Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có ảnh hưởng đến thai kỳ bạn nên lưu ý

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục là yếu tố rất nguy hiểm ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn, đặc biệt là sức khỏe của em bé. Thậm chí chúng có thể để lại di chứng lâu dài khi bé sinh ra. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những căn bệnh này để có thêm thông tin cho việc chuẩn bị trước khi mang thai thật tốt nhé. 

banner ads
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục có ảnh hưởng nhất định đến việc có con và mang thai của bạn. Ảnh Internet 

1. Những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục có ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (Sexually transmitted infections-STIs hay Sexually transmitted deseases-STDs) như đúng tên gọi của chúng, là những căn bệnh có thể lây qua đường tình dục khi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ. Đối với người bình thường, những căn bệnh này đã có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, và nếu bạn mang thai thì sự ảnh hưởng càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là đối với thai nhi. Cụ thể như sau:

  • Bệnh HIV : là bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch mà nếu bị nhiễm bệnh, trẻ sẽ cần điều trị suốt đời. Bên cạnh đó, trẻ còn có nguy cơ cao sẽ mắc những căn bệnh khác do hệ miễn dịch bị suy yếu. Phụ nữ mang thai có thể lây bệnh HIV cho thai nhi trong quá trình mang thai, chuyển dạ và sinh con hay cho con bú. Tuy nhiên nếu được chẩn đoán và phát hiện sớm trong thai kỳ, mẹ vẫn có thể được can thiệp để giảm nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi. 
Bệnh HIV
Phụ nữ mang thai có thể lây bệnh HIV cho thai nhi. Ảnh Internet 
  • Bệnh viêm gan B : là bệnh do virus viêm gan B gây ra. Bệnh viêm gan B có ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hoạt động của gan, có thể gây nhiễm trùng gan dẫn đến suy gan, sơ gan, ung thư gan đe dọa đến tính mạng người mắc bệnh. Phụ nữ bị nhiễm bệnh càng gần ngày sinh thì nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi càng cao. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được nếu trẻ sơ sinh (có nguy cơ cao bị lây bệnh) được điều trị dự phòng sớm sau khi sinh.
  • Bệnh Chlamydia : do vi khuẩn chlamydia gây ra có thể dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ quan sinh sản, vô sinh và mang thai ngoài tử cung. Nếu bạn bị nhiễm chlamydia trong thai kỳ và không được điều trị thì bạn có khả năng bị sinh non cũng như truyền bệnh cho em bé trong quá trình sinh nở và em bé có thể bị nhiễm trùng mắt hoặc viêm phổi. 
Bệnh Chlamydia
Bệnh Chlamydia có khả năng khiến bạn bị sinh non và truyền bệnh cho em bé. Ảnh Internet 
  • Bệnh giang mai : do xoắn khuẩn giang mai gây ra, nó gây tổn thương cho hầu hết các bộ phận trong cơ thể. Phụ nữ mang thai bị giang mai có thể dẫn đến sinh non, thai chết lưu và trong một số trường hợp là trẻ tử vong sau khi sinh. Trẻ sơ sinh bị lây bệnh từ mẹ trong quá trình mang thai (thường từ tháng thứ tư trở đi) nếu không được điều trị sẽ có nguy cơ cao bị biến chứng liên quan đến nhiều cơ quan trong cơ thể.
  • Bệnh lậu : do vi khuẩn gonococcus gây nên. Trong thai kỳ, phụ nữ bị bệnh lậu dễ bị sảy thai hoặc thai ngoài tử cung và có thể truyền bệnh cho con khi sinh qua ngả âm đạo. Em bé mắc bệnh này sẽ bị ảnh hưởng cả về thể chất lẫn trí tuệ.
  • Bệnh viêm gan C : do virus viêm gan C gây nên. Nó có thể truyền từ mẹ sang con nếu phụ nữ bị bệnh trong thai kỳ và làm tăng khả năng sinh non, kích thước thai nhi nhỏ so với tuổi thai và em bé sinh ra nhẹ cân.
Bệnh viêm gan C
Bệnh viêm gan C có thể truyền từ mẹ sang con làm tăng khả năng sinh non. Ảnh Internet 

Những ảnh hưởng khác mà STIs có thể gây ra cho thai nhi bao gồm:

  • Nhiễm trùng mắt
  • Viêm phổi
  • Nhiễm trùng máu
  • Tổn thương não
  • Điếc
  • Bệnh gan mãn tính

Các biến chứng do bệnh STIs gây ra có thể nhận thấy ngay khi em bé được sinh ra hoặc tận đến nhiều tháng thậm chí nhiều năm sau này. Những trẻ bị lây những căn bệnh này từ mẹ sẽ tăng nguy cơ bị nhiễm bệnh HIV. Vì vậy, việc xét nghiệm để phát hiện bệnh (nếu có) là rất cần thiết để các bác sỹ có thể áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp và hiệu quả, giúp bảo vệ em bé một cách tốt nhất. 

Cặp đôi hạnh phúc
Kiểm tra bệnh STIs trước khi có kế hoạch mang thai là điều các cặp đôi cần thực hiện. Ảnh Internet 

2. Các căn bệnh STIs được điều trị như thế nào trong thai kỳ

Bệnh lậu, chlamydia và giang mai có thể được điều trị và chữa khỏi bằng những loại kháng sinh an toàn khi uống trong thai kỳ. Tuy nhiên đối với các bệnh do virus như viêm gan B, C và HIV thì không thể chữa khỏi.

Trong một số trường hợp, thuốc kháng virus và các công cụ phòng ngừa khác có thể được sử dụng để giúp giảm nguy cơ truyền bệnh cho thai nhi. Phụ nữ bị nhiễm HIV có thể cần phải sinh bằng phương pháp sinh mổ để hạn chế khả năng lây bệnh cho em bé.

Nếu bạn có ý định mang thai, chuẩn bị mang thai , nghi ngờ có thai hay đang mang thai, bạn nên thực hiện các xét nghiệm đối với STIs để có thể có biện pháp bảo vệ bản thân và em bé. 

Mẹ bầu nói chuyện với bác sỹ
Một số bệnh STIs có thể được điều trị khỏi trong thai kỳ nhưng một số thì không vì vậy bạn cần xét nghiệm STIs để có biện pháp bảo vệ bản thân và em bé. Ảnh Internet 

3. Bạn có thể làm gì để phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục trong thai kỳ

Để phòng ngừa bệnh lây truyền qua đường tình dục trong thai kỳ, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Kiêng quan hệ tình dục là biện pháp hiệu quả nhất giúp bạn tránh mắc phải bệnh lây truyền tình dục , cụ thể như các căn bệnh truyền nhiễm trên. Tuy nhiên, nếu không thể thực hiện được cách này bạn hãy:
  • Sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su, màng chắn miệng (dental dam) khi quan hệ tình dục. Luôn kiểm tra và sử dụng bao cao su, màng chắn mới cho mỗi lần quan hệ, bất kể ở vị trí nào.
  • Duy trì quan hệ một vợ một chồng, không quan hệ tình dục bừa bãi.
  • Đối với đối tác mới, cần kiểm tra STIs trước khi có quan hệ gần gũi.
  • Không sử dụng chất bôi trơn gốc dầu vì chúng có thể ảnh hưởng đến chất lượng của các công cụ bảo vệ.
  • Không dùng bao cao su làm từ màng tự nhiên vì chúng không hiệu quả trong việc ngăn ngừa STIs. 
Bao cao su
Dùng bao cao su khi quan hệ để tránh các bệnh lây qua đường tình dục. Ảnh Internet 

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như đã đề cập ở trên rất nguy hiểm đến sức khỏe của bạn và em bé nếu bạn bị nhiễm bệnh trong quá trình mang thai. Chúng không những có thể ảnh hưởng đến em bé khi còn trong bụng mẹ mà còn gây biến chứng khi sinh nở thậm chí để lại hậu quả lâu dài về sức khỏe đối với bé. Vì vậy, trong kế hoạch có con, bạn nhất thiết nên đưa việc kiểm tra bệnh STIs vào danh sách những việc cần thực hiện. Và trong thai kỳ, bạn cũng vẫn cần phải chú ý đến vấn đề này để bảo vệ sức khỏe cho chính bạn cùng bé yêu nhé.

Theo CDC & Mayo Clinic

Lily Nguyễn tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI