Ngày nay, mọi người thường có thói quen đăng tải hình ảnh của con mình hằng ngày trên các trang mạng xã hội. Điều này đã vô tình khiến cho kẻ xấu theo dõi và cập nhật trạng thái để làm quen với ba mẹ, nhằm bắt cóc trẻ em. Đây được xem là một thủ đoạn bắt cóc vô cùng hiện đại, trắng trợn mà chúng ta cần cảnh giác cao độ.
1. Làm quen mẹ qua mạng để lừa bắt cóc con
Tại Đồng Nai, Biên Hòa từng xảy ra vụ việc bắt cóc trẻ em bằng cách thức làm quen trên mạng. Chị T. H. Hằng, 20 tuổi, quen biết một người phụ nữ tên là Trang, sinh năm 1997 qua mạng xã hội và 2 người trở nên thân thiết sau vài lần nói chuyện. Sau một thời gian tâm sự cùng nhau, Trang tìm hiểu và biết chị Hằng mới sinh con chưa đầy tháng, Trang liền thỏ thẻ về việc mình cũng mang thai trong cùng thời gian nhưng bị sảy thai, phải giấu gia đình nhà chồng.
Một buổi sáng, Trang cùng một người phụ nữ xưng là mẹ Trang đến gặp chị Hằng xin mượn con một ngày để đi gặp mẹ chồng, Trang sẽ nói dối với mẹ chồng đây là con mình để không bị mẹ chồng hắt hủi. Thương bạn lại xót xa với tình cảnh bạn đang trải qua, chị Hằng đồng ý cho mượn con nhưng với điều kiện để chị ở gần quan sát.
Sau khi trao con cho Trang ẵm vào nhà nghỉ nhưng vẫn không an tâm nên chị Hằng vẫn đi lại bên ngoài phòng để ngóng con. Hơn 15 phút sau, khi đi qua nhìn vào phòng, chị Hằng tá hỏa thấy không còn ai ở bên trong căn phòng, chạy xuống hỏi quản lý nhà nghỉ thì được biết, Trang và người phụ nữ tự xưng là mẹ Trang vừa bế cháu bé lên xe taxi đi mất.
Chị Hằng ngay lập tức báo Công sát và tổng đài của hãng taxi nhờ giúp đỡ. Khi tìm được thì thấy Trang và người phụ nữ đi cùng đang bế cháu bé trốn trong nhà vệ sinh. Sau đó, cơ quan điều tra đã tạm giữ để xét xử Trang và người phụ nữ xưng là mẹ Trang về tội bắt cóc trẻ em.
2. Bài học gì từ sự việc bắt cóc trẻ em nêu trên?
Ngày nay, khi thời đại công nghệ bùng nổ, người người nhà nhà đều dùng facebook và các trang mạng xã hội khác thì sẽ có các hình thức bắt cóc trẻ em tinh vi hơn ra đời, lợi dụng sơ hở của đám đông, và sự “đồng cảm” của “hội mẹ bỉm sữa” chơi facebook, tương tự như trường hợp kể trên. Do đó, để hạn chế tình trạng bắt cóc trẻ em trong thời đại hiện nay, các “bà mẹ bỉm sữa” nên lưu ý một số điều quan trọng như dưới đây.
Hết sức cảnh giác với mọi trường hợp kết bạn trên mạng mà không có thông tin liên lạc, hay bất kì mối quan hệ chung nào. Thời đại của facebook là mọi người đều có thể ngồi một chỗ, mà có được thông tin và kết bạn với hàng ngàn người khác nhau. Đây là lợi nhưng đây cũng là hại, vì các đối tượng bắt cóc trẻ em sẽ lợi dụng điều này để tìm kiếm thông tin, khoanh vùng đối tượng, cũng như dựa vào các sơ hở của đối phương, đánh vào lòng thương cảm, sự đồng cảm và cả tin của các “bà mẹ”, “bà vợ” mà thực hiện các hành vi xấu.
Không được cho bất cứ người lạ nào bế trẻ, các mẹ nên hiểu rằng, có thể họ là những người quen trên mạng, nhưng chưa chắc họ đã là những người quen ngoài đời thực. Do đó, nếu không có quá trình tìm hiểu, tiếp xúc nhiều lần ở “thế giới thực”, thì các mẹ cũng không nên tin tưởng vào bất cứ ai quen trên mạng. Đừng để sự đồng cảm ở “thế giới ảo” trở thành công cụ để các đối tượng bắt cóc trẻ em lợi dụng.
Gia đình phải báo ngay với công an hoặc cơ quan có thẩm quyền ngay khi có điều bất thường xảy ra. Trong thời đại “vàng thau lẫn lộn” thì mọi sự nghi ngờ và cảnh giác đều rất cần thiết. Vì vậy, khi thấy có người “bạn qua mạng” lặn lội đường xa để cố gắng tiếp cận mình và con mình bằng mọi cách, các mẹ nên có sự cảnh giác nhất định. Nếu có bất cứ đều gì khả nghi về việc bắt cóc trẻ em thì nên báo ngay với công an hoặc lực lượng chức năng để có phương hướng giải quyết tốt nhất.
Hy vọng, đây sẽ là lời cảnh báo vô cùng thiết thực cho các “bà mẹ bỉm sữa” sử dụng facebook thường xuyên, nhằm giúp các mẹ có một “thế giới ảo lành mạnh”. Bên cạnh đó, cần có kiến thức cập nhật về hành vi bắt cóc trẻ em qua mạng để bảo vệ con mình là việc làm rất cần thiết, nhất là khoảng thời gian nghỉ lễ, nghỉ hè đang đến gần, khi các gia đình có con nhỏ, có dịp đưa con ra ngoài nhiều hơn.
Ngọc Hoài tổng hợp