Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh và những dấu ấn tuyệt vời trong hành trình lớn lên của bé

Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh, trong những tháng ngày đầu đời, sẽ khiến bố mẹ ngạc nhiên rất nhiều. Bởi, mỗi thời điểm đều gắn với những dấu ấn rất đáng nhớ. Điều này giúp cho bố mẹ không bỏ lỡ những giây phút đặc biệt của con. Quan trọng hơn nữa, nhờ đó, bố mẹ có thể theo dõi tình hình sức khỏe của bé yêu nhà mình tốt hơn. Giúp bố mẹ dễ hình dung bức tranh toàn cảnh các bước phát triển của bé trong thời kỳ sơ sinh, ở bài viết dưới đây, Yeutre.vn đã tổng hợp các mốc phát triển quan trọng của bé theo từng tháng, bố mẹ hãy cùng tham khảo nhé.

banner ads

các mốc phát triển của trẻ sơ sinh
Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh trong những tháng ngày đầu đời sẽ khiến bố mẹ ngạc nhiên rất nhiều đấy. Ảnh Internet

1. Quá trình phát triển của bé khi mới sinh cho đến 1 tháng tuổi

Khoảnh khắc lần đâu tiên trông thấy con yêu của mình chắc chắn là điều tuyệt vời nhất cho các ông bố, bà mẹ. Bé con lọt thỏm trong đôi tay với đôi mắt lúc nào cũng say sưa ngủ có lẽ là điều ngọt ngào nhất. Mẹ có biết rằng, cân nặng tiêu chuẩn của mỗi bé khi sinh đủ tháng sẽ là từ 2.7kg đến 4kg, và bé sẽ giảm đến 10% cân nặng chỉ trong vòng khoảng 5 ngày, do bé thải phân su ra ngoài. Nếu mẹ thấy tình trạng giảm cân kéo dài thì nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám nhé.

Trong những tuần đầu tiên này, cơ thể bé sẽ trở nên hồng hào, và mẹ đừng quá lo khi tay chân của bé vẫn trắng trắng nha. Đó là do việc vận chuyển máu đến các bộ phận này sẽ khó khăn hơn vì tay chân của bé đang còn rất nhỏ.

Trẻ sơ sinh dành rất nhiều thời gian trong ngày chỉ để ăn, ị và đặc biệt, giấc ngủ sẽ chiếm hơn 50% quỹ thời gian trong ngày của bé. Vì thế mẹ đừng cố gắng ép bé thức để chơi đùa, vì điều này không hề có lợi cho sự phát triển sau này của bé.

trẻ sơ sinh ngủ
Trẻ sơ sinh dành rất nhiều thời gian trong ngày chỉ để ăn, ị và đặc biệt, giấc ngủ sẽ chiếm hơn 50% quỹ thời gian trong ngày của bé. Ảnh Internet

2. Bé 1 tháng - Giai đoạn phát triển vượt trội

Khi bé bước qua giai đoạn 1 tháng tuổi, trong tháng này bé sẽ có những mốc phát triển vượt trội mà mẹ cần phải để ý:

  • Thính giác : Đầu tiên là bé thính giác của bé đang dần dần phát triển thông qua việc cảm nhận được giọng nói ấm ấp của bố và mẹ. Chính vì thế mà mẹ sẽ nhận thấy được bé rất hay bị giật mình khi nghe những tiếng động to và mùi vị của sữa mẹ cũng trở nên quen thuộc trong thời gian này.
  • Thị giác : Khi bé được 1 tháng tuổi, bé sẽ nhìn xa được 20 - 30cm và rất thích thú khi quan sát những đồ vật có hình thể rõ ràng và màu sắc tươi sáng.
  • Phản xạ khác : Lúc này bé sẽ cầm nắm rất chặt những gì với được ví dụ như tay mẹ. Đây còn được gọi là phản xạ nắm bàn tay đấy mẹ. Ngón chân và bàn chân cũng có thể làm được như vậy, tuy nhiên phản xạ này sẽ biến mất khi bé được 6 tháng tuổi.
nắm tay mẹ
Lúc này bé sẽ cầm nắm rất chặt những gì với được ví dụ như tay mẹ. Đây còn được gọi là phản xạ nắm bàn tay. Ảnh Internet

3. Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh khi được 2 tháng tuổi

Khi bé 1 tháng tuổi, lâu lâu mẹ sẽ thấy bé nhoẻn miệng cười nhưng điều này chỉ là phản xạ tự nhiên và ít có cảm xúc. Khi bước qua tháng thứ 2 bé sẽ thể hiện rõ hơn tình cảm của mình bằng cách đáp lại nụ cười của mọi người và nụ cười của bé đôi khi cũng sẽ phát theo âm thanh đấy mẹ. Mẹ cũng có thể cảm nhận được những niềm vui và nỗi buồn bé nhỏ của con trong tháng thứ 2 này vì sự phát triển về mặt tình cảm của bé đang dần được hoàn thiện.

Đầu và cổ của bé trong thời gian này cũng sẽ linh hoạt hơn. Bé đã biết ngóc đầu và đẩy mình lên một xíu và tay chân sẽ quơ loạn xạ nên mẹ nhớ chú ý những đồ vật xung quanh sẽ làm nguy hiểm đến bé nhé.

em bé cười
Khi bước qua tháng thứ 2 bé sẽ thể hiện rõ hơn tình cảm của mình bằng cách đáp lại nụ cười của mọi người và nụ cười của bé đôi khi cũng sẽ phát theo âm thanh đấy mẹ. Ảnh Internet

4. Tập tành lật lẫy khi con bước vào tháng thứ 3

Chắc hẳn mẹ đã từng nghe đến câu "3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi". Đây được coi là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển của con lên một "tầm cao mới". Trong những tuần đầu của tháng thứ 3 bé sẽ cố gắng ngóc đầu và lật qua một bên, thích rướn người đến những chỗ phát ra tiếng động và có một sở thích đó là đưa những gì bé có thể cầm được lên miệng nên mẹ nhớ chú ý đến bé nha.

Vào những tuần cuối của tháng này, bé đã có thể lật một cách điêu luyện, tập trườn về phía trước và cực kỳ hóng chuyện đấy mẹ. Bé cũng sẽ rất thích thú khi có ai chơi đùa và nói chuyện cùng mình, đôi lúc bé sẽ phát ra những tiếng "ê, a" thật dễ thương.

Nhưng nếu mẹ thấy bé chưa thể lật được ở thời điểm này thì cũng đừng quá lo lắng nha, bé sẽ tập được động tác này trong tháng tiếp theo hoặc sẽ có những bước nhảy vọt khi bỏ qua một giai đoạn nào đấy.

em bé lật
Vào những tuần cuối của tháng thứ 3, bé đã có thể lật một cách điêu luyện,  tập trườn về phía trước và cực kỳ hóng chuyện đấy mẹ. Ảnh Internet

5. Bé đã đi đến tháng thứ 4 rồi nè mẹ!

Điều tuyệt vời ở giai đoạn này là bé đã biết bắt chước theo những hành động của mẹ, chủ động giao tiếp và quan sát phản ứng của mọi người khi chơi đùa cùng mình. Bé cũng đã tự làm chủ được cảm xúc, biết cười khi vui, khóc đi đói, khó chịu hoặc đau đớn. Mẹ cũng sẽ thấy những hành động đáng yêu của bé như cố gắng đưa chân lên miệng để mút hoặc đẩy người lên trên khi chạm vào tường/ bề mặt cứng.

Thị giác của con đang gần được hoàn thiện ở tháng này, điển hình là con có thể nhìn xa và nhìn xung quanh tốt hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, con đã có thể ngồi thẳng lưng khi có sự hỗ trợ, nhưng mẹ nhớ chú ý đỡ phần cổ cho con vì lúc này cổ của con chưa đủ cứng để tự nâng đỡ đầu mình đâu.

bé mút chân
Mẹ cũng sẽ thấy những hành động đáng yêu của bé như cố gắng đưa chân lên miệng để mút trong tháng thứ 4 này đấy. Ảnh Internet

6. Tháng thứ 5 cùng những điều tuyệt vời

Ở tháng này bé đã biết nắm và giữ những đồ của mình thật chặt và nhận thức được nhiều điều ở xung quanh. Thời điểm này bé rất thích chơi trò ú òa, trò chơi này không đơn thuần là mang lại niềm vui cho trẻ, mà còn tăng khả năng ghi nhớ và kích thích khả năng suy nghĩ trong con.

Mẹ sẽ thường xuyên nghe thấy con bập bẹ tập nói và thể hiện cảm xúc của mình một cách mạnh mẽ như la hét, đập tay, đập chân. Lúc này, để khả năng giao tiếp của bé phát triển tốt hơn mẹ có thể thường xuyên trò chuyện , kể chuyện, hát hoặc dạy cho con những điều đơn giản nhất nhé.

Mặc dù đã được học rất nhiều điều mới lạ trong tháng này nhưng những cô, cậu bé của chúng ta vẫn không quên bài học lật, lẫy, vươn tay và cầm nắm đồ vật để tiếp bước cho sự phát triển vượt trội ở những tháng sau.

trò chuyện với bé
Lúc này, để khả năng giao tiếp của bé phát triển tốt hơn mẹ có thể thường xuyên trò chuyện, kể chuyện, hát hoặc dạy cho con những điều đơn giản nhất nhé. Ảnh Internet

7. Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh ở tháng 6 - những bài học mới

Với sự cố gắng lật, lẫy, tập ngồi ở những tháng trước, đến tháng thứ 6 bé có thể dễ dàng ngồi mà không cần mẹ phải đỡ cổ để chơi trò chơi ú òa nữa rồi và trong tháng này, bé đang tập để chuẩn bị cho việc bò ở những tháng tiếp theo. Khi được 6 tháng, thị giác của bé đã gần như được hoàn thiện, bé có thể nhìn được xa và rộng hơn rất nhiều so với những tháng trước. Điều này đồng nghĩa với việc bé có thể nhìn rõ được bố, mẹ và những người thường xuyên ở bên cạnh mình và nói được thành tiếng những từ đơn giản, mẹ hãy tập cho con nhiều hơn nữa nha.

Ở tháng thứ 6 này, những chiếc răng sữa đầu tiên của con đã bắt đầu nhú, ngoài việc cho bé bú sữa mẹ và sữa công thức thì mẹ có thể tập cho bé ăn dặm để bổ sung thêm một số chất mà lúc này sữa không thể cung cấp đủ cho sự phát triển của bé nữa. Tuy nhiên, việc ăn dặm mới chỉ là sự bắt đầu, sữa mẹ vẫn là bữa ăn chính trong ngày của bé.

bé chuẩn bị ăn dặm
Trong tháng này, ngoài việc cho bé bú sữa mẹ và sữa công thức thì mẹ có thể tập cho bé ăn dặm để bổ sung thêm một số chất mà lúc này sữa không thể cung cấp đủ cho sự phát triển của bé nữa. Ảnh Internet

8. Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh khi bước vào tháng thứ 7

Đây là thời điểm bé bắt đầu những động tác để chuẩn bị bò, tuy nhiên bé không thể bò ngay được trong lúc này, phải đến tháng thứ 9 khi các cơ bắp của con đã trở nên khỏe mạnh để có thể nâng đỡ cơ thể mình khi bò. Bên cạnh đó, tháng thứ 7 cũng là lúc những ngón tay và chân của con hoạt động một cách linh hoạt hơn. Con biết cầm nắm những vật nhỏ mà lúc trước không thể làm được, thật đáng khích lệ phải không nào.

Những chiếc răng sữa đầu tiên ở hàm dưới đã xuất hiện rồi và việc ăn dặm sẽ dễ dàng hơn với mẹ khi bé đã quen với việc dùng thìa và thưởng thức món ăn. Ở giai đoạn này, các giác quan của bé đã gần như hoàn thiện, bé đã nhìn được xa hơn nữa, phân biệt được cảm xúc, di chuyển các đồ vật một cách nhẹ nhàng,... vì thế mẹ có thể cải thiện những giác quan của con bằng cách cho còn tìm những đồ vật bị che giấu.

Và mẹ biết không, bé sẽ nói luyên thuyên suốt ngày trong giai đoạn này đấy.

mjc răng sữa
Những chiếc răng sữa đầu tiên ở hàm dưới đã xuất hiện rồi và việc ăn dặm sẽ dễ dàng hơn với mẹ khi bé đã quen với việc dùng thìa và thưởng thức món ăn. Ảnh Internet

9. Giai đoạn 8 tháng với nhiều cung bậc cảm xúc

Khi bước đến giai đoạn này bé đã biết tức giận, lo lắng khi phải xa mẹ, phân biệt được cái nào thích và không thích và thể hiện được nhiều cung bậc cảm xúc hơn trước. Đặc biệt, kỹ năng tập trung và tò mò về mọi thứ thú vị mà bé thấy sẽ được phát triển mạnh mẽ ở tháng này. Với những gì đã luyện tập ở tháng trước bé đã có thể bò được một đoạn và với mọi thứ xung quanh để đưa vào miệng nên mẹ nhớ chú ý cất cao những đồ vật có thể gây nguy hiểm cho con.

Các từ mà được mẹ dạy bé đã có thể nói rõ ràng hơn và ghi nhớ thêm những điều mới. mẹ nhớ thường xuyên đọc truyện, nghe nhạc và dạy cho bé những bài học nhẹ nhàng để kích thích trí não của con nha. 8 tháng tuổi cũng là lúc bé cảm thấy nhớ ba mẹ và những người thân quen. Đó là lý do tại sao mẹ thấy bé rất hay khóc khi không thấy mẹ và đòi theo bất cứ lúc nào khi có người lạ xuất hiện đấy.

bé khóc đòi mẹ
8 tháng tuổi cũng là lúc bé cảm thấy nhớ ba mẹ và những người thân quen. Đó là lý do tại sao mẹ thấy bé rất hay khóc khi không thấy mẹ và đòi theo bất cứ lúc nào khi có người lạ xuất hiện đấy. Ảnh Internet

10. Tháng 9 là tiền đề cho sự phát triển trí não của con đấy mẹ

Lúc này bé đã có thể bắt chước gần như y chang những cử chỉ của người lớn, phát âm và ghi nhớ được nhiều hơn từ những gì mẹ dạy. Đặc biệt bé có thể biết tên mình và phản ứng khi có người gọi tên và lắc lư, vỗ tay theo những bản nhạc mà mình thích, thật đáng yêu đúng không mẹ. Nhưng mà bố mẹ cũng nên nhớ rằng những cư xử và lời nói không hay từ mình cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của con yêu.

Tháng 9 là tháng bé đã có thể bò một cách thuần thục và bám víu vào những thứ xung quanh để tự đứng lên, nhiều bé cũng hiếu động leo lên cả cầu thang và tự làm đau mình. Mẹ nhớ chú ý con nhiều hơn nha. Nhiều mẹ cứ lo lắng là con không chịu bò, cứ lết hoặc trườn mông thôi, đừng lo quá mẹ nhé, điều này là hết sức bình thường và sẽ hết khi bé bắt đầu đi đấy.

bé vỗ tay
Đặc biệt bé có thể biết tên mình và phản ứng khi có người gọi tên và lắc lư, vỗ tay theo những bản nhạc mà mình thích, thật đáng yêu đúng không mẹ. Ảnh Internet

11. Tháng 10 - Những bước đi đầu tiên trong đời

Khi bé bước vào tháng thứ 10, cũng là lúc bố mẹ cảm thấy lo lắng nhiều hơn vì bé đã có những bước đi đầu tiên mà không cần dựa dẫm vào bất cứ điều gì, tuy không vững lắm, chỉ đi được dăm ba bước và có thể té bất cứ lúc nào. Điều này chính là lý do bố mẹ cũng nào cũng lo lắng và hồi hộp với những cột mốc phát triển tiếp theo của con. Hãy nhớ tạo cho con "vùng an toàn" để tránh được những thứ sẽ làm con yêu gặp nguy hiểm như ổ điện, những vật sắc nhọn, đồ thủy tinh,...

Vào tháng thứ 10, bé đã biết được ý nghĩa của "không" và "có" và sẽ có nhiều ý kiến riêng của mình, bố mẹ lúc này sẽ cần phải dạy con rất nhiều thứ đấy vì bé sẽ rất nhạy cảm và dễ dàng tiếp thu với những điều mới lạ trong tháng này.

Những chiếc răng sữa tiếp theo cũng sẽ xuất hiện ở hàm trên của con, mẹ đừng bối rối khi con cứ đòi cầm nắm thức ăn và nhai chúng, hãy để bé thoải mái thể hiện bản năng của mình trong vùng an toàn mẹ nhé.

bé tập đi
Khi bé bước vào tháng thứ 10, cũng là lúc bố mẹ cảm thấy lo lắng nhiều hơn vì bé đã có những bước đi đầu tiên mà không cần dựa dẫm vào bất cứ điều gì. Ảnh Internet

12. Các mốc phát triển của trẻ sơ sinh khi được 11 tháng

Bé có thể hiểu được gần hết những lời mà mẹ nói trong tháng này, điển hình như việc cầm đồ vật mà mẹ yêu cầu và đưa nó cho mẹ, hiểu được mệnh lệnh "không được" của mẹ, hoặc ê a hát chung với mẹ, nhặt đồ chơi vào giỏ khi được yêu cầu,... Hãy nhớ động viên và khen ngợi bé để kích thích các khả năng của con nhé mẹ. Những chiếc răng sữa tiếp theo cũng được mọc lên ở tháng 11 , nên mẹ có thể tập thêm cho bé ăn những thức ăn dạng rắn và khuyến khích bé nhai để cơ miệng và cơ lưỡi hoạt động một cách trơn tru hơn.

Thời gian này cũng là cột mốc cho sự chuẩn bị kết thúc giai đoạn sơ sinh của con. Mẹ hãy trang bị thêm cho con thật nhiều kĩ năng nằm trong khả năng của mình để có thể phát triển hết những yếu tố tiềm tàng trong con. Cho con nghe nhạc nước ngoài cũng là một cách kích thích tính nhạy cảm trong ngôn ngữ của trẻ đấy.

mẹ dạy bé
Thời gian này cũng là cột mốc cho sự chuẩn bị kết thúc giai đoạn sơ sinh của con. Mẹ hãy trang bị thêm cho con thật nhiều kĩ năng nằm trong khả năng của mình để có thể phát triển hết những yếu tố tiềm tàng trong con. Ảnh Internet

13. Con được 1 tuổi - Giai đoạn chuẩn bị "trưởng thành"

Thật nhanh đúng không mẹ, bé lúc này đã lớn và có thể đi đứng, cầm nắm đồ vật một cách dễ dàng. Lúc này con đã học được rất nhiều kĩ năng mới như cầm bút vẽ nguệch ngoạc, biết thêm được công dụng của nhiều đồ vật như lược, điện thoại, ly nước,... Bên cạnh đó, bé cũng sẽ nói được nhiều câu hơn, biết chú tâm vào lời nói của ba mẹ và đưa ra ý kiến riêng của mình.

Khi được 1 tuổi bé sẽ có tổng cộng 8 chiếc răng giúp việc nhai nuốt trở nên dễ dàng hơn. Mẹ có thể tập cho con cách xúc đồ ăn và trải nghiệm thêm nhiều thứ mới lạ. Hãy để con học một cách tự nhiên mẹ nhé, đừng ép buộc hoặc ngăn cấm một cách quyết liệt. Điều này sẽ giúp bé tự tin hơn và nhạy cảm hơn với mọi thứ đấy.

bé tập vẽ
Thật nhanh đúng không mẹ, bé lúc này đã lớn và có thể đi đứng, cầm nắm đồ vật một cách dễ dàng. Lúc này con đã học được rất nhiều kĩ năng mới như cầm bút vẽ nguệch ngoạc. Ảnh Internet

Các cột mốc phát triển của trẻ sơ sinh trên đây chỉ mang tính chất tham khảo cho bố mẹ, không phải tất cả các bé đều sẽ phát triển một cách giống nhau. Sẽ có bé nhanh hơn về cái này, có bé nhanh hơn về cái kia đó là chuyện rất bình thường. Mẹ không nên so sánh bé với những bé khác vì nó sẽ làm bé tự ti và mặc cảm hơn đấy ạ. Yeutre.vn chúc bé có một hành trình phát triển thật tuyệt vời nhé.

Hiền Anh tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI