lập thời gian biểu trong sinh hoạt rõ ràng chi tiết, để hình thành lối sống khoa học cho con. Ảnh: Internet 

2.1.4. Từ 3 tuổi

Ở Nhật, bé sẽ đến trường mẫu giáo từ năm 3 tuổi. Ở trường, bé sẽ học cách chơi với bạn bè và tự mình làm những việc cá nhân. Phụ huynh và giáo viên chỉ quan sát và can thiệp khi thực sự cần thiết mà thôi. Thông thường ở Nhật, thời gian ở trường của các bé giai đoạn này không nhiều nên phần lớn thời gian vẫn ở nhà với mẹ. Mẹ vẫn sẽ là người quan trọng nhất uốn nắn và dạy bé những việc hằng ngày.

2.1.5. Từ 4 tuổi

Lúc này, bé phải biết cách tự ăn bằng đũa thay vì đợi mẹ đút ăn. Nhiều mẹ còn dạy bé cách ăn và để bé tự ăn sớm hơn nữa. Bé sẽ học từ từ và có thể vừa học vừa chơi để thoải mái hơn. Để con học cách tự ăn cũng đồng nghĩa mẹ buộc phải có thời gian để dọn dẹp sau bữa ăn của con. Bên cạnh việc ăn thì mẹ cũng sẽ dạy con tự mình vệ sinh dần dần. 

Trẻ tự ăn cơm
Từ 4 tuổi, bé phải biết cách tự ăn thay vì đợi mẹ đút ăn. Ảnh: Internet 

2.1.6. Từ 4 - 6 tuổi

Ở giai đoạn 4-6 tuổi, bé đã phát triển gần như hoàn thiện nhiều kỹ năng. Đây là lúc mẹ Nhật sẽ bắt đầu cho bé học chữ. Người Nhật rất quan trọng việc dạy chữ cho con từ sớm nên đây là một giai đoạn khá quan trọng với họ. Việc con biết đọc chữ sớm sẽ giúp con nhanh nhẹn hơn đồng thời hình thành cấu trúc vỏ não hoàn thiện hơn.

2.2. Cách dạy con của người Nhật giai đoạn từ 6 - 10 tuổi

Thời gian này, bé chủ yếu sẽ tiếp thu kiến thức từ trường học và công động nhiều hơn ở nhà. Thời điểm này, giáo viên đóng một vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển của bé. Lúc này, bé phải tự mình làm những việc cá nhân của mình mà không cần mẹ giúp đỡ.  

Bé tự lập
6-10 tuổi bé bước đầu học cách tự lập trong những việc ở nhà lẫn ở trường. Ảnh: Internet 

Giai đoạn 6-10 tuổi là khoảng thời gian mà cha mẹ và giáo viên đóng vai trò định hướng trong quá trình tự học hỏi của bé. Đâu là đúng, đâu là sai thì bé cần được hướng dẫn trong quá trình này. Dù được giúp đỡ nhưng bé vẫn sẽ tự quyết định những việc liên quan đến mình và tự chịu trách nhiệm với nó. Ví dụ như bé có thể nuôi thú cưng nếu muốn. Tuy nhiên, bé phải tự chăm sóc, cho ăn, trông chừng, dọn vệ sinh... cho thú cưng của mình.

2.3. Cách dạy con của người Nhật giai đoạn từ 10 - 18 tuổi

10-18 tuổi là giai đoạn quan trọng trẻ phát triển độc lập về cảm xúc rất mạnh mẽ. Trong quá trình này, bố mẹ Nhật thường không còn can thiệp nữa nhưng vẫn giữ vai trò định hướng, gợi ý những hướng đi cho con. Cha mẹ quan tâm đến cảm xúc và tâm trạng của trẻ để có thể ở bên con lúc cần. Tuy nhiên, họ cũng sẽ không can thiệp vào cuộc sống riêng của con. Với những vấn đề phát sinh trong cuộc sống của con, con cũng sẽ tự giải quyết trước khi yêu cầu sự giúp đỡ từ bố mẹ. 

Học sinh Nhật
Từ 10 – 18 tuổi, con được hoàn toàn tự chủ trong cuộc sống. Ảnh: Internet 

3. Chúng ta có thể áp dụng cách dạy con theo từng giai đoạn như người Nhật hay không?

Không chỉ các bố mẹ Việt mà bố mẹ ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng rất ngưỡng mộ cách dạy con của người Nhật . Những điểm hay trong cách giáo dục của người Nhật chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng và áp dụng thành công. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, nuôi dạy con không chỉ đơn thuần là áp dụng một phương pháp giáo dục nào đó hoặc làm theo một quan điểm dạy trẻ nào đó thì sẽ luôn nhận được kết quả tốt.

Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, đặc biệt và duy nhất. Cũng như, mỗi đất nước mỗi vùng đất sinh sống, sẽ có những chi phối nhất định cả khách quan lẫn chủ quan đến quá trình chăm sóc giáo dục trẻ. Do vậy, khi tham khảo cách dạy con, kể cả cách dạy trẻ của người Nhật theo từng giai đoạn rất hay như trên, bạn cũng cần lưu ý những điểm sau đây:

  • Tham khảo và có sự chọn lọc những điều hay, phù hợp với thực tế của trẻ nhà mình.
  • Không áp dụng một cách rập khuôn và máy móc vì có thể dẫn đến phản tác dụng.
  • Bạn cần phải hiểu rõ con của bạn để quá trình dạy con là một quá trình có sự hợp tác, cộng tác. Mọi sự áp đặt chủ quan đều có thể dẫn đến một kết quả mà bạn không hề mong đợi.
  • Tôn trọng con và bảo đảm rằng bất cứ quan điểm, cách thức giáo dục nào mà bạn áp dụng để dạy trẻ đều phải giúp trẻ phát huy các điểm mạnh của bản thân.
  • Dạy con bằng trọn vẹn yêu thương, sẻ chia, thấu hiểu, hỗ trợ và giúp đỡ để trẻ lớn lên trong tình yêu, hạnh phúc, vui vẻ, có thể độc lập kể cả cảm xúc. 
Mẹ giúp trẻ đánh răng
Bố mẹ dạy con không nên áp đặt, chủ quan mà bằng yêu thương trọn vẹn, sẻ chia và thấu hiểu. Ảnh Internet 

Cách dạy con của người Nhật dù chưa phải là phương pháp hoàn hảo nhất nhưng rất đáng để học hỏi. Các ông bố bà mẹ có thể tham khảo, chọn lọc và áp dụng một cách phù hợp nhất, để dạy cho con mình lối sống độc lập và kỷ luật từ nhỏ. Hãy quan tâm, tôn trọng cảm xúc của trẻ, chia sẻ cùng con ở những giai đoạn con đang lớn. Làm được như thế, chắc chắn bố mẹ cũng sẽ nhận được niềm hạnh phúc, không chỉ giúp con phát triển tốt, trưởng thành tốt, bố mẹ còn có thể là bạn đồng hành đáng tin cậy nhất của con đến mãi sau này.

Trang Trần tổng hợp

Đã có 1 người đánh giá bài viết này Đáng Tin Cậy

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI