1. Đi khám ngay khi phát hiện có thai
Ngay khi có những triệu chứng: trễ kinh, que thử 2 vạch,... các mẹ nên đến bác sĩ ngay lập tức để được chuẩn đoán một cách chính xác nhất, rằng có mang thai hay không, thai đã vào tử cung hay chưa, được bao nhiêu tuần? Đây là lần khám quan trọng nhất trong tất cả các giai đoạn, nếu các mẹ lơ là và bỏ qua, có thể sẽ xảy ra những hậu quả đáng tiếc mà không ai lường trước được như: sảy thai sớm, thai lưu, bất thường ở tử cung mà mẹ bầu không biết,...
Điều quan trọng bậc nhất khi khám thai ở giai đoạn này là phát hiện được bé đã vào tử cung chưa?, nếu vẫn chưa cần được bác sĩ can thiệp kịp thời, tình trạng này nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn tới các tình trạng nặng nề như: sảy thai, vỡ ối, chảy máu ổ bụng gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ, thai nằm ngoài tử cung có thể vỡ bất kì lúc nào, gây chảy máu ổ bụng ồ ạt, nếu nhẹ là xỉu, nặng hơn là tử vong nếu không tới bệnh viện kịp thời.
2. Từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 13
Thời điểm này các mẹ đi khám thai để xác định được tuổi thai, từ đó có cơ sở nhiều hơn để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Bên cạnh đó, giai đoạn này còn đo luôn cả độ mờ da gáy, nhằm xác định những sự bất thường về nhiễm sắc thể của thai nhi có thể gây ra bệnh nguy hiểm như: Down, dị dạng tim, thoái vị cơ hoành,... Đặc biệt, những điều này chỉ xuất hiện trong khoảng từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 13 của thai kỳ để thuận lợi kiểm tra, nếu qua tuần thứ 13, dự đoán thông qua chỉ số trên máy sẽ không còn chính xác tuyệt đối. Bố, mẹ đừng quên đánh dấu mốc thời gian quan trọng này nhé!
3. Từ tuần thứ 14 đến tuần thứ 17
Thời điểm này, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ, để thực hiện một số xét nghiệm sàng lọc trước sinh (Triple Test), bác sĩ áp dụng phương pháp này giúp đưa ra dự đoán nguy cơ thai bị Down, dị dạng nhiễm sắc thể hay không. Nếu kết quả cho ra với xác suất 1/250, thể hiện rằng thai nhi có nguy cơ bị mắc bệnh Down, lúc này bác sĩ sẽ tiến hành chọc ối để xác định chính xác hơn tình hình.
4. Từ tuần thứ 21 đến tuần thứ 24
Khám thai trong thời gian này để phát hiện các bất thường về hình thái của thai nhi, tránh các dị dạng như: sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng cơ quan nội tạng, tay, chân,... có thể nhìn thấy được.
5. Tuần thứ 32
Thời điểm này, các mẹ bầu thường được bác sĩ khuyên nên siêu âm màu, để theo dõi Doppler động mạch rốn, não, tử cung, kiểm tra tình trạng nước ối, dây rốn, để chuẩn bị cho việc sinh nở, khoảng thời gian này việc dự đoán cân nặng của bé sau khi sinh là tương đối chính xác.
6. Tuần thứ 37
Gần cuối thai kỳ, mẹ bầu bắt đầu cảm thấy nặng nề hơn, do bé đã đủ cân nặng để chào đời. Thời điểm này, mẹ nên đi khám đều đặn hơn vào mỗi tuần, kể cả khi không có dấu hiệu bất thường nào, nhằm đề phòng những tình huống bất ngờ. Nếu mẹ bầu cảm thấy đau bụng, ra máu hoặc không thấy cử động của bé, lập tức đến ngay bệnh viện để theo dõi tình hình nhé!
Các giai đoạn khám thai không chỉ quan trọng ở việc giúp cho bố, mẹ dễ dàng theo dõi sự phát triển của bé, mà còn để phát hiện, phòng tránh những tình trạng xấu ảnh hưởng đến bé yêu. Bố mẹ ơi, hãy ghi nhớ đừng quên 6 giai đoạn khám thai hết sức quan trọng như đã được đề cập nhé!
Bích Nhã tổng hợp