Các bệnh về mắt ở trẻ sơ sinh - vấn đề mẹ cần đặc biệt quan tâm

Các bệnh về mắt ở trẻ sơ sinh là một vấn đề rất dễ khiến các cha mẹ lo lắng, vì mắt là một bộ phận cực kỳ quan trọng nhưng cũng dễ bị tổn thương ở trẻ, đặc biệt khi trẻ mới sinh và cơ thể còn rất yếu ớt. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu các căn bệnh phổ biến về mắt thường gặp ở những tháng đầu đời của trẻ nhé. 

banner ads

Bệnh về mắt ở trẻ sơ sinh
Các bệnh về mắt ở trẻ sơ sinh là vấn đề mẹ cần đặc biệt quan tâm. Ảnh Internet 

1. Bệnh viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh

Bệnh viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh hay đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh là tình trạng mắt trẻ bị sưng mọng và đỏ do bị nhiễm trùng, bị kích thích hoặc bị tắc ống dẫn lệ. Khi bị nhiễm trùng, tình trạng này có thể trở nên rất nghiêm trọng.

1.1. Triệu chứng và nguyên nhân của bệnh viêm kết mạc sơ sinh

Viêm kết mạc sơ sinh có thể phát triển ở trẻ ngay từ ngày đầu sau sinh hoặc sau sinh 1-2 tuần. Triệu chứng phổ biến của bệnh này là tình trạng mắt sưng đỏ và trở nên nhạy cảm.

Nguyên nhân của viêm kết mạc sơ sinh rất khó xác định vì nó có biểu hiện giống nhau mà không phụ thuộc vào nguyên nhân. 

Bé dụi mắt
Bệnh viêm kết mạc về mắt thường gặp ở trẻ sơ sinh. Ảnh Internet 

Một số loại viêm kết mạc sơ sinh phổ biến bao gồm:

banner ads
  • Viêm kết mạc do Chlamydial : vi khuẩn Chlamydial trachomatis có thể gây viêm kết mạc và nhiễm trùng bộ phận sinh dục. Những phụ nữ bị Chlamydial mà không được điều trị có thể truyền vi khuẩn cho trẻ khi sinh. Triệu chứng của viêm kết mạc dạng này là mắt đỏ, chảy ghèn và mí mắt sưng. Các triệu chứng có khả năng xuất hiện ở trẻ 5-12 ngày sau sinh. Khoảng một nửa số trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc do Chlamydial cũng bị nhiễm trùng ở các bộ phận khác trên cơ thể như phổi hay vòm họng.
  • Viêm kết mạc do cầu khuẩn : vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây kết mạc do lậu cầu cũng như nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục gọi là bệnh lậu. Tương tự như Chlamydial, phụ nữ bị lậu không được điều trị có thể truyền vi khuẩn cho em bé khi sinh. Viêm kết mạc do cầu khuẩn thường gây đỏ mắt ở trẻ, mủ dày và sưng mí mắt. Triệu chứng bệnh xuất hiện sớm, khoảng 2-4 ngày sau khi sinh. Nó có thể liên quan đến tình trạng nhiễm trùng máu, viêm màng não và tủy sống ở trẻ sơ sinh.
  • Viêm kết mạc hóa học : là tình trạng mắt trẻ bị kích thích khi được dùng các loại thuốc nhỏ mắt để ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn. Triệu chứng của viêm kết mạc hóa học thường gồm đỏ mắt nhẹ, sưng mí mắt. Các triệu chứng này có khả năng chỉ kéo dài trong vòng 24 đến 36 giờ.
  • Viêm kết mạc do các loại vi khuẩn khác : ngoài Chlamydial và lậu, vi khuẩn sống trong đường âm đạo của phụ nữ (không lây qua đường tình dục), virus gây mụn rộp sinh dục và miệng cũng có thể gây viêm kết mạc và tổn thương nghiêm trọng cho mắt trẻ, chúng thường truyền qua trẻ từ mẹ trong khi sinh. Tuy nhiên, viêm kết mạc do các loại vi khuẩn, virus khác không phổ biến bằng vi khuẩn lậu và chlamydial. Triệu chứng của viêm kết mạng dạng này cũng thường là mắt sưng, đỏ và có mủ. 
Mắt bé bị sưng
Mắt bé sưng đỏ có thể là triệu chứng của viêm kết mạc. Ảnh Internet 

1.2. Phòng ngừa và điều trị viêm kết mạc sơ sinh như thế nào

Để ngăn ngừa viêm kết mạc sơ sinh, bác sỹ có thể dùng thuốc dạng nhỏ giọt hay thuốc mỡ cho trẻ. Trước đây, loại thuốc thông dụng là bạc nitrat, hiện nay các bệnh viện thường dùng thuốc kháng sinh nhỏ mắt như erythromycin.

Trong khi mang thai và trước khi sinh, phụ nữ bị mụn rộp sinh dục nên tham khảo ý kiến bác sỹ về các cách có thể dùng để giảm thiểu nguy cơ truyền vi khuẩn sang cho em bé.

Đối với điều trị viêm kết mạc do vi khuẩn, bác sỹ có thể dùng kháng sinh. Việc này phụ thuộc vào chủng vi khuẩn cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng. Các loại kháng sinh được áp dụng như: thuốc nhỏ mắt (dạng mỡ hoặc giọt), thuốc uống hoặc tiêm kết hợp với rửa mắt bằng nước muối sinh lý để loại bỏ mủ.

Phương pháp điều trị các dạng viêm kết mạc sơ sinh cụ thể như sau:

  • Viêm kết mạc do chlamydial : bác sỹ sẽ cho trẻ dùng kháng sinh đường uống.
  • Viêm kết mạc do cầu khuẩn : kháng sinh sẽ được truyền qua đường tĩnh mạch, vì đây là dạng nhiễm trùng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị loét giác mạc và bị mù.
  • Viêm kết mạc hóa học : vì đây là dạng viêm do kích ứng hóa học nên thường không cần điều trị. Trẻ sẽ khỏe dần sau 24-36 giờ.
  • Viêm kết mạc do vi khuẩn, virus khác : bác sỹ sẽ cho trẻ dùng thuốc nhỏ kháng sinh hoặc thuốc mỡ để điều trị. Ngoài ra, đắp gạc ấm có thể giúp mắt trẻ giảm sưng và kích ứng. 
Nhỏ thuốc mắt bé
Bé bị viêm kết mạc sẽ được nhỏ thuốc khánh sinh hoặc thuốc mỡ để điều trị. Ảnh Internet 

2. Tắc ống dẫn lệ ở trẻ sơ sinh

Tắc ống dẫn lệ ở trẻ sơ sinh khá phổ biến và hiếm khi là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.

Ống dẫn lệ là một ống nhỏ nằm ở góc mắt gần với mũi có nhiệm vụ dẫn nước mắt khỏi mắt để chảy vào mũi. Nếu ống này bị tắc, trẻ sẽ thường xuyên bị chảy nước mắt sống (nước mắt chảy khi trẻ không khóc) đặc biệt khi trời lạnh, gió hoặc trẻ bị cảm. Đồng thời, mắt trẻ có thể tiết dịch lỏng thậm chí có cả mủ, dịch này thường tập trung ở phần góc mắt.

2.1. Triệu chứng và nguyên nhân của tắc ống dẫn lệ ở trẻ sơ sinh

Trẻ bị tắc ống dẫn lệ thường có các triệu chứng sau:

  • Mắt luôn trong tình trạng long lanh nước
  • Có ghèn hay mủ ở góc trong của mắt
  • Mắt tiết dịch lỏng hoặc chất nhầy và mủ
  • Trẻ có hoặc không bị khó chịu 
Mắt bé long lanh
Tắc ống dẫn lệ ở trẻ sơ sinh là bệnh khá phổ biến. Ảnh Internet 

Các dấu hiệu của tình trạng tắc ống dẫn lệ thường bắc đầu xuất hiện khi trẻ được 3 tuần tuổi. Mặc dù bị chảy nước mắt nhiều nhưng trẻ sẽ không thấy quá khó chịu. Nếu mắt trẻ tiết dịch mủ kéo dài, bạn nên đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tắc ống dẫn lệ ở trẻ sơ sinh là do tuyến lệ của trẻ vẫn chưa phát triển hoàn thiện, bao gồm:

  • Van ở cuối ống dẫn lệ chưa mở đúng cách
  • Ống dẫn lệ hẹp
  • Các vị trí gọi là điểm lệ trên mí mắt (nơi nước mắt chảy qua) phát triển bất thường

Ngoài ra một số nguyên nhân hiếm gặp hơn có thể kể đến:

  • Cơ mặt bị sưng (do nhiễm trùng hay nguyên nhân khác) tạo áp lực lên ống lệ
  • Ống dẫn lệ bị tổn thương
  • Khối u trong mũi hoặc ở vị trí gây ảnh hưởng đến ống lệ
  • Xương mũi gây cản trở đường dẫn nước mắt 
Bé chảy nước mắt
Nếu bị tắc ống dẫn lệ, trẻ sẽ thường xuyên bị chảy nước mắt. Ảnh Internet 

2.2. Điều trị tắc ỗng dẫn lệ ở trẻ sơ sinh như thế nào

Thông thường, tình trạng tắc ống lệ ở trẻ sẽ tự khắc phục trong năm tuổi đầu tiên mà không cần can thiệp nhiều. Bác sỹ có thể chỉ định một số phương pháp hỗ trợ mà các cha mẹ có thể thực hiện tại nhà gồm:

  • Giữ vệ sinh mắt cho trẻ : dùng khăn hoặc bông sạch và nước ấm để lau phần dịch tiết từ mắt trẻ. Bạn cần rửa tay sạch trước khi thực hiện việc này và lưu ý luôn dùng một miếng bông mới, sạch riêng biệt cho mỗi mắt của trẻ.
  • Nhỏ mắt cho trẻ theo chỉ định của bác sỹ (nếu có).
  • Mát xa vùng tuyến lệ cho trẻ : dùng ngón trỏ ấn nhẹ nhàng vào hai bên sống mũi trẻ (vị trí gần góc mắt) và vuốt nhẹ dọc xuống. Động tác của bạn nên nhẹ nhàng nhưng dứt khoát và chính xác để đảm bảo hiệu quả của việc mát xa. Bạn nên thực hiện việc này cho trẻ 2 lần 1 ngày vào buổi sáng và tối. 
Vệ sinh mắt cho trẻ
Giữ vệ sinh mắt cho trẻ để phòng tắc ống dẫn lệ. Ảnh Internet 

Trong trường hợp tình trạng của trẻ không được cải thiện khi trẻ được 1 tuổi, bác sỹ có thể sử dụng các phương pháp khác để giải quyết vấn đề, bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi để thông ống lệ bị tắc nghẽn
  • Sử dụng ống thông để giữ ống lệ được thông thoáng

3. Một số tình trạng về mắt khác thường gặp ở trẻ sơ sinh

Ngoài viêm kết mạc và mắt tiết dịch do tắc ống dẫn lệ, bạn có thể nhận thấy một số vấn đề khác đối với mắt trẻ, bao gồm:

  • Hai mắt trẻ không phối hợp : hai mắt trẻ sơ sinh có thể không phối tốt với nhau khi mới chào đời, chúng có thể di chuyển độc lập. Điều này nghe có vẻ bất thường và khiến bạn lo lắng nhưng thực ra nó lại hoàn toàn bình thường. Trẻ cần thời gian để học cách sử dụng cũng như tăng cường cơ mắt. Mọi thứ sẽ tự khắc phục khi trẻ được 3 tháng tuổi. Nếu sau thời gian này, mắt trẻ vẫn chưa hoạt động “ăn ý” với nhau thì bạn cần đưa con đến gặp bác sỹ để được thăm khám và can thiệp nếu cần thiết.
  • Mắt lác : đôi khi các nếp gấp của da ở góc trong mắt có thể khiến mắt bị lác. Khi bé lớn lên, các nếp gấp co lại và mắt trông sẽ đều hơn. Tuy nhiên, một số bé có đôi mắt thực sự cần phải được điều trị sớm. Vì nếu không, mắt bé có thể trở nên mắt lười, tình trạng mà trẻ chỉ phụ thuộc vào một mắt và mắt còn lại sẽ bị yếu đi. 
Bé bị mắt lác
Mắt lác cũng là tình trạng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh. Ảnh Internet 

Các bệnh về mắt ở trẻ sơ sinh như đã đề cập ở trên là vấn đề các cha mẹ rất nên lưu ý. Vì việc tổn thương mắt ở giai đoạn đầu đời của trẻ nếu không được can thiệp kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của bé và cả cuộc sống của con sau này. Vì vậy nếu nhận thấy mắt trẻ có biểu hiện bất thường, hoặc biểu hiện không nghiêm trọng nhưng kéo dài và không cải thiện, bạn cần đưa con đến bác sỹ hoặc cơ sở y tế để được thăm khám càng sớm càng tốt.

Theo CDC, Medical News Today, About Kids' Health

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI